NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2006
Ngày 31 tháng 05 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5, bàn và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã nghe Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương; Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo công tác chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn và dự báo cơn bão số 1.
Bão số 1 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, tuy không đổ bộ trực tiếp vào nước ta nhưng đã gây tổn thất nặng nề về tính mạng và tài sản cho nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng. Các cấp, các ngành cùng đồng bào cả nước đã cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong tìm kiếm cứu nạn và ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị nạn, phát huy truyền thống tương thân tương ái, khẩn trương giúp nhân dân ổn định cuộc sống, giảm bớt nỗi đau cho thân nhân những người bị nạn.
Chính phủ đã phân tích sâu sắc, đánh giá những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ những thiệt hại do cơn bão gây ra, nhất là các khâu dự báo bão, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, tổ chức khai thác hải sản xa bờ và quản lý ngư dân trên biển, đồng thời quyết định ngay các biện pháp cấp bách nhằm khắc phục hậu quả cơn bão số 1, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất của nhân dân các tỉnh ven biển Miền Trung và những giải pháp lâu dài bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển. Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng tập trung mọi nỗ lực, thực hiện nghiêm túc các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão theo Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 31 tháng 05 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và dự thảo Nghị định hướng dẫn đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO) và Xây dựng - Chuyển giao (BT).
a) Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07 năm 2006. Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, kịp thời cụ thể hoá các quy định mà Luật chỉ nêu có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư biết rõ quy trình thực hiện hoạt động đầu tư; quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; khuyến khích và ưu đãi đầu tư; công khai, minh bạch thủ tục đầu tư. Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư phải bảo đảm đồng bộ và thống nhất với các Nghị định khác hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; bám sát yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, thể chế hoá các cam kết quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư; thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, phân cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư và doanh nghiệp. Đối với những hoạt động đầu tư mang tính đặc thù cần có những quy định riêng (bao gồm cả các hoạt động đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao), đi đôi với việc thống nhất quản lý theo chính sách đầu tư chung còn phải đáp ứng yêu cầu của tính đặc thù và cam kết trong các Điều ước quốc tế.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định này, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Những năm qua, hoạt động đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO) và Xây dựng - Chuyển giao (BT) đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách tập trung để đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án này cho thấy các Nghị định về đầu tư loại hình này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, không theo kịp sự phát triển của pháp luật về đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, nhất là đối với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới ban hành. Vì vậy, cần khẩn trương ban hành Nghị định mới về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT áp dụng thống nhất cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo khung pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư tư nhân cho phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, phù hợp với thông lệ quốc tế và những điều kiện cụ thể của nước ta; hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo đảm đầu tư đối với nhà đầu tư thực hiện các dự án; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục đầu tư, khắc phục sự biến dạng trong việc thực hiện dự án đầu tư theo các hình thức trên.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định này; lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình dự thảo Nghị định về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định này.
Thời gian qua, công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân được điều chỉnh bằng Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 03 năm 2000 của Chính phủ. Quá trình thực hiện Nghị định đã bộc lộ một số hạn chế như thủ tục xuất cảnh còn chậm; thời hạn giải quyết hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu còn kéo dài; việc cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục cải tiến... Vì vậy, cần khẩn trương ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 05/2000/NĐ-CP theo nguyên tắc tạo thuận lợi hơn nữa trong việc cấp hộ chiếu nói chung, trong đó có việc cấp hộ chiếu phổ thông cho cán bộ, công chức Nhà nước đi nước ngoài về việc riêng; chuẩn hoá giấy tờ cho người Việt Nam ở nước ngoài; tập trung thống nhất công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, khắc phục những điểm bất hợp lý trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh hiện nay, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Chính phủ đã xem xét Tờ trình về Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người giai đoạn 2006 - 2010 (OPI) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình.
Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người giai đoạn 2006 - 2010 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan, với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế chuẩn bị kỹ. Chính phủ thông qua Chương trình này làm cơ sở để tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế cam kết giúp đỡ, ủng hộ nước ta phòng chống dịch và có kế hoạch bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tranh thủ các tổ chức quốc tế, hoàn thiện Chương trình để triển khai xây dựng các dự án cụ thể và tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ các dự án cụ thể để cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn tài trợ quốc tế, bảo đảm kinh phí thực hiện Chương trình.
5. Chính phủ đã xem xét Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo tình hình thị trường trong nước và xuất khẩu tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2006 do Bộ Thương mại trình.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2006 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định: sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá; nông nghiệp mặc dù gặp thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn ổn định, dịch cúm gia cầm tiếp tục được khống chế; dịch vụ tiếp tục phát triển; hoạt động xuất khẩu phát triển khá; nguồn vốn đầu tư đạt khá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; thu, chi ngân sách Nhà nước bảo đảm tiến độ. Các lĩnh vực hoạt động xã hội có tiến bộ.
Những khó khăn nổi lên là: sản xuất công nghiệp tuy tăng nhưng chỉ có số ít mặt hàng công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng cao; tình hình dịch bệnh, thời tiết 5 tháng qua diễn biến phức tạp như dịch lở mồm long móng gia súc, hạn hán kéo dài, mưa lũ, lốc xoáy ảnh hưởng tới kết quả sản xuất nông nghiệp, cơn bão số 1 gây thiệt hại nặng nề về người và của cho ngư dân Miền Trung; thị trường trong nước tiềm ẩn những yếu tố gây tăng giá: giá xăng dầu tăng, giá vàng diễn biến phức tạp kéo theo sự tăng giá dây chuyền các mặt hàng khác, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đang nổi lên một số vấn đề cần tập trung giải quyết như bệnh sốt xuất huyết, bệnh viêm não...; trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Cùng với việc triển khai quyết liệt Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2006, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; theo dõi sát tình hình diễn biến của thị trường và dự báo biến động giá để có phương án xử lý hiệu quả; đẩy mạnh xuất khẩu; chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch lở mồm long móng; huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tổ chức thanh tra, kiểm tra các công trình giao thông, thuỷ lợi, chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng; tập trung ổn định đời sống, cứu trợ đồng bào bị nạn bởi cơn bão số 1 đồng thời có phương án phòng, chống thiên tai có hiệu quả; quan tâm giải quyết về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp; đấu tranh quyết liệt phòng chống tội phạm tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông./.