Văn bản pháp luật: Nghị Quyết 102/2007/NQ-HĐND

Mùa A Sơn
Tỉnh Điện Biên
Nghị Quyết 102/2007/NQ-HĐND
Nghị quyết
Hết hiệu lực toàn bộ
17/12/2007
10/12/2007

Tóm tắt nội dung

v/v mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2008 do tỉnh Điện Biên ban hành

Chủ tịch
2.007
HĐND tỉnh Điện Biên

Toàn văn

 NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2008

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND-UBND số 31/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét Báo cáo số: 114/BC-UBND ngày 30/11/2007 của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007; mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008; Báo cáo thẩm tra số: 157/BC- KTNS ngày 04/12/2007 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí nội dung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2007; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2008 do UBND tỉnh trình tại kỳ họp; Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau:

I. Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2007.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định và đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2007 đạt 10,86%, trong đó: Nông lâm nghiệp tăng 5,6%, Công nghiệp - xây dựng tăng 8,7%, Dịch vụ tăng 16,24%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng xác định, năm 2007, nông lâm nghiệp chiếm 36,37%, giảm 0,07%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 24,74%, giảm 0,61%; Dịch vụ 38,89%, tăng 0,68% so với năm 2006.

1. Về phát triển kinh tế:

- Do bị ảnh hưởng của hạn hán kéo dài nên nhiều chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực năm 2007 ước đạt 187.864 tấn, đạt 97,7% kế hoạch, tăng 1,2% so với năm 2006. Cây Đậu tương trồng được 9.138 ha, tăng 268 ha so với năm 2006, đạt 83,1% kế hoạch, sản lượng thu hoạch ước đạt 10.950 tấn, tăng 2,2% so với năm 2006. Các loại cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê tiếp tục được duy trì diện tích hiện có, trồng mới 90 ha cà phê, 7 ha chè, hoàn thiện quy hoạch vùng chè cây cao Tủa Chùa để đầu tư phát triển trong những năm tiếp theo.

Trong chăn nuôi đã phòng chống có hiệu quả dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc và dịch cúm gia cầm; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân đạt 5,6%, đàn gia cầm tăng 26% so với năm 2006. Nuôi trồng thủy sản tăng cả về diện tích và sản lượng đánh bắt.

- Sản xuất công nghiệp ổn định và có bước tăng trưởng so với năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2007 ước đạt 350 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng 12,51% so với năm 2006. Đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông sản ....

- Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, vật tư cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Dự ước tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2007 đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2006 và đạt 102,8% kế hoạch. Chất lượng hoạt động dịch vụ du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông từng bước được nâng lên, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 37,5%, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch tăng 20% so với năm 2006.

- Thu ngân sách trên địa bàn có nhiều cố gắng, thu ngân sách địa phương dự ước đạt 1.939,9 tỷ đồng đạt 140,7% dự toán, tăng 27,4% so với năm 2006. Trong đó tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 154,2 tỷ đồng đạt 109,7% dự toán (kể cả thu vay đầu tư). Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước huy động đạt 2.002 tỷ đồng, tăng 7,6% so với kế hoạch, đã tăng cường đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phục vụ mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động Tài chính, Kho bạc, Ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho sản xuất, đời sống.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực:

- Thực hiện tốt kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông; từng bước nâng cao hiệu quả xã hội hoá giáo dục, giáo dục phổ thông có chuyển biến thực chất. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng tuổi, phổ cập THCS được quan tâm chỉ đạo, trong năm đã công nhận thêm 29 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng tuổi và 16 xã đạt chuẩn phổ cập THCS, nâng tổng số xã, phường đạt chuẩn phổ cập THCS lên 72 xã, đạt 100% KH. Mở rộng liên kết đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt công tác đào tạo giúp các tỉnh Bắc Lào theo biên bản Hội đàm đã ký kết.

- Công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường kiểm soát không để dịch lớn xảy ra. Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo; tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

- Triển khai có hiệu quả chiến dịch chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ sinh 1‰, đạt 100% kế hoạch. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được quan tâm, 91% trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế; phối hợp với các tổ chức làm tốt công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin tuyên truyền được tổ chức sôi nổi chào mừng các ngày lễ lớn. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng; trong năm đã có 568/800 thôn bản tổ dân phố và 52.650/58.500 hộ gia đình đăng ký được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. Hoạt động Thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh đã có 16% dân số tham gia hoạt động thể dục thể thao thường xuyên.

- Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được tích cực triển khai thực hiện; trong năm đã giải quyết việc làm mới cho 7.000 lao động đạt 100 % kế hoạch, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, có 3.263 hộ thoát nghèo (4,68%) đưa tỷ lệ đói nghèo toàn tỉnh giảm từ 38,77% năm 2006, xuống còn 33,91% năm 2007.

3. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; đã chủ động nắm chắc tình hình không để tình huống đột xuất xấu, bất ngờ xẩy ra trên địa bàn tỉnh; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng.

4. Tổ chức bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên; công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức được quan tâm; giải quyết kịp thời đơn thư đề nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, không để tồn đọng kéo dài làm phát sinh điểm nóng.

Những kết quả đạt được nêu trên là rất cơ bản, là tiền đề quan trọng để tỉnh ta triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2008 và giai đoạn 2006 - 2010. Song bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2007 còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; tăng trưởng còn thiếu tính bền vững còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và thiếu vững chắc, chưa tạo được sự gắn kết giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư.

- Chỉ tiêu sản xuất lương thực dưới ruộng, cây công nghiệp đều không đạt kế hoạch. Việc triển khai cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, đề án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung còn chậm và chưa rõ, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung. Chỉ tiêu trồng rừng đạt thấp, hiệu quả trồng rừng chưa cao; tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương vẫn còn diễn ra khá lớn.

- Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; tiến độ thực hiện các dự án xi măng, thủy điện, khai thác khoáng sản còn chậm. Tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư chậm nhất là nguồn vốn các chương trình mục tiêu và nguồn trái phiếu Chính phủ. Công tác chuẩn bị đầu tư còn chưa tích cực, chất lượng hồ sơ dự án chưa cao; năng lực quản lý và tổ chức thực hiện dự án của các Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn còn hạn chế; công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm và nhiều vướng mắc, tiến độ chậm.

- Các chỉ tiêu về thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp; việc tổ chức khai thác nguồn thu chưa triệt để, tình trạng nợ đọng thuế còn khá lớn, hầu hết các dự án đấu giá đất thực hiện tiến độ còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

- Chất lượng giáo dục ở một số trường và khu vực vùng cao còn chuyển biến chậm, quản lý giáo dục ở cơ sở chưa có nhiều đổi mới; chất lượng hoạt động y tế ở một số nơi nhất là khu vực vùng cao còn nhiều hạn chế.

- Kết quả công tác xoá đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững (số hộ thoát nghèo khá lớn nhưng vẫn thuộc cận nghèo, nên rất dễ tái nghèo); sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng ngày càng có chiều hướng gia tăng; công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo chưa có nhiều đổi mới.

- Tình hình chính trị, xã hội còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp như hiện tượng xâm canh, xâm cư trên khu vực biên giới còn tái diễn; tình hình lợi dụng tự do tín ngưỡng tuyên truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Công tác cải cách hành chính tuy thu được kết quả ban đầu nhưng nội dung cải cách chưa rõ, chưa đồng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; tính chủ động trong công tác tham mưu và trong khâu tổ chức thực hiện ở một số đơn vị chưa cao, làm ảnh hưởng đến hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

II. Về chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008:

1. Các chỉ tiêu chủ yếu:

1.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 11,5% -12%.

1.2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phấn đấu cơ cấu GDP năm 2008: Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 34,59%, giảm 1,8%; Công nghiệp - Xây dựng: 25,83%, tăng 1,1%; Dịch vụ: 39,58%, tăng 0,7% (so với năm 2007);

1.3. Phấn đấu giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp tăng 5,6-5,7%, giá trị sản xuất tăng 6%; giá trị gia tăng khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 17,7%, giá trị sản xuất tăng 19,3 - 20%; giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng 13,5%.

1.4. Tổng sản lượng lương thực đạt 200,77 ngàn tấn; Đậu tương 11.630 ha, sản lượng đạt 15.177 tấn; cây cà phê 708 ha, trong đó trồng mới 210 ha, sản lượng cà phê nhân 1.000 tấn; cây chè 281 ha, trong đó trồng mới 50 ha; trồng 1.000 ha cây cao su; trồng mới 2.100 ha rừng; đàn gia súc tăng bình quân 6,44%; nâng độ che phủ của rừng lên 46%.

1.5. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu: 5,5 triệu USD, trong đó: Xuất khẩu 3,5 triệu USD, nhập khẩu 2 triệu USD.

1.6. Thu ngân sách trên địa bàn 167,5 tỷ đồng, tăng 8,69% so với ước thực hiện năm 2007. Trong đó thu để lại chi qua ngân sách địa phương 8 tỷ đồng.

1.7. Đẩy nhanh tiến độ di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, phấn đấu năm 2008 thực hiện TĐC và ổn định cuộc sống tại nơi ở mới cho 1.500 hộ dân.

1.8. Tổng vốn đầu tư phát triển: 2.031,7 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2007.

1.9. Giảm tỷ lệ sinh 1‰; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 26%, giảm 0,8% so với năm 2007; 26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (tăng 10 xã);

1.10. Đạt chuẩn phổ cập THCS 29 xã, phường (tổng số xã, phường đạt chuẩn là 101 xã, phường, phấn đấu được công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS trong năm 2008); Nâng tỷ lệ trẻ đi học đúng tuổi, cấp tiểu học lên 96,5%, tăng 2,3%; cấp THCS lên 63,4%, tăng 2,2%, cấp THPT lên 45,2%, tăng 2,3% so với năm 2007;

1.11. Giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 28,91%, đào tạo nghề cho 5.340 lao động, tạo việc làm mới cho 7.500 lao động; xuất khẩu 400 - 500 lao động đi làm việc tại nước ngoài; tổ chức cai nghiện cho 1.960 lượt người nghiện ma túy.

1.12. Có 67% số hộ gia đình đăng ký gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, trong đó phấn đấu được công nhận 90%; 54% thôn, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn thôn, bản văn hoá; Duy trì diện phủ sóng, tăng cường thời lượng phát sóng phát thanh, truyền hình.

1.13. 104/106 xã, phường có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 74/106 xã đi lại được quanh năm; 100/106 xã, phường có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, tăng 19 xã, 84% dân số được dùng điện, tăng 16% so với năm 2000.

1.14. Có 75% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 69% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt.

1.15. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông. Giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

1.16. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức, năng lực và từng bước đổi mới tư duy, phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ công chức. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

2. Nhiệm vụ chủ yếu:

2.1- Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; gắn phát triển sản xuất với quy hoạch lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung chuyên canh, thâm canh tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng. Tập trung vào các loại cây lương thực, cây chè, cà phê, đậu tương, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò thịt. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam triển khai chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất, phát triển mạnh diện tích cây công nghiệp ngắn ngày, cây lương thực; mở rộng thâm canh, tăng vụ tại các khu vực có điều kiện.

2.2- Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản nhằm tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp điện, nước trong cơ cấu ngành công nghiệp. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008, đạt 419 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2007.

2.3- Phát triển các ngành dịch vụ: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng địa bàn, ngành nghề kinh doanh dịch vụ thương mại; phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ thương mại tăng 22% so với năm 2007. Tiếp tục phát triển có hiệu quả các tiềm năng về du lịch di tích lịch sử, danh thắng và du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu trung bình của du khách, phấn đấu đón 200 ngàn lượt khách trong năm 2008; doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng 25% so với năm 2007.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, có chính sách phù hợp để khai thác lợi thế cửa khẩu quốc tế Tây Trang và cửa khẩu chính Huổi Puốc, sớm khai thông và đầu tư xây dựng cửa khẩu A Pa Chải.

Rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn. Đẩy mạnh việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn thu ngân sách địa phương; quản lý chặt chẽ các nguồn chi theo đúng quy định đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

2.4. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội:

- Giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và các vấn đề xã hội bức xúc: Quản lý khai thác có hiệu quả nguồn vốn trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xoá đói, giảm nghèo. Nâng cao trách nhiệm của các ngành, đơn vị được phân công giúp các xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu giảm 5% số hộ đói nghèo. Tổ chức cai nghiện ma túy, chống tái nghiện có hiệu quả.

- Giáo dục - Đào tạo: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, phấn đấu được công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS trong năm 2008. Mở rộng xã hội hóa giáo dục đào tạo; mở rộng liên kết và đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Dân số - Y tế - Bảo hiểm xã hội:

Phấn đấu duy trì mức giảm tỷ lệ sinh 1‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,01%, quy mô dân số trung bình khoảng 477,69 ngàn người. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi còn 26%, giảm 0,8% so với năm 2007, tập trung tuyên truyền, đấu tranh chống tệ nạn tảo hôn trong nông thôn.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu nâng số trạm xá xã có bác sĩ lên 7,5%, 26 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng làng bản, gia đình văn hoá. Đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư huấn luyện, bồi dưỡng năng khiếu một số môn thể thao thành tích cao mà tỉnh có ưu thế.

2.5. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, thanh tra, xây dựng chính quyền

Đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức; tăng cường công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tập trung vào lĩnh vực quản lý đầu tư, quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng thi hành án dân sự, các hoạt động bổ trợ tư pháp.

2.6. Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại:

Giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh trật tự và khối đoàn kết toàn dân. Tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ, gắn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với qui hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Tích cực, chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý. Làm tốt công tác quản lý trật tự xã hội, quản lý vũ khí, chất nổ, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm các tệ nạn xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án quốc gia và của tỉnh về phòng chống tội phạm. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Chương trình hành động của tỉnh.

Tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh bắc Lào trên các lĩnh vực; mở rộng quan hệ hợp tác với Vân Nam - Trung Quốc và các tổ chức quốc tế để phát triển kinh tế đối ngoại. Tổ chức khai trương cửa khẩu chính Huổi Puốc; thực hiện các thủ tục đề nghị mở cửa khẩu A Pa Chải với Trung Quốc.

Điều 2. Giao UBND tỉnh có trách nhiệm tăng cường giải pháp chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Điều 4. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và Đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 7 tháng 12 năm 2007./.


Nguồn: vbpl.vn/dienbien/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=30775&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận