Văn bản pháp luật: Nghị định 84/2011/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 515+516, năm 2011
Nghị định 84/2011/NĐ-CP
Nghị định
Hết hiệu lực toàn bộ
15/11/2011
20/09/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá

Thủ tướng
2.011
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá

______________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 đã được Quốc hội Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá (bao gồm vi phạm hành chính về giá và thẩm định giá).

Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực giá không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá mà không đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật tại Việt Nam khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định tại Điều 23 Nghị định này và Điều 15 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

2. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá phải được phát hiện và bị đình chỉ kịp thời. Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá phải được tiến hành nhanh chóng, đúng pháp luật; mọi hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

3. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá chỉ bị xử phạt một lần. Tổ chức, cá nhân, có nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì mỗi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử phạt.

4. Việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức và mức xử phạt thích hợp.

Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng đối với hành vi vi phạm hành chính

1. Tình tiết giảm nhẹ:

a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn kịp thời, làm giảm bớt tác hại của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do vi phạm của mình gây ra;

b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo.

2. Tình tiết tăng nặng:

a) Vi phạm có tổ chức;

b) Vi phạm từ hai lần trở lên hoặc tái phạm trong lĩnh vực giá;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;

đ) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá;

e) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm trước đó;

g) Sau khi vi phạm đã có hành vi không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền; trốn tránh, che dấu vi phạm hành chính.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá là hai (02) năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

2. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn ba (03) ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba (03) tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà tổ chức, cá nhân lại tiếp tục vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực giá hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt, thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, mà được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới, hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 6. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá là một (01) năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt; quá thời hạn này mà quyết định đó không được thi hành thì không thi hành quyết định xử phạt nữa nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một (01) năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 8. Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong những hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Quyết định đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa, dịch vụ không hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi tăng giá bất hợp lý;

b) Tước có thời hạn đến mười hai (12) tháng hoặc tước không thời hạn quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, dịch vụ thẩm định giá, các loại giấy phép kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật;

c) Không được thông báo là doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá của năm tiếp theo;

d) Tước có thời hạn đến mười hai (12) tháng hoặc tước không có thời hạn quyền sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá;

đ) Thu hồi thông báo doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá được Bộ Tài chính công bố của năm bị xử phạt;

e) Thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá do cho thuê, cho mượn để thành lập, để có đủ điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ phần chênh lệch giá do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tăng giá bất hợp lý so với mức giá đang bán bình thường do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tính toán các yếu tố hình thành giá không đúng với chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật và Quy chế tính giá do các cơ quan có thẩm quyền ban hành;

b) Buộc thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ tiền hỗ trợ bình ổn giá, trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa, do khai man, khai khống hồ sơ thanh toán; tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa, tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách giá đã sử dụng không đúng mục đích;

c) Buộc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về giá;

d) Buộc phải trả lại toàn bộ số tiền bị tổn thất cho khách hàng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá. Trong trường hợp không xác định được đối tượng để hoàn trả thì tịch thu vào ngân sách nhà nước;

đ) Phải chịu mọi chi phí để thực hiện việc hoàn trả lại tiền chênh lệch do thực hiện không đúng giá cho tổ chức, cá nhân bị áp dụng giá không đúng;

e) Buộc phải cải chính những thông tin sai lệch, không đúng sự thật.

4. Hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá được quy định tại Chương II Nghị định này. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Trong trường hợp vi phạm hành chính đã hết thời hiệu xử phạt thì không áp dụng hình thức xử phạt chính nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá là mức xử phạt cụ thể hoặc mức trung bình của khung tiền phạt tương ứng với hành vi đó được quy định tại Nghị định này. Nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền giảm xuống thấp hơn mức trung bình của khung tiền phạt nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền tăng lên cao hơn mức trung bình của khung tiền phạt, nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Chương II

CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Mục 1

VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ GIÁ

Điều 9. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá

1. Phạt tiền 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo, hoặc báo cáo không đúng quy định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện hoặc thực hiện đúng các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền sử dụng sai Quỹ bình ổn giá theo quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Buộc chấp hành đúng các quy định của pháp luật hiện hành về việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá, các khoản tiền để thực hiện bình ổn giá và chính sách giá theo quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Buộc phải nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do không trích lập Quỹ bình ổn giá theo quy định;

đ) Chịu mọi chi phí để thực hiện việc hoàn trả tiền do tổ chức, cá nhân vi phạm.

5. Các hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá thuộc nhóm hành vi đăng ký giá, kê khai giá bị xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

Điều 10. Xử phạt đối với hành vi vi phạm chính sách trợ giá, trợ cước

1. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi khai man, khai khống hồ sơ thanh toán để nhận tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách giá, trợ cước; hành vi sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, tiền trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền có được do khai man, khai khống hồ sơ thanh toán tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa, thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước;

b) Buộc trả lại nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền do không sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước.

Điều 11. Xử phạt đối với hành vi không chấp hành đúng giá hiệp thương

1. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không đúng với mức giá tạm thời trong hiệp thương giá hoặc giá hiệp thương đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền chênh lệch giá có được do không thực hiện đúng giá hiệp thương.

Điều 12. Xử phạt đối với hành vi không chấp hành đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định

1. Phạt tiền 20.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

2. Phạt tiền 25.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá, khung giá, giá chuẩn, giá giới hạn do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định.

3. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá, khung giá, giá chuẩn, giá giới hạn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Quyết định đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá, khung giá, giá chuẩn, giá giới hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền chênh lệch giá có được do không chấp hành đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc phải bồi thường toàn bộ số tiền bị tổn thất do bán cao hơn giá quy định, trong trường hợp khó hoặc không xác định được chủ thể nhận bồi thường thì nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Chịu mọi chi phí để thực hiện việc hoàn trả tiền chênh lệch giá cho tổ chức, cá nhân bị áp dụng giá không đúng.

Điều 13. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập phương án tính giá hàng hóa, dịch vụ

1. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi lập phương án tính giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật không đúng với hướng dẫn về Quy chế tính giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải lập lại phương án tính giá theo đúng với hướng dẫn về Quy chế tính giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Điều 14. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh đặc thù có điều kiện theo quy định của Chính phủ

1. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo giá mua hàng hóa, gian lận trong việc khai báo giá xuất khẩu, giá nhập khẩu; không báo cáo hoặc báo cáo không đúng lượng hàng hóa tồn kho dự trữ lưu thông của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền 40.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa thấp hơn giá sàn, mức giá tối thiểu hoặc cao hơn giá tối đa do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước có thời hạn đến mười hai (12) tháng hoặc tước không thời hạn quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, các loại giấy phép kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Xử phạt đối với hành vi vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ

1. Phạt tiền 7.000.000 đồng đối với hành vi không công khai mức giá do doanh nghiệp đã đăng ký giá, kê khai giá.

2. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân xây dựng các biểu mẫu, mức giá để kê khai giá không đúng với hướng dẫn về Quy chế tính giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Phạt tiền 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân xây dựng các mức giá để đăng ký giá không đúng với hướng dẫn về Quy chế tính giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

4. Phạt tiền 25.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai theo quy định của pháp luật về giá hàng hóa, dịch vụ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

5. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký theo quy định của pháp luật về giá hàng hóa, dịch vụ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đến mười hai (12) tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Quyết định đình chỉ việc thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định khi đăng ký giá, kê khai giá bất hợp lý không đúng với hướng dẫn về Quy chế tính giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền chênh lệch giá do vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này do việc đăng ký giá, kê khai giá không đúng với hướng dẫn về Quy chế tính giá do cơ quan có thẩm quyền quy định;

b) Buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký giá, kê khai giá lại theo quy định khi có hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký giá, kê khai giá theo quy định khi có hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này.

Điều 16. Xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, quầy hàng, điểm giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

b) Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, thu tiền dịch vụ cao hơn giá niêm yết.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện;

c) Hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm quy định phải niêm yết giá.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện niêm yết giá đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này;

b) Buộc trả lại khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều 17. Xử phạt đối với hành vi tăng giá quá mức

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 5.000.000 đồng, đối với các hành vi tăng giá sau:

a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 100.000.000 đồng.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng có thời hạn đến mười hai (12) tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này theo quy định của pháp luật.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 18. Xử phạt đối với hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hộ kinh doanh có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức có liên quan có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng đến mười hai (12) tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh được cấp hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này theo quy định của pháp luật.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin đối với vi phạm tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy hoặc tịch thu tiêu hủy các ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Mục 2

VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 19. Xử phạt vi phạm hành chính về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá

1. Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong phạm vi mười (10)  ngày làm việc khi thay đổi tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, danh sách thẩm định viên hành nghề và thẩm định viên có hành vi vi phạm pháp luật về giá và thẩm định giá.

2. Phạt tiền 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

3. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi không lưu trữ hoặc lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá không đúng theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện thẩm định giá mà không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với khách hàng theo quy định của pháp luật.

5. Phạt tiền 20.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá cho khách hàng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

6. Phạt tiền 25.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp chứng thư thẩm định giá và báo cáo kết quả thẩm định giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Phạt tiền 25.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn đến kết quả thẩm định giá cao hơn hoặc thấp hơn 10% đối với tài sản là bất động sản, thiết bị, phương tiện vận tải, 15% đối với tài sản là vật tư, hàng hóa so với kết quả thẩm định giá lại cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

8. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn Thẻ thẩm định viên về giá để đăng ký thành lập doanh nghiệp thẩm định giá; hoặc để doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

9. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi không trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định.

10. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Thu hồi thông báo doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá được Bộ Tài chính công bố của năm bị xử phạt;

b) Không được thông báo là doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá của năm tiếp theo.

11. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bồi thường cho khách hàng số tiền chênh lệch do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này;

b) Buộc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định tại khoản 9 Điều này.

Điều 20. Xử phạt vi phạm hành chính về thẩm định giá đối với thẩm định viên về giá

1. Phạt tiền 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá; hành vi không thực hiện đúng phương pháp thẩm định giá theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hoặc Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế đã được Bộ Tài chính thừa nhận; hành vi tiết lộ thông tin về khách hàng thẩm định giá và tài sản thẩm định giá mà thẩm định viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá đồng ý hoặc pháp luật cho phép.

2. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi cho các tổ chức, cá nhân thuê, mượn Thẻ thẩm định viên về giá để các tổ chức, cá nhân đó thành lập doanh nghiệp thẩm định giá; hành vi đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên; hành vi nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích nào khác từ tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá ngoài mức giá dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng; hành vi hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên.

3. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá so với kết quả thẩm định giá lại cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hành vi cho các doanh nghiệp thẩm định giá thuê, mượn Thẻ thẩm định viên về giá để cơ quan quản lý nhà nước thông báo là doanh nghiệp đó có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước có thời hạn đến mười hai (12) tháng hoặc không thời hạn quyền sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá;

b) Thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá đã cho thuê, cho mượn để thành lập doanh nghiệp thẩm định giá;

c) Xóa tên trong danh sách thẩm định viên về giá có đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá theo thông báo của Bộ Tài chính;

d) Không được đăng ký hành nghề thẩm định giá trong một năm tiếp theo.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ khoản tiền do thông đồng với khách hàng, khoản tiền thu lợi bất chính do vi phạm hành chính;

b) Buộc bồi thường cho khách hàng toàn bộ số tiền bị tổn thất do vi phạm hành chính.

Điều 21. Xử phạt vi phạm hành chính về thẩm định giá đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mua sắm tài sản phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật

1. Phạt tiền 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng kết quả thẩm định giá không đúng với mục đích thẩm định giá đã được ghi trong hợp đồng gây thiệt hại cho Nhà nước.

2. Phạt tiền 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước không thực hiện thẩm định giá đối với tài sản mà theo quy định của pháp luật phải thẩm định giá.

3. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi thông đồng với doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá để nâng giá hoặc hạ giá gây thiệt hại cho Nhà nước.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thất thoát do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Hủy kết quả thẩm định giá do thẩm định giá không đúng với mục đích thẩm định giá đã được ghi trong hợp đồng gây thiệt hại cho Nhà nước;

c) Buộc phải thực hiện thẩm định giá đối với tài sản theo quy định phải thẩm định giá;

d) Hủy kết quả thẩm định giá sai do thông đồng với doanh nghiệp thẩm định giá gây thiệt hại cho Nhà nước.

Điều 22. Xử phạt vi phạm hành chính về thẩm định giá đối với các tổ chức có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá

1. Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với các tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá không đúng với nội dung quy định của Bộ Tài chính hoặc chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước có thời hạn đến mười hai (12) tháng hoặc không thời hạn quyền được phép tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính.

Chương III

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁ

Điều 23. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt và ủy quyền xử phạt

1. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

2. Việc ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 24. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giá, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính

1. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giá (người có chức danh cấp vụ, cục), Chánh Thanh tra Bộ Tài chính có thẩm quyền:

a) Phạt tiền đến mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá theo quy định của Nghị định này và theo quy định của pháp luật khác có liên quan;

b) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

2. Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giá, thanh tra viên tài chính có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

Điều 25. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Tài chính, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giá thuộc Sở Tài chính

1. Chánh Thanh tra Sở Tài chính có thẩm quyền:

a) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về giá quy định tại Nghị định này;

b) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả về giá quy định tại Nghị định này theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giá, thanh tra viên tài chính có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

Điều 26. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường

Người có thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường quy định tại Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 9, Điều 12, Điều 14, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này, có quyền áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của mình.

Điều 27. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành khác

Trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước được Chính phủ quy định, Thanh tra viên và Chánh Thanh tra các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giá theo quy định tại Nghị định này.

Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giá quy định tại Điều 16 Nghị định này tại địa bàn thuộc quyền quản lý hành chính cấp huyện, cấp xã.

Điều 30. Trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá

Các cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do mình ban hành.

Điều 31. Thủ tục xử phạt, thu tiền phạt

1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

2. Tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Chế độ quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi tiền trợ giá, tiền trợ cước vận chuyển hàng hóa, các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách giá; bị tịch thu tiền chênh lệch giá; bị buộc phải bồi thường tiền thất thoát do vi phạm hành chính; bị chịu phí tổn để hoàn trả tiền chênh lệch giá phải nộp tiền tại nơi mà quyết định xử phạt đã ghi, để cơ quan chủ trì xử phạt xem xét hoàn trả bên bị thiệt hại hoặc nộp vào ngân sách nhà nước.

4. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá được công bố công khai trên Website của Bộ Tài chính và Website của các cơ quan ban hành quyết định xử phạt.

Điều 32. Trách nhiệm trong việc công khai các thông tin bị xử phạt

1. Các cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cho các cơ quan thông tin đại chúng để đăng tải theo quy định.

2. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin kịp thời, chính xác, trung thực về các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo yêu cầu của các cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

Điều 33. Chấp hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

Chấp hành quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 26, khoản 27 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 34. Chuyển hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá để truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi xét thấy hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính.

Chương IV

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 35. Khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 36. Xử lý vi phạm

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá mà vụ lợi cá nhân hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt quá thẩm quyền quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá nếu có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ có trách nhiệm kiểm tra hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc truy cứu nhiệm hình sự theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2011.

2. Bãi bỏ Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, bãi bỏ các điều 6, 7, 8 và 9 của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành Nghị định

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26780&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận