Văn bản pháp luật: Quyết định 1080 QĐ/UB

Trần Huy Năng
Thành phố Hải Phòng
Quyết định 1080 QĐ/UB
Quyết định
03/07/1998
03/07/1998

Tóm tắt nội dung

Về việc thành lập phòng tiếp công dân thành phố

Chủ tịch
1.998
UBND thành phố Hải Phòng

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập phòng tiếp công dân thành phố

_____________________

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân;

Căn cứ Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo của công dân; Nghị định 38/HĐBT ngày 28/1/1992, Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ;

Căn cứ Thông báo số 105/TB-TU ngày 01 tháng 6 năm 1998 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng;

Xét đề nghị của ông Trưởng ban Ban Tổ chức Chính quyền; ông Chánh Thanh tra thành phố; ông Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập phòng tiếp công dân thành phố do Ủy ban Nhân dân Thành phố quản lý, trên cơ sở Phòng tiếp công dân do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đang quản lý;

- Phòng tiếp công dân có Trưởng phòng, 1 Phó trưởng phòng và một số chuyên viên làm việc theo chế độ Thủ trưởng, cán bộ chuyên viên của phòng phải là những người có trình độ, am hiểu về pháp luật và thực tiễn cuộc sống.

- Phòng tiếp công dân có con dấu riêng để tiếp nhận, chuyển đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật.

- Giao cho ông Chánh Thanh tra thành phố giúp Ủy ban Nhân dân thành phố trực tiếp quản lý Phòng tiếp công dân.

- Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc của Phòng tiếp công dân ở địa điểm thuận tiện, đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết để việc tiếp công dân hiệu quả.

Điều 2. Về nhiệm vụ và quyền hạn:

A/ Nhiệm vụ:

1. Trực tiếp nghe công dân trình bày yêu cầu nguyện vọng, khiếu nại, tố cáo hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

2. Là đầu mối duy nhất nhận các loại đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân các phiếu chuyển, công văn của các cơ quan về việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành ủy, Thường trực hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố ( trực tiếp qua đường bưu điện hoặc từ Trung ương, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chuyển đến ).

3. Hướng dẫn công dân gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo.

4. Phân loại, tập hợp hồ sơ theo từng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố, chuyển cho chuyên viên Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban Nhân dân, được phân công theo dõi lĩnh vực công tác đó nghiên cứu, đề xuất ý kiến trình lãnh đạo thành phố xem xét, giải quyết. Nếu chưa đúng thẩm quyền thì hướng dẫn và trả lại các đơn thư khiếu nại, tố cáo để công dân gửi đến cơ quan có thẩm quyền.

5. Phối hợp với các chuyên viên theo dõi lĩnh vực chuyên môn, của Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban Nhân dân, để lập kế hoạch, chuẩn bị nội dung, hồ sơ, tài liệu, xếp lịch cho các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng tiếp công dân.

6. Hàng tháng, quý, năm có trách nhiệm báo cáo Thường trực Thành ủy. Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố về tình hình công tác tiếp dân và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

7. Có trách nhiệm quản lý lưu trữ hồ sơ, các văn bản đã xử lý và thông tin trong xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

B/ Quyền hạn:

Lãnh đạo và chuyên viên của Phòng tiếp công dân có quyền:

1. Được tham dự các buối tiếp dân, các cuộc họp của các đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

2. Được quyền trực tiếp làm việc với các đồng chí lãnh đạo sở , ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã để nắm tình hình, trao đổi về công tác tiếp dân, kiểm tra đôn đốc việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo do lãnh đạo thành phố giao và Phòng tiếp dân đã hướng dẫn và chuyển đến.

Điều 3. Mối quan hệ công tác của Phòng tiếp dân đối với Thanh tra thành phố, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố và các ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã.

1. Phòng tiếp công dân chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Chánh Thanh tra thành phố, sự phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn của các đồng chí Chánh Văn phòng Thành ủy, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố để thực hiện nhiệm vụ tại Điều 2 quyết định này.

2. Phòng tiếp công dân có trách nhiệm phối hợp với các bộ phận trong Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố và các đồng chí chuyên viên giúp việc Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư trường trực Thành ủy, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố, làm tốt công tác tiếp dân.

3. Quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tiếp công dân của Trung ương, các Sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị, Mặt trận Tổ quốc  và các đoàn thể nhân dân cùng phối hợp tiếp công dân kịp thời có hiệu quả.

4. Cung cấp hồ sơ, tài liệu kịp thời cho các cuộc họp và dự thảo các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì Trưởng phòng tiếp công dân báo cáo, đề xuất Chánh Thanh tra thành phố, Chánh văn phòng thành ủy, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân xử lý kịp thời.

Điều 5. Các Ông (bà) Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Chánh Thanh tra thành phố và Thủ trưởng các ngành, các cấp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/haiphong/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=34876&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận