NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2006
Trong hai ngày 30 tháng 06 và 01 tháng 07 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm; bàn nhiệm vụ và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2006.
1. Sáu tháng qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình công tác đã ban hành, thể chế hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh huy động vốn đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; đẩy mạnh xã hội hoá các mặt công tác xã hội; đồng thời, ứng phó kịp thời và có hiệu quả những biến động bất lợi về giá cả thị trường, thiên tai và dịch bệnh; tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tập thể Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chỉ đạo điều hành, xử lý có hiệu quả các lĩnh vực công tác; thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm sự chỉ đạo điều hành toàn diện, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, vừa ổn định các cân đối vĩ mô, vừa giải quyết có hiệu quả, kịp thời các vấn đề phát sinh đột xuất, cấp bách. Quan hệ phối hợp công tác giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được tiếp tục duy trì và ngày càng có nội dung thiết thực, đồng bộ và hiệu quả. Với phong cách làm việc cụ thể, sâu sát, điều hành quyết liệt, gắn với việc tăng cường kiểm tra giám sát, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng kể.
Nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng (GDP) tương đối cao (ước đạt 7,4%), giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường và dịch bệnh cây trồng, gia cầm, gia súc nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định. Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao. Các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển. Vốn đầu tư xã hội cho phát triển và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng nhu cầu đặt ra. Hoạt động tiền tệ, tín dụng ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tính chung 6 tháng đầu năm 2006 tăng 4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2005 và vẫn trong tầm kiểm soát (cùng kỳ năm 2005 tăng 5,2%). Việc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập kinh tế quốc tế chuyển biến thuận lợi. Một số mặt hoạt động xã hội có tiến bộ: văn hoá - thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ có bước phát triển; bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực; giải quyết việc làm, thực hiện xoá đói giảm nghèo và phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định.
2. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm trước (7,6%) và thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra (8,0%). Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cả năm là 8% thì 6 tháng cuối năm phải phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trên 8,6%. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp. Chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp còn cao làm cho sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm yếu. Thị trường trong nước còn tiềm ẩn những yếu tố gây biến động giá, nhất là giá xăng dầu và những vật tư đầu vào chủ yếu của sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế tăng trưởng vẫn chủ yếu là về bề rộng, chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp; cơ chế quản lý vốn đầu tư xây dựng còn nhiều sơ hở. Một số vấn đề về xã hội còn nhiều khó khăn gay gắt, nhất là về giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động; yêu cầu về cải thiện điều kiện lao động; công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống dịch bệnh và tai nạn lao động; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân một số nơi vẫn còn bức xúc.
Kết quả hoàn thành các đề án trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm đạt thấp, chất lượng nhiều đề án chuẩn bị chưa cao. Công tác xây dựng thể chế còn rất chậm, số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật tồn đọng lớn, một số văn bản có các nội dung quy định mâu thuẫn, bất cập nhưng chưa được xử lý kịp thời.
3. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, khó khăn thách thức đặt ra cho 6 tháng cuối năm là rất lớn, đòi hỏi sự phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ 6 tháng cuối năm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp lớn đã được đề cập trong Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời, phát huy những thành tích đã đạt được trong sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và cải cách hành chính, cụ thể là:
3.1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, loại bỏ ngay các quy định không phù hợp, gây cản trở cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là các "giấy phép con".
Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh để thúc đẩy phát triển. Kịp thời xử lý các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Coi trọng hoạt động đào tạo nghề, chấp hành pháp luật lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp cần thiết để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tăng cường các biện pháp để phòng chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là dịch lở mồm long móng gia súc, chủ động ngăn chặn tái phát dịch cúm gia cầm, đồng thời tiếp tục khuyến khích chuyển hướng sang chăn nuôi tập trung, khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau dịch.
Chủ động dự báo, phòng chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất và đời sống nhân dân. Rà soát các phương án bảo vệ đê điều, tu bổ hồ, đập chứa nước và các công trình ven sông; củng cố đê điều ở những nơi xung yếu, đặc biệt là hệ thống đê sông Hồng, đê biển Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp, thúc đẩy phát triển đa dạng và khai thác thế mạnh của các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính, bảo hiểm, tín dụng, du lịch, vận tải để tạo bước phát triển mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.
3.2. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng đang có thế mạnh và có thị trường. Làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường truyền thống; đồng thời, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đẩy mạnh công tác dự báo xu thế thị trường, đặc biệt là ở những thị trường lớn.
Các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường, trợ giúp xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp. Ban hành và phổ biến rộng rãi các thỏa thuận đã ký kết song phương với Hoa Kỳ và các nước, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn sẽ nảy sinh sau khi gia nhập WTO để các doanh nghiệp chủ động trong việc khai thác các điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu, đề ra giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế. Thúc đẩy, vận động tiêu chuẩn hóa và công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm dịch giữa Việt Nam và các đối tác thương mại nước ngoài, đặc biệt là đối với những bạn hàng lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản...
3.3. Đẩy mạnh đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả đầu tư là giải pháp quyết định tốc độ tăng trưởng. Tổ chức thực hiện giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, vốn ODA, tín dụng nhà nước, trái phiếu chính phủ, công trái giáo dục. Tháo gỡ ngay mọi phát sinh gây ách tắc, cản trở các hoạt động đầu tư, cả về cơ chế, chính sách và tâm lý.
Tăng cường phân cấp trong việc cấp giấy phép và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thực hiện đơn giản hoá, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong đầu tư, nhất là các quy định về đất đai, xây dựng, hải quan, thuế... nhằm đạt mục tiêu giảm chi phí đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, qua đó tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để tạo nên làn sóng đầu tư nước ngoài mới hướng vào Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị định về đầu tư xây dựng. Tổ chức lại các Ban quản lý dự án; hoàn thiện và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các Ban quản lý dự án ODA theo hướng thiết thực, hiệu quả và tinh gọn; xây dựng và thực hiện lộ trình chống khép kín trong đầu tư và xây dựng; tăng cường công tác giám sát, thanh tra chất lượng xây dựng, đặc biệt chú trọng quản lý chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế, giám sát thi công và nhà thầu khi tham gia xây dựng công trình.
3.4. Chủ động, tích cực chuẩn bị gia nhập WTO và thực hiện các cam kết quốc tế có hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thống nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện các lộ trình giảm thuế, nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước một cách hợp lý trong khuôn khổ các cam kết quốc tế; xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi trở thành thành viên của WTO. Tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC cùng với việc đón các nguyên thủ quốc gia APEC thăm chính thức Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế đất nước ta trong khu vực và quốc tế, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương với các đối tác lớn trong APEC.
3.5. Ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, điều hành thị trường trong nước bảo đảm bình ổn thị trường, kiểm soát tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP; không để sốt hàng, sốt giá; tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc hiện tượng lợi dụng việc biến động giá thế giới để tăng giá các sản phẩm không hợp lý, hạn chế tác động dây chuyền của việc tăng giá xăng dầu.
Tổ chức tốt hệ thống đại lý, gắn đại lý với các nhà sản xuất, các nhà phân phối lớn để bảo đảm kiểm soát được giá. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí tiêu hao vật tư, nguyên liệu. Kiểm soát chặt chẽ việc định giá, chi phí giá thành đối với các sản phẩm độc quyền và có tính độc quyền, nhất là đối với các vật tư nguyên liệu quan trọng.
Bảo đảm việc điều hành chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ, ổn định các cân đối vĩ mô. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng; tăng cường sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, phục vụ tốt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Điều hoà ổn định tỷ giá, lãi suất và cân đối ngoại tệ; bảo đảm cung ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu các vật tư nguyên liệu quan trọng, nhất là xăng dầu, sắt thép và một số vật tư, hóa chất chủ yếu khác.
Thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống thất thu thuế và các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng chi vượt dự toán, ứng trước, vay để chi tiêu nhưng không có nguồn trả, nhất là trong xây dựng cơ bản.
3.6. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc: Tăng cường phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh trong mùa hè và dịch bệnh mới phát sinh. Thực hiện tốt các nội dung đổi mới giáo dục - đào tạo, kiên quyết khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực này; tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường lớp học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề; hoàn thiện hệ thống dạy nghề gắn với thị trường lao động và lập nghiệp của thanh niên, từng bước đáp ứng nguồn lao động kỹ thuật cao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Tiếp tục kiểm soát và hạn chế các cuộc đình công trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tăng cường thực hiện các giải pháp về kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông, lập lại trật tự kỷ cương, trật tự an toàn giao thông; quyết liệt trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
3.7. Tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng đang là đòi hỏi bức thiết. Các Bộ, ngành và địa phương tiến hành các hoạt động cụ thể trong Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những cơ chế phòng ngừa hữu hiệu, xử lý nghiêm minh, công khai, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội.
Chính phủ khẳng định quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trước hết là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tổ chức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức thuộc quyền. Bộ Công an khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra những vụ án tham nhũng đang gây bức xúc trong dư luận, đưa ra xét xử theo pháp luật. Các Bộ, ngành và địa phương có kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức; xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp, loại trừ khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực.
Trong 6 tháng cuối năm, tiến hành việc rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức có chức năng tư vấn, phối hợp liên ngành; đề xuất phương án sắp xếp, điều chỉnh cơ bản các tổ chức này, nhất là các tổ chức liên ngành do Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đứng đầu, kiên quyết thực hiện nguyên tắc tinh giản, hiệu quả, thiết thực; chỉ duy trì những tổ chức thực sự cần thiết có thể giúp Thủ tướng tập trung nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng, liên ngành vượt quá thẩm quyền của Bộ trưởng. Theo nguyên tắc tương tự như vậy, mỗi Bộ, ngành, địa phương cũng phải khẩn trương rà soát, sắp xếp lại các tổ chức liên ngành đang tồn tại thuộc Bộ, cơ quan. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đặt nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của mình.
3.8. Tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng thể chế, đổi mới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cơ quan hành chính Nhà nước. Khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trong việc xây dựng các văn bản pháp luật. Từ nay đến hết năm phải khắc phục về cơ bản tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, bổ sung thêm những quy định pháp lý mới, thiết thực về đổi mới phương thức và nội dung chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Xác định lại một cách đích thực nội dung và phạm vi quản lý Nhà nước mà Chính phủ phải làm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới như gia nhập WTO, đẩy mạnh xã hội hoá và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước...; từng bước sắp xếp lại bộ máy Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Cải tiến lề lối làm việc và phong cách chỉ đạo điều hành theo đúng các quy chế làm việc đã ban hành; nâng cao chất lượng hội họp, giảm giấy tờ hành chính. Các Bộ có thay đổi lãnh đạo phải khẩn trương bàn giao, ổn định tổ chức, bảo đảm triển khai thực hiện liên tục nhiệm vụ. Người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước giảm các chức danh kiêm nhiệm, giảm các hoạt động nghi lễ không thực sự cần thiết, dành thời gian tập trung chỉ đạo, kiểm tra các công việc trọng tâm; kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang cản trở việc thực hiện kế hoạch; phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2006./.