Văn bản pháp luật: Nghị định 28/2007/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 234+235
Nghị định 28/2007/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực toàn bộ
21/03/2007
26/02/2007

Tóm tắt nội dung

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư

Thủ tướng
2.007
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư

___________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị quyết số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

TIÊU CHUẨN LUẬT SƯ

Điều 1. Bằng cử nhân luật

Người có bằng cử nhân luật quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư là người có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật do Cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cấp hoặc có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật do Cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 2. Cơ sở đào tạo nghề luật sư

1. Cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Bộ Tư pháp và Cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Tổ chức luật sư toàn quốc có nhiệm vụ đào tạo nghề luật sư.

2. Cơ sở đào tạo nghề đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được đào  tạo nghề luật sư:

a) Có đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức và trình độ đào tạo, bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình đào tạo nghề luật sư;

b) Có chương trình đào tạo, giáo trình phù hợp với chương trình khung về đào tạo nghề luật sư;

c) Có trường sở, tài chính, thiết bị phục vụ dạy và học.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn, thủ tục thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư.

3. Chỉ có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư do cơ sở đào tạo nghề luật sư của Bộ Tư pháp, Tổ chức luật sư toàn quốc cấp hoặc do cơ sở đào tạo nghề luật sư của nước ngoài cấp, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận mới có giá trị theo quy định tại Điều 12 của Luật Luật sư.

Chương II

TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Điều 3. Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư gồm những nội dung chính sau đây:

1. Tên văn phòng luật sư, công ty luật;

2. Địa chỉ trụ sở;

3. Họ, tên, địa chỉ thường trú của luật sư Trưởng văn phòng luật sư hoặc luật sư chủ sở hữu (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc các luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);

4. Họ, tên của người đại diện theo pháp luật (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);

5. Lĩnh vực hành nghề.

Bộ Tư pháp quy định mẫu Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

Điều 4. Điều lệ Công ty luật

Điều lệ công ty luật gồm những nội dung chính sau đây:

1. Tên, địa chỉ trụ sở;

2. Loại hình công ty luật;

3. Lĩnh vực hành nghề;

4. Họ, tên, địa chỉ thường trú của luật sư chủ sở hữu (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc các luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);

5. Quyền và nghĩa vụ của luật sư chủ sở hữu hoặc các luật sư thành viên;

6. Phần vốn góp của luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);

7. Điều kiện và thủ tục tham gia hoặc rút tên khỏi danh sách luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);

8. Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành;

9. Thể thức thông qua quyết định, nghị quyết; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

10. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm của các luật sư thành viên đối với nghĩa vụ của công ty (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);

11. Các trường hợp tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thủ tục thanh lý tài sản;

12. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty luật.

Điều lệ công ty luật phải có chữ ký của luật sư chủ sở hữu hoặc của tất cả luật sư thành viên.

Điều 5. Đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

1. Văn phòng luật sư, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên.

Công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà các thành viên của công ty đều là thành viên của một Đoàn luật sư thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư đó.

Công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà các thành viên là thành viên của các Đoàn luật sư khác nhau thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.

2. Thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật Luật sư.

3. Giấy đăng ký hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật được làm thành 2 bản; một bản cấp cho văn phòng luật sư hoặc công ty luật, một bản lưu tại Sở Tư pháp.

4. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho văn phòng luật sư, công ty luật, Sở Tư pháp gửi bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Cục thuế của địa phương và Bộ Tư pháp.

5. Văn phòng luật sư, công ty luật phải nộp lệ phí đăng ký hoạt động theo mức lệ phí đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

6. Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, văn phòng luật sư, công ty luật được khắc và sử dựng con dấu của mình theo quy định của pháp luật về con dấu.

Điều 6. Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư có nội dung chính sau đây:

1. Tên, địa chỉ trụ sở;

2. Lĩnh vực hành nghề;

3. Họ, tên người đại diện theo pháp luật;

4. Họ, tên, địa chỉ nơi thường trú của luật sư thành viên.

Bộ Tư pháp quy định mẫu Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

Điều 7. Đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư

1. Thủ tục đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật Luật sư. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, tổ chức hành nghề luật sư phải gửi thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi văn phòng, công ty đặt trụ sở và Đoàn luật sư nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

2. Khi đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng luật sư, công ty luật phải nộp lệ phí đăng ký theo mức lệ phí đăng ký lập chi nhánh của doanh nghiệp.

3. Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư được sử dụng con dấu của mình theo quy định của pháp luật về con dấu.

Điều 8. Chuyển đổi Công ty luật trách nhiệm hữu hạn

1. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

2. Trong trường hợp chuyển đổi từ hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì Giám đốc công ty luật phải gửi hồ sơ chuyển đổi đến Sở Tư pháp nơi công ty đăng ký hoạt động. Hồ sơ chuyên đổi gồm có:

a) Đơn đề nghị chuyển đổi trong đó nêu rõ mục đích và lý do chuyển đổi;

b) Dự thảo Điều lệ của công ty luật mới;

c) Danh sách thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu của công ty luật mới;

d) Giấy đăng ký hoạt động đã được cấp.

3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoặc giấy tờ chuyển đổi quy định tại khoản 2 của Điều này, Sở Tư pháp phải cấp Giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Luật sư.

Điều 9. Thuê luật sư nước ngoài làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư

Tổ chức hành nghề luật sư có thể ký kết hợp đồng lao động thuê luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam làm việc cho tổ chức mình. Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài làm thuê cho tổ chức hành nghề luật sư được thoả thuận trong hợp đồng phù hợp với Luật Luật sư, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng thuê luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo băng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động kèm theo hợp đồng thuê luật sư nước ngoài.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng thuê luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.

Chương III

THÙ LAO LUẬT SƯ THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Điều 10. Mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự

1. Mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Luật sư và được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất quy ra giờ không được vượt quá 100.000 đồng/1 giờ làm việc của luật sư.

Thời gian làm việc của luật sư do luật sư và khách hàng thoả thuận.

2. Khuyến khích văn phòng luật sư, công ty luật hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân miễn, giảm thù lao luật sư cho những người nghèo, đối tượng chính sách.

Điều 11. Thù lao và chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng

1. Đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho luật sư là 120.000 đồng/1ngày làm việc của luật sư.

2. Thời gian làm việc của luật sư được tính bao gồm:

a) Thời gian gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

b) Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa;

c) Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng;

d) Thời gian tham gia phiên tòa;

đ) Thời gian hợp lý khác để thực hiện việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Thời gian làm việc của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án xác nhận.

3. Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên toà, luật sư được thanh toán chi phí tiền tàu xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.

4. Cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu luật sư tham gia tố tụng có trách nhiệm thanh toán theo đúng quy định của Nhà nước về thù lao và các khoản chi phí nêu tại khoản 1, khoản 3 Điều này. Nguồn kinh phí chi trả được dự toán trong ngân sách hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.

5. Ngoài khoản thù lao và chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, luật sư không được đòi thêm bất cứ khoản tiền nào từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ.

Chương IV

THÀNH LẬP, GIẢI THỂ ĐOÀN LUẬT SƯ

Điều 12. Thành lập Đoàn luật sư

1. Tại mỗi tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khi có từ ba người có Chứng chỉ hành nghề luật sư trở lên thì được thành lập Đoàn luật sư.

2. Hồ sơ thành lập Đoàn luật sư bao gồm:

a) Giấy đề nghị thành lập;

b) Danh sách sáng lập viên;

c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư của các sáng lập viên;

d) Dự thảo Điều lệ Đoàn luật sư.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Uy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn luật sư tại địa phương. Sau khi có ý kiến nhất trí bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phép thành lập Đoàn luật sư; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho người làm đơn. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn và thực hiện thủ tục thành lập Đoàn luật sư.

Điều 13. Giải thể Đoàn luật sư

Đoàn luật sư bị giải thể nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không còn đủ 3 luật sư;

2. Vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành nhố trực thuộc Trung ương quyết định giải thể Đoàn luật sư sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn và thực hiện thủ tục giải thể Đoàn luật sư.

Chương V

HÀNH NGHỀ CỦA TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI, LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 14. Tên gọi của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

1. Tên gọi của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải bao gồm cụm từ "Chi chánh", tên tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi được phép đặt chi nhánh.

2. Tên gọi của công ty luật một trăm phần trăm vốn nước ngoài tại Việt Nam phải bao gồm cụm từ "Công ty luật trách nhiệm hữu hạn” và tên của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

3. Tên gọi của công ty luật liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam do các bên thoả thuận lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ "Công ty luật trách nhiệm hữu hạn".

Điều 15. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh

Đơn đề nghị thành lập chi nhánh có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên gọi, quốc tịch, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;

2. Tên gọi của chi nhánh;

3. Lĩnh vực hành nghề của chi nhánh;

4. Thời hạn hoạt động của chi nhánh;

5. Nơi đặt trụ sở của chi nhánh;

6. Họ, tên của luật sư được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử làm Trưởng chi nhánh.

Điều 16. Đơn đề nghị thành lập công ty luật nước ngoài

Đơn đề nghị thành lập công ty luật nước ngoài có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên gọi, quốc tịch, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; tên gọi, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh;

2. Tên gọi của công ty luật nước ngoài;

3. Lĩnh vực hành nghề của công ty luật nước ngoài;

4. Thời hạn hoạt động của công ty luật nước ngoài;

5. Nơi đặt trụ sở của công ty luật nước ngoài;

6. Họ, tên của luật sư được cử làm Giám đốc của công ty luật nước ngoài.

Điều 17. Ngôn ngữ sử dụng và hợp pháp hoá lãnh sự

1. Đơn đề nghị thành lập chi nhánh, thành lập công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, đơn đề nghị cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài được làm bằng tiếng Việt. Các giấy tờ kèm theo đơn đề nghị nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Giấy tờ do Cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 18. Đăng báo, thông báo về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải đăng báo địa phương hoặc báo trung ương trong ba số liên tiếp; thông báo bằng văn bản cho Đoàn luật sư, Cơ quan thuế của địa phương, nơi đặt trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam về các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên gọi, địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

2. Lĩnh vực hành nghề;

3. Họ tên của Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài.

Điều 19. Hợp nhất công ty luật nước ngoài

Hai hoặc nhiều công ty luật nước ngoài có thể thoả thuận hợp nhất thành một công ty luật nước ngoài mới.

Thủ tục hợp nhất được quy định như sau:

1. Các công ty luật nước ngoài chuẩn bị hợp đồng hợp nhất và hợp đồng thành lập công ty luật nước ngoài mới. Trong hợp đồng hợp nhất phải có quy định về thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; thời hạn thực hiện hợp nhất.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn xin hợp nhất và hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp ra quyết định chấp thuận việc hợp nhất dưới hình thức cấp Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài mới; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

2. Thủ tục đăng ký hoạt động, đăng báo, thông báo về việc thành lập công ty luật nước ngoài mới được thực hiện theo quy định tại Điều 79 của Luật Luật sư và Điều 18 của Nghị định này.

3. Sau khi công ty luật nước ngoài mới được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các công ty luật nước ngoài cũ chấm dứt tồn tại. Công ty luật nước ngoài mới được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, các hợp đồng dịch vụ pháp lý đang thực hiện, hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các Công ty luật nước ngoài.

Điều 20. Sáp nhập công ty luật nước ngoài

Một hoặc nhiều công ty luật nước ngoài có thể sáp nhập vào một công ty luật nước ngoài khác.

Thủ tục sáp nhập công ty luật nước ngoài được quy định như sau:

1. Các công ty luật nước ngoài liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập. Trong hợp đồng sáp nhập phải có quy định về phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; thủ tục và thời hạn thực hiện sáp nhập.

2. Công ty luật nước ngoài nhận sáp nhập không phải đăng ký hoạt động mà chỉ làm thủ tục thay đổi nội dung Giấy phép thành lập theo quy định tại Điều 80 của Luật Luật sư.

Công ty luật nước ngoài nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, các hợp đồng dịch vụ pháp lý đang thực hiện, hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty luật nước ngoài bị sáp nhập.

Điều 21. Tạm ngừng hoạt động

1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Tự quyết định tạm ngừng hoạt động;

b) Bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn.

2. Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều này thì phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp chậm nhất là 30 ngày, trước ngày dự kiến tạm ngừng hoạt động.

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được tạm ngừng hoạt động kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp.

3. Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp hoặc quyết định về việc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng hoạt động cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở.

4. Trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải nộp đủ số thuế còn nợ; chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ khác, chịu trách nhiệm về các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

5. Chậm nhất là 30 ngày trước ngày dự kiến hoạt động trở lại, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Đoàn luật sư và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoạt động trở lại.

Điều 22. Chấm dứt hoạt động

1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Tự chấm dứt hoạt động;

b) Bị thu hồi Giấy phép.

2. Trong trường hợp tự chấm dứt hoạt động, chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, Đoàn Luật sư và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp ra quyết định chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ khác; thực hiện xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với các luật sư, nhân viên lao động; giải quyết xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Trong trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập thì chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày có quyết định của Bộ Tư pháp về việc chấm dứt hoạt động hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi Giấy phép, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ khác; thực hiện xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với các luật sư, nhân viên lao động; giải quyết xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Đoàn luật sư và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoàn tất thủ tục nói trên; nộp lại Giấy phép cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp và đăng ký việc sử dụng con dấu.

Điều 23. Lệ phí

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài xin cấp Giấy phép thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung Giấy phép, xin cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LUẬT SƯ VÀ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư

1. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 Điều 83 của Luật Luật sư.

2. Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm lập dự toán ngân sách hỗ trợ cho việc bồi dưỡng luật sư, đào tạo nghề luật sư và hoạt động của Đoàn luật sư các tỉnh đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 83 của Luật Luật sư.

2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phép thành lập Đoàn luật sư; giải thể Đoàn luật sư;

b) Thẩm định, trình Ủban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trưng ương phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư;

c) Cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

d) Cung cấp thông tin về việc đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

đ) Yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư báo cáo về tình hình hoạt động khi cần thiết;

e) Định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình tổ chức luật sư và hành nghề luật sư;

g) Tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương;

h) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền hoặc theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xử phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư, Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư số 02/2002/TT-BTP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư; Thông tư số 06/2003/TT-BTP ngày 29 tháng 10 năm 2003 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 27. Trách nhiệm thi hành Nghị định

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14372&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận