QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực
và máy nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020
___________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Thực hiện công văn số 3174/VPCP-CN ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 16/TTr-NC ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
- Sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn được Nhà nước ưu tiên khuyến khích phát triển.
- Phát triển sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp trên cơ sở phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam, phát huy nội lực là chính, gắn với cơ khí và công nghiệp cả nước, gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và công nghiệp quốc phòng.
- Chủ động hội nhập khu vực và quốc tế, tranh thủ tiếp thu công nghệ kỹ thuật tiên tiến cho các sản phẩm mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh cao, ưu tiên cho một số sản phẩm chủ yếu đáp ứng yêu cầu cấp bách của sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm sản sau thu hoạch.
- Phát triển bền vững, khuyến khích các sản phẩm tiết kiệm nguyên, nhiên liệu.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2020 đưa sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp thành ngành sản xuất mạnh của Việt Nam và trong khu vực, góp phần đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
b) Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu về giá trị sản xuất (giá cố định 1994): Năm 2010 đạt 1.990 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3.280 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.400 tỷ đồng.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn từ nay đến năm 2010 đạt 12%/năm, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 là 10,5%/năm.
3. Định hướng phát triển
a) Định hướng chung
- Đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, chủ động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo máy động lực, máy nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.
- Cơ bản hình thành mạng lưới sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho ngành trên cả 3 miền. Tập trung giải quyết những khâu cơ bản là đúc, rèn phôi, nhiệt luyện, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đầu tư đúng mức cho công nghiệp sạch.
- Đẩy mạnh, gắn kết hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với sản xuất thử nghiệm và rút kinh nghiệm từ thực tế, tập trung cho lĩnh vực thu hoạch, chế biến san thu hoạch.
- Tổ chức lại ngành, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Hình thành doanh nghiệp chủ đạo đi đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội là đảm bảo thắng lợi của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiến tới thành lập tập đoàn sản xuất - kinh doanh máy động lực, máy nông nghiệp đa ngành nghề.
- Cùng với công nghiệp quốc phòng, xây dựng các chương trình dự án sản phẩm có tính lưỡng dụng cao để phát huy năng lực tổ chức sản xuất và nâng cao khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia khi cần thiết.
b) Định hướng theo sản phẩm
- Máy động lực
+ Đầu tư hiện đại hóa thiết bị và công nghệ, nâng cao năng lực chế tạo, cải tiến mẫu mã, tính năng sản phẩm. Phấn đấu giành lại phần lớn thị phần trong nước về các loại động cơ diesel cỡ trung và cỡ nhỏ, động cơ xăng công suất nhỏ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.
+ Tập trung vào khâu trọng điểm là các chi tiết 5C của động cơ (thân máy, quy lát, trục khuỷu, trục cam, thanh truyền). Do công nghệ phức tạp, quy mô sản xuất kinh tế yêu cầu số lượng lớn nên cần hợp tác với nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, vươn ra thị trường ngoài nước.
+ Đến năm 2015, sản phẩm chủ yếu là cấp trung bình tiên tiến phục vụ thị trường nội địa, một phần nhỏ để xuất khẩu. Tăng cường sản xuất phụ tùng (kể cả cho động cơ ôtô, xe máy). Sau năm 2015 có thể sản xuất được các sản phẩm trình độ tiên tiến như bơm dầu, vòi phun cao áp và cả động cơ đa hệ nhiên liệu.
- Máy nông nghiệp
+ Giai đoạn đến năm 2015, sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về trang bị máy kéo hai bánh đến 12 mã lực, bước đầu sản xuất có hiệu quả máy kéo bốn bánh 18 - 25 mã lực thay thế nhập khẩu, trên cơ sở đó từng bước nâng cao khả năng sản xuất máy kéo bốn bánh công suất 35 - 40 mã lực. Tìm kiếm, hợp tác với nước ngoài để lắp ráp và sản xuất máy kéo bốn bánh 50-80 mã lực, trước hết là chế tạo chi tiết, phụ tùng, dần làm chủ công nghệ chế tạo đồng bộ loại máy này.
+ Khuyến khích các cơ sở sản xuất cơ khí vừa và nhỏ sản xuất các trang thiết bị chế biến lẻ, chế biến sơ nhằm đảm bảo nhu cầu chế biến nông sản tại chỗ và ngành nghề nông thôn, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
+ Từng bước xây đựng các cơ sở chế tạo chuyên sâu để tập trung nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của thiết bị chế biến và bảo quản cho mỗi loại sản phẩm nông nghiệp, trước mắt là lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.
+ Sau năm 2015, nâng cao mức độ hiện đại cho phần lớn sản phẩm máy nông nghiệp với mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp đủ sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Chuẩn bị đủ điều kiện để sản xuất máy có ứng dụng cơ điện tử.
4. Quy hoạch chi tiết ngành máy động lực và máy nông nghiệp
a) Quy hoạch phát triển sản phẩm
- Động cơ xăng
Đến năm 2010 đáp ứng 72% nhu cầu trang bị động cơ xăng công suất 4 - 10 mã lực; năm 2015 đáp ứng 76% nhu cầu.
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Động cơ xăng
|
Cái
|
20.000
|
25.000
|
Tỷ đồng
|
50
|
62,5
|
- Động cơ diesel
+ Ưu tiên cho sản xuất động cơ diesel 6 xi lanh công suất 180 - 400 mã lực, động cơ diesel 4 xi lanh công suất 80 mã lực với công nghệ trình độ tiên tiến.
+ Khuyến khích sản xuất động cơ diesel 18 - 40 mã lực, động cơ đa hệ nhiên liệu, thân thiện môi trường.
+ Mục tiêu đến năm 2010 đáp ứng 65% nhu cầu trang bị; năm 2015 là 77% nhu cầu (động cơ công suất nhỏ đạt cao hơn).
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Động cơ diesel
|
Cái
|
165.000
|
180.000
|
Tỷ đồng
|
495
|
540
|
- Động cơ điện cho nông nghiệp
+ Chú trọng nhóm sản phẩm công suất 37 - 55 - 75 kW để lắp cho các trạm bơm chìm.
+ Đến năm 2010 đáp ứng 60% nhu cầu trang bị; năm 2015 đáp ứng trên 65% nhu cầu.
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Động cơ điện cho nông nghiệp
|
Cái
|
55.000
|
70.000
|
Tỷ đồng
|
192,5
|
245
|
- Máy kéo, máy vận chuyển
+ Khuyến khích sản xuất máy kéo 2 bánh 12 - 15 mã lực. Tăng cường xuất khẩu.
+ Kêu gọi liên doanh nước ngoài để sản xuất máy kéo 4 bánh cỡ 18 - 35 mã lực và 50 - 80 mã lực, hướng vào xuất khẩu là chính.
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Máy kéo và máy vận chuyển
|
Cái
|
15.000
|
23.000
|
Tỷ đồng
|
165
|
253
|
- Máy gặt lúa
+ Ưu tiên cho sản xuất máy gặt lúa (rải hàng và gặt đập liên hợp), máy thu hoạch ngô, lạc và đậu tương.
+ Đến năm 2010 đáp ứng 48% nhu cầu trang bị; năm 2015 đạt khoảng 50%.
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Máy gặt lúa
|
Cái
|
650
|
2.000
|
Tỷ đồng
|
65
|
200
|
- Máy tuốt lúa
+ Đến năm 2010 đáp ứng 70% nhu cầu máy có động cơ; năm 2015 đạt 78%
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Máy kéo và máy vận chuyển
|
Cái
|
25.000
|
30.000
|
Tỷ đồng
|
95
|
133
|
- Máy xay xát
+ Tập trung cho đầu tư chiều sâu, tăng tính năng kỹ thuật máy.
+ Đến năm 2010 đáp ứng 60% nhu cầu trang bị; năm 2015 đạt 65%.
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Máy xay xát nhỏ
|
Cái
|
18.000
|
24.000
|
Tỷ đồng
|
180
|
240
|
- Máy bơm nông nghiệp
+ Đến năm 2015 sản xuất đáp ứng 70% nhu cầu trang bị.
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Máy bơm nông nghiệp
|
Cái
|
16.000
|
50.000
|
Tỷ đồng
|
112
|
350
|
- Nông cụ
+ Đến năm 2010 sản xuất đáp ứng 65% nhu cầu trang bị; năm 2015 đạt 75%.
Quy hoạch sản xuất
|
Đơn vị
|
Năm 2010
|
Năm 2015
|
Máy kéo và máy vận chuyển
|
Cái
|
25.000.000
|
27.000.000
|
Tỷ đồng
|
50
|
54
|
Bơm thuốc trừ sâu
|
Cái
|
60.000
|
80.000
|
Tỷ đồng
|
15
|
20
|
- Máy nông nghiệp khác
+ Ưu tiên sản xuất: thiết bị thu hoạch ngô, lạc, đậu tương; máy cấy lúa; thiết bị sơ chế nông sản; máy chế biến thức ăn chăn nuôi; máy phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Sản phẩm
|
đơn vị
|
năm 2010
|
năm 2015
|
Máy nông nghiệp khác và pụ
|
Tỷ đồng
|
405
|
1.030
|
- Công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp
+ Năm 2010 đáp ứng 50% nhu cầu nội địa về phôi đúc, rèn và hàng quy chuẩn; năm 2020 là 75%.
+ Đến 2010 tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu trong nước của ngành sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp đạt 22-25% trong giá thành sản phẩm.
b) Tổng hợp vốn đầu tư và dự kiến nguồn vốn
Tổng vốn đầu tư cho phát triển ngành giai đoạn 2006 - 2010 là 110 triệu USD, giai đoạn 2011 - 2015 là 155 triệu USD và giai đoạn 2016 - 2020 là 261 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cả thời kỳ đến năm 2020 khoảng 525 triệu USD (Giá 1994).
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là trong nước, trong đó doanh nghiệp có vốn Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong các dự án lớn.
(Danh mục các dự án đầu tư chủ yếu xem phần Phụ lục của Quy hoạch)
5. Giải pháp và chính sách
a) Các giải pháp chính
- Giải pháp về thị trường
+ Thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường, lựa chọn một số sản phẩm mũi nhọn để có kế hoạch nhập mẫu, chế tạo thử nghiệm, đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu mạnh. Xây dựng các Trung tâm trình diễn cơ khí hóa nông nghiệp.
+ Hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn đần tư, dịch vụ chuyển giao công nghệ đến tận các hộ nông dân, các trang trại gia đình cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
+ Đào tạo nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về nghiên cứu và phát triển thị trường như là yếu tố quyết định sự phát triển lâu dài.
- Giải pháp về đầu tư
+ Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn cũng như các dự án sản xuất máy nông nghiệp thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn.
+ Tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, trang thiết bị để mở rộng sản xuất, tận dụng tối đa năng lực sẵn có.
+ Khuyến khích, huy động mọi nguồn vốn đầu tư, trước hết vào những lĩnh vực công nghệ tiên tiến và xuất khẩu.
- Giải pháp về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
+ Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu liên doanh, liên kết với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Hỗ trợ thành phần tư nhân tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
+ Mở rộng hợp tác quốc tế. Giúp đỡ xây dựng mô hình thí điểm đưa kỹ thuật mới vào sản xuất.
+ Ưu tiên hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cộng nghệ hàng năm đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp các dự án đầu tư các sản phẩm trọng điểm có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh và tham gia xuất khẩu.
- Giải pháp về nguồn nhân lực
+ Hỗ trợ việc đào tạo cho các nhà quản lý doanh nghiệp về quản lý công nghệ thông qua quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
+ Ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ. Thông qua các chương trình khuyến công để huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật và cho cả nông dân.
- Giải pháp về tài chính
+ Đơn giản và minh bạch hoá thủ tục vay vốn (nhất là đối với các doanh nghiệp dân doanh).
+ Phát huy nguồn vốn nhàn rỗi từ khu vực tư nhân.
- Giải pháp về quản lý ngành
+ Củng cố các Tổng công ty nhà nước để có thể đảm nhiệm tốt vai trò định hướng chủ đạo; phát triển mô hình công ty mẹ - con, chuyển dần một số doanh nghiệp sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp thuộc địa phương thành công ty con hoặc doanh nghiệp vệ tinh của các công ty lớn. Đẩy mạnh việc cổ phần hóa để đa dạng hóa nguồn vốn sở hữu.
+ Phát huy vai trò của Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Thông qua Tổng hội và Hiệp hội đề xuất và tổ chức việc phối hợp giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao hợp tác - liên kết theo cả chiều dọc và chiều ngang.
- Giải pháp trợ giúp khác
+ Trong khuôn khổ quy định và lộ trình hội nhập cho phép có giải pháp ưu tiên cho các cơ sở sản xuất trong nước được nhận các hợp đồng cung cấp máy nông nghiệp theo hình thức tổng thầu đối với các dự án xóa đói giảm nghèo, thuộc vùng sâu vùng xa, trồng và chăm sóc rừng trồng...
+ Đưa các hoạt động đo lường, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm máy động lực và máy nông nghiệp đi vào nề nếp, đặc biệt chú trọng các sản phẩm có liên quan đến xuất khẩu.
+ Chú trọng công tác phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường.
+ Lựa chọn các sản phẩm đặc thù, xây dựng làng nghề cơ khí vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
+ Hình thành tổ chức gồm: nông dân - nhà sản xuất - ngân hàng thương mại. Ngân hàng bảo lãnh tín dụng cho nông dân để mua thiết bị, nông cụ.
b) Các chính sách chuyến
- Chính sách về thị trường
+ Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng và ban hành các tiêu chí hỗ trợ đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao thuộc chương trình xúc tiến đầu tư trên thị trường nước ngoài.
+ Áp dụng và giám sát hoạt động của cơ chế định giá công bằng cho tất cả các sản phẩm nhập khẩu.
- Chính sách về đầu tư
+ Đề nghị Chính phủ cho các dự án đầu tư sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp được áp dụng tối đa các chính sách ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.
+ Kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp tại Việt Nam.
+ Khuyến khích dự án đầu tư sản xuất thiết bị sau thu hoạch trên địa bàn nông thôn.
- Chính sách về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
+ Đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách 50% chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài.
- Chính sách về nguồn nhân lực
+ Đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách 50% kinh phí đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thay thế nhập khẩu và có thể xuất khẩu, kinh phí đào tạo được hạch toán 100% vào giá thành.
- Chính sách về tài chính
+ Các dự án sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp được xem xét, cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để đầu tư tài sản cố định. Cơ chế vay vốn thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ. Được xem xét, cho vay vốn tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành.
+ Hoàn thiện cơ chế cho vay thông qua bảo lãnh bằng tín chấp từ các tổ chức như Hội Nông dân, Hiệp hội ngành nghề. Ưu tiên cho vay lĩnh vực sản xuất thiết bị sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.
+ Áp dụng mức thuế nhập khẩu hợp lý đối với các loại sản phẩm máy động lực, máy nông nghiệp trong nước đã sản xuất được và năng lực sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
+ Đối với các cụm linh phụ kiện phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao mà các nhà sản xuất trong nước không sản xuất được, không có ý định sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả về lâu dài (trong vòng 5 ÷ 10 năm), đề nghị Chính phủ xem xét, cho áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu thấp hoặc bằng không để giảm giá thành của toàn bộ thiết bị.
+ Thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng đối với nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
+ Thực hiện bảo hiểm rủi ro đối với các ngân hàng thương mại có ứng vốn để nông dân mua sắm máy móc sản xuất nông nghiệp.
- Chính sách về quản lý ngành
+ Tạo điều kiện hình thành tập đoàn máy động lực, máy nông nghiệp đa sở hữu và đa ngành nghề khi có đủ điều kiện.
- Chính sách trợ giúp khác
+ Hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, xây dựng thương hiệu, thử nghiệm đánh giá, công bố chất lượng sản phẩm.
+ Đề nghị Chính phủ xem xét, mở rộng danh mục đối tượng được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ cho nhóm thiết bị canh tác, thuỷ lợi, chế biến sau thu hoạch.
+ Các dự án đầu tư mới, nâng cấp, hiện đại hoá thiết bị, dây chuyền sản xuất hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến được xem xét, ưu tiên thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất có thời hạn và được hưởng chính sách ưu tiên trong chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dựng đất theo quy định của pháp luật.
+ Tiếp tục thực hiện việc dồn điền đổi thửa để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tạo điều kiện sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo phát triển ngành sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công Thương cụ thể hóa các giải pháp, chính sách nêu trong Quyết định này.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án sản xuất, lắp ráp máy động lực, máy nông nghiệp trên địa bàn, giám sát việc thực hiện dự án đầu tư theo nội dung đã đăng ký để đảm bảo tính thống nhất với Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phượng; tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương mà có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân và các cơ sở dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tăng cường mua sắm, sử dụng máy động lực và máy nông nghiệp cho sản xuất; miễn thuế có thời hạn đối với những người kinh doanh dịch vụ cơ điện nông nghiệp, ưu tiên khuyến khích đầu tư xây dựng cụm công nghiệp chuyên ngành phù hợp đặc điểm của mỗi địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.