QUYẾT ĐỊNH
Về việc Ban hành quy định phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên
_______________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 3 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7 tháng 2 năm 2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 72/TTr-SXD ngày 19/5/2006; Báo cáo thẩm định số 27/BCTĐ ngày 18/5/2006 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng” trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 66/2000/QĐ-UB ngày 27/11/2000 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) về việc Ban hành quy định về phân cấp quản lý chất lượng các công trình XDCB trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Bùi Viết Bính
|
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2006/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2006 của UBND tỉnh Điện Biên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
1. Quy định này áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ công trình, bảo hành, bảo trì công trình, không phân biệt nguồn vốn đầu tư, hình thức sở hữu.
2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố gọi chung là UBND cấp huyện;
2. UBND các xã, phường, thị trấn gọi chung là UBND cấp xã;
3. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành bao gồm: Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công nghiệp; Sở Bưu chính Viễn thông; Sở Văn hoá Thông tin;
4. Phòng hạ tầng kinh tế, Phòng quản lý đô thị tại các huyện, thị xã, thành phố gọi chung là Phòng hạ tầng kinh tế.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 3. Sở Xây dựng là cơ quan giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:
1. Tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc ban hành các văn bản về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp với Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khi kiểm tra chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
5. Hướng dẫn chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng về nghiệp vụ giải quyết sự cố đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; Báo cáo Bộ Xây dựng về kết quả giải quyết sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng.
6. Báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh;
7. Giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh tổng hợp và Báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn định kỳ 6 tháng, 1 năm.
Điều 4. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm:
1. Tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh;
2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh;
3. Báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh;
4. Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh;
5. Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng về nghiệp vụ giải quyết sự cố đối với các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn; báo cáo Bộ Xây dựng kết quả giải quyết sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng.
6. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo chung.
Điều 5. UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do cấp huyện quản lý.
Điều 6. Phòng Hạ tầng kinh tế có trách nhiệm giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, có chức năng nhiệm vụ sau:
1. Tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện, ban hành các văn bản về quản lý chất lượng các công trình xây dựng;
2. Hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp xã, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng các công trình xây dựng;
3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn.
4. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở có xây dựng chuyên ngành khi kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn.
5. Báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Sở Xây dựng định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
6. Giúp Ủy ban Nhân dân huyện tổng hợp và báo cáo Sở Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn định kỳ 6 tháng, 1 năm.
Điều 7. UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng do mình quyết định đầu tư hoặc là chủ đầu tư theo các quy định tại Nghị định số 209/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ và mục II của Thông tư 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng.
Điều 8. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về chất lượng công trình xây dựng và hiệu quả dự án đầu tư xây dựng của mình được quy định tại các chương III, IV,V của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ và mục II của Thông tư 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm và khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng về chất lượng xây dựng công trình với Sở Xây dựng.
Điều 9. Các Ban quản lý dự án, các nhà thầu, tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, bảo hành và bảo trì, quản lý và sử dụng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình theo các quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và các hướng dẫn khác của Bộ Xây dựng, các Bộ có xây dựng chuyên ngành.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Sở Xây dựng, các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng./.