Văn bản pháp luật: Quyết định 01/2004/QĐ-BTNMT

Mai Ái Trực
Toàn quốc
Công báo số 08 - 02/2004;
Quyết định 01/2004/QĐ-BTNMT
Quyết định
25/02/2004
06/02/2004

Tóm tắt nội dung

Về Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX và Chương trình hành động của Chính phủ về khoa học và công nghệ

Bộ trưởng
2.004
Bộ Tài nguyên và Môi trường

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Về Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX và Chương trình hành động của Chính phủ về khoa học và công nghệ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, Khoá VIII, phương hướng phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 188/2002/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về khoa học và công nghệ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX và Chương trình hành động của Chính phủ về khoa học và công nghệ với các nội dung sau đây:

1. Những định hướng lớn về hoạt động khoa học và công nghệ

a) Xác lập luận cứ khoa học làm cơ sở xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên, môi trường theo hướng phát triển bền vững và xây dựng chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả từng loại tài nguyên, gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội.

b) Đánh giá hiệu quả của hệ thống chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trên cơ sở đó đề xuất việc bổ sung, hoàn thiện để hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng gắn bó với thực tế cuộc sống và mang tính khả thi cao.

c) Đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, góp phần đẩy nhanh công tác điều tra cơ bản; nâng cao chất lượng điều tra, quan trắc, dự báo về tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng.

d) Đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá ngành tài nguyên và môi trường để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu đến năm 2010 đưa trình độ khoa học và công nghệ của ngành tài nguyên và môi trường đạt mức tiên tiến của khu vực Đông Nam Á.

2. Mục tiêu hoạt động khoa học và công nghệ của từng lĩnh vực:

a) Đất đai:

Nghiên cứu sự vận động của hàng hoá quyền sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức điều tra đánh giá hiện trạng và tiềm năng đất đai làm luận cứ cho việc xây dựng thể chế, chính sách và quy hoạch, kế hoạch sử dụng phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, xây dựng các hệ thống thông tin đa mục tiêu về đất đai (LIS), phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

b) Tài nguyên nước:

Điều tra đánh giá tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, trên từng lưu vực sông và các vùng kinh tế trọng điểm, làm cơ sở cho hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, các mô hình tiên tiến trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông. Nghiên cứu mối quan hệ giữa các dạng tài nguyên nước mưa, nước mặt, nước dưới đất, nước biển ở một số lưu vực sông, khu vực trọng điểm làm căn cứ để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước.

c) Địa chất và Khoáng sản:

Đánh giá hiện trạng và thống kê tài nguyên khoáng sản trên phạm vi cả nước làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Tăng cường năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, độ tin cậy của công tác điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản, tai biến và môi trường địa chất. Từng bước đổi mới, đầu tư công nghệ tiên tiến, triển khai ứng dụng, nhằm đánh giá tiềm năng khoáng sản ở dưới sâu.

d) Môi trường:

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường nhằm hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái đang diễn ra ở một số nơi và cải thiện một bước chất lượng môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức độ ổn định. Tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng các tiêu chuẩn môi trường, tiêu chí đánh giá tác động môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

đ) Khí tượng Thuỷ văn:

Tập trung phát triển tiềm lực khoa học công nghệ khí tượng thuỷ văn theo hướng hiện đại hoá công nghệ và phương pháp trong các hệ thống quan trắc, thu thập chỉnh lý số liệu, thông tin liên lạc và dự báo khí tượng thuỷ văn để nâng cao năng lực hoạt động, đưa ra các sản phẩm khí tượng thuỷ văn có chất lượng và có độ tin cậy cao, phục vụ tốt cho việc phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ môi trường, đáp ứng các nhu cầu kinh tế - xã hội.

e) Đo đạc và Bản đồ:

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đo đạc và bản đồ, tăng cường năng lực hiện đại hoá công tác đo đạc và bản đồ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hoàn thiện hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

3. Nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động khoa học và công nghệ

a) Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc quản lý tài nguyên thiên nhiên trong nền kinh tế thị trường và trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

b) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng điều tra cơ bản trong các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, địa chất - khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ; nâng cao chất lượng dự báo về địa chất tai biến, môi trường, khí hậu, thời tiết, đánh giá các nguồn tài nguyên hiện có nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý từng loại tài nguyên ở từng khu vực.

c) Tổng kết đánh giá và chuẩn bị sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước và xây dựng Luật Đa dạng sinh học. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, quy trình kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn ngành và các bộ định mức, đơn giá thống nhất nhằm tăng cường công cụ quản lý của Bộ, phục vụ cho việc đánh giá chất lượng và hiệu quả của các lĩnh vực điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường.

d) Đánh giá hiện trạng của các lĩnh vực điều tra cơ bản, dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung và tiềm lực, nhu cầu phát triển khoa học - công nghệ nói riêng, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2010 định hướng đến năm 2020.

đ) Kiện toàn hệ thống tổ chức, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các đơn vị sự nghiệp khác, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ; từng bước tách quản lý nhà nước với quản lý sự nghiệp.

e) Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ gắn với xây dựng quy chế dân chủ trong các cơ quan quản lý, các đơn vị điều tra cơ bản, các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ nhằm phát huy tính sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng trong điều tra cơ bản, dự báo và nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường.

g) Nghiên cứu, xây dựng, ban hành hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá tài nguyên, môi trường ở nước ta.

h) Xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các Bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Xây dựng và đề xuất với Nhà nước các chương trình, dự án, đề án nghiên cứu, điều tra về tài nguyên và môi trường lồng ghép vào chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững của vùng, lãnh thổ.

4. Các giải pháp chủ yếu:

a) Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp của Bộ:

- Đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp sửa đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đáp ứng yêu cầu phát triển ngành cũng như yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới.

- Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp làm công tác điều tra cơ bản, viện nghiên cứu thuộc Bộ, đề xuất các giải pháp khắc phục sự chồng chéo trong điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị.

- Nghiên cứu, xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng các phương án đổi mới, sắp xếp lại tổ chức các đơn vị điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường, các cơ sở đào tạo, các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên và môi trường ở địa phương.

b) Phát triển nguồn nhân lực:

- Xây dựng quy hoạch gắn với kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ khoa học và công nghệ bằng nhiều hình thức và nguồn vốn khác nhau nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận liên tục, khắc phục sự hẫng hụt cán bộ đang diễn ra trong các đơn vị thuộc Bộ. Chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao, phù hợp với định hướng phát triển của ngành, phát huy khả năng của các cán bộ trẻ kết hợp sử dụng cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ cao trong và ngoài nước.

- Trên cơ sở các quy định của Nhà nước về công tác cán bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng quy chế, chính sách sử dụng cán bộ công chức nói chung và cán bộ nghiên cứu khoa học - công nghệ nói riêng phù hợp với đặc thù của ngành tài nguyên và môi trường.

c) Tăng cường năng lực, thiết bị nghiên cứu về điều tra cơ bản, khoa học và công nghệ:

- Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường trên cơ sở tiếp thu các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của các nước phát triển, phù hợp với điều kiện nước ta, đồng thời tổ chức nghiên cứu những nội dung khoa học và công nghệ có tính đặc thù của Bộ.

- Tập trung triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trong khuôn khổ các chương trình trọng điểm của Nhà nước nhằm khai thác sử dụng hợp lý năng lực, thiết bị nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện có của Bộ. Đưa các kết quả nghiên cứu từ các chương trình, dự án, đề tài vào thực tiễn sản xuất để góp phần xây dựng các thể chế chính sách sử dụng hợp lý có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng cơ chế hợp tác giữa các đơn vị điều tra cơ bản, các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả năng lực khoa học của các cán bộ nghiên cứu và hệ thống thiết bị nghiên cứu hiện có để nâng cao chất lượng điều tra, dự báo đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

- Chú trọng ứng dụng các thành quả của công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực nghiên cứu điều tra cơ bản phù hợp với điều kiện nước ta, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc nâng cao chất lượng điều tra, dự báo, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, điều kiện nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các đơn vị điều tra cơ bản, các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu và các trung tâm phân tích đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á.

- Chuẩn bị tiến tới xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm của Bộ, phục vụ cho thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản, các nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ và các chương trình kỹ thuật kinh tế nhằm nâng cao chất lượng điều tra.

d) Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin:

- Từng bước đầu tư, đổi mới thiết bị tin học, nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và đáp ứng yêu cầu chương trình cải cách hành chính (xây dựng Chính phủ điện tử) của Nhà nước. Tin học hoá các dịch vụ công liên quan đến hệ thống văn bản pháp luật, hồ sơ giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuận tiện, nhanh gọn.

- Xây dựng hệ thống thông tin, tư liệu khoa học và công nghệ, thư viện điện tử chuyên ngành tài nguyên và môi trường tại cơ quan Bộ và ở các đơn vị thuộc Bộ.

- Xây dựng hệ thống thông tin viễn thông và mạng tin học chuyên ngành trên cơ sở những thành tựu mới của viễn thông, công nghệ thông tin để tăng tốc độ truyền, xử lý thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi kể cả trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực điều tra cơ bản thuộc Bộ quản lý. Xây dựng hệ thống thông tin, mạng LAN, Intranet từ Bộ đến các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố và kết nối với các mạng khác.

- Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nhân sự, kế hoạch, tài chính kế toán và khoa học công nghệ thống nhất trong các đơn vị thuộc Bộ.

đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường:

- Đánh giá hiện trạng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác tối đa các nguồn viện trợ song phương, đa phương, hỗ trợ cho việc thực hiện thành công các chính sách, chiến lược, chương trình và kế hoạch của Bộ, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo của đất nước đến năm 2010.

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch hợp tác quốc tế dài hạn, ngắn hạn trong các lĩnh vực điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường cũng như phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của Bộ.

- Nghiên cứu định hướng việc thực hiện các hoạt động tạo nguồn, tiếp nhận có hiệu quả mọi nguồn viện trợ song phương và đa phương trên cơ sở các kế hoạch hợp tác quốc tế được xây dựng hàng năm.

- Đề xuất các biện pháp nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn vốn viện trợ ODA của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

e) Đa dạng hoá nguồn lực tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ:

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách nhằm đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà nước nói chung và của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng.

- Khuyến khích các đơn vị thuộc Bộ đầu tư đổi mới công nghệ, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho công tác điều tra cơ bản và phát triển khoa học và công nghệ.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hợp tác cùng các đơn vị thuộc Bộ trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật.

g) Tham gia tạo lập thị trường khoa học và công nghệ:

- Phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Nghiên cứu cơ chế, chính sách để từng bước thương mại hoá các sản phẩm điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học công nghệ về tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng cơ chế tuyển chọn các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và quy chế quản lý của Bộ.

- Từng bước hình thành các tổ chức quản lý và hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ về tài nguyên và môi trường như tư vấn, môi giới, dịch vụ và chuyển giao công nghệ; chú trọng xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm của công tác điều tra cơ bản.

5. Các nhiệm vụ trọng điểm

a) Tiếp tục xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đủ mạnh và trong sạch, đặc biệt là ở cấp huyện và cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

b) Tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và điều chỉnh toàn bộ các vấn đề đang đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

c) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, địa chất - khoáng sản, môi trường, khí tượng - thuỷ văn và đo đạc bản đồ, đi đôi với đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các lĩnh vực này. Đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài nguyên và môi trường, tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin địa lý và thông tin đất đai về tài nguyên và môi trường. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường.

d) Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cán bộ có trình độ cao trong các lĩnh vực.

đ) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và đào tạo cán bộ cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

6. Các đề tài, dự án trọng điểm về khoa học và công nghệ đến năm 2010:

a) Đánh giá hiện trạng và tiềm năng đất đai nhằm xác lập cơ sở khoa học lập quy hoạch kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

b) Sự vận động của hàng hóa quyền sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

c) Nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của các quy định pháp luật về đất đai (Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành) đối với thực tế quản lý, sử dụng đất.

d) Xây dựng khung pháp lý để hình thành Bộ luật Đất đai mới.

đ) Nghiên cứu, xây dựng hệ thống địa chính hiện đại Việt Nam.

e) Thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản; đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng và đề xuất các giải pháp quản lý, đầu tư phát triển khoáng sản.

f) Quản lý bền vững các lưu vực sông.

g) Xây dựng các mô hình xử lý môi trường trong các khu công nghiệp và một số làng nghề.

h) Lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường vào nội dung quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế- xã hội vùng, lãnh thổ.

i) Xây dựng quy hoạch phát triển ngành bảo vệ môi trường làm cơ sở lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường với các mục tiêu xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện.

k) Xây dựng quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

l) Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường.

m) Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ

n) Quy hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc hiện đại hoá và nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Chương trình

1. Vụ Khoa học - Công nghệ chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm và các đơn vị khác thuộc Bộ triển khai quán triệt Chương trình hành động này.

2. Trên cơ sở Chương trình hành động này, các đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình và tổ chức thực hiện.

3. Vụ Khoa học - Công nghệ có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện chương trình của các đơn vị, kịp thời tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=17818&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận