QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG B? GIAO THÔNG V?N T?IQUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ban hành Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe mô tô,
xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật ".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
VỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT
VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG SẢN XUẤT, LẮP RÁP, NHẬP KHẨU
XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY BA BÁNH DÙNG CHO NGƯỜI TÀN TẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2008/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 02
năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật trực tiếp điều khiển.
2. Quy định này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật (sau đây được gọi chung là xe).
3. Quy định này không áp dụng đối với:
a) Xe đã sử dụng trước ngày 01/01/2008 được quy định tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 62/2007/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
b) Xe được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Xe không tải là xe ở trạng thái sẵn sàng hoạt động và bao gồm các trang bị sau:
a) Nhiên liệu: thùng nhiên liệu được đổ tới ít nhất là 90% dung tích theo quy định của nhà sản xuất;
b) Các trang bị phụ do nhà sản xuất cung cấp cần thiết cho hoạt động bình thường của xe (túi dụng cụ, giá đỡ, tấm chắn gió, thiết bị bảo vệ, ...);
2. Xe đầy tải là xe ở trạng thái khối lượng lớn nhất mà nó có thể hoạt động bình thường do nhà sản xuất công bố và được xác định theo Tiêu chuẩn TCVN 7363:2003.
3. Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy, linh kiện xe mô tô, xe gắn máy có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật theo quy định hiện hành.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA
Điều 3. Yêu cầu kỹ thuật khi kiểm tra
1. Yêu cầu chung
a) Xe có thể lắp động cơ nhiệt hoặc động cơ điện. Nếu là động cơ nhiệt thì dung tích động cơ không lớn hơn 125 cm3.
b) Các bánh xe phải đối xứng với nhau qua mặt phẳng trung tuyến dọc của xe.
c) Kích thước lớn nhất của xe không vượt quá giới hạn sau: Chiều dài 2,5 m, chiều rộng 1,2 m, chiều cao 1,4 m (xem phụ lục A).
d) Tỷ lệ khối lượng phân bố lên trục dẫn hướng so với khối lượng xe ở trạng thái không tải và đầy tải không được nhỏ hơn 18%.
đ) Khả năng leo dốc lớn nhất của xe không nhỏ hơn 70 (tương đương 12%).
e) Góc ổn định ngang tĩnh của xe ở trạng thái không tải không nhỏ hơn 250.
g) Không rò rỉ nhiên liệu, dầu bôi trơn ở các mối ghép của các tổng thành, hệ thống lắp trên xe như: động cơ, ly hợp, hộp số, truyền động, thùng nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống ống dẫn nhiên liệu.
h) Các bộ phận có thể tiếp xúc với cơ thể người lái và người xung quanh không được nhọn, sắc cạnh. Phần nhô của xe phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 6999:2002.
i) Các mối ghép ren sau khi lắp ráp phải căng chặt. Lực xiết các mối ghép ren của các chi tiết quan trọng phải theo quy định trong tài liệu kỹ thuật cho từng kiểu loại xe cụ thể của nhà sản xuất.
k) Xe phải có ký hiệu xe dùng cho người tàn tật ở vị trí thích hợp để nhận biết dễ dàng (xem phụ lục B).
2. Hệ thống điều khiển
a) Cơ cấu điều khiển hoạt động của xe phải phù hợp với hệ vận động của người tàn tật điều khiển xe đó; các cơ cấu điều khiển khác phải đáp ứng yêu cầu như các loại xe mô tô, xe gắn máy thông thường được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5929: 2005 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng .
b) Các cơ cấu điều khiển hoạt động của xe phải được lắp đặt chắc chắn, điều khiển nhẹ nhàng.
3. Động cơ, hệ thống truyền lực
a) Động cơ, hệ thống truyền lực của xe phải đáp ứng các yêu cầu như các loại xe mô tô, xe gắn máy thông thường được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5929: 2005 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng .
b) Ống xả:
- Lỗ ống xả phải được thiết kế sao cho luồng khí xả không ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia giao thông khác.
- Ống xả được bố trí sao cho xe, hành lý không thể bị bắt lửa từ ống xả và khí thải; không ảnh hưởng tới chức năng phanh của cơ cấu phanh, không ảnh hưởng tới hệ thống điện và hệ thống nhiên liệu.
4. Bánh xe và lốp
a) Vành bánh xe phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 7234:2003 hoặc Tiêu chuẩn TCVN 6443:1998 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
b) Lốp xe phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5721-2:2002 hoặc Tiêu chuẩn TCVN 6771:2001 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
5. Hệ thống phanh
a) Cơ cấu điều khiển hệ thống phanh phải phù hợp với hệ vận động của người tàn tật điều khiển xe đó.
b) Hệ thống phanh của xe phải đáp ứng các yêu cầu như các loại xe thông thường được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5929: 2005 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng .
c) Hiệu quả phanh khi kiểm tra trên đường
- Điều kiện thử phanh: Xe không tải có gắn các thiết bị, dụng cụ cần thiết cho việc thử phanh; khối lượng người lái 75 kg; đường thử có bề mặt làm bằng bê tông hoặc asphalt bằng phẳng, khô.
- Hiệu quả phanh: Đối với xe có dung tích động cơ nhỏ hơn 50 cm3 hoặc có vận tốc lớn nhất dưới 50km/h: quãng đường phanh không được lớn hơn 4 m khi phanh ở vận tốc 20km/h. Đối với xe có dung tích động cơ từ 50 cm3 trở lên hoặc có vận tốc lớn nhất từ 50 km/h trở lên: quãng đường phanh không được lớn hơn 7,5 m khi phanh ở vận tốc 30km/h.
- Hệ thống phanh đỗ của xe phải có khả năng giữ xe đầy tải trên dốc lên hoặc dốc xuống có độ dốc 70 (tương đương 12%).
d) Hiệu quả phanh khi kiểm tra trên băng thử
Việc kiểm tra phanh trên băng thử áp dụng để kiểm tra xe xuất xưởng.
- Tổng lực phanh của hệ thống phanh chính khi phanh không được nhỏ hơn 50% trọng lượng của xe khi vào kiểm tra (bao gồm cả người lái).
Sai lệch lực phanh giữa bánh xe bên trái và bánh xe bên phải trên một trục không được lớn hơn 24%.
Sai lệch lực phanh được tính như sau:
Sai lệch lực phanh
Trong đó PL, PN là lực phanh của hai bánh xe trên cùng một trục và PL > PN
- Tổng lực phanh của hệ thống phanh đỗ của xe không nhỏ hơn 20% trọng lượng xe khi kiểm tra (bao gồm cả người lái).
6. Hệ thống chiếu sáng, tín hiệu và hệ thống lái
Hệ thống chiếu sáng, tín hiệu và hệ thống lái của xe phải đáp ứng các yêu cầu như các loại xe mô tô, xe gắn máy thông thường được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5929: 2005 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng .
7. Gương chiếu hậu
a) Xe có dung tích động cơ nhỏ hơn 50 cm3 và có vận tốc lớn nhất dưới 50 km/h: phải có ít nhất 01 gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Xe có dung tích động cơ từ 50 cm3 trở lên hoặc có vận tốc lớn nhất từ 50 km/h trở lên phải có 02 gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.
b) Gương chiếu hậu phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 6770: 2001 (trừ các yêu cầu về lắp đặt gương chiếu hậu trên xe).
c) Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái.
8. Đồng hồ đo vận tốc
Đồng hồ đo vận tốc của xe phải đáp ứng các yêu cầu như các loại xe mô tô, xe gắn máy thông thường được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5929: 2005 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng .
9. Chỗ ngồi, giá để hành lý
a) Có thể bố trí thêm chỗ ngồi cho một người cùng đi.
b) Đệm ngồi phải được lắp đặt chắc chắn.
c) Giá để hành lý phải được thiết kế và lắp đặt chắc chắn.
d) Xe có thể bố trí cơ cấu giữ nạng, xe lăn. Cơ cấu này phải cố định được nạng, xe lăn một cách chắc chắn.
đ) Khối lượng hành lý cho phép chở theo thiết kế không quá 10kg (không bao gồm khối lượng nạng, xe lăn).
e) Xe không có thùng, khoang chở hành khách, hàng hóa.
10. Hệ thống nhiên liệu
Hệ thống nhiên liệu của xe phải đáp ứng các yêu cầu như các loại xe mô tô, xe gắn máy thông thường được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5929: 2005 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng .
11. Khung xe, vỏ xe
a) Khung xe phải bảo đảm độ cứng vững, độ bền và thuận tiện cho việc lắp ráp các chi tiết, bộ phận khác.
b) Toàn bộ khung xe phải được sơn phủ bằng loại sơn có tác dụng chống gỉ
c) Thân, vỏ xe phải được thiết kế và lắp đặt chắc chắn.
12. Hệ thống điện
a) Dung lượng ắc quy đối với xe sử dụng động cơ điện phải bảo đảm cho xe chạy được một quãng đường liên tục không nhỏ hơn 40 km.
b) Hệ thống điện của xe phải đáp ứng các yêu cầu như các loại xe mô tô, xe gắn máy thông thường được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5929: 2005 hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng .
13. Yêu cầu về bảo vệ môi trường
a) Khí thải của xe phải bảo đảm Tiêu chuẩn Việt Nam tương đương mức Euro 2 trở lên.
b) Mức ồn tối đa cho phép của xe phát ra khi đỗ phải đáp ứng yêu cầu được quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 6436 : 1998.
Điều 4. Kiểm tra đối với xe sản xuất, lắp ráp
Việc kiểm tra xe sản xuất, lắp ráp thực hiện theo Quyết định số 58/2007/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy.
Điều 5. Kiểm tra đối với xe nhập khẩu
Việc kiểm tra xe nhập khẩu thực hiện theo Quyết định số 57/2007/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất
1. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm do cơ sở sản xuất, lắp ráp.
2. Thực hiện đúng các quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe sản xuất, lắp ráp.
3. Trong trường hợp sản xuất hàng loạt, cơ sở sản xuất chỉ được sản xuất, lắp ráp các sản phẩm tiếp theo khi đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại và phải bảo đảm các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký và mẫu điển hình đã được thử nghiệm.
Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu
1. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ tài liệu đã cung cấp cho Cơ quan kiểm tra chất lượng.
2. Xuất trình nguyên trạng xe để Cơ quan kiểm tra chất lượng thực hiện việc kiểm tra.
3. Thực hiện đúng các quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu.
Điều 8. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
1. Thực hiện quy định này; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân nhập khẩu trong việc bảo đảm yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu;
2. Tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng xe để báo cáo Bộ Giao thông vận tải./.