Văn bản pháp luật: Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12

Nguyễn Phú Trọng
Toàn quốc
Công báo số 251+252
Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12
Pháp lệnh
Hết hiệu lực toàn bộ
01/08/2008
02/04/2008

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính

Chủ tịch
2.008
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Toàn văn

PHÁP L?NH

PHÁP LỆNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều

của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/QH12 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XII (2007 – 2011) và năm 2008;

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính:

1. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 12. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

d) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

đ) Biện pháp khắc phục hậu quả khác do người có thẩm quyền quyết định áp dụng theo quy định của Chính phủ.

4. Người nước ngoài vi phạm hành chính còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể."

2. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 14. Phạt tiền

1. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 10.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

2. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định như sau:

a) Phạt tiền tối đa đến 30.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quản lý và bảo vệ các công trình giao thông; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; lao động; đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá; kế toán; thống kê; tư pháp; bảo hiểm xã hội; phòng cháy, chữa cháy;

b) Phạt tiền tối đa đến 40.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: giao thông đường bộ; giao thông đường thủy nội địa; văn hoá - thông tin; du lịch; phòng, chống tệ nạn xã hội; đê điều, phòng chống lụt, bão; y tế; giá; điện lực; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; thú y; giống cây trồng; giống vật nuôi; quốc phòng; dân số và trẻ em; lao động đi làm việc ở nước ngoài; dạy nghề; biên giới quốc gia;

c) Phạt tiền tối đa đến 70.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: thương mại; phí, lệ phí; hải quan; an toàn và kiểm soát bức xạ; giao thông đường sắt; bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện; chuyển giao công nghệ; kinh doanh bảo hiểm; quản lý vật liệu nổ công nghiệp; thể dục, thể thao;

d) Phạt tiền tối đa đến 100.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: hàng hải; hàng không dân dụng; khoa học, công nghệ; đo đạc, bản đồ; giáo dục; công nghệ thông tin; tài nguyên nước; thuế;

đ) Phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: bảo vệ môi trường; chứng khoán; xây dựng; đất đai; ngân hàng; sở hữu trí tuệ; quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; nghiên cứu, thăm dò và khai thác nguồn lợi hải sản, dầu khí và các loại khoáng sản khác.

3. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được quy định tại khoản 2 Điều này thì Chính phủ quy định mức phạt tiền, nhưng tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng.

Trong trường hợp luật quy định mức phạt tiền tối đa khác với quy định tại Điều này thì áp dụng theo quy định của luật."

3. Bổ sung Điều 21a sau Điều 21 như sau:

"Điều 21a. Chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại các điều 18, 19, 20 và 21 của Pháp lệnh này hoặc bỏ trốn mà việc khắc phục hậu quả là thật cần thiết để kịp thời bảo vệ môi trường, đảm bảo giao thông và trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan quản lý có thẩm quyền sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan mình để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả."

4. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 28. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

3. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

4. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

5. Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

6. Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

7. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn."

5. Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 29. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

4. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này;

6. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

7. Quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh."

6. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 31. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Công an nhân dân

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

3. Trưởng Công an cấp xã được áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh này, trừ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Trưởng Công an cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

5. Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

6. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này;

e) Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

8. Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều này và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an.

9. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất."

7. Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 32. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng

1. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

3. Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này."

8. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 33. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát biển

1. Cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

6. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này."

9. Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 34. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Hải quan

1. Nhân viên Hải quan đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

3. Chi cục trưởng Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan), Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

4. Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực hải quan, thuế quy định tại các điểm c và d khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

10. Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 35. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Kiểm lâm

1. Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng.

3. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt phúc kiểm lâm sản, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 30.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

4. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

5. Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này."

11. Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 36. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Thuế

Trừ trường hợp luật có quy định khác về mức phạt, những người sau đây có quyền:

1. Nhân viên thuế đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Trạm trưởng Trạm Thuế, Đội trưởng Đội Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

3. Chi cục trưởng Chi cục Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

4. Cục trưởng Cục Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thuế quy định tại điểm d khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính."

12. Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 38. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành

1. Thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này, trừ biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

3. Chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này."

13. Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 39. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không

Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

4. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này."

14. Điều 40 được sửa đổi, bổ sung thành các Điều 40 và 40a như sau:

"Điều 40. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Toà án nhân dân

1. Thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

2. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh toà Tòa án nhân dân tối cao có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Điều 40a. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan thi hành án dân sự

1. Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

3. Trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

4. Chấp hành viên thi hành án dân sự là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ phá sản có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng."

15. Bổ sung Điều 40b, 40c và 40d sau Điều 40a như sau:

"Điều 40b. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước

1. Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp buộc người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước theo quy định tại khoản 6 Điều 75 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng;

c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 75 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 75 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 40c. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh và Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh

Trừ trường hợp luật có quy định khác, những người sau đây có quyền:

1. Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền.

2. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.

Điều 40d. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Ủy ban chứng khoán

1. Chánh Thanh tra chứng khoán có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng.

2. Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực chứng khoán quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;

c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 119 của Luật chứng khoán."

16. Điều 41 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 41. Ủy quyền xử lý vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quy định tại các điều 28, 29 và 30, các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 31, các khoản 2, 3 và 4 Điều 32, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 33, các khoản 2, 3 và 4 Điều 34, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 35, các khoản 2, 3 và 4 Điều 36, các khoản 2, 3 và 4 Điều 37, các khoản 2, 3 Điều 38, Điều 39, các khoản 3, 4 Điều 40, các khoản 2, 3 Điều 40a, Điều 40b, Điều 40c, Điều 40d của Pháp lệnh này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật."

17. Điều 42 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 42. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều từ Điều 31 đến Điều 40d của Pháp lệnh này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý.

Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

2. Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại các điều từ Điều 28 đến Điều 40d của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm."

18. Điều 45 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 45. Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Những người sau đây có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, Trưởng Công an phường;

b) Trưởng Công an cấp huyện;

c) Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của Công an cấp tỉnh;

d) Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu;

đ) Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động;

e) Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan;

g) Đội trưởng Đội Quản lý thị trường;

h) Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;

i) Hải đội trưởng, Hải đoàn trưởng Cảnh sát biển;

k) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này có thể uỷ quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính khi vắng mặt và được uỷ quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính khác. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Cấp phó được uỷ quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định tạm giữ người của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật.

19. Điều 46 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 46. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.

Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này, Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở và Chánh Thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ, Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, Bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, nhân viên Hải quan, kiểm soát viên thị trường hoặc thanh tra viên chuyên ngành được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo thủ trưởng của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều này và được sự đồng ý bằng văn bản của người đó; trong trường hợp không được sự đồng ý của họ thì người đã ra quyết định tạm giữ phải huỷ ngay quyết định tạm giữ và trả lại vật, tiền, hàng hoá, phương tiện đã bị tạm giữ.

3. Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm cần được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

4. Đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý, các chất ma tuý và những vật thuộc chế độ quản lý đặc biệt khác, thì việc bảo quản được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với tang vật vi phạm hành chính là loại hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh này.

5. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện phải do những người được quy định tại khoản 1 Điều này quyết định.

6. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản."

20. Điều 49 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 49. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh này có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trước khi tiến hành.

3. Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người chứng kiến.

4. Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

5. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biên bản phải được giao cho người chủ nơi bị khám một bản."

21. Điều 54 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 54. Thủ tục đơn giản

Trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định xử phạt tại chỗ. Việc xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Quyết định này phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt một bản. Trong trường hợp người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt cảnh cáo còn được gửi cho cha mẹ, người giám hộ của người đó hoặc nhà trường nơi người chưa thành niên vi phạm đang học tập.

Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt phải giao biên lai thu tiền phạt cho người bị xử phạt."

22. Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 55. Lập biên bản về vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản. Trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản đó phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay sau khi xác định được người có hành vi vi phạm.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển thì người chỉ huy tàu bay, tàu biển có trách nhiệm lập biên bản để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt khi tàu bay, tàu biển về đến sân bay, bến cảng.

2. Trong biên bản về vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp người vi phạm hoặc tên, địa chỉ tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.

Trong trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

3. Biên bản phải được lập thành ít nhất hai bản; phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trong trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

4. Biên bản lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm một bản; nếu vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì người đó phải gửi biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt."

23. Bổ sung Điều 55a sau Điều 55 như sau:

"Điều 55a. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để phát hiện, truy tìm đối tượng vi phạm hành chính

1. Camera, máy đo tốc độ bằng hình ảnh hoặc phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác được sử dụng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng để phát hiện, truy tìm đối tượng vi phạm hành chính.

2. Chứng cứ thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được thể hiện trong biên bản vi phạm hành chính.

3. Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính."

24. Điều 57 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 57. Thủ tục phạt tiền

1. Việc phạt tiền trên 200.000 đồng phải theo đúng quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Pháp lệnh này.

2. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

3. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có những giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

4. Cá nhân, tổ chức bị phạt tiền phải nộp tiền phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

5. Tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước.

Tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt quyết định.

6. Chính phủ quy định cụ thể trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần, việc quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt."

25. Sửa đổi, bổ sung Điều 61 như sau:

"Điều 61. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì người quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để bán đấu giá.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu đóng trụ sở để bán đấu giá.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu thì thành lập Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện để bán đấu giá.

Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu mà không bán được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu thành lập hội đồng để thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, sau khi trừ các chi phí theo quy định của pháp luật, phải được nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là văn hoá phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng bị buộc tiêu huỷ hoặc tang vật, phương tiện bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng thì người có thẩm quyền phải lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ. Tuỳ thuộc vào tính chất của tang vật, phương tiện, thành phần Hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được lập biên bản có chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý.

Đối với hàng hoá, vật phẩm, phương tiện bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc bị buộc tái xuất, thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn ghi trong quyết định xử phạt.

3. Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc nhà nước. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước; trong trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ tang vật, phương tiện quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu; trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo được niêm yết công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

6. Chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các khoản chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc không áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện.

7. Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 46 của Pháp lệnh này.

Trong trường hợp người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được thông báo đến nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ mà không đến nhận đúng thời hạn thông báo thì phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm và các khoản chi phí khác cho thời gian vượt quá thời hạn thông báo, trừ trường hợp có lý do chính đáng; nếu quá thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo mà người có tang vật, phương tiện không đến nhận thì tang vật, phương tiện đó được xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều này."

26. Điều 64 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 64. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 57 của Pháp lệnh này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành."

27. Bổ sung Điều 66a sau Điều 66 như sau:

"Điều 66a. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi nhận được quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức đó số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, nếu tại thời điểm đó tài khoản tiền gửi có số dư đủ hoặc nhiều hơn so với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp; đồng thời trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, có trách nhiệm trích chuyển từ tài khoản tiền gửi nói trên vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp; trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp thì tổ chức tín dụng vẫn phải giữ lại và trích chuyển số tiền đó. Trước khi trích chuyển năm ngày làm việc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển, nhưng việc trích chuyển không cần sự đồng ý của họ.

2. Trường hợp tổ chức tín dụng không thực hiện việc giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế số tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức tín dụng phải nộp thay. Cá nhân, tổ chức tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà tổ chức tín dụng đã nộp cho Nhà nước. Trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền phải trích chuyển thì cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế ngoài việc phải trả số tiền mà tổ chức tín dụng đã nộp thay thì còn phải nộp cho Nhà nước phần còn lại cho đủ số tiền phải nộp.

3. Trường hợp không thực hiện việc trích chuyển thì tổ chức tín dụng đó bị phạt số tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước nhưng tối đa không quá 500.000.000 đồng."

28. Điều 67 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 67. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế

Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh;

2. Trưởng đồn Công an, Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường;

3. Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Cục trưởng Cục Cảnh sát biển;

4. Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan;

5. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục Kiểm lâm;

6. Cục trưởng Cục Thuế;

7. Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường;

8. Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước; người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài;

9. Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh;

10. Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước;

11. Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ;

12. Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Giám đốc Cảng vụ hàng không;

13. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh toà Tòa án nhân dân tối cao; Trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu."

29. Sửa đổi, bổ sung Điều 113 như sau:

"Điều 113. Xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh

"1. Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc vừa thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

2. Trong trường hợp đối tượng nghiện ma túy thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thực hiện việc cai nghiện cho loại đối tượng này.

3. Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở chữa bệnh nếu có hành vi vi phạm các quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 và khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.

Giám đốc cơ sở chữa bệnh tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đối với các đối tượng có hành vi quy định tại khoản 3 Điều này trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản về các hành vi vi phạm mới gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh nơi đã ra quyết định để xem xét áp dụng biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh này.

Thủ tục xem xét về việc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục đối với các đối tượng này thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 2.

1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2008.

2. Những quy định về xử lý vi phạm hành chính trước đây trái với Pháp lệnh này đều bị bãi bỏ. Trong trường hợp luật có quy định khác thì áp dụng theo quy định của luật./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12674&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận