Văn bản pháp luật: Nghị định 90/2014/NĐ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Nghị định 90/2014/NĐ-CP
Nghị định
...
29/09/2014

Tóm tắt nội dung

Về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật

Thủ tướng
2.014
Chính phủ

Toàn văn

NGHỊ ĐỊNH

về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”,

“Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

_____________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

Chính phủ ban hành Nghị định về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Tác giả, đồng tác giả (sau đây gọi là tác giả) là công dân Việt Nam, người nước ngoài có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình (sau đây gọi là tác phẩm, công trình) văn học, nghệ thuật đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các Điều 8, 9 và 10 của Nghị định này, thuộc các chuyên ngành sau đây được đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh" “Giải thưởng Nhà nước”:

a) Âm nhạc: Tác phẩm thuộc các thể loại âm nhạc; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về âm nhạc;

b) Điện ảnh: Tác phẩm thuộc các loại hình điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện truyền hình); công trình nghiên cứu, lý luận phê bình về điện ảnh; kịch bản được dựng thành phim và được công chiếu;

c) Kiến trúc: Công trình kiến trúc được xây dựng; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về kiến trúc; quy hoạch đô thị được phê duyệt, triển khai;

d) Múa: Tác phẩm thuộc các loại hình múa (vở múa, kịch múa, các thể loại múa độc lập); công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về múa; kịch bản múa được dàn dựng và công diễn;

đ) Mỹ thuật: Tác phẩm thuộc các loại hình mỹ thuật (hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật trang trí, tượng đài, tranh hoành tráng); công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về mỹ thuật;

e) Nhiếp ảnh: Tác phẩm nhiếp ảnh; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về nhiếp ảnh;

g) Sân khấu: Tác phẩm thuộc các loại hình sân khấu; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về sân khấu; kịch bản sân khấu được dàn dựng và công diễn;

h) Văn học: Tác phẩm thuộc các thể loại văn học; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn học;

i) Văn nghệ dân gian: Tác phẩm, công trình sưu tầm, công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn học, nghệ thuật dân gian.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

2. Công trình văn học, nghệ thuật là sản phẩm của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình, sưu tầm về văn học, nghệ thuật.

3. Cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật là tập hợp các tác phẩm thuộc một chuyên ngành văn học, nghệ thuật của một tác giả hoặc đồng tác giả.

4. Cụm công trình văn học, nghệ thuật là tập hợp các công trình thuộc một chuyên ngành văn học, nghệ thuật của một tác giả hoặc đồng tác giả.

5. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật.

6. Đồng tác giả là từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật.

Điều 4. Nguyên tắc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

1. Việc xét tặng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

2. Việc tổ chức xét tặng phải bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai.

3. Một tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng về một chuyên ngành văn học, nghệ thuật.

4. Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước” thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Điều 5. Thẩm quyền tổ chức xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật (sau đây gọi là Kế hoạch) trước mỗi đợt xét tặng.

Điều 6. Quyền lợi và nghĩa vụ của tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

1. Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; được tặng Bằng Chứng nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật; được hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Tiền thưởng cho tác giả có tác phẩm, công trình được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được thực hiện như sau:

a) “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật: 270 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng;

b) “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật: 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng Giải thưởng.

Điều 7. Kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

1. Kinh phí tổ chức xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật sử dụng để chi cho các hoạt động sau đây:

a) Xây dựng, triển khai Kế hoạch xét tặng Giải thưởng tại Hội đồng các cấp;

b) Trả thù lao cho các thành viên Hội đồng các cấp, thư ký và việc thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng;

c) Họp Hội đồng các cấp;

d) Công bố thông tin về kết quả xét tặng của Hội đồng các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân;

đ) Họp báo công bố kết quả của Hội đồng các cấp;

e) Tổ chức Lễ trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật;

g) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Mức chi cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các hoạt động tổ chức xét tặng của Hội đồng cấp cơ sở do Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thành lập; Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước; tổ chức lễ trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật và các chi phí liên quan khác theo quy định của pháp luật;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các hoạt động xét tặng của Hội đồng cấp cơ sở tại địa phương mình;

c) Tiền thưởng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được bố trí trong kinh phí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG “GIẢI THƯỞNG

 HỒ CHÍ MINH”, “GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC”

VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Điều 8. Điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

1. Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các điều kiện sau đây được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”:

a) Đã công bố dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mùng 2 tháng 9 năm 1945. Thời gian công bố tối thiểu là 05 năm đối với “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 03 năm đối với “Giải thưởng Nhà nước” tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương;

b) Không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố.

2. Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” phải chấp hành tốt pháp luật Việt Nam.

Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật

Tác giả được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật;

2. Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

3. Đặc biệt xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Đã được tặng Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức;

b) Đã được tặng Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.

Điều 10. Tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

Tác giả được xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật;

2. Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

3. Xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Đã được tặng Giải Vàng hoặc Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức;

b) Đã được tặng Giải thưởng cao của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.

Chương III

THỦ TỤC XÉT TẶNG “GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH”,

 “GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC" VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Điều 11. Thời gian xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

“Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được xét tặng và công bố 05 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2 tháng 9.

Điều 12. Quy trình xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

Việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng như sau:

1. Hội đồng cấp cơ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tại Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương do Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thành lập.

2. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập theo từng lĩnh vực nghệ thuật: Âm nhạc, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ dân gian.

3. Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 13. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng các cấp

1. Hội đồng được thành lập theo từng đợt xét tặng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

2. Tác giả có tác phẩm, công trình đang đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật không tham gia các cấp Hội đồng.

3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín.

4. Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 75% thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền. Những thành viên Hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu.

5. Hội đồng xem xét, thảo luận về từng tác phẩm, công trình đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này.

6. Hội đồng cấp trên chỉ nhận và xem xét các hồ sơ do Hội đồng cấp dưới trình theo thủ tục quy định tại các Điều 15, 16 và 17 của Nghị định này.

Điều 14. Hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

1. Hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật bao gồm:

a) Bản đăng ký tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo Mẫu số 1a và Mẫu số 1b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao, ảnh chụp tác phẩm, công trình đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” được in trên khổ giấy A4, kèm theo các thông tin cơ bản về năm, tháng được công bố; tóm tắt nội dung tác phẩm;

c) Bản sao có chứng thực Quyết định tặng thưởng hoặc Giấy chứng nhận Giải thưởng quy định tại Khoản 3 Điều 9 và Khoản 3 Điều 10 của Nghị định này;

d) Đối với tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của tác giả là người nước ngoài mà hồ sơ sử dụng ngôn ngữ nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt có chứng thực;

đ) Các tài liệu khác liên quan đến tác phẩm, công trình (nếu có).

2. Tác giả đăng ký tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” hoặc “Giải thưởng Nhà nước” theo chuyên ngành gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Hội Văn học, nghệ thuật Trung ương trong trường hợp tác giả là hội viên theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

Trường hợp tác giả đã mất thì người đại diện hợp pháp của tác giả hoặc Ban Chấp hành Hội Văn học, nghệ thuật nơi tác giả là hội viên, sau khi thống nhất với người đại diện hợp pháp của tác giả, đăng ký tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” hoặc “Giải thưởng Nhà nước” theo quy định.

Điều 15. Thủ tục xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tại Hội đồng cấp cơ sở

1. Hội đồng cấp cơ sở tại cấp tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh;

c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện một số cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh có liên quan tới lĩnh vực chuyên ngành; chuyên gia; tác giả đã được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thuộc chuyên ngành.

Hội đồng sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

2. Hội đồng cấp cơ sở tại các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương có từ 11 đến 13 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương;

b) Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương;

c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện một số cơ quan, chuyên gia; tác giả đã được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thuộc chuyên ngành.

Hội đồng sử dụng con dấu của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Hội đồng có Tổ Thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

3. Trách nhiệm của Hội đồng cấp cơ sở:

a) Xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo quy định;

b) Thông báo công khai kết quả xét tặng trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá hồ sơ;

c) Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo kết quả;

d) Hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý gửi cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

4. Hội đồng cấp cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thường trực của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Hồ sơ gồm:

a) Tờ trình đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo Mẫu số 2a và Mẫu số 2b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Danh sách các tác phẩm, công trình đạt điều kiện, đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo Mẫu số 3a và Mẫu số 3b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Biên bản họp Hội đồng xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh’’, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo Mẫu số 4a và Mẫu số 4b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Biên bản kiểm phiếu xét tặng tác phẩm, công trình đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo Mẫu số 5a và Mẫu số 5b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

đ) Báo cáo quá trình xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật của Hội đồng theo Mẫu số 6a và Mẫu số 6b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

e) Quyết định thành lập Hội đồng cấp cơ sở xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật;

g) Hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Nghị định này.

Điều 16. Thủ tục xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước

1. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước có từ 15 đến 17 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Cục trưởng Cục Điện ảnh hoặc Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương;

c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện một số cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương có liên quan đến chuyên ngành; chuyên gia; tác giả đã được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thuộc chuyên ngành.

2. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tùy theo từng chuyên ngành, Cục Điện ảnh hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

3. Trách nhiệm của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước:

a) Xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật theo quy định;

b) Thông báo công khai kết quả xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá hồ sơ;

c) Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo kết quả;

d) Hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý gửi cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước theo thời gian quy định trong Kế hoạch.

4. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và g Khoản 4 Điều 15 của Nghị định này;

b) Quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Điều 17. Thủ tục xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tại Hội đồng cấp Nhà nước

1. Hội đồng cấp Nhà nước có từ 25 đến 29 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Các Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam;

c) Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương có liên quan đến các chuyên ngành văn học, nghệ thuật; chuyên gia; tác giả đã được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thuộc các chuyên ngành.

2. Hội đồng cấp Nhà nước sử dụng con dấu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng có Tổ thư ký do Chủ tịch Hội đồng thành lập.

3. Trách nhiệm của Hội đồng cấp Nhà nước:

a) Xem xét, đánh giá và bỏ phiếu lựa chọn tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” theo quy định;

b) Thông báo công khai kết quả xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá và lựa chọn tác phẩm, công trình;

c) Tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo kết quả;

d) Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 4 Điều này và được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý.

4. Hội đồng cấp Nhà nước gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương 03 bộ hồ sơ để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo thời gian quy định trong Kế hoạch. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và g Khoản 4 Điều 15 của Nghị định này;

b) Quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2014.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện Nghị định này./

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=37142&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận