QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG B? CÔNG NGHI?PQUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Về việc ban hành Quy chế quản lý
của Bộ Công nghiệp đối với Hội, Hiệp hội ngành công nghiệp
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý của Bộ Công nghiệp đối với Hội, Hiệp hội ngành công nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chủ tịch Hội, Hiệp hội ngành công nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Quản lý của Bộ Công nghiệp đối với Hội, Hiệp hội ngành công nghiệp
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02 /2004/QĐ-BCN
ngày 05 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định về công tác quản lý của Bộ Công nghiệp với Hội, Hiệp hội ngành công nghiệp (sau đây gọi tắt là Hội ngành công nghiệp) được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Điều 2. Hội ngành công nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công nghiệp theo quy định của pháp luật, thực hiện chế độ định kỳ báo cáo kết quả hoạt động của Hội về Bộ Công nghiệp.
Chương II
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP
VỚI HỘI NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Điều 3. Tham gia bằng văn bản với Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan về việc cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; phê duyệt điều lệ Hội, công nhận ban vận động thành lập Hội ngành công nghiệp.
Điều 4. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các Hội ngành công nghiệp tham gia các hoạt động của ngành công nghiệp. Tổ chức lấy ý kiến các hội để hoàn thiện những quy định quản lý nhà nước thuộc ngành công nghiệp.
Điều 5. Kiểm tra thực hiện các quy định quản lý nhà nước về công nghiệp đối với Hội ngành công nghiệp. Xử lý hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những vi phạm của Hội theo quy định của pháp luật.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 6. Căn cứ phân công của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các đồng chí Thứ trưởng phụ trách ngành, lĩnh vực chủ trì làm việc định kỳ với lãnh đạo Hội ngành công nghiệp về những phạm vi công việc được giao.
Điều 7. Căn cứ Quyết định số 1573/QĐ-TCCB ngày 03 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng, Thanh tra và các Vụ chức năng thuộc Bộ Công nghiệp; Các Vụ chức năng thuộc Bộ Công nghiệp thực hiện quản lý Hội chuyên ngành công nghiệp theo các lĩnh vực sau:
1- Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hoá chất: Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các hội ngành cơ khí, luyện kim, hoá chất và các Hội thuộc ngành công nghiệp nặng khác.
2- Vụ Năng lượng và Dầu khí : Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các hội ngành năng lượng.
3- Vụ Công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm: Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các hội ngành công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm.
4- Vụ Khoa học, Công nghệ: Phối hợp với các Vụ chức năng trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các hội khoa học - kỹ thuật ngành công nghiệp.
5- Vụ Tổ chức - Cán bộ: Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về công tác tổ chức, cán bộ các hội ngành công nghiệp.
Điều 8. Định kỳ sáu tháng 1 lần, không kể trường hợp đột xuất do yêu cầu cần giải quyết cấp bách những công việc, lãnh đạo Bộ Công nghiệp tổ chức cuộc họp với các Hội.
Các Vụ chuyên ngành, Văn phòng Bộ Công nghiệp và Hội ngành công nghiệp thống nhất chuẩn bị nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm cuộc họp.
Điều 9. Nội dung chủ yếu các cuộc họp gồm :
1. Thông báo các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật mới, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của Bộ Công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp với các Hội ngành công nghiệp.
2. Thông báo về hoạt động của Hội trong thời gian qua, những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị cần hỗ trợ giải quyết.
3. Thông báo tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, những vướng mắc của các doanh nghiệp, những kiến nghị và đề xuất biện pháp tháo gỡ.
4. Thông báo, lấy ý kiến các Hội ngành công nghiệp về các Dự án, đề án phát triển mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh, quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch ngành, các Dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ngành công nghiệp theo quy định hiện hành.
5. Trao đổi ý kiến về công tác tổ chức và cán bộ của Hội, về công tác khen thưởng, kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Hội, về việc chỉ đạo đại hội các Hội theo quy định của pháp luật.
6. Thoả thuận, hợp tác với các Hội ngành công nghiệp về những lĩnh vực phát triển sản xuất kinh doanh, hợp tác quốc tế, thông tin khoa học kỹ thuật và công nghệ, hội nhập, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và những lĩnh vực hai bên quan tâm.
Điều 10. Sau các cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ phối hợp với các Vụ chức năng được phân công chịu trách nhiệm thông báo nội dung, kết quả làm việc và những công việc cần giải quyết đã được Lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Lãnh đạo Hội ngành công nghiệp thống nhất.
Điều 11. Ngoài các cuộc họp chính thức, thông qua hoạt động của Lãnh đạo Bộ, Hội, của các Vụ chuyên ngành chức năng Bộ Công nghiệp, của các Ban (Tiểu ban) của Hội; Bộ Công nghiệp và các Hội ngành công nghiệp thường xuyên trao đổi, phản ánh tình hình hoạt động của mình, những kiến nghị về chính sách có liên quan đến phát triển ngành công nghiệp.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh; Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ chức năng và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp xem xét, quyết định./.