BỘ NGOẠI THƯƠNG SỐ 103/BNGT-PC-HQ NGÀY 3-3-1983 BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ GỬI VÀ NHẬN HÀNG PHI MẬU DỊCH DƯỚI HÌNH THỨC QUÀ BIẾU ĐỐI VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRONG NƯỚC CÓ NGƯỜI THÂN ĐỊNH CƯ Ở CÁC NƯỚC NGOÀI HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ nghị định số 231 - CP ngày 21-6-1979 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại thương;
Căn cứ quyết định số 151-HĐBT ngày 31-8-1982 của Hội đồng bộ trưởng về việc các gia đình có thân nhân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa nhận tiền, nhận hàng do thân nhân của họ gửi về, và thông tư số 9-TTLB/NgT/NH ngày 31-1-1983 của liên bộ Bộ Ngoại thương - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành quyết định nói trên,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về chế độ gửi và nhận hàng phi mậu dịch dưới hình thức quà biếu đối với các gia đình trong nước có người thân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Điều 2.
- Bản quy định này thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1983 và thay thế các quy định trước đây của Bộ Ngoại thương.
Điều 3. -
Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết thi hành quyết định này.
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ GỬI VÀ NHẬN HÀNG PHI MẬU DỊCH DƯỚI HÌNH THỨC QUÀ BIẾU ĐỐI VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRONG NƯỚC CÓ NGƯỜI THÂN ĐỊNH CƯ Ở CÁC NƯỚC NGOÀI HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
(Ban hành kèm theo quyết định số 103-BNgT/PC/HQ ngày 3-3-1983 của Bộ Ngoại thương)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
- 1. Mỗi hộ gia đình trong nước có người thân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa được gửi và nhận hàng phi mậu dịch dưới hình thức quà biếu miễn thuế mỗi năm 3 (ba) lần (dưới đây gọi tắt là quà biếu), nếu mỗi lần gửi hoặc nhận không thuộc các mặt hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu (ghi trong phục lục 1 và phụ lục 2 kèm theo quyết định này) và trị giá không quá 1000 (một nghìn) đồng Việt Nam (đối với quà biếu gửi) hoặc 2000 (hai nghìn) đồng Việt Nam (đối với quà biếu nhận) theo giá do Bộ Ngoại thương quy định từng thời gian trên cơ sở giá tính thuế do liên Bộ Ngoại thương - Tài chính ấn định.
2. Hộ gia đình nào không vi phạm chế độ hàng cấm nhập khẩu và chế độ thuế đối với cả 3 (ba) lần nhận quà biếu trong năm, thì được nhận quà biếu thêm lần thứ 4 (tư).
Điều 2. -
Trong trường hợp quà biếu gửi và nhận trái với điều 1, quy định như sau:
1. Đối với quà biếu nhận:
a) Quà biếu nhận vượt trị giá quy định, người nhận phải nộp thuế (theo giá tính thuế do liên Bộ Ngoại thương - Tài chính quy định từng thời gian) đối với số hàng vượt trị giá.
b) Trường hợp quà biếu nhận vượt trị giá quy định và tập trung vào một số mặt hàng với số lượng nhiều, người nhận chỉ được nhận về một số lượng nhất định do Cục Hải quan quy định. Số còn lại phải bán cho các tổ chức chuyên doanh của Nhà nước theo giá trưng mua do Bộ Ngoại thương ấn định.
c) Trong 3 (ba) lần nhận quà biếu trong năm, hộ gia đình nào có 1 (một) lần vi phạm điều 1 (mục 2) thì từ lần thứ 4 (tư) trở đi, người nhận phải nộp thuế toàn bộ lô hàng và phải bán lô hàng đó cho các tổ chức chuyên doanh của Nhà nước theo giá trưng mua do Bộ Ngoại thương ấn định.
d) Giá tính thuế đối với các trường hợp quy định trong mục b, c nói trên là giá trưng mua của Bộ Ngoại thương.
2. Đối với quà biếu gửi:
a) Quà biếu gửi vượt trị giá quy định, người gửi phải nộp thuế đối với số hàng vượt trị giá.
b) Quà biếu gửi từ lần thứ 4 (tư) trở đi trong năm, cơ quan hải quan cửa khẩu, hoặc bưu điện (nơi không có tổ chức hải quan) không làm thủ tục cho gửi hàng và trả lại hàng cho người gửi.
Trường hợp trốn tránh thủ tục hải quan để gửi đi, hàng sẽ bị tịch thu.
Điều 3.
- Quà biếu nhận là tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu) theo yêu cầu của các ngành, các địa phương trong nước, được miễn thuế nhập khẩu và không hạn chế về số lần, trị giá, nhưng cơ quan nhận phải đăng ký trước với cơ quan hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương và người nhận phải bán toàn bộ lô hàng đó cho các ngành, các địa phương có yêu cầu hoặc các tổ chức chuyên doanh của Nhà nước theo giá thu mua do Bộ Ngoại thương quy định.
Trường hợp người nhận nhận về để sử dụng thì phải nộp thuế.
Điều 4.
- Quà biếu gửi hoặc nhận thuộc loại hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu đều bị tịch thu.
II. THỦ TỤC HẢI QUAN
Điều 5.
- Khi làm thủ tục gửi hoặc nhận quà biếu, chủ gia đình hay người thay mặt phải xuất trình với cơ quan hải quan cửa khẩu hoặc bưu điện (nơi không có tổ chức hải quan) SỔ NHẬN HÀNG do hải quan hoặc bưu điện tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (nơi không có tổ chức hải quan) cấp, hoặc đơn xin phép đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương cho phép, trong những trường hợp không gửi hoặc nhận quà biếu thường xuyên.
Điều 6. -
Cơ quan hải quan cửa khẩu hoặc bưu điện (nơi không có tổ chức hải quan) thực hiện việc thu thuế đối với các trường hợp quà biếu gửi hoặc nhận quy định trong điều 2 của bản quy định này.
Quà biếu nhận chỉ được miễn, giảm thuế trong trường hợp hàng bị mất mát, hư hỏng, thiếu, được cơ quan hải quan hoặc bưu điện (nơi không có tổ chức hải quan) công nhận và một số trường hợp cá biệt khác do liên Bộ Ngoại thương - Tài chính quy định.
Điều 7.
- Người gửi hoặc người nhận quà biếu phải nộp lệ phí bằng 1% (một phần trăm) giá trị lô hàng (theo giá tính thuế do liên Bộ Ngoại thương - Tài chính ấn định) cho cơ quan hải quan cửa khẩu hoặc bưu điện (nơi không có tổ chức hải quan), đối với mỗi lần làm thủ tục gửi hoặc nhận.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8.
- Mọi hành vi trái bản quy định này và việc lợi dụng nguồn hàng gửi và nhận để đầu cơ, buôn lậu, gây rối loạn thị trường, phá hoại an ninh trong nước đều bị xử lý theo Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và luật lệ hải quan hiện hành.
Điều 9.
- Bản quy định này không áp dụng đối với các gia đình có người thân là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước Việt Nam được cử đi công tác, học tập, thực tập, làm chuyên gia, lưu học sinh Việt Nam được Nhà nước gửi đi học và những người được Nhà nước gửi đi lao động ở nước ngoài.
Điều 10.
- Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành bản quy định này.
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC CÁC LOẠI HÀNG PHI MẬU DỊCH CẤM NHẬP KHẨU DƯỚI HÌNH THỨC QUÀ BIẾU.
(Ban hành kèm theo quyết định số 103-BNgT/PC/HQ ngày 3-3-1983)
Tên và loại hàng
Cước chú
1. Các loại vũ khí (kể cả súng thể thao, súng săn và đạn, quân trang, quân dụng, chất nổ, chất dễ cháy)
2. Máy vô tuyến điện, máy điện thoại, điện tín và phụ tùng
3. Tiền Việt Nam, phiếu tiền Việt Nam
4. Kim khí quý, đá quý, ngọc trai, kim cương, ngoại tệ, hối phiếu, ngân phiếu có giá trị thay tiền
5. Thuốc phiện, các chất ma tuý và các dụng cụ để sử dụng các chất này
6. Các loại hoá chất mạnh, các loại hoá chất xét nghiệm, các chất hoá học, các chất độc, tân dược cao đơn hoàn tán không có nhãn hiệu, kém hoặc mất phẩm chất
7. Bản viết tốc ký, mật mã bằng chữ hay bằng số
8. Mọi tài liệu, bản in, bản thảo, bút ký, bản in kẽm, bản in giấy sáp, đĩa hát, băng nhạc, băng ghi âm, băng ghi hình đã ghi, phim ảnh đã chụp, tranh ảnh, sách báo, tượng và các đồ vật mà nội dung có phương hại đến chính trị, kinh tế và văn hoá của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như các loại phim đã chụp, đã quay chưa tráng
9. Các chất tươi sống, dễ ôi thối, các chất có hại đến vệ sinh chung
10. Thuốc lá, kể cả thuốc lá sợi và thuốc lá điếu, xì gà
11. Đường hoá học nguyên chất
12. Các loại quần áo, chăn màn, giày dép đã sử dụng
13. Quần áo, vải và những đồ vật khác có in hình vẽ và chữ không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam
14. Các loại đồ hộp đóng kín (trừ những thứ có thể mở ra được hoặc bao bì trong suốt)
DANH MỤC
CÁC LOẠI HÀNG PHI MẬU DỊCH CẤM XUẤT KHẨU DƯỚI HÌNH THỨC QUÀ BIẾU.
(Ban hành kèm theo quyết định số 103-BNgT/PC/HQ ngày 3-3-1983)
Tên và loại hàng
Cước chú
1. Các loại vũ khí (kể cả súng thể thao, súng săn và đạn, quân trang, quân dụng, chất nổ, chất dễ cháy)
2. Các loại hoá chất mạnh, các loại hoá chất xét nghiệm, các chất hoá học, các chất độc
3. Thuốc phiện, các loại ma tuý, các dụng cụ để sử dụng các chất này
4. Kim khí quý, đá quý, ngọc trai, kim cương, các loại tiền tệ, hối phiếu, ngân phiếu có giá trị thay tiền (kể cả tiền Việt Nam)
5. Mọi tài liệu (khoa học - kỹ thuật, kinh tế, chính trị) bản in, bản thảo, bản in kẽm, bản in giấy sáp, phim ảnh đã chụp, đã quay, tranh ảnh, tượng, sách báo đĩa hát, băng nhạc, băng ghi âm đã ghi, băng ghi hình đã ghi, phim chiếu bóng và những đồ vật khác mà nội dung có liên quan đến bí mật quốc gia và các loại phim đã chụp, đã quay chưa tráng
6. Bản viết tốc ký, mật mã bằng chữ hay bằng số
7. Cổ vật, tranh ảnh, tài liệu, sách báo, đồ mỹ thuật quý có liên quan đến cách mạng Việt Nam, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật phát minh, sáng chế... của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
8. Những sơ đồ, hoành đồ, bản đồ và những tài liệu có tính chất quân sự
9. Các loại kim khí quý và hợp kim và những sản phẩm bằng kim khí quý và hợp kim
10. Các tiêu bản côn trùng, khoáng vật, động vật, thực vật quý của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trừ trường hợp các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật gửi cho nhau và được cơ quan có chức năng quản lý của Nhà nước cho phép xuất khẩu
11. Các chất tươi sống dễ ôi thối, các chất có hại đến vệ sinh chung
Trừ vi trùng do các cơ quan nghiên cứu khoa học - kỹ thuật gửi cho nhau và được cơ quan có chức năng quản lý của Nhà nước cho phép xuất khẩu
12. Các loại động vật thuộc loại quý hiếm
Trừ ong, đỉa, tằm của các cơ quan nghiên cứu khoa học- kỹ thuật gửi cho nhau và được cơ quan có chức năng quản lý của Nhà nước cho phép xuất khẩu.
13. Các mặt hàng do Nhà nước trung ương thống nhất quản lý và tập trung xuất khẩu
DANH MỤC
CÁC LOẠI HÀNG PHI MẬU DỊCH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÓ ĐIỀU KIỆN (Ban hành kèm theo quyết định số 103-BNgT/PC/HQ ngày 3-3-1983)
Tên và loại hàng
Cước chú
A. Nhập khẩu
a) Phải xin phép trước Cục Hải quan
1. Nguyên liệu dùng trong công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng
Được miễn thuế, nếu bán cho cơ quan chuyên doanh của Nhà nước
2. Dụng cụ (kể cả phụ tùng, linh kiện thay thế) dùng cho công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng
-nt-
3. Các loại máy móc (kể cả phụ tùng, linh kiện thay thế) dùng trong công nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng
-nt-
4. Các loại đồng hồ đo nhiệt, nước, điện...
-nt-
5. Máy móc dùng trong y học, khoa học - kỹ thuật (kể cả phụ tùng, linh kiện thay thế)
- nt -
6. Các loại kính thiên văn, kính dùng trong khoa học - kỹ thuật (và phụ tùng, linh kiện thay thế)
- nt -
7. Chân tay giả, máy nghe cho người điếc, mắt giả và các đồ dùng cho người có thương tật (như xe cho người tàn tật)
Được miễn thuế
b) Phải xin phép trước Bộ Y tế
8. Các loại tân dược và thuốc bắc
Mỗi hộ gia đình được nhận một số lượng thuốc nhất định về dùng theo quy định của Bộ Y tế; số còn lại phải bán cho cơ quan chuyên doanh của Nhà nước
9. Dược liệu, các hoá chất dùng cho y tế
Được miễn thuế nếu bán cho cơ quan chuyên doanh của Nhà nước
c) Phải xin phép trước Bộ Văn hoá
10. Các loại sách báo, tranh ảnh, tượng, huy hiệu và các văn hoá phẩm khác kể cả sách kinh, tràng hạt, tranh ảnh, tượng tôn giáo, các vật dụng chuyên dùng trong tôn giáo
Được miễn thuế
d) Phải xin phép trước Bộ Nội vụ
11. Súng thể thao, súng săn và đạn
Nếu được phép nhập phải nộp thuế
đ) Phải xin phép trước cơ quan kiểm dịch thực vật
12. Cây giống, hạt giống, các cây thuốc và giống cây thuốc
Được miễn thuế, khi nhập khẩu phải qua kiểm dịch
B. Xuất khẩu
a) Phải xin phép trước Bộ Văn hoá
1. Các loại sách báo, tranh ảnh, tượng, huy hiệu và các văn hoá phẩm khác kể cả bản vẽ về khoa học - kỹ thuật, sách kinh, tràng hạt, tranh ảnh, tượng tôn giáo và các vật dụng chuyên dùng trong tôn giáo
Được miễn thuế
b) Phải xin phép trước Cục Hải quan
2. Ô-tô, mô-tô, xe đạp máy, các loại phương tiện tự động khác, xe đạp
Phải nộp thuế
3. Các loại máy thu thanh, thu hình, máy ghi hình (video - cassette), máy ghi âm, máy điều hoà nhiệt độ, máy vô tuyến điện, máy điện thoại, điện tín, tủ lạnh (kể cả phụ tùng, linh kiện thay thế)