Văn bản pháp luật: Quyết định 01/HĐBT-TĐ

 
Công báo số 20-15/11/1985;
Quyết định 01/HĐBT-TĐ
Quyết định
...
13/09/1985

Tóm tắt nội dung

Về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ

 
1.985
 

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 01/HĐBT-TĐ NGÀY 13-9-1985
VỀ VIỆC PHÁT HÀNH TIỀN NGÂN HÀNG MỚI,
THU ĐỔI TIỀN NGÂN HÀNG CŨ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 4-7-1981;

Căn cứ Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước công bố ngày 13-9-1985 về việc phát hành tiền Ngân hàng mới, thu đổi tiền Ngân hàng cũ;

QUYẾT ĐỊNH

1. Từ ngày 14-9-1985, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được phép phát hành các loại tiền mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thu đổi các loại tiền cũ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo đặc điểm các loại tiền mới để nhân dân biết.

2. Quy định sức mua của đồng tiền mới bằng 10 lần sức mua của đồng tiền cũ. Tỷ lệ này áp dụng trong việc thu đổi tiền cũ, chuyển đổi tiền trên tài khoản, trên sổ sách và trong tính toán giá trị tất cả các tài sản, vật tư, hàng hoá và mọi khoản chi trả khác.

3. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với tiền gửi tiết kiệm. Mọi số tiền gửi vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo các thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành mà còn số dư đến ngày thu đổi thì được quy đổi theo tỷ lệ như sau:

- Tiền gửi từ ngày 1-3-1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 2-3-1978 đến ngày 31-5-1981 được quy đổi theo tỷ lệ 2 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 1-6-1981 đến ngày 31-12-1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 1-1-1985 đến ngày 31-7-1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

- Tiền gửi từ ngày 1-8-1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

4. Việc kê khai các loại tiền cũ để đổi lấy tiền mới tiến hành từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày đổi tiền.

Toàn thể nhân dân và tất cả các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, tổ chức tập thể, tổ chức xã hội, các ngoại kiều, các đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế đang công tác trên lãnh thổ Việt Nam đều phải kê khai các loại tiền mặt hiện có để đổi lấy tiền mới ở bàn đổi tiền. Chỉ kê khai một lần.

5. Kể từ 12 giờ trưa, tiến hành thu đổi tiền trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc thu đổi tiến hành trong thời gian từ 3 đến 5 ngày (thời gian cụ thể do Ban chỉ đạo thu đổi tiền do tỉnh, thành phố quy định).

Mỗi hộ, mỗi cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã... được đổi ngay một số lượng tiền mặt theo mức quy định.

6. Nghiêm cấm phân tán tiền, nhận tiền phân tán của người khác và các hành động gian lận khác trong quá trình thu đổi tiền. Nghiêm cấm đầu cơ, nâng giá hàng, phao tin đồn nhảm, phá hoại tiền tệ của Nhà nước. Người nào vi phạm các quy định này sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật; người có công phát hiện những hành vi sai trái sẽ được khen thưởng.

7. Thành lập Ban chỉ đạo thu đổi tiền các cấp từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, đặc khu, quận, huyện, thị xã. Ban chỉ đạo thu đổi tiền cấp tỉnh, thành phố, đặc khu và quận, huyện, thị xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban, Giám đốc Ngân hàng làm Phó ban thường trực và gồm có Thủ trưởng các ngành tài chính, công an, kiểm sát nhân dân.

Hội đồng Bộ trưởng kêu gọi toàn thể nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trên đây, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi công tác thu, đổi tiền.

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=3195&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận