NGHỊ QUYẾT
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2009
_____________________
Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2009, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02 năm 2009, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau đây:
1. Chính phủ thảo luận các báo cáo: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2009, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước; báo cáo kết quả triển khai các giải pháp về ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế; báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô và những vấn đề về kích thích kinh tế; báo cáo về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội và kết quả thực hiện Quyết định hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo đón Tết Kỷ Sửu; báo cáo về công tác cải cách hành chính tháng 02; báo cáo về thực hiện thống kê thủ tục hành chính tại các Bộ và các địa phương; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình công tác tháng 02 và các quyết nghị của Chính phủ từ phiên họp tháng 01/2009; báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 02/2009 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ trình.
a) Hai tháng qua, kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái mạnh và diễn biến phức tạp, tác động xấu đến nền kinh tế nước ta: Sản xuất công nghiệp tăng thấp; xuất khẩu tháng 01 giảm, tháng 02 tuy có tăng nhưng chưa rõ nét; dịch vụ giảm, nhất là lượng khách du lịch quốc tế; thu ngân sách nhà nước giảm mạnh, lượng kiều hối chuyển về thấp; người lao động mất việc, thiếu việc làm tăng…
Chính phủ đánh giá, trong tháng 02 và 2 tháng đầu năm tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng tình hình chính trị - xã hội vẫn ổn định. Nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu tươi vui, đầm ấm, tiết kiệm; đồng tình ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Chính phủ đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 đã có những dấu hiệu chuyển biến khá hơn: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, cán cân thanh toán cân đối; cán cân thương mại có xuất siêu; điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp; giữ được an toàn hệ thống ngân hàng… Hệ thống các giải pháp kích cầu và đầu tư được chỉ đạo triển khai tích cực, tạo sự đồng thuận xã hội, bước đầu đi vào cuộc sống với hàng loạt quy chế, chính sách về tài chính – tiền tệ như: miễn giảm, giãn thuế; bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi và vốn của doanh nghiệp; phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ trên thị trường vốn trong nước; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp do suy giảm kinh tế… Nông nghiệp phát triển thuận lợi cả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Giá trị sản xuất một số ngành trọng điểm đã tăng lên. Nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội được tăng cường; giải ngân xây dựng trường học, bệnh viện bằng vốn trái phiếu Chính phủ được đẩy nhanh; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí dịp Tết Nguyên đán đã giúp các hộ nghèo đón Tết trong không khí vui tươi, ấm cúng. Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo đang được khẩn trương triển khai thực hiện.
b) Dự báo cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn diễn biễn theo chiều hướng xấu. Tình hình kinh tế đất nước năm 2009 sẽ còn tiếp tục khó khăn.
Từ tình hình trên, phải kiên trì mục tiêu, chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và kinh doanh, huy động tối đa nguồn lực cho phát triển mà trọng tâm là:
- Thực hiện tốt gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì phát triển ổn định; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện để tránh tình trạng thực hiện sai mục tiêu, đối tượng sử dụng, gây lãng phí các nguồn lực.
- Tập trung chỉ đạo mở rộng thị trường xuất khẩu, khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, có chính sách phù hợp để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng trong nước.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư, đặc biệt chú trọng việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, FDI, nhất là các công trình về điện, giao thông, thủy lợi, giáo dục và y tế, kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn; tăng cường giao ban tiến độ triển khai dự án, nhất là giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cản trở đầu tư.
- Điều hành chính sách tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, có hiệu quả nhằm thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu; đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ.
- Kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường; ngăn chặn tình trạng tăng giá dây chuyền ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành, nhất là về việc làm và đời sống. Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ nêu trong nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đủ vốn cho học sinh, sinh viên vay. Các địa phương kiểm tra, rà soát lại nhằm bảo đảm cấp đúng, cấp đủ tiền hỗ trợ Tết cho các hộ nghèo; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an và các địa phương khẩn trương kiểm tra, báo cáo, đề xuất giải pháp về di dân tự do.
- Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương trình văn bản quy định về cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và đốt đèn trời.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Chủ động cung cấp, công khai minh bạch thông tin, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, chung sức chung lòng vượt qua khó khăn. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý, có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, loại bỏ thông tin tiêu cực trên mạng Internet.
- Về tổ chức thực hiện: Các Bộ, cơ quan và địa phương phải để cao trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm; chú trọng kiểm tra, theo dõi, đôn đốc; kịp thời đề xuất chủ trương, biện pháp, chính sách cần thiết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào cuối tháng 3/2009, trên cơ sở đó tiếp tục chuẩn bị trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
2. Chính phủ đã thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và xem xét các dự án: Luật Dân quân tự vệ, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cơ yếu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.
a) Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh phải đích thân chỉ đạo sát sao, đầu tư thỏa đáng về thời gian và nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án luật, pháp lệnh năm 2009 của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
b) Về dự án Luật Dân quân tự vệ
Dân quân tự vệ là một thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ là nhiệm vụ quan trọng trong đường lối quân sự của Đảng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Nhưng đến nay, văn bản pháp lý cao nhất về lực lượng này mới dừng lại ở Pháp lệnh Dân quân tự vệ (2004). Thực tiễn đòi hỏi cần thiết phải nâng lên thành luật.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Dân quân tự vệ; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật này.
c) Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2002 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Qua 5 năm thực hiện luật đã góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, tăng tích lũy để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh... Tuy vậy, Luật NSNN cũng bộc lộ nhiều hạn chế như nguồn thu NSNN chưa vững chắc, hiệu quả chi NSNN chưa cao, cơ chế quả lý NSNN và phân cấp nguồn thu còn nhiều điểm chưa phù hợp... cần sớm được bổ sung, sửa đổi.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; lấy ý kiến các thành viên Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
d) Về dự án Luật Cơ yếu
Pháp lệnh Cơ yếu (2001) thi hành đến nay đã được 7 năm. Thời gian qua, hệ thống tổ chức Cơ yếu Việt Nam được kiện toàn, củng cố và phát triển đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp từ trung ương đến các địa phương; hoạt động nghiên cứu, sản xuất, sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước được đẩy mạnh; hệ thống bảo mật thông tin từng bước được hiện đại hóa; chế độ chính sách với cán bộ làm công tác cơ yếu được quan tâm hơn... Tuy vậy, trong thời kỳ mới, Pháp lệnh Cơ yếu đã bộc lộ nhiều hạn chế về bảo vệ thông tin bí mật nghiệp vụ, bí mật trong sản xuất kinh doanh; chưa thể hiện rõ vị trí hoạt động cơ yếu như hoạt động quốc phòng, an ninh; hệ thống tổ chức cơ yếu, trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước về cơ yếu ở các Bộ, ngành và các tỉnh chưa được xác định rõ... Vì vậy việc xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu là rất cần thiết.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Cơ yếu; Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật này./.