Văn bản pháp luật: Nghị định 62/2014/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
công báo số 651+652, năm 2014
Nghị định 62/2014/NĐ-CP
Nghị định
08/07/2014
25/06/2014

Tóm tắt nội dung

Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Văn hóa Thể thao và Du lịch
Thủ tướng
2.014
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”,

 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian.

2. Tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú

Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

2. Đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của Chính phủ;

3. Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng;

4. Tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng;

5. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về di sản văn hóa.

Điều 4. Kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng

1. Kinh phí tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để thực hiện các hoạt động sau:

a) Xây dựng, triển khai Kế hoạch của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

b) Thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng;

c) Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở cơ sở hoặc hội nghề nghiệp;

d) Tổ chức các phiên họp Hội đồng;

đ) Công bố thông tin về kết quả xét chọn của Hội đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân;

e) Họp báo công bố quyết định phong tặng của Chủ tịch nước;

g) Tổ chức lễ trao tặng;

h) Giải quyết kiến nghị;

i) Các hoạt động khác liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm về kinh phí tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” và tiền thưởng kèm theo danh hiệu được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm bố trí kinh phí cho hoạt động tổ chức xét tặng của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước, tổ chức lễ trao tặng và các chi phí khác liên quan theo quy định của pháp luật;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm bố trí kinh phí cho hoạt động tổ chức xét tặng của Hội đồng cấp tỉnh, tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” và các chi phí khác liên quan theo quy định của pháp luật.

Chương II

TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU “NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN”, “NGHỆ NHÂN ƯU TÚ”

Điều 5. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương;

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

3. Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;

4. Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau:

1. Các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Nghị định này;

2. Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;

3. Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.

Chương III

HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG DANH HIỆU “NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN”, “NGHỆ NHÂN ƯU TÚ”

Điều 7. Nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc, thành phần của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”

1. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập theo 3 cấp:

a) Hội đồng cấp tỉnh;

b) Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ;

c) Hội đồng cấp Nhà nước.

2. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có nhiệm vụ:

a) Tổ chức việc xét tặng bảo đảm chất lượng, thời gian và đúng quy định của pháp luật;

b) Xét chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này;

c) Công bố kết quả xét chọn trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân;

d) Hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng, trình hội đồng có thẩm quyền;

đ) Xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan tới việc xét tặng.

3. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” làm việc theo nguyên tắc:

a) Thành lập theo từng đợt xét tặng và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ;

b) Làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

c) Cuộc họp của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được tổ chức khi có ít nhất 75% thành viên có tên trong quyết định thành lập Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền. Tổ thư ký có trách nhiệm lấy ý kiến thành viên Hội đồng vắng mặt bằng Phiếu bầu (Mẫu số 5 và Mẫu số 6);

d) Hội đồng cấp Nhà nước chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trình, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng cấp tỉnh trình theo quy trình quy định tại các Điều 12, 13, 14 và 15 Nghị định này; không xét các hồ sơ không đúng quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;

đ) Hội đồng cấp tỉnh chỉ trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ chỉ trình Hội đồng cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước chỉ trình Thủ tướng Chính phủ danh sách cá nhân đạt từ 90% số phiếu thành viên đồng ý trở lên trên tổng số thành viên Hội đồng;

e) Thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” không là đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

g) Trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước.

4. Thành phần Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” gồm Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng cùng cấp; cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; một số nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và nhà khoa học có uy tín, am hiểu chuyên sâu về di sản văn hóa phi vật thể liên quan.

5. Chủ tịch Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” quyết định thành lập Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng.

Điều 8. Hội đồng cấp tỉnh

1. Hội đồng cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có từ 09 đến 12 thành viên. Thành phần Hội đồng cấp tỉnh gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Các ủy viên Hội đồng.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội đồng cấp tỉnh sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 9. Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ

1. Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có từ 12 đến 15 thành viên. Thành phần Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Các ủy viên Hội đồng.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ là Vụ Thi đua, Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 10. Hội đồng cấp Nhà nước

1. Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có từ 15 đến 20 thành viên. Thành phần Hội đồng cấp Nhà nước gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ; Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Các ủy viên Hội đồng.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội đồng cấp Nhà nước sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chương IV

HỒ SƠ, QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG DANH HIỆU “NGHỆ NHÂN NHÂN DÂN”, “NGHỆ NHÂN ƯU TÚ”

Điều 11. Hồ sơ đề nghị xét tặng

1. Hồ sơ đề nghị xét tặng của cá nhân bao gồm:

a) Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (Mẫu số 1), “Nghệ nhân ưu tú” (Mẫu số 2);

b) Các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: Băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu khác liên quan.

2. Hồ sơ của Hội đồng cấp tỉnh gửi Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ bao gồm:

a) Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng cấp tỉnh (Mẫu số 4);

b) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (Mẫu số 7) kèm theo hồ sơ cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này;

c) Biên bản họp Hội đồng cấp tỉnh (Mẫu số 8); Phiếu bầu của thành viên Hội đồng (Mẫu số 5 và Mẫu số 6); Biên bản họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ở cơ sở hoặc hội nghề nghiệp (Mẫu số 3);

d) Tóm tắt thành tích của cá nhân theo danh sách trình tại Điểm b, Khoản 2 Điều này (Mẫu số 9);

đ) Quyết định thành lập Hội đồng cấp tỉnh.

3. Hồ sơ của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ gửi Hội đồng cấp Nhà nước bao gồm:

a) Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ (Mẫu số 4);

b) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân’’, “Nghệ nhân ưu tú” (Mẫu số 7) kèm theo hồ sơ cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này;

c) Biên bản họp Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ (Mẫu số 8); Phiếu bầu của thành viên Hội đồng (Mẫu số 5 và Mẫu số 6);

d) Tóm tắt thành tích của cá nhân theo danh sách trình tại Điểm b, Khoản 3 Điều này (Mẫu số 9);

đ) Quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ.

4. Hồ sơ của Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước (Mẫu số 4);

b) Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (Mẫu số 7) kèm theo hồ sơ cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này;

c) Biên bản họp Hội đồng cấp Nhà nước (Mẫu số 8); Phiếu bầu của thành viên Hội đồng (Mẫu số 5 và Mẫu số 6);

d) Tóm tắt thành tích của cá nhân theo danh sách trình tại Điểm b, Khoản 4 Điều này (Mẫu số 9);

đ) Quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước.

Điều 12. Nộp và tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng

1. Cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 06 (sáu) bộ hồ sơ tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú.

2. Hồ sơ đề nghị xét tặng bao gồm các giấy tờ, tài liệu quy định tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định này và được gửi đến cơ quan tiếp nhận quy định tại Khoản 1 Điều này theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có trách nhiệm kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ theo quy định và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa các tài liệu trong hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để cá nhân lập hồ sơ hoặc cá nhân, tổ chức được ủy quyền lập hồ sơ hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn bổ sung, chỉnh sửa.

Điều 13. Quy trình, thủ tục xét tặng ở Hội đồng cấp tỉnh

1. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh có nhiệm vụ giúp Hội đồng thực hiện các công việc sau:

a) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

b) Tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú hoặc hội nghề nghiệp nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang hoạt động để đưa vào hồ sơ đề nghị xét tặng (Mẫu số 3);

c) Thông báo danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải danh sách, bản khai thành tích của các cá nhân đề nghị xét tặng trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 15 ngày làm việc;

d) Gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên của Hội đồng cấp tỉnh và tổ chức cuộc họp của Hội đồng để xét chọn.

2. Hội đồng cấp tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ, tiến hành xét chọn như sau:

a) Thẩm định về thành phần và tính chính xác, hợp lệ của các tài liệu có trong hồ sơ; sự đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân đối với từng danh hiệu quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này;

b) Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ;

c) Thông báo công khai kết quả xét chọn trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố Trực thuộc trung ương trong thời gian 15 ngày làm việc;

d) Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Chủ tịch Hội đồng cấp tỉnh cùng với 05 (năm) bộ hồ sơ quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định này đến Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

đ) Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn đến cá nhân đã gửi hồ sơ đề nghị.

Điều 14. Quy trình, thủ tục xét tặng ở Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ

1. Cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ có nhiệm vụ phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Hội đồng thực hiện các công việc sau:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ;

b) Tiếp nhận, kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ do Hội đồng cấp tỉnh gửi; trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa các tài liệu có trong hồ sơ cần hướng dẫn để Hội đồng cấp tỉnh hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn bổ sung, chỉnh sửa;

c) Đăng tải danh sách cá nhân được Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 15 ngày làm việc;

d) Gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và tổ chức cuộc họp của Hội đồng để xét chọn.

2. Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ tổ chức thẩm định hồ sơ, tiến hành xét chọn như sau:

a) Thẩm định về thành phần và tính chính xác, hợp lệ của các tài liệu có trong hồ sơ; sự đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân đối với từng danh hiệu quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này;

b) Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trình Hội đồng cấp Nhà nước;

c) Đăng tải kết quả xét chọn trên cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian 15 ngày làm việc;

d) Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ cùng với 04 (bốn) bộ hồ sơ quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định này đến Hội đồng cấp Nhà nước theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

đ) Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn tới Hội đồng cấp tỉnh đã gửi hồ sơ.

Điều 15. Quy trình, thủ tục xét tặng ở Hội đồng cấp Nhà nước

1. Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước có nhiệm vụ giúp Hội đồng thực hiện các công việc sau:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước;

b) Tiếp nhận, kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ gửi; trong trường hợp cần bổ sung, chỉnh sửa các tài liệu, có trong hồ sơ cần hướng dẫn để Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ hoàn thiện và nộp lại chậm nhất sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản hướng dẫn bổ sung, chỉnh sửa;

c) Đăng tải danh sách cá nhân được Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ đề nghị xét tặng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 15 ngày làm việc;

d) Gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên của Hội đồng và tổ chức cuộc họp của Hội đồng để xét chọn.

2. Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và xét chọn như sau:

a) Thẩm định về thành phần và tính chính xác, hợp lệ của các tài liệu có trong hồ sơ; sự đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân đối với từng danh hiệu quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này;

b) Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu, kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân", “Nghệ nhân ưu tú”;

c) Đăng tải kết quả xét chọn trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian 15 ngày làm việc;

d) Hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

đ) Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước cùng với 03 (ba) bộ hồ sơ quy định tại Khoản 4, Điều 11 Nghị đinh này đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

e) Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn tới Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ.

Điều 16. Công bố Quyết định phong tặng và trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” của Chủ tịch nước

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ công bố Quyết định phong tặng và trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” của Chủ tịch nước.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 07 tháng 8 năm 2014.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quy định chế độ trợ cấp sinh hoạt hằng tháng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=36676&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận