Văn bản pháp luật: Quyết định 0735/TM-VP

 
Công báo điện tử;
Quyết định 0735/TM-VP
Quyết định
10/10/1997
25/09/1997

Tóm tắt nội dung

Về việc uỷ quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cấp tỉnh xét duyệt kế hoạch và quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, doanh nghiệp chế xuất

 
1.997
 

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 735/TM-VP NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 1997 VỀ VIỆC UỶ QUYỀN CHO BAN QUẢN LÝ CÁC KHU
CÔNG NGHIỆP VÀ CHẾ XUẤT CẤP TỈNH XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH
VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CHO CÁC
DOANH NGHIỆP KHU CÔNG NGHIỆP,
DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 04 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ thương mại;

Căn cứ Nghị định số 33/CP ngày 19 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất - nhập khẩu;

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về ban hành quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (gọi chung và tắt là khu công nghiệp).

Căn cứ đề nghị của UBND thành phố Hà Nội số 2313/CV-UB ngày 20/9/1997.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Uỷ quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội xét duyệt kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý hoạt động thương mại của các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2.- Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội được thay mặt Bộ Thương mại giải quyết công việc theo nội dung và phạm vi quy định sau:

1. Chủ trì và phối hợp với Sở Thương mại thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội lập kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu và các hoạt động thương mại theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Thương mại.

2. Về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với nước ngoài:

2.1. Ban quản lý các khu công nghiệp thành phố xét duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoạt động trong khu công nghiệp bảo đảm thực hiện đúng Luật đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn có liên quan; phù hợp với nội dung giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, Luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuât.

2.2. Các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động trong khu công nghiệp muốn xuất nhập khẩu hàng hoá phải có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp. Trường hợp nhập máy móc thiết bị thì thực hiện theo Quyết định 91/TTg ngày 13/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Việc xuất nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất được thực hiện theo quy định tại các Điều 38 và 39 của Quy chế ban hành theo Nghị định 36/CP ngày 24/4/1997.

2.4. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các khu công nghiệp nếu xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục hàng quản lý bằng hạn ngạch hoặc những mặt hàng thuộc danh mục hàng có liên quan đến các cân đối của nền kinh tế quốc dân thì phải thực hiện theo Quyết định hàng năm của Thủ tướng Chính phủ về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất - nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn có liên quan; cụ thể hiện nay là: - Các mặt hàng thuộc danh mục hàng quản lý bằng ngạch hoặc những mặt hàng thuộc danh mục hàng có liên quan đến các cân đối của nền kinh tế quốc dân thì phải có giấy phép của Bộ Thương mại;

- Các mặt hàng thuộc danh mục hàng quản lý theo chuyên ngành thì phải có giấy xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành.

3. Về quan hệ mua bán hàng hoá giữa các doanh nghiệp khu công nghiệp và doanh nghiệp chế xuất với thị trường nội địa:

3.1. Các doanh nghiệp trong thị trường nội địa bán hàng (kể cả nguyên liệu, vật tư, phụ tùng) cho các doanh nghiệp chế xuất được coi là xuất khẩu của Việt Nam, và mua hàng của các doanh nghiệp chế xuất được coi là nhập khẩu của Việt Nam và phải tuân thủ cơ chế quản lý xuất nhập khẩu hiện hành;

Các doanh nghiệp chế xuất được mua lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm từ thị trương nội địa vào khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất để dùng cho doanh nghiệp; được tiêu thụ phế liệu, phế phẩm còn giá trị thương mại của khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa theo thủ tục quy định của Hải quan.

3.2. Việc mua bán hàng hoá giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong khu công nghiệp với các doanh nghiệp trong thị trường nội địa được tiến hành theo các quy định như đối với các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp phải đăng ký kế hoạch với Ban quản lý khu công nghiệp theo điểm 2 Điều 11 của "Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao" ban hành theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ.

3.3. Việc mua bán giữa các doanh nghiệp chế xuất với các doanh nghiệp khu công nghiệp trong cùng khu công nghiệp được coi là hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và phải được phép của Ban quản lý khu công nghiệp thành phố và phải chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành.

4. Về gia công hàng xuất khẩu:

4.1. Việc gia công hàng hoá giữa các doanh nghiệp khu công nghiệp với nước ngoài được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại và các văn bản có liên quan về gia công với thương nhân nước ngoài. Ban quản lý khu công nghiệp xem xét cho phép thực hiện các hợp đồng gia công của các doanh nghiệp theo quy định.

4.2. Các doanh nghiệp khu công nghiệp nhận gia công hàng hoá xuất khẩu của các doanh nghiệp chế xuất được coi là gia công với thương nhân nước ngoài và phải thực hiện theo các quy định nêu trên.

5. Các giấy phép về hàng hoá tạm xuất khẩu - tái nhập khẩu hoặc tạm nhập khẩu - tái xuất khẩu (kể cả máy, thiết bị) của các doanh nghiệp khu công nghiệp trong quan hệ với nước ngoài.

Việc kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất thực hiện theo Quyết định số 1064/TM-PC ngày 18/8/1994 của Bộ trưởng Bộ Thương mại và do Bộ Thương mại cho phép.

6. Cấp giấy phép tạm nhập - tái xuất đối với hàng hoá của các doanh nghiệp chế xuất gửi tham gia Hội chợ - Triển lãm ở trong nước, và cấp giấy phép tạm xuất - tái nhập đối với hàng hoá của các doanh nghiệp khu công nghiệp gửi tham gia Hội trợ - triển lãm ở nước ngoài theo quy định của Nhà nước về Hội trợ - triển lãm thương mại.

7. Cấp giấy chứng chỉ xuất xứ hàng hoá FORM D với các nước ASEAN theo hướng dẫn của Bộ Thương mại.

Điều 3.- Ban Quản lý khu công nghiệp thành phố có trách nhiệm định kỳ (hàng quý và hàng năm vào ngày cuối quý, cuối năm) báo cáo tổng hợp tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp khu công nghiệp về Bộ Thương mại theo quy định hiện hành của Bộ Thương mại.

Điều 4.- Trường hợp Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội vi phạm các quy định của Quyết định uỷ quyền này thì Bộ Thương mại sẽ xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm, kể cả việc thu hồi quyết định uỷ quyền.

Điều 5.- Bộ Thương mại định kỳ tổ chức kiểm tra Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội trong việc thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được uỷ quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 6.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Vụ trưởng các Vụ chức năng có liên quan của Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8278&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận