NGHỊ ĐỊNH
Về xây dựng ngầm đô thị
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng về các yêu cầu đặc thù của hoạt động xây dựng ngầm đô thị tại Việt Nam.
2. Hoạt động xây dựng ngầm đô thị tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng, các quy định của Nghị định này và các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng khác có liên quan.
3. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến xây dựng ngầm đô thị tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Hoạt động xây dựng ngầm đô thị" là hoạt động xây dựng có liên quan đến công trình ngầm đô thị.
2. "Công trình ngầm đô thị" là những công trình được xây dựng ngầm dưới đất tại đô thị bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; công trình giao thông ngầm; công trình công cộng ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng.
3. "Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm" bao gồm các công trình đường ống cấp nước, cấp năng lượng, thoát nước; công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc; hào, tuynel kỹ thuật và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật được xây dựng ngầm.
4. "Công trình giao thông ngầm" là công trình phục vụ giao thông được xây dựng dưới mặt đất.
5. "Công trình công cộng ngầm" là công trình phục vụ hoạt động công cộng được xây dựng dưới mặt đất.
6. "Phần ngầm của các công trình xây dựng" bao gồm tầng hầm (nếu có) và các bộ phận của công trình xây dựng nằm dưới mặt đất.
7. "Hào kỹ thuật" là cống ngầm có kích thước phù hợp để lắp đặt các đường dây, đường ống kỹ thuật.
8. "Tuynel kỹ thuật" là hầm ngầm để lắp đặt các hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật. Tuynel kỹ thuật phải bảo đảm các yêu cầu về thông hơi, chiếu sáng, phòng chống cháy nổ, thoát nước và có tiết diện tối thiểu để bảo đảm cho con người có thể thực hiện các nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa và bảo trì công trình.
9. "Không gian ngầm đô thị" là không gian được tạo ra dưới mặt đất để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị.
10. "Quy hoạch xây dựng ngầm đô thị" là việc tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả không gian ngầm đáp ứng các nhu cầu phát triển đô thị.
Điều 3. Quy định về sử dụng không gian ngầm đô thị
1. Việc sử dụng không gian ngầm đô thị để xây dựng công trình ngầm được xác định theo giấy phép xây dựng.
2. Việc cho phép sử dụng không gian ngầm đô thị để xây dựng công trình ngầm phải được cấp có thẩm quyền cho phép và phải tuân thủ các quy định sau:
a) Phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp công trình ngầm chưa được xác định trong quy hoạch xây dựng thì phải có thỏa thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch xây dựng sau khi có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan của địa phương.
b) Không được vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc ranh giới thửa đất đã được xác định. Khi có nhu cầu xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc ranh giới thửa đất đã được xác định (trừ phần đấu nối kỹ thuật của hệ thống đường dây, đường ống ngầm) thì phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép.
c) Phải ở chiều sâu và có khoảng cách theo chiều ngang không làm ảnh hưởng đến sự an toàn, công tác quản lý, khai thác và sử dụng của các công trình lân cận, công trình bên trên cũng như các công trình đã được xác định hoặc dự kiến sẽ có trong quy hoạch xây dựng.
Điều 4. Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm đô thị
1. Việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
2. Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn xây dựng công trình ngầm, tiêu chuẩn xây dựng đối với công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
3. Các Bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành căn cứ vào quy chuẩn xây dựng công trình ngầm, ban hành tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm chuyên ngành thuộc chức năng quản lý của mình.
Điều 5. Hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị
1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh các công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm theo các hình thức đầu tư thích hợp.
2. Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình được quy định tại khoản 1 Điều này được hỗ trợ và tạo điều kiện ưu đãi như sau:
a) Miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất.
b) Được hỗ trợ một phần kinh phí bồi thường giải phóng không gian ngầm, mặt bằng có liên quan đến công trình ngầm.
c) Được sử dụng các nguồn tài chính ưu đãi.
d) Được hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Điều 6. Lưu trữ hồ sơ công trình ngầm đô thị
1. Công trình ngầm đô thị xây dựng xong phải được lưu trữ hồ sơ theo các quy định của pháp luật về lưu trữ.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương có trách nhiệm quản lý hồ sơ thiết kế công trình ngầm đô thị; cung cấp thông tin về công trình ngầm đô thị cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Các hành vi bị cấm
1. Xây dựng công trình ngầm đô thị trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng tại các vùng có nguy cơ cao về tai biến địa chất công trình ảnh hưởng đến độ an toàn của các công trình ngầm.
2. Xây dựng công trình ngầm đô thị sai quy hoạch xây dựng, sai thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng không xin phép hoặc sai giấy phép xây dựng.
3. Vi phạm phạm vi bảo vệ công trình ngầm.
4. Tham gia hoạt động xây dựng ngầm mà không đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.
5. Vi phạm các quy định về khai thác sử dụng, bảo trì công trình ngầm.
6. Các hành vi khác vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng.
Chương II
QUY HOẠCH XÂY DỰNG NGẦM ĐÔ THỊ
Điều 8. Quy định chung về quy hoạch xây dựng ngầm đô thị
1. Quy hoạch xây dựng ngầm đô thị là một bộ phận của quy hoạch xây dựng đô thị và được lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
2. Quy hoạch xây dựng ngầm đô thị được phê duyệt làm cơ sở cho các hoạt động xây dựng ngầm đô thị tiếp theo.
3. Quy hoạch xây dựng đối với các đô thị có số dân trên một triệu người phải quy hoạch hệ thống đường tầu điện ngầm.
4. Quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, đô thị mới, các đường phố xây dựng mới tại các đô thị cũ phải quy hoạch hệ thống tuynel, hào kỹ thuật để lắp đặt các công trình đường dây, đường ống kỹ thuật. Đối với các đô thị cũ phải có kế hoạch xây dựng tuynel, hào kỹ thuật để từng bước hạ ngầm các công trình đường dây, đường ống kỹ thuật.
5. Đối với các đô thị loại 2 trở lên đã có quy hoạch xây dựng được phê duyệt, phải tiến hành lập bổ sung quy hoạch xây dựng ngầm. Đối với các đô thị còn lại việc tiến hành lập bổ sung quy hoạch xây dựng ngầm khi chưa đến thời điểm điều chỉnh quy hoạch xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định tuỳ theo nhu cầu thực tế tại địa phương.
Điều 9. Các yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng ngầm đô thị
1. Bảo đảm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.
2. Bảo đảm kết nối tương thích và đồng bộ, an toàn các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất.
3. Bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm.
4. Kết hợp chặt chẽ với các yêu cầu về an ninh và quốc phòng; đồng thời bảo đảm an toàn và bảo vệ cho công tác bí mật của các công trình an ninh, quốc phòng.
Điều 10. Nội dung của quy hoạch xây dựng ngầm đô thị
1. Đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị:
a) Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn liên quan đến việc xây dựng ngầm; hiện trạng xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật ngầm và các khu vực sử dụng không gian ngầm đô thị.
b) Dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm.
c) Dự báo các vị trí đấu nối không gian các công trình ngầm.
d) Dự báo vị trí, quy mô của các công trình công cộng, giao thông và hạ tầng kỹ thuật ngầm.
đ) Xác định các khu vực cấm và khu vực hạn chế xây dựng công trình ngầm.
e) Xác định phạm vi bảo vệ an toàn đối với các công trình giao thông ngầm.
2. Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị:
a) Phân tích đánh giá hiện trạng xây dựng các công trình ngầm.
b) Xác định cụ thể vị trí, quy mô các công trình công cộng, giao thông và hạ tầng kỹ thuật ngầm.
c) Xác định vị trí đấu nối không gian và đấu nối kỹ thuật các công trình.
Điều 11. Hồ sơ quy hoạch xây dựng ngầm đô thị
Hồ sơ quy hoạch xây dựng ngầm đô thị là một bộ phận của hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, phần hồ sơ bổ sung như sau:
1. Các bản vẽ:
a) Đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị:
- Bản đồ hiện trạng các khu vực xây dựng và sử dụng không gian ngầm;
- Bản đồ phân vùng các khu vực xây dựng công trình ngầm đô thị.
b) Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị:
- Bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm;
- Bản đồ quy hoạch xây dựng các công trình ngầm.
Tỷ lệ các bản đồ trên tuân thủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị.
2. Báo cáo tổng hợp bổ sung thuyết minh và các văn bản pháp lý liên quan đến việc xây dựng công trình ngầm.
Chương III
XÂY DỰNG VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH NGẦM ĐÔ THỊ
Điều 12. Giấy phép xây dựng công trình ngầm đô thị.
1. Trước khi khởi công xây dựng công trình ngầm, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng theo quy định. Việc xin và cấp giấy phép xây dựng phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan và các quy định của Nghị định này.
2. Điều kiện cấp phép xây dựng công trình ngầm:
a) Tuân thủ các quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.
b) Đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
c) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và công trình bên trên, an toàn cho người và cộng đồng.
d) Bảo đảm các yêu cầu về thông gió, chiếu sáng, thoát nước, phòng chống cháy nổ, thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ môi trường.
e) Hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của hoạt động xây dựng ngầm đối với các hoạt động bình thường của đô thị.
3. Phần ngầm của công trình xây dựng được cấp giấy phép xây dựng cùng với công trình xây dựng và giấy phép xây dựng phải ghi cụ thể: phạm vi phần ngầm công trình, số tầng hầm và độ sâu tầng hầm.
4. Đối với công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm:
a) Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình ngầm đô thị gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép xây dựng.
- Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc văn bản cho phép sử dụng không gian ngầm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí, mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng và chiều sâu móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và các điểm đấu nối kỹ thuật, đấu nối không gian và ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có giấy phép xây dựng).
- Các thỏa thuận đấu nối kỹ thuật và đấu nối không gian.
- Các giải pháp kỹ thuật liên quan đến bảo đảm an toàn cho người, công trình, công trình lân cận và công trình bên trên, phương tiện thi công và các hoạt động công cộng khác.
- Giấy cam kết hoàn trả mặt bằng trên mặt đất theo quy định.
b) Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng công trình ngầm đô thị:
- Địa điểm, vị trí công trình hoặc tuyến xây dựng công trình ngầm.
- Loại công trình.
- Ranh giới thửa đất trên mặt bằng.
- Ranh giới xây dựng công trình ngầm.
- Diện tích công trình (trừ công trình ngầm theo tuyến).
- Độ sâu tối đa công trình và độ sâu từng tầng hầm.
- Vị trí đấu nối công trình.
c) Giấy phép xây dựng đối với công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm theo mẫu quy định tại phụ lục của Nghị định này.
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng công trình ngầm đô thị trên địa bàn do mình quản lý.
Điều 13. Yêu cầu về đấu nối công trình ngầm đô thị
1. Đấu nối kỹ thuật
Việc đấu nối giữa công trình ngầm với các công trình hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Vị trí đấu nối kỹ thuật phải phù hợp với quy hoạch xây dựng.
b) Phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng công trình.
c) Đáp ứng yêu cầu đồng bộ.
d) Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật quy định đối với từng loại công trình.
2. Đấu nối không gian
Việc đấu nối không gian giữa các công trình ngầm, công trình ngầm với công trình trên mặt đất phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Vị trí đấu nối không gian phải theo quy hoạch xây dựng.
b) Bảo đảm an toàn cho các công trình.
c) Bảo đảm thuận lợi khi sử dụng và thoát hiểm khi cần thiết.
3. Thỏa thuận đấu nối: Khi thiết kế xây dựng công trình ngầm, chủ đầu tư xây dựng công trình ngầm phải có thoả thuận với các đơn vị quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật của đô thị và chủ sở hữu hoặc quản lý sử dụng công trình được đấu nối không gian (nếu có).
4. Thực hiện đấu nối: Trước khi thi công đấu nối công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo về kế hoạch và tiến độ thi công đấu nối công trình đến cơ quan, đơn vị thỏa thuận đấu nối để giám sát và phối hợp thực hiện.
Điều 14. Yêu cầu về khảo sát xây dựng công trình ngầm đô thị
1. Khảo sát xây dựng công trình ngầm phải cung cấp đầy đủ các số liệu, tài liệu, thông số kỹ thuật về các công trình ngầm và trên mặt đất hiện có, các điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, khả năng tồn tại các loại khí độc hại của khu vực xây dựng để làm cơ sở xác định phạm vi, độ sâu công trình, lựa chọn công nghệ thi công thích hợp nhằm bảo đảm an toàn cho người, công trình và công trình lân cận.
2. Công tác khảo sát phải làm rõ các bất thường về điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn để có biện pháp xử lý thích hợp phục vụ công tác thiết kế thi công xây dựng công trình ngầm.
3. Trong quá trình thi công xây dựng công trình ngầm, nếu nhà thầu thi công phát hiện các yếu tố bất thường so với tài liệu khảo sát ban đầu thì phải tiến hành khảo sát bổ sung để có biện pháp điều chỉnh thích hợp.
4. Khảo sát xây dựng công trình ngầm đô thị phải bảo đảm vệ sinh môi trường và phải hoàn trả mặt bằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ khảo sát.
Điều 15. Yêu cầu về thiết kế xây dựng công trình ngầm đô thị
1. Thiết kế xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ quy hoạch xây dựng đô thị.
2. Thiết kế xây dựng công trình ngầm phải phù hợp với điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn và những biến động của chúng có thể xảy ra.
3. Thiết kế xây dựng công trình ngầm phải đồng bộ, kết nối phù hợp với quần thể kiến trúc của các công trình liền kề, trên mặt đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị; bảo đảm an toàn, không làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng lân cận, bên trên; kết hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng khi cần thiết; đồng thời phải có giải pháp bảo tồn cây xanh, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa tại khu vực xây dựng (nếu có).
4. Thiết kế tổ chức không gian kiến trúc bên trong các công trình ngầm ngoài các yêu cầu về công năng sử dụng và bền vững còn phải bảo đảm các yêu cầu về mỹ quan, phù hợp với các đặc điểm văn hóa, lịch sử tại khu vực xây dựng công trình.
5. Thiết kế các hệ thống chiếu sáng, điều hòa, thông gió, phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm và hệ thống kiểm soát khai thác vận hành trong công trình ngầm phải phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
6. Thiết kế xây dựng công trình ngầm phải đảm bảo các yêu cầu về chống thấm, chống ăn mòn và xâm thực.
7. Thiết kế công trình ngầm phải bảo đảm việc sử dụng thuận lợi cho người khuyết tật, bảo đảm an toàn và thoát hiểm nhanh chóng khi có sự cố.
8. Thiết kế công trình ngầm phải có quy trình vận hành sử dụng và quy định bảo trì công trình.
9. Thiết kế xây dựng công trình ngầm phải đề xuất nhiệm vụ của công tác quan trắc địa kỹ thuật.
10. Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình ngầm phải có các chỉ dẫn, tạo điều kiện thi công theo đúng bản vẽ thiết kế, đồng thời thực hiện công tác giám sát tác giả trong suốt quá trình thi công để xử lý các khác biệt giữa thực tế thi công và đồ án thiết kế.
Điều 16. Yêu cầu về thi công xây dựng công trình ngầm đô thị
1. Trước khi thi công xây dựng công trình ngầm chủ đầu tư phải tiến hành thăm dò, xác định hiện trạng các công trình ngầm hiện có trong khu vực xây dựng để có biện pháp xử lý phù hợp.
2. Các nhà thầu xây dựng phải thiết kế biện pháp thi công được chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư chấp thuận.
3. Quá trình thi công xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đô thị, các công trình lân cận và bên trên; có các biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước ngầm và môi trường địa chất đô thị.
4. Thi công xây dựng công trình ngầm phải có kế hoạch khắc phục các sự cố có thể xẩy ra trong quá trình thi công như: gặp tầng đất yếu, tầng chứa nước, khí độc, cháy nổ, sạt lở, trồi đất, bục đất nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện thi công và cho công trình.
5. Thi công xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, trình tự công việc và có chế độ thường xuyên kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn khi thi công, kiểm soát chặt chẽ người vào, ra công trình ngầm trong suốt quá trình thi công công trình. Khi gặp các sự cố bất thường nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm thông báo cho chủ đầu tư và các bên liên quan để có biện pháp xử lý phù hợp.
6. Công trường xây dựng công trình ngầm phải có rào chắn, biển báo theo quy định đối với công trình xây dựng.
7. Công trình công cộng ngầm, giao thông ngầm phải được kiểm tra và được cấp giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước khi đưa vào khai thác sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
8. Lực lượng tham gia thi công xây dựng công trình ngầm phải được huấn luyện kỹ thuật và được trang bị bảo hộ an toàn lao động phù hợp với điều kiện thi công của từng loại công trình ngầm.
Điều 17. Yêu cầu quan trắc địa kỹ thuật công trình ngầm đô thị
1. Quan trắc địa kỹ thuật phải được thực hiện theo quy định trong suốt quá trình thi công và khai thác sử dụng công trình ngầm.
2. Quan trắc địa kỹ thuật bao gồm các quan trắc trên bản thân công trình ngầm, môi trường địa chất, các công trình bên trên và liền kề.
3. Công tác quan trắc địa kỹ thuật thực hiện theo đúng phương án quan trắc đã được chủ đầu tư hoặc chủ quản lý sử dụng phê duyệt.
4. Khi quan trắc thấy có yếu tố bất thường thì phải thông báo cho chủ đầu tư hoặc chủ quản lý, sử dụng và cơ quan thiết kế biết để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Điều 18. Bảo trì công trình ngầm đô thị
1. Yêu cầu bảo trì công trình ngầm:
a) Thực hiện chế độ bảo trì thường xuyên và bảo trì định kỳ đối với công trình công cộng ngầm và công trình giao thông ngầm; thực hiện chế độ bảo trì định kỳ đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
b) Khi thực hiện công tác bảo trì, phải chú ý kiểm tra nghiêm ngặt hệ thống đấu nối công trình; các thiết bị kiểm soát thông gió, chiếu sáng, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
2. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bảo trì công trình ngầm:
a) Các cơ quan, tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình công cộng ngầm và công trình giao thông ngầm phải thẩm định quy trình bảo trì công trình ngầm.
b) Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm:
- Tổ chức thực hiện bảo trì công trình ngầm.
- Thực hiện bảo trì công trình ngầm theo chỉ dẫn và quy định của nhà thầu thiết kế, nhà thầu cung ứng vật tư, thiết bị công nghệ, thiết bị công trình và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng bị xuống cấp do không thực hiện quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định.
- Báo cáo định kỳ về công tác bảo trì và tình hình hoạt động của công trình ngầm cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương.
c) Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện công tác bảo trì của chủ quản lý, sử dụng công trình ngầm.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng ngầm đô thị
1. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng ngầm đô thị trên phạm vi cả nước. Các Bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc quản lý xây dựng các công trình ngầm chuyên ngành tại đô thị.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng ngầm tại các đô thị trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Điều 20. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 21. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thi hành Nghị định này./.