Văn bản pháp luật: Nghị quyết 20/2013/NQ-HĐND

Phạm Văn Cường
Tỉnh Lào Cai
Nghị quyết 20/2013/NQ-HĐND
Nghị quyết
21/12/2013
13/12/2013

Tóm tắt nội dung

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách địa phương năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2014

Chủ tịch
2.013
Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai

Toàn văn

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH LÀO CAI

 Số: 20/2013/NQ-HĐND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Lào Cai,  ngày 13  tháng 12  năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách địa phương năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2014

________________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách;

Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-TTg ngày 30/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014;

Sau khi xem xét báo cáo số 498/BC-UBND ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; Báo cáo số 514/BC-UBND ngày 05/12/2013 về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2014; Báo cáo số 497/BC-UBND ngày 26/11/2013 về tình hình đầu tư phát triển năm 2013, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2014; Báo cáo thẩm tra số 76/BC-HĐND ngày 04/12/2013 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách địa phương năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2014.

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013:

Năm 2013 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và 7 chương trình, 27 đề án trọng tâm giai đoạn 2011 - 2015. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn. Song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, đồng thuận của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên những tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước được khai thác hiệu quả, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng; các chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành và vượt kế hoạch; GDP tăng trên 14% (trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 5%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng trên 20%, dịch vụ tăng trên 12%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỉnh đã cân đối bố trí 72% vốn ngân sách cho vùng cao, vùng nông thôn và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nên bộ mặt vùng cao, nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; sản lượng lương thực có hạt: 268,3 nghìn tấn, tăng 3,3% so CK; giá trị sản xuất công nghiệp: 3.940 tỷ đồng, tăng 25,2% so CK. Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu: 1,8 tỷ USD, tăng 52,1% so CK, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác phát triển. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 28% so CK. Thu hút khách du lịch tăng 32,8% so CK; doanh thu du lịch tăng 38,2% so CK... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: Chất lượng giáo dục được nâng lên, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân được tăng cường; kiểm soát tốt dịch bệnh trên người và gia súc; công tác đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng. Tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần của Chỉ số PCI gắn với chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Quốc phòng được củng cố, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả. Hệ thống chính trị các cấp đã có những đổi mới, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả trên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 còn một số khó khăn, tồn tại đó là: Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản; đời sống nhân dân vùng thiên tai hết sức khó khăn, nguy cơ tái nghèo tăng; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là cơ sở hạ tầng còn chậm. Một số dự án quan trọng không đảm bảo tiến độ gây ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Hệ thống giao thông quá tải nên việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; hệ thống kho bãi, đặc biệt tại Khu Kinh tế cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu; vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, ăn uống chưa đáp ứng được nhu cầu trong những dịp nghỉ lễ. Lãi suất ngân hàng và giá cả hàng hóa tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao;

Doanh nghiệp hoạt động còn khó khăn, một số doanh nghiệp hạn chế về năng lực. Công tác giải phóng mặt bằng, sắp xếp dân cư ở một số dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án trọng điểm... Chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng khó khăn còn bất cập, tỷ lệ học sinh chuyên cần chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh ở cấp xã còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu. Quản lý nhà nước về tài nguyên đất, khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu, hoạt động khai thác khoáng sản trên sông, suối, khai thác vàng trái phép còn xảy ra; việc đảm bảo môi trường đã có cố gắng nhưng còn bất cập, nhất là tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, nhập cảnh, vượt biên trái phép, an ninh, trật tự xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp khó lường, số người chết vì tai nạn giao thông tăng; di cư tự do, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương vẫn xảy ra...

HĐND tỉnh thống nhất thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển, dự toán ngân sách địa phương năm 2013 với những chỉ tiêu cơ bản theo báo cáo của UBND tỉnh đã trình tại kỳ họp thứ 9.

2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

Nhất trí với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và giải pháp đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp; tập trung vào một số chỉ tiêu chủ yếu sau đây:

2.1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội:

a) Các chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) theo giá cố định 1994 khoảng 14%.

- Tổng sản lượng lương thực có hạt: 273 nghìn tấn, tăng 1,7% so ước thực hiện 2013.

- Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản: 42 triệu đồng/ha, tăng 1,1% so ước thực hiện năm 2013.

- Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: 4.717 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 19,7% so ước thực hiện năm 2013 (giá so sánh 2010: 11.500 tỷ đồng, tăng 9% so ước thực hiện năm 2013).

- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn: 1.450 triệu USD, bằng 80,6% so ước thực hiện năm 2013. Giá trị xuất nhập khẩu của tỉnh: 145 triệu USD, tăng 2,1% so ước thực hiện 2013; trong đó xuất khẩu đạt 95 triệu USD.

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 4.150 tỷ đồng, bằng 100% so ước thực hiện 2013.

- Tổng lượng khách du lịch: 1,3 triệu lượt người, tăng 3,1% so ước thực hiện năm 2013. Doanh thu dịch vụ du lịch: 2.900 tỷ đồng, tăng 13,8% so ước thực hiện năm 2013.

b) Các chỉ tiêu về xã hội

- Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở tại 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

- Tỷ lệ huy động trẻ em 6 -14 tuổi đến trường: 99,5%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo 99,8%, bằng 100% so ước thực hiện 2013.

- Tỷ lệ giảm sinh: 0,5‰.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi: 21,2%.

- Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 31,4 giường, bằng 101% so ước thực hiện năm 2013.

- Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế: 42,7%, bằng 140% so ước thực hiện năm 2013.

- Tỷ lệ số hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam 97%, bằng 100% so ước thực hiện năm 2013.

- Tỷ lệ số hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam 90%, bằng 101% so ước thực hiện năm 2013.

- Tạo việc làm mới 11.500 lao động. Đào tạo, bồi dưỡng nghề 14.040 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 50,45%.

- Tỷ lệ số hộ nghèo giảm 4%.

- Phấn đấu 1.385 số làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 110.223 gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế: 95,5% dân số.

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội: 7,9% tổng dân số.

c) Các chỉ tiêu môi trường

- Tỷ lệ che phủ của rừng: 52,6%.

- Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh: 90%.

- Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị: 93%.

d) Các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới

Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 144/144 xã trên địa bàn; trong đó: Duy trì, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của các xã đã hoàn thành năm 2013, phấn đấu thêm khoảng lo xã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới lên 14 xã.

(Chi tiết theo phụ lục 01)

2.2. Kế hoạch đầu tư phát triển:

Nhất trí với quan điểm, nguyên tắc và cơ cấu kế hoạch vốn đầu tư năm 2014, tổng vốn đầu tư ngân sách do địa phương quản lý: 2.935,938 tỷ đồng, gồm:

a) Nguồn cân đối ngân sách địa phương: 587 tỷ đồng

- Vốn ngân sách tập trung: 267 tỷ đồng.

- Vốn thu tiền sử dụng đất: 320 tỷ đồng.

b) Vốn chương trình mục tiêu quốc gia: 385,038 tỷ đồng

- Chương trình việc làm và dạy nghề: 17,435 tỷ đồng;

- Chương trình giảm nghèo bền vững: 280,370 tỷ đồng;

- Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường: 21,180 tỷ đồng;

- Chương trình mục tiêu y tế: 3,679 tỷ đồng;

- Chương trình mục tiêu dân số và kế hoạch hóa gia đình: 4,712 tỷ đồng;

- Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: 2,297 tỷ đồng;

- Chương trình mục tiêu văn hóa: 4,250 tỷ đồng;

- Chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo: 34,590 tỷ đồng;

- Chương trình phòng chống ma túy: 4,670 tỷ đồng;

- Chương trình mục tiêu phòng chống tội phạm: 0,220 tỷ đồng;

- Chương trình xây dựng nông thôn mới: 7,477 tỷ đồng;

- Chương trình phòng chống HIV/AIDS: 2,658 tỷ đồng;

- Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo: 1,500 tỷ đồng.

c) Vốn hỗ trợ có mục tiêu: 553,9 tỷ đồng.

- Vốn thực hiện Nghị quyết 37: 195,9 tỷ đồng;

- Chương trình giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản: 14 tỷ đồng;

- Chương trình bố trí dân cư nơi cần thiết: 8 tỷ đồng;

- Chương trình di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số: 2 tỷ đồng;

- Vốn hỗ trợ cụm công nghiệp: 6 tỷ đồng;

- Vốn hỗ trợ hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu: 90 tỷ đồng;

- Vốn hỗ trợ đầu tư theo QĐ 120: 45 tỷ đồng;

- Chương trình quản lý, bảo vệ biên giới: 24 tỷ đồng;

- Vốn hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh: 12 tỷ đồng;

- Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn theo Quyết định số 504/QĐ-TTg: 3 tỷ đồng;

- Vốn hỗ trợ hạ tầng hạ tầng du lịch: 20 tỷ đồng;

- Chương trình phát triển và bảo vệ rừng bền vững: 58 tỷ đồng;

- Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu: 40 tỷ đồng;

- Hỗ trợ đầu tư các công trình cấp bách khác của địa phương theo quyết định của lãnh đạo Đảng và Nhà nước: 36 tỷ đồng.

d) Vốn nước ngoài: 600 tỷ đồng.

đ) Vốn nguồn ngân sách khác: 200 tỷ đồng.

e) Vốn Trái phiếu Chính phủ: 610 tỷ đồng (giao thông, thủy lợi: 535 tỷ đồng, y tế: 75 tỷ đồng).

(Chi tiết theo phụ lục 02)

2.3. Dự toán ngân sách

a) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.150 tỷ đồng, gồm:

- Thu từ nội địa: 2.500 tỷ đồng;

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 1.350 tỷ đồng;

- Thu quản lý qua ngân sách: 300 tỷ đồng.

b) Thu ngân sách địa phương: Tổng thu ngân sách địa phương 7.660 tỷ đồng, gồm:

- Thu từ thuế, phí và các khoản thu khác: 2.162,831 tỷ đồng;

- Thu tiền sử dụng đất, bán trụ sở, san tạo mặt bằng: 320 tỷ đồng;

- Thu bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương 2.160,554 tỷ đồng, gồm: Thu bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản 266 tỷ đồng; thu bổ sung cân đối chi thường xuyên 1.894,554 tỷ đồng;

- Thu bổ sung thực hiện chế độ chính sách, nhiệm vụ mới: 284,095 tỷ đồng;

- Thu bổ sung cải cách tiền lương: 1.000,153 tỷ đồng;

- Thu tiền huy động đầu tư: 200 tỷ đồng;

- Thu chuyển nguồn: 130 tỷ đồng;

- Thu bổ sung có mục tiêu từ NSTW: 1.102,367 tỷ đồng;

- Thu để lại quản lý qua ngân sách: 300 tỷ đồng.

c) Chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương 7.660 tỷ đồng, gồm:

- Chi đầu tư phát triển: 647,754 tỷ đồng;

- Chi thường xuyên: 5.302,033 tỷ đồng;

- Chi trả nợ gốc và lãi vay đầu tư: 156,746 tỷ đồng;

- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính: 1,1 tỷ đồng;

- Dự phòng ngân sách: 150 tỷ đồng;

- Các chương trình MTQG, dự án và nhiệm vụ: 1.102,367 tỷ đồng;

- Chi quản lý qua ngân sách: 300 tỷ đồng.

d) Thu ngân sách tỉnh: Tổng thu ngân sách tỉnh 6.994,534 tỷ đồng, gồm:

- Thu NS tỉnh theo phân cấp: 1.959,745 tỷ đồng;

- Thu bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương 2.160,554 tỷ đồng, gồm: Thu bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản 266 tỷ đồng; thu bổ sung cân đối chi thường xuyên 1.894,554 tỷ đồng;

- Thu bổ sung thực hiện chế độ chính sách, nhiệm vụ mới: 284,095 tỷ đồng;

- Thu bổ sung cải cách tiền lương: 1.000,153 tỷ đồng;

- Thu tiền huy động đầu tư: 200 tỷ đồng;

- Thu chuyển nguồn: 130 tỷ đồng;

- Thu bổ sung có mục tiêu từ NSTW: 1.102,367 tỷ đồng;

- Thu để lại quản lý qua ngân sách: 157,62 tỷ đồng.

đ. Phân bổ dự toán ngân sách tỉnh: Tổng chi ngân sách tỉnh 6.994,534 tỷ đồng, gồm:

- Chi đầu tư phát triển: 561,854 tỷ đồng;

- Chi thường xuyên: 2.133,515 tỷ đồng;

- Chi trả nợ gốc và lãi vay đầu tư: 156,746 tỷ đồng;

- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính: 1,1 tỷ đồng;

- Dự phòng ngân sách tỉnh: 86,63 tỷ đồng;

- Các chương trình MTQG, dự án và nhiệm vụ: 1.102,367 tỷ đồng;

- Chi quản lý qua ngân sách: 157,62 tỷ đồng;

- Chi bổ sung ngân sách cho các huyện, thành phố: 2.794,703 tỷ đồng.

(Chi tiết theo các phụ lục 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10, 11, 12)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. UBND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.

Đối với các nguồn vốn đầu tư phát triển chưa phân bổ chi tiết trong kế hoạch năm 2014; chỉ tiêu đào tạo, tuyển mới và những khoản kinh phí chưa phân bổ của dự toán ngân sách tỉnh năm 2014, giao UBND tỉnh xây dựng, rà soát, phân bổ chi tiết, trình Thường trực HĐND tỉnh thỏa thuận trước khi quyết định và tổng hợp báo cáo tại kỳ họp gần nhất HĐND tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIV thông qua ngày 11/12/2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

 Phạm Văn Cường

 


Nguồn: vbpl.vn/laocai/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=33416&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận