Văn bản pháp luật: Quyết định 03/2008/QĐ-KTNN

Vương Đình Huệ
Công báo số 167 & 168/2008;
Quyết định 03/2008/QĐ-KTNN
Quyết định
25/03/2008
26/02/2008

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Tổng Kiểm toán Nhà nước
2.008
Kiểm toán Nhà nước

Toàn văn

QUY?T Đ?NH C?A T?NG KI?M TOÁN NHÀ NU?C

QUYẾT ĐỊNH CỦA TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Ban hành Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành

báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 1053/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 10/11/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích khoản 6 Điều 19 của Luật kiểm toán nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định mà Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây của Kiểm toán Nhà nước trái với Quyết định này bị bãi bỏ.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn kiểm toán, các thành viên đoàn kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH, XÉT DUYỆT VÀ PHÁT HÀNH

BÁO CÁO KIỂM TOÁN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2008/QĐ-KTNN

ngày 26 tháng 02 năm 2008 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trình tự, nội dung công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị, bộ phận có liên quan trong việc lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của các cuộc kiểm toán, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực, các Đoàn kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc lập báo cáo kiểm toán

1. Báo cáo kiểm toán được lập theo mẫu quy định của Kiểm toán Nhà nước, tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, quy định về hồ sơ kiểm toán và quy trình kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước ban hành phù hợp với từng lĩnh vực.

2. Báo cáo kiểm toán phải đảm bảo phản ánh đầy đủ kết quả kiểm toán từ các biên bản kiểm toán và các bằng chứng kiểm toán.

Điều 4. Trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng và Hội đồng thẩm định cấp vụ

1. Trưởng Đoàn kiểm toán có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo việc lập dự thảo báo cáo kiểm toán, trực tiếp hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Kiểm toán trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của các số liệu, nhận xét, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán.

2. Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực thành lập Hội đồng cấp vụ để thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán; tổ chức xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán trước khi trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước: chịu trách nhiệm trước Tổng kiểm toán Nhà nước về kết quả xét duyệt và chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai sót về tính chính xác, hợp pháp của các ý kiến nhận xét, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của dự thảo báo cáo kiểm toán đã được Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực xét duyệt.

3. Hội đồng thẩm định cấp vụ có nhiệm vụ tổ chức thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán trước khi Kiểm toán trưởng thông qua và trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp vụ chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng, Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót trong báo cáo kiểm toán.

Điều 5. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu

1. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm thực hiện thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán trước khi trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xét duyệt; đôn đốc các đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực thực hiện lập, xét duyệt và hoàn chỉnh báo cáo kiểm toán đúng quy định; chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về ý kiến thẩm định và chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nội dung thuộc phạm vi thẩm định của mình.

2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm thực hiện thẩm định tính hợp pháp của các nhận xét, đánh giá và kiến nghị trong dự thảo báo cáo kiểm toán; tư vấn cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trong việc kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đã được làm rõ thông qua kết quả kiểm toán; chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về ý kiến thẩm định và chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nội dung thuộc phạm vi thẩm định của mình.

3. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ thư ký, giúp việc cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và hành chính trong việc xét duyệt, thông qua và phát hành báo cáo kiểm toán.

Chương II

TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH, XÉT DUYỆT

VÀ PHÁT HÀNH BÁO CÁO KIỂM TOÁN

Điều 6. Trình tự các bước lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán

Việc lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán gồm các bước sau:

1. Lập dự thảo báo cáo kiểm toán.

2. Kiểm toán trưởng xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán.

3. Thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán.

4. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán.

5. Hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán, gửi lấy ý kiến đơn vị được kiểm toán.

6. Tổ chức thông báo kết quả kiểm toán với đơn vị được kiểm toán.

7. Phát hành báo cáo kiểm toán.

Điều 7. Lập dự thảo báo cáo kiểm toán

1. Việc tập hợp các bằng chứng kiểm toán, kết quả kiểm toán; kiểm tra, phân loại, tổng hợp kết quả kiểm toán; lập dự thảo báo cáo kiểm toán và tổ chức thảo luận, lấy ý kiến thành viên Đoàn kiểm toán, được thực hiện theo các điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4 mục 1 Chương IV Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

2. Trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán

a) Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày Đoàn kiểm toán kết thúc kiểm toán tại đơn vị, Trưởng Đoàn kiểm toán phải hoàn thành dự thảo báo cáo kiểm toán gửi Kiểm toán trưởng để tổ chức thẩm định và xét duyệt. Trong quá trình lập dự thảo báo cáo kiểm toán,Trưởng Đoàn kiểm toán phải tuân thủ các quy định của Luật kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan;

b) Khi họp Đoàn kiểm toán để lấy ý kiến tham gia hoặc xử lý các tình huống khác trong quá trình lập dự thảo báo cáo kiểm toán phải được ghi thành biên bản và được lưu trữ theo quy định của Luật kiểm toán nhà nước.

Điều 8. Kiểm toán trưởng xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán

1. Hội đồng thẩm định cấp vụ

a) Hội đồng thẩm định cấp vụ giúp Kiểm toán trưởng thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán. Thành phần của Hội đồng cấp vụ tối thiểu là 05 thành viên, bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp vụ là Kiểm toán trưởng;

- Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp vụ là 01 Phó kiểm toán trưởng;

- 01 thành viên không thuộc Đoàn kiểm toán;

- Đại diện Phòng Tổng hợp làm thư ký Hội đồng;

- Các thành viên khác.

b) Nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định cấp vụ:

- Hội đồng thẩm định cấp vụ làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số. Hội đồng thẩm định cấp vụ chỉ tiến hành họp thẩm định khi có đủ các thành viên của Hội đồng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

- Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt thì Kiểm toán trưởng chỉ định Phó kiểm toán trưởng khác hoặc Trưởng phòng nghiệp vụ thay thế (trường hợp các Phó kiểm toán trưởng đi vắng) đảm bảo nguyên tắc Chủ tịch Hội đồng không thuộc Đoàn kiểm toán được thẩm định.

c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp vụ

- Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy định này.

- Phân công thành viên Hội đồng thẩm định cấp vụ thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán.

- Trong quá trình tổ chức thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp vụ có quyền yêu cầu Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán cung cấp bằng chứng, tài liệu, giải trình, làm rõ những vấn đề có liên quan.

d) Nội dung thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán

Hội đồng thẩm định cấp vụ phân công các thành viên thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán theo các nội dung sau:

- Tuân thủ mẫu báo cáo kiểm toán về kết cấu, nội dung, tính hợp lý, lôgic trong trình bày, văn phạm và lỗi chính tả;

- Tuân thủ quy định về tài liệu, hồ sơ của cuộc kiểm toán;

- Kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phê duyệt về mục tiêu, trọng yếu, nội dung, phạm vi, giới hạn, đơn vị được kiểm toán, thời hạn kiểm toán;

- Tính đầy đủ, hợp lý, hợp pháp của các bằng chứng kiểm toán làm cơ sở cho các nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán;

- Tính đúng đắn, đầy đủ và trung thực của số liệu; tính hợp pháp của những nhận xét, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị và tính khả thi của những kiến nghị kiểm toán.

2. Kiểm toán trưởng tổ chức họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán

a) Thành phần tham dự cuộc họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán, bao gồm:

- Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực hoặc Phó kiểm toán trưởng được ủy quyền;

- Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn kiểm toán, các Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên soạn thảo báo cáo kiểm toán;

- Các thành viên Hội đồng thẩm định cấp vụ;

- Các Phó kiểm toán trưởng (khi thấy cần thiết).

b) Nội dung họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán tại Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực được phản ánh vào biên bản xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán theo mẫu quy định của Kiểm toán Nhà nước.

c) Trách nhiệm của Kiểm toán trưởng

- Chỉ đạo Trưởng Đoàn kiểm toán hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán theo kết quả xét duyệt.

- Trước khi trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán, Kiểm toán trưởng phải chỉ đạo Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán hoàn thành xong việc giải trình những ý kiến chưa thống nhất của đơn vị được kiểm toán, trường hợp không thể giải quyết được thì trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định. Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chịu trách nhiệm về những vấn đề còn tồn tại dẫn đến chậm phát hành báo cáo kiểm toán theo quy định.

d) Hồ sơ trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán gửi qua Vụ Tổng hợp 06 bộ để trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và gửi Vụ Pháp chế, Phòng Thư ký - Tổng hợp bao gồm các tài liệu sau đây:

- Tờ trình của Kiểm toán trưởng, trong đó nêu rõ kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được duyệt, nhưng nội dung chưa làm được do các nguyên nhân chủ quan, khách quan và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề bảo lưu ý kiến của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên cần xin ý kiến của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

- Dự thảo báo cáo kiểm toán;

- Biên bản họp Đoàn kiểm toán, biên bản xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực; báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp vụ;

- Các tài liệu khác có liên quan.

Trường hợp các đơn vị ở xa (các Kiểm toán Nhà nước khu vực) nếu gửi dự thảo báo cáo kiểm toán qua thư điện tử thì Vụ Tổng hợp có trách nhiệm nhân bản gửi lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và các đơn vị liên quan; trường hợp, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước yêu cầu tổ chức xét duyệt tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực thì đơn vị chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.

đ) Thời hạn trình dự thảo báo cáo kiểm toán lên lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

Điều 9. Thẩm định, đăng ký xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ trình dự thảo báo cáo kiểm toán, các đơn vị chức năng có nhiệm vụ như sau:

1. Vụ Tổng hợp

a) Tiếp nhận, kiểm tra và gửi lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị chức năng hồ sơ do Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp hồ sơ trình chưa đạt yêu cầu quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 của Quy định này thì trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ trình phải thông báo ngay để các đơn vị bổ sung và hoàn thiện hồ sơ.

b) Tổ chức thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán theo những nội dung sau:

- Kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phê duyệt: Về mục tiêu, trọng yếu, nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và thời hạn kiểm toán;

- Nội dung, kết quả kiểm toán so với mục tiêu và các chỉ đạo của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

- Việc tuân thủ chuẩn mực về báo cáo kiểm toán; tính logic, tính đúng đắn, phù hợp giữa kết quả kiểm toán với nhận xét, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán;

- Tính khả thi của những kiến nghị kiểm toán và các vấn đề khác (nếu có).

Trường hợp cần thiết, Vụ Tổng hợp có thể đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, các đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thêm thông tin, tài liệu, giải trình để làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm định.

c) Trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước kết quả thẩm định báo cáo kiểm toán và các kiến nghị để lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét, kết luận tại cuộc họp xét duyệt báo cáo kiểm toán. Báo cáo kết quả thẩm định phải được trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và gửi cho đơn vị dự thảo báo cáo kiểm toán trước 02 ngày tổ chức cuộc họp xét duyệt của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

- Đăng ký lịch xét duyệt báo cáo kiểm toán qua Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (Phòng Thư ký - Tổng hợp). Thời hạn tổ chức xét duyệt tối đa là 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ do các Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

- Đối với các báo cáo kiểm toán quan trọng, Vụ Tổng hợp tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Hội đồng kiểm toán nhà nước để tư vấn cho Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thẩm định báo cáo kiểm toán.

2. Vụ Pháp chế

a) Tổ chức thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán theo những nội dung sau:

- Việc tuân thủ các quy định về hồ sơ kiểm toán, mẫu, thể thức trong việc lập báo cáo kiểm toán;

- Tính hợp pháp của các nhận xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong dự thảo báo cáo kiểm toán; việc viện dẫn, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong kết luận, kiến nghị kiểm toán;

- Những nội dung cần phải làm rõ để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đưa ra các nhận xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán;

- Các kết luận, kiến nghị cần bổ sung để đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các vấn đề khác (nếu có).

Trường hợp cần thiết, Vụ Pháp chế có thể đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, các đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thêm thông tin, tài liệu, giải trình để làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm định.

b) Trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước kết quả thẩm định báo cáo kiểm toán và các kiến nghị để lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét, kết luận tại cuộc họp xét duyệt báo cáo kiểm toán. Báo cáo kết quả thẩm định phải được trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và gửi cho đơn vị dự thảo báo cáo kiểm toán trước 02 ngày tổ chức cuộc họp xét duyệt của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

3. Phòng Thư ký - Tổng hợp thuộc Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận và trình kết quả thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán của các đơn vị chức năng cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước. Thực hiện trách nhiệm thư ký cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trong việc thẩm định dự thảo báo cáo kiểm toán.

Điều 10. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán

Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tổ chức xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán.

1. Thành phần cuộc họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán

a) Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

b) Kiểm toán trưởng (hoặc Phó kiểm toán trưởng được ủy quyền) Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực, lãnh đạo Đoàn kiểm toán, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp vụ, Trưởng phòng tổng hợp (hoặc Phó phòng tổng hợp) của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực và các thành viên khác có liên quan (nếu cần thiết);

c) Đại diện Vụ Tổng hợp;

d) Đại diện Vụ Pháp chế;

đ) Đại diện Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (Phòng Thư ký - Tổng hợp);

e) Các thành phần khác do lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước yêu cầu khi xét thấy cần thiết.

2. Địa điểm họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán

Cuộc họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán được tổ chức tại trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Đối với Kiểm toán Nhà nước các khu vực có trụ sở xa trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước thì địa điểm tổ chức họp xét duyệt có thể tại trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước hoặc tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực theo quyết định của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; trường hợp tổ chức họp tại trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước, nếu được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đồng ý thì Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực và các thành phần khác của đơn vị không phải tham dự.

3. Trình tự họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán

a) Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phụ trách đơn vị lập dự thảo báo cáo kiểm toán chủ trì hội nghị;

b) Kiểm toán trưởng hoặc Trưởng Đoàn kiểm toán trình bày tóm tắt việc thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được duyệt và những vấn đề cần xin ý kiến lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

c) Đại diện các đơn vị thẩm định trình bày báo cáo thẩm định;

d) Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

đ) Ý kiến tham gia của các đại biểu trong hội nghị;

e) Ý kiến giải trình, tiếp thu của Đoàn kiểm toán về những vấn đề do các đơn vị thẩm định đề nghị và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp còn có ý kiến trái ngược hoặc không tiếp thu thì phải giải trình bằng văn bản, kèm theo các bằng chứng về các vấn đề đó;

g) Ý kiến kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

4. Vụ Tổng hợp có nhiệm vụ tổ chức ghi chép toàn bộ nội dung cuộc họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán.

Điều 11. Hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán, gửi lấy ý kiến đơn vị được kiểm toán

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xét duyệt, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực có nhiệm vụ:

a) Chỉ đạo Trưởng Đoàn kiểm toán hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán theo nội dung thông báo kết quả xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; giải trình bằng văn bản những nội dung không tiếp thu trong báo cáo thẩm định của các đơn vị chức năng theo kết luận của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

b) Gửi dự thảo báo cáo kiểm toán đã được hoàn thiện để lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán, đồng gửi Vụ Tổng hợp để kiểm tra việc hoàn thiện dự thảo. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải có ý kiến bằng văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước, quá thời hạn trên mà không có ý kiến thì coi như đã nhất trí với dự thảo báo cáo kiểm toán.

Trường hợp đơn vị được kiểm toán có ý kiến giải trình bằng văn bản về những vấn đề nêu trong dự thảo báo cáo kiểm toán mà họ cho rằng các vấn đề đó là chưa phù hợp, thì đơn vị được kiểm toán phải đưa ra các bằng chứng để chứng minh cho ý kiến của mình. Sau khi nhận được ý kiến của đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán trưởng chỉ đạo Trưởng Đoàn kiểm toán đề xuất ý kiến xử lý trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định.

c) Gửi lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) báo cáo kiểm toán đã hoàn chỉnh sau khi lấy ý kiến đơn vị được kiểm toán (01 bản); văn bản giải trình ý kiến tiếp thu và không tiếp thu những nội dung trong báo cáo thẩm định và ý kiến của đơn vị được kiểm toán (có ý kiến khác với dự thảo báo cáo kiểm toán), trong đó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực phải thuyết trình rõ ý kiến của mình và của Đoàn kiểm toán về những ý kiến khác nhau với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;

d) Chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán tổ chức hội nghị thông báo kết quả kiểm toán.

2. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm kiểm tra việc hoàn chỉnh báo cáo kiểm toán theo thông báo kết quả xét duyệt của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và việc tiếp thu các ý kiến thẩm định của các đơn vị có chức năng thẩm định.

Điều 12. Tổ chức thông báo kết quả kiểm toán với đơn vị được kiểm toán

1. Thành phần tham dự cuộc họp thông báo kết quả kiểm toán, bao gồm:

a) Đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước hoặc người được ủy quyền;

b) Đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực, lãnh đạo Đoàn kiểm toán và một số Tổ trưởng Tổ kiểm toán (nếu cần thiết);

c) Đại diện đơn vị được kiểm toán;

d) Đại diện Hội đồng nhân dân hoặc đại diện cơ quan (chủ quản) cấp trên của đơn vị được kiểm toán.

Đối với những báo cáo kiểm toán quan trọng, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể thành phần của Kiểm toán Nhà nước tham dự thông qua báo cáo kiểm toán đối với đơn vị được kiểm toán.

2. Trình tự hội nghị:

a) Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước hoặc người được ủy quyền chủ trì hội nghị;

b) Trưởng đoàn kiểm toán trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo kiểm toán;

c) Đại diện đơn vị được kiểm toán phát biểu ý kiến;

d) Các đại biểu khác phát biểu ý kiến;

đ) Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước hoặc người được ủy quyền kết luận hội nghị và chỉ đạo.

3. Trưởng đoàn kiểm toán có nhiệm vụ tổ chức ghi biên bản cuộc họp thông báo kết quả kiểm toán với đơn vị được kiểm toán theo mẫu quy định của Kiểm toán Nhà nước.

4. Trường hợp ý kiến của đơn vị được kiểm toán đã thống nhất với dự thảo báo cáo kiểm toán về số liệu và kết luận, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực có thể báo cáo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho phép không tổ chức hội nghị thông báo kết quả kiểm toán để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Điều 13. Phát hành báo cáo kiểm toán

1. Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực có trách nhiệm chỉ đạo việc hoàn thiện báo cáo kiểm toán theo kết luận của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tại Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán với đơn vị được kiểm toán và ý kiến của đơn vị được kiểm toán (nếu tiếp thu). Báo cáo kiểm toán sau khi hoàn thiện phải được Trưởng Đoàn kiểm toán ký và ghi rõ họ tên; Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực được Tổng Kiểm toán Nhà nước ủy quyền ký báo cáo kiểm toán. Căn cứ vào báo cáo kiểm toán đã hoàn thiện, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực gửi thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để thực hiện hoặc chỉ đạo việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

2. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm kiểm tra việc hoàn chỉnh báo cáo kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trước khi phát hành. Trường hợp báo cáo kiểm toán chưa được hoàn chỉnh đúng, đủ theo chỉ đạo của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Vụ Tổng hợp chuyển lại đơn vị dự thảo để hoàn thiện. Thời gian kiểm tra, hoàn thiện tối đa là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán đã hoàn chỉnh của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước khu vực.

Vụ Tổng hợp soạn thảo công văn gửi báo cáo kiểm toán trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước ký phát hành theo mẫu quy định của Kiểm toán Nhà nước.

3. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra lại lần cuối báo cáo kiểm toán, công văn phát hành báo cáo kiểm toán trước khi trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước ký phát hành, thời gian kiểm tra là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn do Vụ Tổng hợp trình phát hành; đồng thời, chịu trách nhiệm phát hành báo cáo kiểm toán.

Thời gian gửi báo cáo kiểm toán cho đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan chậm nhất là 45 ngày, trường hợp đặc biệt không quá 60 ngày (nếu có lý do khách quan và được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho phép) kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán. Đơn vị, cá nhân thực hiện việc phát hành báo cáo kiểm toán không đúng theo quy định phải chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Tổng hợp chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này và định kỳ tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, các Đoàn kiểm toán, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này; trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh mới hoặc khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Vụ Pháp chế để tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 15. Xử lý vi phạm

Mọi hành vi vi phạm Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý theo quy định của pháp luật./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12762&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận