Văn bản pháp luật: Nghị quyết 42/2009/QH12

Nguyễn Phú Trọng
Toàn quốc
Công báo số 579+580/2009
Nghị quyết 42/2009/QH12
Nghị quyết
27/11/2009
27/11/2009

Tóm tắt nội dung

Về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Chủ tịch Quốc hội
2.009
Quốc hội

Toàn văn

NGHỊ QUYẾT

Về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn,

 tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

____________________________

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;

Sau khi xem xét Báo cáo kết quả giám sát số 283/BC-UBTVQH12 ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành với các nội dung trong Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Quốc hội nhận thấy Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan hữu quan và địa phương đã nỗ lực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nói chung và của tập đoàn, tổng công ty nói riêng; đã ban hành tương đối đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong thời gian qua, nhìn tổng thể, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Đại bộ phận các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bảo toàn và phát triển vốn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Tán thành với các đánh giá trong Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về những hạn chế, thiếu sót trong các chính sách, pháp luật đã ban hành; những tồn tại, yếu kém trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của các cơ quan quản lý các cấp và bản thân các tập đoàn, tổng công ty. Một số lượng không nhỏ tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước. Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục phân tích sâu sắc, đánh giá toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.

Điều 2. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý, quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và sớm trình để ban hành Luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh.

2. Thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách bạch rõ ràng thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.

3. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn cả mặt tốt, mặt chưa tốt mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trên cơ sở đó, điều chỉnh để các mô hình này ngày càng phù hợp hơn. Tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh đa ngành, nhưng phải xác định và tập trung cao vào ngành sản xuất, kinh doanh chính, lựa chọn kỹ lưỡng nội dung hoạt động trong các ngành khác mà doanh nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Quy định thật cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn, quy mô một tập đoàn, tổng công ty nhà nước được đầu tư sang các ngành, lĩnh vực khác. Chấn chỉnh kịp thời các lệch lạc trong thời gian vừa qua.

Cần có quy định rõ ràng về những nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của nhà nước cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước và những nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp; có chiến lược xây dựng và phát triển các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đủ mạnh để trở thành công cụ quan trọng điều tiết kinh tế vĩ mô và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải chú ý đầy đủ đến các yếu tố cấu thành giá trị của doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu làm rõ và tổ chức thực hiện việc cổ phần hóa công ty con, cùng với cổ phần hóa công ty mẹ phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước cần lựa chọn hình thức thích hợp giữa mô hình cổ phần hóa và mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc hai thành viên trở lên.

Có giải pháp xử lý sớm, kiên quyết, dứt điểm các tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi, cần thiết thì áp dụng quy định của pháp luật về phá sản, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý đúng theo pháp luật. Sớm tiến hành tổng kết việc xử lý nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước để có biện pháp hữu hiệu, tập trung giải quyết tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh đang gây khó khăn về tài chính nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp.

5. Cần đặc biệt chú trọng việc chọn lựa nhân sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo những tiêu chuẩn được xác định. Quy định rõ về tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích và có chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm minh; có cơ chế thưởng, phạt cụ thể gắn với trách nhiệm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị đối với thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác. Hoàn thiện quy chế đánh giá, xếp hạng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.

6. Cần có quy định cụ thể về chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động bao gồm cả phân phối lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng làm cơ sở để kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và giám sát.

7. Đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước để có định hướng và giải pháp phát huy vai trò của loại hình doanh nghiệp này; làm rõ địa vị pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, Ủy ban nhân dân), trên cơ sở đó xác định cơ quan đầu mối quản lý về mặt nhân sự đối với đội ngũ cán bộ. Cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động đặc thù của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Điều 3.

1. Chính phủ tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết của Quốc hội và báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2009./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=23773&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận