Văn bản pháp luật: Nghị quyết 14/2011/QH13

Nguyễn Sinh Hùng
Toàn quốc
Công báo số 611+612, năm 2011
Nghị quyết 14/2011/QH13
Nghị quyết
10/11/2011
10/11/2011

Tóm tắt nội dung

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012

Chủ tịch Quốc hội
2.011
Quốc hội

Toàn văn

NGHỊ QUYẾT

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012

_____________

 

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước;

Sau khi xem xét Báo cáo số 13/BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Báo cáo thẩm tra số 135/BC-UBTCNS13 ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 60/BC-UBTVQH13 ngày 09 tháng 11 năm 20 11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2012

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 740.500 tỷ đồng (bảy trăm bốn mươi nghìn năm trăm tỷ đồng); nếu tính cả 22.400 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2011 sang năm 2012 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 762.900 tỷ đồng (bảy trăm sáu mươi hai nghìn chín trăm tỷ đồng);

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 903.100 tỷ đồng (chín trăm linh ba nghìn một trăm tỷ đồng);

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 140.200 tỷ đồng (một trăm bốn mươi nghìn hai trăm tỷ đồng), tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), phấn đấu tăng thu để giảm bội chi thấp hơn 4,8% GDP.

(Kèm theo các phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5)

Điều 2. Giao Chính phủ

1. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người, bảo đảm an sinh xã hội; điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, khuyến khích, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước; phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thông tin, bảo vệ môi trường, y tế theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội; giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

2. Tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các luật thuế; tăng cường kiểm tra, thanh tra, quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước, nhất là thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống gian lận thương mại.

3. Từ ngày 01/5/2012: Thực hiện mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng , phụ cấp công vụ 25% cho cán bộ, công chức; lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với cơ chế khoán chi thường xuyên cho các cơ quan hành chính ; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính nhằm đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ công. Từng bước chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế.

4. Đầu tư trở lại không quá 30% số vượt thu so với dự toán thu hàng năm nhưng dự toán thu phải cao hơn số thực hiện năm trước đối với số thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ trên địa bàn cho ngân sách các tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ. Chính phủ dự kiến phương án phân bổ và sử dụng hợp lý, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhưng không quá 200 tỷ đồng/năm đối với một địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn 2012-2015 theo Đề án đầu tư được Chính phủ phê duyệt.

5. Phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2012 đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đã được Quốc hội cho phép; rà soát danh mục, xây dựng phương án phân bổ cụ thể đối với từng dự án, công trình, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31 tháng 01 năm 2012.

6. Tăng cường quản lý các khoản chi n gân sách nhà nước, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên theo đúng dự toán được phê duyệt.

Năm 2012, chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học; giảm chi chuyển nguồn trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Điều 3. Giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 trên lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ hai ngày 10 tháng 11 năm 2011./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27114&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận