Văn bản pháp luật: Nghị định 66/2014/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Công báo số 695+696, năm 2014
Nghị định 66/2014/NĐ-CP
Nghị định
20/07/2014
04/07/2014

Tóm tắt nội dung

Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai

Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Thủ tướng
2.014
Chính phủ

Toàn văn

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số

điều của Luật Phòng, chống thiên tai

_____________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, bao gồm: Trách nhiệm truyền tin, tần suất, thời lượng phát tin, mạng lưới, thiết bị thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống thiên tai và cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đang sinh sống, hoạt động hoặc tham gia phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

TRÁCH NHIỆM TRUYỀN TIN; TẦN SUẤT, THỜI LƯỢNG PHÁT TIN;

MẠNG LƯỚI THÔNG TIN, TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ HOẠT

 ĐỘNG CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY ỨNG PHÓ THIÊN TAI

Điều 3. Cơ quan có trách nhiệm truyền tin

1. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn trên sóng truyền hình và phát thanh.

2. Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phổ biến kịp thời và chính xác các văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên và cùng cấp trên địa bàn.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống thông tin chuyên ngành để phát thông tin có liên quan đến phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực quản lý.

Điều 4. Tần suất, thời lượng phát tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai

1. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phát văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ngay sau khi nhận được và phát lại với tần suất tối thiểu 3 giờ/lần đối với thiên tai cấp độ 3, tối thiểu 1 giờ/lần đối với thiên tai cấp độ 4, cấp độ 5 cho đến khi có văn bản chỉ đạo mới hoặc hoạt động ứng phó thiên tai đã được thực hiện hoặc diễn biến thiên tai đã thay đổi không còn ảnh hưởng.

2. Thời lượng phát tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai bao gồm thời gian phát toàn văn nội dung văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai của cơ quan có thẩm quyền, bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nêu rõ sự thay đổi của nội dung văn bản chỉ đạo, chỉ huy, cập nhật tình hình diễn biến thiên tai, các hoạt động ứng phó thiên tai.

3. Đài Phát thanh, truyền hình các cấp phát văn bản chỉ huy ứng phó thiên tai của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp, văn bản chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên ngay sau khi nhận được và phát lại theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp, phù hợp với diễn biến thiên tai và ứng phó của địa phương.

Khi xảy ra thiên tai cấp độ 2, 3, 4 trên địa bàn, tần suất phát tin theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp hoặc cấp trên.

4. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp hướng dẫn cụ thể nội dung và tần suất, thời lượng phát tin chỉ huy ứng phó thiên tai trên các hệ thống thông tin trên địa bàn. Những nơi không có phát thanh, truyền thanh, truyền hình sử dụng các phương tiện, dụng cụ, hiệu lệnh truyền thống theo quy ước của địa phương để thông báo tới các hộ gia đình thuộc diện bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Điều 5. Mạng lưới thông tin, trang thiết bị phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai

1. Mạng thông tin công cộng phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai, bao gồm:

a) Mạng viễn thông cố định mặt đất, vệ tinh;

b) Mạng viễn thông di động mặt đất, vệ tinh;

c) Mạng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình;

d) Mạng bưu chính công cộng.

2. Mạng thông tin chuyên dùng, bao gồm:

a) Đường dây nóng phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;

b) Mạng viễn thông dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh;

c) Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh;

d) Mạng viễn thông dùng riêng, mạng bưu chính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác;

đ) Mạng thông tin cảnh báo sóng thần, kết hợp cảnh báo thiên tai khác.

3. Thiết bị thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai bao gồm:

a) Điện thoại;

b) Máy tính;

c) Máy fax;

d) Thiết bị phát thanh;

đ) Thiết bị truyền hình;

e) Thiết bị quan trắc tự động truyền tin;

g) Phương tiện, dụng cụ thông tin khác.

4. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp lập kế hoạch xây dựng và mua sắm trang thiết bị thông tin; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức xây dựng, mua sắm, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

Mục 2

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM VÀ

PHỐI HỢP TRONG ỨNG PHÓ THIÊN TAI

Điều 6. Cấp độ rủi ro thiên tai

Rủi ro thiên tai được phân thành 05 cấp tăng dần về mức độ rủi ro, bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai). Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.

Điều 7. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 1

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, chỉ huy của các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

a) Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện;

b) Vật tư dự trữ do nhân dân chuẩn bị, vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp xã và tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

3. Các lực lượng tham gia ứng phó thiên tai trên địa bàn cấp xã phải phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ huy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người được ủy quyền.

4. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện hỗ trợ.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai trong trường hợp thiên tai cấp độ 1 xảy ra trong phạm vi từ hai xã trở lên hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; chịu trách nhiệm thực hiện chỉ huy, chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp trên.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

a) Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện;

b) Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Điều 8. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 2

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ huy các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến thiên tai tại địa phương; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

a) Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, lực lượng kiểm ngư, lực lượng vũ trang địa phương và các tổ chức, cá nhân tình nguyện;

b) Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp tỉnh, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7; tuân thủ sự chỉ huy của cơ quan cấp trên; hướng dẫn và tổ chức sơ tán người đến nơi an toàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tổ chức cưỡng chế sơ tán trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn sơ tán phòng, tránh thiên tai vì mục đích an toàn cho người.

4. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.

5. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm huy động các nguồn lực hỗ trợ ứng phó thiên tai khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Các lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống thiên tai tại địa phương phải tuân thủ theo sự chỉ huy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được ủy quyền.

Điều 9. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 3

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai; quyết định các biện pháp cấp bách và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai khi có yêu cầu.

2. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn căn cứ vào tình huống cụ thể, bố trí sẵn sàng các lực lượng, phương tiện và điều phối các hoạt động ứng phó thiên tai.

3. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong phạm vi quản lý, đồng thời tham gia ứng phó thiên tai theo sự chỉ đạo và huy động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực theo thẩm quyền, triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trên địa bàn.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định này phù hợp với tình huống cụ thể tại địa phương; tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.

6. Trường hợp thiên tai xảy ra ở mức độ vượt quá cấp độ 3 hoặc có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Điều 10. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai cấp độ 4

1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương liên quan triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai.

2. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp ứng phó thiên tai.

3. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố trí sẵn sàng các lực lượng ứng phó thiên tai, điều phối các hoạt động ứng phó thiên tai theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong phạm vi quản lý, đồng thời tham gia ứng phó thiên tai theo sự chỉ đạo và huy động của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực theo thẩm quyền triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trên địa bàn, tuân thủ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định này phù hợp với tình huống cụ thể tại địa phương; tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.

Điều 11. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó tình trạng khẩn cấp về thiên tai

1. Trường hợp thiên tai vượt cấp độ 4, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

2. Việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó tình trạng khẩn cấp về thiên tai thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Mục 3

HUY ĐỘNG, QUYÊN GÓP VÀ PHÂN BỔ NGUỒN LỰC

 CỨU TRỢ, HỖ TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Điều 12. Huy động và phân bổ nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

1. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm bố trí nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

4. Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổng hợp thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, vật tư, trang thiết bị, phương tiện và hàng hóa thuộc dự trữ quốc gia và các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khắc phục hậu quả thiên tai.

5. Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, xuất hàng dự trữ quốc gia và các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về dự trữ quốc gia.

6. Ủy ban nhân dân các cấp ngay sau khi nhận được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có trách nhiệm phân bổ kịp thời, đúng đối tượng và chỉ đạo thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương;

7. Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được nguồn hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiếp nhận, phân bổ, sử dụng nguồn hỗ trợ, cứu trợ.

Điều 13. Vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực từ cộng đồng

Việc vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực từ cộng đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai và các quy định của pháp luật về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

Mục 4

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI,

TỔ CHỨC QUỐC TẾ THAM GIA HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ VÀ

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI TẠI VIỆT NAM

Điều 14. Thuế, lệ phí nhập khẩu, xuất khẩu đối với phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa phục vụ hoạt động cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai

Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam nhập khẩu, tái xuất khẩu phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai được miễn thuế, lệ phí nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống thiên tai. Trường hợp để lại Việt Nam sử dụng vào mục đích khác phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 15. Đăng ký hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam

1. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai là đầu mối tiếp nhận đăng ký; chuyển hồ sơ đăng ký đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp phép; thông báo kết quả đăng ký hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm hướng dẫn về thủ tục, quy trình, đăng ký và thực hiện cấp phép hoạt động đối với người, phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa của tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam ngay sau khi nhận được hồ sơ đăng ký và gửi kết quả về cơ quan đầu mối.

Điều 16. Nhập cảnh, xuất cảnh; thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu đối với phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai

1. Người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ; trường hợp ứng phó khẩn cấp, nếu chưa có thị thực, được cấp thị thực tại cửa khẩu.

2. Phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đường không, đường thủy, đường bộ.

Điều 17. Lưu trú đối với người nước ngoài tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam

1. Người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được hướng dẫn nơi ở, làm việc và thủ tục tạm trú phù hợp với điều kiện cụ thể.

2. Cơ quan, địa phương tiếp nhận hỗ trợ có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú, nơi ở và làm việc cho các cá nhân, tổ chức đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Mục 5

CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY

 VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIỮA

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN

TAI VÀ ỦY BAN QUỐC GIA TÌM KIẾM CỨU NẠN

Điều 18. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Thủ tướng Chính phủ thành lập, làm nhiệm vụ điều phối liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi cả nước. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai được sử dụng dấu quốc huy để thực hiện các nhiệm vụ của Ban. Các thành viên của Ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai gồm các thành viên:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban;

b) Một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban thường trực;

c) Một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Phó Trưởng ban;

d) Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn làm Phó Trưởng ban;

đ) Các ủy viên của Ban gồm đại diện là lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

e) Căn cứ yêu cầu công tác, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai mời đại diện lãnh đạo các tổ chức: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các tổ chức liên quan khác tham gia Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai. Bộ thành lập bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có con dấu, được cấp kinh phí và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

4. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai:

a) Hướng dẫn việc xây dựng, đôn đốc thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia, chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai;

b) Hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai;

c) Chỉ đạo, điều phối ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi toàn quốc: Chỉ đạo ứng phó thiên tai cấp độ 3, 4; điều phối và hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai cấp độ 1, 2;

d) Quyết định các biện pháp cấp bách, huy động các nguồn lực của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của tổ chức, cá nhân để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định này;

đ) Chỉ đạo thống kê số liệu thiệt hại, nhu cầu cứu trợ của các địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi cả nước;

e) Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Điều 19. Tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp bộ do lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban.

a) Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp bộ có bộ phận làm nhiệm vụ thường trực tham mưu cho bộ thực hiện các chức năng quản lý thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý của bộ;

b) Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp bộ được sử dụng con dấu của bộ, bộ phận thường trực có con dấu, được cấp kinh phí, mở tài khoản để hoạt động và có trụ sở đặt tại cơ quan bộ;

c) Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng quyết định việc thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị trực thuộc Bộ.

2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp bộ:

a) Tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý;

b) Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn;

c) Quyết định các biện pháp cấp bách, huy động theo thẩm quyền các nguồn lực của bộ để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý của Bộ và hỗ trợ các địa phương.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ các Bộ quy định tại Khoản 1 Điều này) căn cứ nhiệm vụ được giao quyết định việc thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp bộ hoặc giao một cơ quan cấp Vụ trực thuộc kiêm nhiệm chức năng tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý.

Điều 20. Tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh

1. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy, điều hành trong phạm vi địa phương. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có con dấu, được cấp kinh phí, mở tài khoản để hoạt động.

2. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh gồm các thành viên sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban;

b) Một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực;

c) Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai;

d) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh làm Phó Trưởng ban phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn thiên tai;

đ) Các ủy viên là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; lãnh đạo các sở và các cơ quan có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương; Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh mời lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội chữ thập đỏ cấp tỉnh tham gia thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập bộ phận chuyên trách thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm nhiệm vụ Văn phòng thường trực của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh:

a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai;

b) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai;

c) Chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong phạm vi địa phương;

d) Kiểm tra, đôn đốc các sở, cơ quan tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Điều 21. Tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện

1. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập, có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có con dấu, tài khoản và được cấp kinh phí để hoạt động.

2. Thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện gồm:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban;

b) Một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Phó Trưởng ban thường trực;

c) Trưởng Công an huyện và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện làm Phó Trưởng ban;

d) Các ủy viên là lãnh đạo các phòng và cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương; căn cứ yêu cầu cụ thể của cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mời lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Chữ thập đỏ cấp huyện tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao trách nhiệm cho một phòng chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Văn phòng thường trực.

4. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện:

a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai;

b) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của địa phương;

c) Chỉ huy và tổ chức ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong phạm vi cấp huyện;

d) Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Điều 22. Tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã

1. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương.

2. Thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã gồm:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Trưởng ban;

b) Một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Phó Trưởng ban thường trực;

c) Trưởng Công an xã và Xã đội trưởng làm Phó Trưởng ban;

d) Các ủy viên là cán bộ thủy lợi, nông nghiệp, trưởng các tổ chức chính trị và đoàn thể của xã.

3. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Ban được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân xã, sử dụng một số cán bộ chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp xã làm bộ phận thường trực và được cấp kinh phí để hoạt động.

4. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã:

a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai;

b) Thực hiện việc truyền phát tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai của các cấp đến cộng đồng;

c) Chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong phạm vi cấp xã;

d) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của địa phương;

đ) Kiểm tra, đôn đốc tổ chức, cá nhân tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Điều 23. Cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ban hành các văn bản chỉ đạo để ứng phó các tình huống thiên tai cụ thể.

2. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ động thông báo, phối hợp xử lý ngay khi nhận được thông tin về tai nạn, sự cố xảy ra trong thiên tai, thống nhất về biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để ứng phó thiên tai.

3. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì trong việc huy động các nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn huy động và điều phối các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ thiên tai.

4. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thống nhất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về nội dung đề nghị các nước hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp thiên tai nghiêm trọng trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2014.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000 và Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=36766&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận