Văn bản pháp luật: Nghị quyết 10/2013/NQ-HĐND

Nguyễn Ngọc Thiện
Tỉnh Thừa Thiên Huế
Công báo số 28+29, năm 2013
Nghị quyết 10/2013/NQ-HĐND
Nghị quyết
01/08/2013
19/07/2013

Tóm tắt nội dung

Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 19/07/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030.

Chủ tịch
2.013
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế

Toàn văn

            HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN                      CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

           TỈNH THỪA THIÊN HUẾ                             Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
   

      Số: 10/2013/NQ-HĐND                        Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 7 năm 2013

                                                                                                                       

NGHỊ QUYẾT

Về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch

tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 6

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 16 tháng 11 năm 2003 và Luật số 38/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

Căn cứ Luật Du lịch số  44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Huế thành phố Festival;

Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung;

Căn cứ Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3181/TTr-UBND  ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đề nghị thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030; ý kiến tham gia của Tổng cục Du lịch; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm

Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế nhanh, bền vững, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, mang tính khác biệt với một tầm nhìn tổng hòa trong mối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.

II. Mục tiêu và dự báo các chỉ tiêu cụ thể

1. Mục tiêu chung

Tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực; đến năm 2030 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới.

          2. Mục tiêu cụ thể 

a) Từ năm 2015 phấn đấu dịch vụ du lịch đóng góp vào GDP địa phương trên 50%, năm 2020 đạt từ 52 - 53%, năm 2030 đạt trên 55% đóng góp vào GDP khẳng định Huế là một trọng điểm du lịch quốc gia, dịch vụ du lịch là yếu tố then chốt trong sự phát triển của địa phương.

b) Dự báo về các chỉ tiêu phát triển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030:

- Khách du lịch đến Thừa Thiên Huế:

+ Năm 2015 thu hút hơn 03 triệu lượt khách, trong đó quốc tế đạt 1,2 triệu lượt.

+ Năm 2020 thu hút 5,1 triệu lượt khách, trong đó quốc tế đạt 2 triệu lượt.

+ Năm 2025 thu hút 8,8 triệu lượt khách, trong đó quốc tế đạt 3,2 triệu lượt.

+ Năm 2030 thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó quốc tế đạt 5 triệu lượt.

- Khách do các cơ sở lưu trú phục vụ:

+ Năm 2015 thu hút hơn 2,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 986 nghìn lượt, tăng trưởng khách du lịch 10%/năm.

+ Năm 2020 thu hút hơn 3,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,6 triệu lượt, tăng trưởng khách du lịch 11%/năm.

+ Năm 2025 thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 2,9 triệu lượt, tăng trưởng khách du lịch 12%/năm.

+ Năm 2030 thu hút hơn 10,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 4,3 triệu lượt, tăng trưởng khách du lịch 8%/năm.

- Số lượng cơ sở lưu trú (phòng khách sạn): Năm 2015 có 12.800 phòng; năm 2020 có 22.600 phòng; năm 2025 có 38.100 phòng; năm 2030 có 61.400 phòng.

- Chỉ tiêu việc làm trực tiếp: Năm 2015 tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động ; năm 2020 khoảng 22.000 lao động; năm 2025 khoảng 37.000 lao động; năm 2030 khoảng 62.400 lao động.

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2030 là 11%.

- Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch

Mức chi tiêu bình quân trong cơ sở lưu trú

+ Năm 2015 ước đạt hơn 1,1 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 0,51 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa.

+ Năm 2020 ước đạt hơn 1,2 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 0,66 triệu đồng đối với khách nội địa.

+ Năm 2025 ước đạt hơn 1,4 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 0,83 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa.

+ Năm 2030 ước đạt hơn 1,7 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 1,05 triệu đồng đối với khách nội địa.

 Mức chi tiêu bình quân ngoài xã hội

+ Năm 2015 ước đạt hơn 2,7 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 1,3 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa.

+ Năm 2020 ước đạt hơn 3,1 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 1,6 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa.

+ Năm 2025 ước đạt hơn 3,6 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 2,1 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa.

+ Năm 2030 ước đạt hơn 4,2 triệu đồng/ngày đối với khách quốc tế; 2,6 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa.

          - Chỉ tiêu GDP du lịch và tỷ trọng trong GDP tỉnh.

+ Năm 2015 là 3.080 tỷ đồng, chiếm 11,7% so với GDP toàn tỉnh.

+ Năm 2020: là 6.182 tỷ đồng, chiếm 13,1% so với GDP toàn tỉnh.

+ Năm 2030: là 25.025 tỷ đồng, chiếm 17,2% so với GDP toàn tỉnh.

          III. Các định hướng phát triển

1. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa

a) Khách du lịch nội địa: Tập trung hướng vào khách ở các khu vực đô thị trong nước, chú trọng những thị trường có khả năng chi tiêu cao, có nhu cầu thích hợp với các loại hình du lịch của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển….

b) Khách du lịch quốc tế: Duy trì khai thác thị trường truyền thống từ các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng của các nước Đông Bắc Á và ASEAN.

2. Phát triển sản phẩm du lịch

a) Phát triển các loại hình du lịch truyền thống

 - Du lịch văn hóa: Du lịch văn hóa hiện là loại hình du lịch chủ đạo, là sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung vào việc khai thác tiềm năng văn hóa đặc biệt là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố Huế, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà… Các sản phẩm chính bao gồm:

+ Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế, di tích cách mạng, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, các khu du lịch văn hóa mới.

+ Du lịch lễ hội

+ Du lịch tâm linh.

+ Du lịch làng nghề.

+ Du lịch ẩm thực.

+ Du lịch tham quan văn hóa đồng bào các dân tộc ít người.

- Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh.     

- Du lịch biển: Phát huy thế mạnh về tiềm năng tự nhiên và nhân văn các khu vực dọc khu vực bờ biển phía Đông như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương...

- Du lịch sinh thái: Khai thác tiềm năng sinh thái của Thừa Thiên Huế với các sản phẩm chính: du lịch các vùng nông thôn dựa vào cộng đồng; du lịch sinh thái rừng, hồ, đàm phá và sinh thái biển.

- Du lịch vui chơi giải trí.

- Du lịch hội nghị hội thảo (MICE).

b) Phát triển sản phẩm du lịch mang tính đột phá và khác biệt

- Tập trung kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm du lịch:

+ Các khu định cư Đô thị - Du lịch - Sinh thái - Nông nghiệp.

+ Sân bay Phú Bài.

+ Làng sinh thái Lập An.

+ Khách sạn nổi Vinh Thanh.

+ Khách sạn nổi Thuận An.

+ Khu đô thị cao cấp giữa cánh đồng lúa tại đầm Cầu Hai.

+ Khu nghỉ mát Bạch Mã.

+ Làng văn hóa A Lưới - đường mòn Hồ Chí Minh.

+ Làng mưa và Nghệ nhân Lương Quán.

+ Trung tâm hội nghị MICE và Trung tâm nghệ thuật truyền thống.

- Triển khai các dự án nhằm mở hướng phát triển không gian nước cho Thừa Thiên Huế:

+ Dự án Cồn Hến - Một điểm đến văn hóa thẩm mỹ xứ Huế.

+ Thành phố du lịch xanh Chân Mây - Lăng Cô.

- Phát triển các sản phẩm du lịch trong mưa Huế.

- Triển khai dự án du thuyền trên sông Hương gắn với Ca Huế.

- Khôi phục các làng nghề truyền thống và gắn kết các không gian văn hóa tâm linh với du lịch.

- Xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó Huế là trung tâm để phát triển mô hình đô thị du lịch xanh.

3. Tổ chức không gian du lịch

a) Tập trung xây dựng thành phố Huế trở thành Đô thị du lịch quốc gia gắn với vùng phụ cận và dải ven biển trở thành cụm du lịch trung tâm.

b) Khu vực phía Nam và Đông Nam: khai thác thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển của khu vực Chân Mây, Cảnh Dương, Lăng Cô, Hải Vân. Xây dựng khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương là khu du lịch tổng hợp trọng điểm quốc gia, khu Bạch Mã là điểm du lịch quốc gia.

c) Phát triển khu vực dọc theo đường Hồ Chí Minh, huyện A Lưới.

Những mô hình, không gian phát triển du lịch mới:

- Huế - Một công viên tự nhiên;

- Huế và mô hình nông thị;

- Thành phố xanh Chân Mây - Lăng Cô;

          - Phát triển không gian du lịch nước.

          IV. Đầu tư phát triển du lịch

1. Tổng mức đầu tư:

Tổng nhu cầu đầu tư cho tất cả các dự án trọng điểm để phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế là 374.000 tỷ đồng.

2. Phân kỳ đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư ước khoảng 374.000 tỷ đồng (17 tỷ USD).

- Giai đoạn từ 2013 - 2015 là 44.000 tỷ đồng (2 tỷ USD).

- Giai đoạn 2016 - 2020 là 110.000 tỷ đồng (5 tỷ USD).

- Giai đoạn 2021 - 2030 là 220.000 tỷ đồng (10 tỷ USD).

V. Các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch

1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách

a) Về mô hình quản lý phát triển du lịch: Thiết lập tổ chức quản lý điểm đến (DMO); mô hình công tư hợp tác để huy động vốn đầu tư quốc gia; kêu gọi thêm vốn từ các doanh nghiệp tư nhân, từ các ngân hàng tư nhân; huy động các công ty du lịch nhỏ, vừa và sự tham gia rộng rãi của cộng đồng địa phương trong các loại dự án du lịch.

b) Cơ chế chính sách:

- Về tài chính: Có chính sách thuế về sử dụng đất, ưu đãi khuyến khích cho những dự án với dấu chân sinh thái giới hạn rõ rệt; có chính sách lãi suất thấp nhằm khuyến khích sự phát triển của các điểm đến xanh.

- Về xuất nhập cảnh, hải quan: Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý các thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách du lịch đến miền Trung từ đường bộ, đường biển và đường hàng không.

- Về chính sách xã hội hóa du lịch: Hình thành quỹ phát triển du lịch từ nguồn xã hội hóa, khuyến khích việc đóng góp từ thu nhập du lịch cho các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa, phục hồi các giá trị về sinh thái, văn hóa và phát triển du lịch xanh.

2. Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư

a) Chủ động mời tổ chức tài chính nước ngoài tư vấn về quy trình thiết lập Quỹ đầu tư Xanh cho Huế, tạo nguồn lực để đầu tư vào các dự án trọng điểm du lịch của tỉnh.

b) Tăng cường quan hệ, huy động vốn nước ngoài dưới nhiều hình thức theo hướng tăng trưởng xanh. Chủ động xây dựng và đề xuất các dự án phát triển từ các nguồn vốn quốc tế.

c) Có chính sách thu hút kêu gọi các tập đoàn kinh tế kinh doanh trong lĩnh vực du lịch có thương hiệu lớn của quốc tế và trong nước đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.

3. Giải pháp về nguồn nhân lực

a) Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Đào tạo nâng cao chất lượng việc làm tại chỗ tại các khách sạn, nhà hàng.

c) Phát triển cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch ở các trường chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp du lịch. Chọn lựa để đào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển và từng bước xây dựng các khách sạn, khu du lịch tầm vóc quốc tế.

4. Giải pháp thị trường

a) Tập trung kết nối các đường bay giữa Huế với các đô thị lớn của Việt Nam và quốc tế, khuyến khích đường bay giá rẻ. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không, huy động các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp du lịch cùng lập kế hoạch để phối hợp mở thêm đường bay chuyên đề (Charter) từ các thị trường sẵn có ở Châu Âu và Bắc Á. Phấn đấu trở thành thành viên quan sát của Hiệp hội Du lịch Châu Âu.

b) Tăng cường liên kết các địa phương trong vùng và các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

5. Nhóm giải pháp về xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá

a) Kết hợp những kênh và mạng thông tin toàn cầu để quảng bá Huế - Di sản thế giới Huế - Điểm đến xanh ra thế giới.

b) Đầu tư và tăng kinh phí cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từ nguồn ngân sách nhà nước và đặc biệt từ các doanh nghiệp du lịch.

c) Xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu thị trường để xây dựng các sản phẩm, quảng bá thương hiệu dựa trên các khẩu hiệu (slogan):

 Huế - Một quê hương của hạnh phúc (Hue - A Homeland of Happiness)

d) Tập trung xúc tiến, quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch. Nâng cấp website quảng bá về du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

6. Nhóm giải pháp về tuyên truyền bảo vệ tài  nguyên và môi trường du lịch

a) Giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa trách nhiệm đối với tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu.

b) Thiết kế của các dự án trọng điểm của du lịch với tiêu chí hàng đầu là bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái.

c) Tăng cường khả năng thích ứng và năng lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

7. Nhóm giải pháp về tổ chức triển khai quy hoạch

a) Hoàn thiện văn bản, quy phạm pháp luật về quy hoạch phát triển du lịch.

b) Nghiên cứu thành lập Ban chuyên trách tổ chức triển khai quy hoạch, xây dựng các giải pháp, phân công cụ thể việc thực hiện quy hoạch, chú trọng nâng cao trình độ quản lý du lịch theo quy hoạch cho các cấp, các ngành.

c) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch đảm bảo độ tin cậy, chính xác; làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đồng bộ quy hoạch.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2013.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

          Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khoá VI, kỳ họp lần thứ 6 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH


Nguyễn Ngọc Thiện

 

 

 


Nguồn: vbpl.vn/thuathienhue/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=32735&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận