Văn bản pháp luật: Nghị định 37/2013/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo Chính phủ
Nghị định 37/2013/NĐ-CP
Nghị định
10/06/2013
22/04/2013

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương

Thủ tướng
2.013
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007

 về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương

__________________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (sau đây gọi là Nghị định số 138/2007/NĐ-CP),

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP như sau:

1. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

b) Ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

c) Ban hành chế độ kế toán, cơ chế quản lý tài chính, chế độ báo cáo đối với Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

2. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện cho vay, đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

3. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

a) Phê duyệt đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

b) Phê duyệt phương án cấp, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương từ nguồn ngân sách cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Xem xét có ý kiến chấp thuận danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 1 Nghị định này;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Xây dựng đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định này;

b) Quyết định việc thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương sau khi đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

c) Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cấp, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương; bố trí nguồn để cấp, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo phương án đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt;

d) Phê duyệt điều lệ hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc phê duyệt điều lệ sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

đ) Phê duyệt tổ chức bộ máy của Quỹ đầu tư phát triển địa phương trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

e) Ban hành danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 1 Nghị định này;

g) Quyết định mức lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương trong từng thời kỳ theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định này;

h) Quyết định phê duyệt đầu tư đối với một dự án có mức đầu tư trên 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

i) Quyết định phê duyệt cho vay với một dự án có mức vốn cho vay trên 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc thời gian vay quá 15 năm;

k) Quyết định phê duyệt góp vốn đối với một doanh nghiệp có mức góp vốn trên 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

l) Quyết định số lượng thành viên hội đồng quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

m) Quản lý, kiểm tra, giám sát toàn diện tình hình hoạt động và tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

n) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Đối tượng đầu tư trực tiếp

1. Đối tượng đầu tư trực tiếp là các dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, hàng năm hoặc trong từng thời kỳ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

3. Căn cứ vào danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương quy định tại Khoản 2 Điều này, Quỹ đầu tư phát triển địa phương lựa chọn, thẩm định và quyết định đầu tư trực tiếp vào các dự án cụ thể nếu đáp ứng các điều kiện đầu tư quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định này”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 9 như sau:

“a) Đầu tư theo các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo quy định của pháp luật đầu tư.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

“Điều 11. Đối tượng cho vay

1. Đối tượng cho vay là các dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, hàng năm hoặc trong từng thời kỳ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tăng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

3. Căn cứ vào danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương quy định tại Khoản 2 Điều này, Quỹ đầu tư phát triển địa phương lựa chọn, thẩm định và quyết định cho vay các dự án cụ thể nếu đáp ứng các điều kiện cho vay quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định này”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Lãi suất cho vay

1. Lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được xác định theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất huy động bình quân của các nguồn vốn huy động, đảm bảo bù đắp phí quản lý, các chi phí khác có liên quan đến hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và bảo toàn, phát triển nguồn vốn chủ sở hữu.

2. Hàng năm hoặc trong từng thời kỳ, căn cứ nguyên tắc xác định lãi suất quy định tại Khoản 1 Điều này, Tổng giám đốc, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển địa phương tính toán, trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định ban hành mức lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

3. Quỹ đầu tư phát triển địa phương quyết định mức lãi suất cho vay đối với từng dự án cụ thể, nhưng không được thấp hơn mức lãi suất cho vay tối thiểu do Ủy ban nhân dâp cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho vay dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị định này với lãi suất thấp hơn mức lãi suất cho vay tối thiểu quy định tại Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm cấp bù phần chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và lãi suất chỉ định cho vay đối với dự án đó.

5. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chương trình hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với một dự án cụ thể thì phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Đối tượng được nhận hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là chủ đầu tư vào dự án thuộc Danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với từng dự án cụ thể, trong đó phải quy định rõ: Đối tượng được nhận hỗ trợ; phương thức, thời điểm và mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ đầu tư phát triển địa phương trong việc thẩm định dự án và giải ngân hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng được nhận hỗ trợ và của các bên có liên quan khác.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo quy định tại Điểm b Khoản này, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

6. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế có quy định về lãi suất cho vay khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo các quy định tại thỏa thuận đã ký kết với nhà tài trợ.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

“Điều 17. Quy định về cho vay hợp vốn

1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được làm đầu mối cho vay hợp vốn hoặc cùng hợp vốn với các Quỹ đầu tư phát triển địa phương khác, tổ chức tín dụng và tổ chức khác để cho vay dự án.

2. Trường hợp thực hiện cho vay hợp vốn đối với dự án không thuộc địa bàn tỉnh, thành phố nơi Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động thì việc cho vay hợp vốn phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

a) Dự án phải thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định này;

b) Dự án có tính chất hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội liên vùng, bao gồm cả địa phương nơi Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động;

c) Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của Quỹ đầu tư phát triển địa phương cho vay hợp vốn ở ngoài địa bàn tỉnh, thành phố chấp thuận.

3. Việc cho vay hợp vốn phải lập thành hợp đồng với các điều kiện, điều khoản tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định này.

4. Lãi suất cho vay hợp vốn do các Quỹ đầu tư phát triển địa phương cho vay hợp vốn tự quyết định, được thể hiện trong hợp đồng và phải đảm bảo không thấp hơn mức lãi suất cho vay tối thiểu của từng Quỹ theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định này.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:

“Điều 21. Hình thức góp vốn

Quỹ đầu tư phát triển địa phương được góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp vào các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định này”.

8. Sửa đổi Khoản 2 Điều 23 như sau:

“2. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được nhận ủy thác quản lý hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; quỹ phát triển nhà ở, quỹ phát triển đất, quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã và các quỹ tài chính địa phương khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Việc ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.”

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Giới hạn đầu tư

1. Giới hạn đầu tư trực tiếp vào các dự án tối đa bằng 50% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại thời điểm thực hiện.

2. Giới hạn cho vay:

a) Giới hạn cho vay đối với một dự án không được vượt quá 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện và không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án. Trường hợp Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện đồng thời đầu tư trực tiếp và cho vay đối với một dự án thì tổng giới hạn đầu tư trực tiếp và cho vay không được vượt quá 30% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện.

b) Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng của Quỹ đầu tư phát triển địa phương không được vượt quá 25% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

3. Giới hạn đầu tư góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế tối đa bằng 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại thời điểm thực hiện.

4. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế có quy định về giới hạn cho vay, đầu tư trực tiếp khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo các quy định tại thỏa thuận đã ký kết với nhà tài trợ.”

10. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 26 như sau:

“1. Vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương bao gồm:

a) Vốn điều lệ thực có: Là số vốn do chủ sở hữu cấp cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương để hoạt động theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định này;

b) Quỹ dự phòng tài chính, Quỹ đầu tư phát triển;

c) Các nguồn vốn khác của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.”

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:

“Điều 32. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương là tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương, hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn.

2. Quỹ đầu tư phát triển địa phương chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của mình.”

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:

“Điều 36. Thành phần Hội đồng quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương

1. Hội đồng quản lý có tối đa 05 (năm) thành viên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế quyết định số lượng thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ theo nguyên tắc số lượng thành viên Hội đồng quản lý Quỹ phải là số lẻ.

2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm.

3. Thành viên Hội đồng quản lý Quỹ phải có kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, đầu tư vốn, quản trị doanh nghiệp.

4. Thành phần, cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng, nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng quản lý được quy định tại Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.”

13. Sửa đổi Khoản 2 Điều 38 như sau:

“2. Ban Kiểm soát có tối đa 03 (ba) thành viên, được hưởng phụ cấp và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.”

14. Bổ sung khoản 4a Điều 39 như sau:

“4a. Việc tuyển dụng lao động; quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện theo quy định tại Điều lệ hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.”

15. Sửa đổi khoản 3 Điều 40 như sau:

“3. Cơ chế tiền lương, tiền thưởng và xếp hạng doanh nghiệp của Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo quy định áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Việc xếp hạng Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo tiêu chuẩn xếp hạng đối với nhóm công ty tài chính”.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Tối đa trong thời hạn hai (02) năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các Quỹ đầu tư phát triển địa phương đang hoạt động phải rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định này.

2. Đối với các dự án cho vay, đầu tư trực tiếp đã được Quỹ đầu tư phát triển địa phương ký hết hợp đồng cho vay, đầu tư trực tiếp trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết theo giới hạn cho vay, đầu tư quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP cho đến hết thời hạn của hợp đồng. Trường hợp sửa đổi, bổ sung hạn mức của hợp đồng cho vay, đầu tư trực tiếp nói trên, việc sửa đổi, bổ sung phải tuân thủ giới hạn cho vay, đầu tư trực tiếp quy định tại Nghị định này.

3. Đối với các dự án cho vay, đầu tư trực tiếp sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải tuân thủ giới hạn cho vay, đầu tư trực tiếp theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định này.

4. Các hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư trực tiếp và các hoạt động khác theo chức năng Quỹ đầu tư phát triển địa phương của Công ty đầu tư tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định này.

Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2013.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=30456&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận