Văn bản pháp luật: Nghị quyết 54/NQ-CP

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo từ số 535+536
Nghị quyết 54/NQ-CP
Nghị quyết
11/11/2009
11/11/2009

Tóm tắt nội dung

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2009

Thủ tướng
2.009
Chính phủ

Toàn văn

 

NGHỊ QUYẾT
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2009
Trong hai ngày 29 và 30 tháng 10 năm 2009, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 2009, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:
1. Chính phủ thảo luận và thông qua các báo cáo: Tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2009, dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới thời gian tới; Kết quả thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đề xuất các giải pháp, chính sách trong thời gian tới; Sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; Kết quả một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 10 năm 2009; Công tác cải cách hành chính tháng 10 năm 2009; Tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2009, Chương trình công tác của Chính phủ tháng 10 năm 2009, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.
a) Về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2009 và kết quả thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ nhận định, mặc dù chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong việc thực hiện tổng hợp các giải pháp, chính sách, nền kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những kết quả tích cực: suy giảm kinh tế được ngăn chặn, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước; sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét và tăng trưởng liên tục trong 9 tháng qua; sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định; khu vực dịch vụ, đặc biệt là thị trường trong nước, có tốc độ tăng trưởng khá nhanh; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, những khó khăn về việc làm, đời sống nhân dân đang được khắc phục có hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước tiến bộ; chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn: đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, du lịch phục hồi còn chậm; cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; thiên tai gây thiệt hại nặng nề; đời sống một bộ phận không nhỏ nhân dân còn khó khăn...
Chính phủ thống nhất chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đã đề ra cho năm 2009 và trong năm 2010 cần tiếp tục các giải pháp, chính sách kích thích kinh tế nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế cao hơn, vững chắc hơn năm 2009; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; chính sách kích thích kinh tế phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, tính toán cân đối giữ tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2010 như đã báo cáo trước Quốc hội, đặc biệt là đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nhằm đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong nước và nước ngoài; có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục thực hiện một cách phù hợp về cơ chế hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2009, Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 và Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thu hẹp đối tượng và giảm mức hỗ trợ hợp lý, trình Chính phủ thông qua và ban hành trong tháng 12 năm 2009.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng phù hợp, kiểm soát nhập siêu, không để lạm phát cao trở lại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quý IV năm 2009, trong đó, có chính sách về nguồn vốn, giảm bớt thủ tục để tạo điều kiện cho hộ sản xuất, chủ trang trại và hợp tác xã vay vốn sản xuất, kinh doanh.
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn lại một số quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế.
- Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 theo hướng tăng thu ngân sách, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi nhưng không cắt giảm chi ngân sách đối với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt; năm 2010, dừng thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đã áp dụng trong năm 2009; tiếp tục thực hiện giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng dệt may, da, giày, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong quý I năm 2010; chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cơ chế bảo lãnh tín dụng theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2009 về bảo lãnh vay vốn tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện trong dài hạn.
- Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chương trình đã được Chính phủ thông qua; hạn chế tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người tập trung về Trung ương.
- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tích cực triển khai các giải pháp, chính sách kích thích kinh tế, bố trí đủ vốn, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các công trình, dự án, nhất là các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi, nhà ở xã hội, hỗ trợ giảm nghèo...; tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã ban hành và đang được triển khai, đồng thời phát hiện thêm những vấn đề mới và đề xuất các giải pháp thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương xây dựng phương án cụ thể triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, đề xuất các giải pháp thực hiện ngay từ đầu năm; tập trung chỉ đạo quyết liệt rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo tinh thần của Đề án 30 trong năm 2010; rà soát, lên kế hoạch tổ chức các đoàn ra nước ngoài tránh trùng lắp về nội dung, nhiệm vụ, thời gian, gây lãng phí ngân sách nhà nước; tăng cường tiết kiệm chi tiêu, hạn chế tổ chức lễ nghi, hội họp...
b) Thời gian qua, hệ thống giáo dục đại học của nước ta đã từng bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội và đạt được những kết quả tích cực, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế... Tuy nhiên, giáo dục đại học hiện đang đứng trước nhiều bất cập: chậm thay đổi cơ chế quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng, không bảo đảm được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đang là khâu yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, bổ sung các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, hoàn chỉnh báo cáo về phát triển hệ thống giáo dục đại học và các giải pháp bảo đảm chất lượng đào tạo.
c) Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài với trách nhiệm tham gia của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án và các giải pháp tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện; tăng cường nỗ lực xoá đói, giảm nghèo; tiếp tục cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần dân cư nông thôn; giữ vững ổn định chính trị, xã hội... Tuy nhiên, việc xây dựng một số chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách và hướng dẫn của các Bộ, ngành trong quá trình triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW còn chậm; nhiều chương trình, dự án mới chỉ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách trong từng lĩnh vực cụ thể mà chưa có một chương trình tổng thể xây dựng nông thôn toàn diện, đồng bộ để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nông thôn.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành đúng tiến độ các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án cấp bách, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình đào tạo nghề cho nông dân; các địa phương báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và đề xuất các kế hoạch, giải pháp trên cơ sở thực tiễn xây dựng và phát triển nông thôn, tổ chức thực hiện thí điểm phát triển nông thôn mới ở cấp thôn, xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra Tổng cục Dạy nghề và Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường.
Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ về quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra Tổng cục Dạy nghề, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ về quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành./.

Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=24952&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận