Văn bản pháp luật: Nghị quyết 52/2010/QH12

Nguyễn Phú Trọng
Toàn quốc
Công báo số 711+712
Nghị quyết 52/2010/QH12
Nghị quyết
10/11/2010
10/11/2010

Tóm tắt nội dung

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011

Chủ tịch Quốc hội
2.010
Quốc hội

Toàn văn

NGHỊ QUYẾT

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011

 ___________________

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước;

Sau khi xem xét Báo cáo số 16/BC-CP ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; Báo cáo thẩm tra số 1634/BC-UBTCNS12 ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 387/BC-UBTVQH12 ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2011

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 595.000 tỷ đồng (năm trăm chín mươi lăm nghìn tỷ đồng), tương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước; tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 605.000 tỷ đồng (sáu trăm linh năm nghìn tỷ đồng);

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 725.600 tỷ đồng (bảy trăm hai mươi lăm nghìn sáu trăm tỷ đồng);

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 120.600 tỷ đồng (một trăm hai mươi nghìn sáu trăm tỷ đồng), tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước.

(Kèm theo các phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5)

Điều 2. Tán thành các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 do Chính phủ trình và kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong Báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm dưới đây

1. Thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước. Trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước cần có giải pháp để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới mức 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước và giảm dần trong các năm sau. Xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2011.

2. Chỉ đạo quyết liệt, tăng cường quản lý công tác thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo luật định; giảm hẳn tình trạng nợ đọng thuế, gian lận thuế.

Trường hợp thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán, số vượt thu ngân sách trung ương được sử dụng ít nhất 30% để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011.

Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể số vượt thu ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như các nguồn tài chính công khác; khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn lớn, chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền, sai quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư; đầu tư đồng bộ; tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011 - 2012, nhất là ở các địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang còn nhận bổ sung lớn từ ngân sách trung ương; giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia, đặc biệt là ở các thành phố, thị xã, tăng vốn đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn và các vùng khó khăn khác.

Từ ngày 01 tháng 5 năm 2011, điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng; lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%; phụ cấp thâm niên ngành giáo dục.

4. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị, gắn với cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cụ thể. Thực hiện cơ chế giá dịch vụ theo hướng từng bước tính đủ chi phí, đồng thời Nhà nước có chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các loại hình sự nghiệp; tăng cường quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.

5. Năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Các địa phương tích cực khai thác, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình được trung ương hỗ trợ bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Không bố trí vốn cho các dự án, công trình không đúng đối tượng, không đủ thủ tục đầu tư, không thật sự cấp bách, không hiệu quả; bố trí vốn tập trung, nhất là các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011 - 2012. Điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình trong cùng một lĩnh vực cho phù hợp với tiến độ và khả năng hoàn thành; không chuyển nguồn vốn trái phiếu chính phủ chưa sử dụng hết sang năm sau. Xây dựng phương án huy động, phân bổ vốn trái phiếu chính phủ chi tiết năm 2011 đối với từng dự án, công trình, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31 tháng 01 năm 2011, đồng thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất về kế hoạch phát hành, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015.

6. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các khoản chi trong cân đối ngân sách nhà nước và các khoản chi được quản lý qua ngân sách nhà nước, vay về cho vay lại, bảo lãnh vay của Chính phủ, các khoản chi từ các quỹ tài chính Nhà nước, các khoản vay, tạm ứng của các Bộ, chính quyền địa phương. Thực hiện nguyên tắc ngân sách của Bộ, ngành, địa phương nào vay, tạm ứng thì ngân sách của Bộ, ngành, địa phương đó phải bố trí nguồn để trả, ngân sách trung ương không bố trí nguồn để trả thay. Khắc phục tình trạng tạm ứng vốn quá lớn, thời gian tạm ứng vốn quá dài hoặc không quy định cụ thể thời gian phải hoàn trả, nhất là đối với các khoản tạm ứng ngân sách năm sau. Quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, kể cả các khoản vay trong và ngoài nước, bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng ngân sách, tài sản và nguồn vốn khác của Nhà nước.

7. Năm 2011 thực hiện 15 Chương trình mục tiêu quốc gia theo đề nghị của Chính phủ. Chính phủ xây dựng tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện; phân giao cho các Bộ, ngành, địa phương trước ngày 31 tháng 01 năm 2011. Đồng thời trong năm 2011, Chính phủ tổng kết toàn diện các chương trình mục tiêu quốc gia; xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng theo hướng lồng ghép nội dung, tinh gọn đầu mối quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia cho cả thời kỳ 2011 - 2015 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

8. Tổng kết, đánh giá, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước trình Quốc hội xem xét, quyết định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước.

Điều 3. Giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 một cách thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2010./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26187&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận