Văn bản pháp luật: Quyết định 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH

Nguyễn Thị Hằng
Công báo số 05 - 07/2005;
Quyết định 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH
Quyết định
20/07/2005
07/06/2005

Tóm tắt nội dung

Về việc phê duyệt Đề án “Phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010”

Bộ trưởng
2.005
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

Bé Lao ®éng – Th­ng binh

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Về việc phê duyệt Đề án "Phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010"

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Phát triển xã hội hoá dạy nghề đến năm 2010" kèm theo Quyết định này với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

1.1. Số lượng học sinh học nghề vào năm 2010 là 1.500.000 người. Trong đó, tỷ lệ học sinh học nghề ngoài công lập là 60%.

1.2. Phát triển nhanh số lượng và chất lượng các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các lớp dạy nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề). Chú trọng thành lập cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Đến năm 2010, chuyển phần lớn cơ sở dạy nghề công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở dạy nghề công lập sang loại hình ngoài công lập; chuyển tất cả cơ sở dạy nghề bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục. Thực hiện cổ phần hoá đối với các cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp nhà nước theo tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp.

1.3. Huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển dạy nghề; huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn ngành, toàn xã hội vào việc đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề.

2. Các giải pháp chủ yếu:

2.1. Tổ chức tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về xã hội hoá dạy nghề

Phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ sở dạy nghề tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá dạy nghề và trách nhiệm thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân. Phát động phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về xã hội hoá dạy nghề.

2.2. Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ chế quản lý

Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách về xã hội hoá dạy nghề:

a. Quy chế hoạt động, chế độ tài chính và trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề ngoài công lập; quy chế chuyển cơ sở dạy nghề công lập sang ngoài công lập, cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề công lập chuyển sang cơ chế cung ứng dịch vụ;

b. Chính sách huy động vốn của các cơ sở dạy nghề; chính sách bảo đảm lợi ích của các cá nhân, tập thể tham gia xã hội hóa; chính sách ưu đãi tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển của Nhà nước; chính sách ưu đãi thuế; chính sách đất đai; chính sách nhân lực;

c. Thực hiện đơn giản các thủ tục hành chính trong việc thành lập và đăng ký hoạt động của các cơ sở dạy nghề;

d. Đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước dành cho dạy nghề. Thí điểm, tiến tới xây dựng cơ chế đấu thầu chỉ tiêu đào tạo do Nhà nước đặt hàng; chính sách hỗ trợ có thời hạn cho các cơ sở dạy nghề công lập chuyển sang loại hình ngoài công lập;

đ. Thành lập Quỹ Hỗ trợ học nghề.

2.3. Quy hoạch phát triển xã hội hoá dạy nghề

a. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch chuyển đổi các cơ sở dạy nghề công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ hoặc sang loại hình ngoài công lập với bước đi thích hợp.

b. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề ngoài công lập; Nhà nước tập trung đầu tư phát triển cơ sở dạy nghề trọng điểm và hỗ trợ phát triển các cơ sở dạy nghề ở những vùng khó khăn.

c. Phổ biến rộng rãi quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, nhu cầu huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2.4. Đổi mới cơ bản chế độ học phí, lệ phí và trợ cấp xã hội

a. Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế thu và sử dụng học phí học nghề; mức thu học phí và lệ phí tuyển sinh học nghề theo hướng ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách, học phí cần bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho giảng dạy, học tập và có tích lũy để đầu tư phát triển nhà trường; bước đầu đủ bù đắp chi phí thường xuyên. Xóa bỏ mọi khoản thu ngòai học phí.

b. Trình Chính phủ ban hành chính sách trợ cấp học phí hoặc học bổng cho người học là đối tượng chính sách, những người ở vùng khó khăn, những người nghèo và những người học xuất sắc, không phân biệt học ở trường công lập hay ngòai công lập.

2.5. Tăng cường quản lý nhà nước về xã hội hoá dạy nghề; đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra dạy nghề. Thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề và cấp phát văn bằng chứng chỉ nghề.

Điều 2. Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch chi tiết và hướng dẫn thực hiện Đề án này; theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện định kỳ báo cáo Bộ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Giám đốc Sở lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18098&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận