Văn bản pháp luật: Quyết định 115/2002/QĐ-UB

Hoàng Văn Nghiên
Hà Nội
STP thành phố Hà Nội ;
Quyết định 115/2002/QĐ-UB
Quyết định
09/08/2002
09/08/2002

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Thành phố Hà Nội

Chủ tịch
2.002
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ

Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Thành phố Hà Nội

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ về quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng.

Căn cứ Quyết định số 114/2002/QĐ-UB ngày 09 tháng 8 năm 2002 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thành lập Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố;

Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố và Trưởng ban Tổ chức Chính quyền Thành phố,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố Hà Nội.

 

Điều 2: Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng HDND và UBND Thành phố, Trưởng Ban tổ chức Chính quyền Thành phố, Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố, Thủ trưởng các Ban, Ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY CHẾ

Hoạt động của Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố Hà Nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số 115/2002/QĐ-UB ngày 09/08/2002 của UBND Thành phố Hà Nội)

 

I. Chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố:

1. Chức năng: Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố (viết tắt là Hội đồng TĐKT Thành phố) là cơ quan tư vấn của UBND Thành phố có chức năng giúp UBND Thành phố trong công tác thi đua khen thưởng.

2. Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, trong việc tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, đảm bảo phong trào phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đúng hướng, có chất lượng, hiệu quả theo đường lối đổi mới mà Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Thành uỷ, HĐND, UBND đề ra trong từng thời kỳ.

Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng đối với các ngành, các cấp. Tổng kết, phân tích thực tiễn phong trào, từ đó đề xuất kế hoạch tổ chức chỉ đạo, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Đề xuất với Nhà nước và Thành phố việc ban hành hoặc sửa đổi bổ sung chính sách, hình thức và chế độ khen thưởng thi đua cho phù hợp với tình hình thực tế.

Xét chọn những cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc qua các phong trào thi đua yêu nước để UBND Thành phố quyết định khen thưởng; Xét và đề nghị UBND Thành phố trình Chính phủ, Nhà nước quyết định khen thưởng và phong tặng các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các danh hiệu vinh dự Nhà nước khác.

II. Chế độ làm việc và mối quan hệ công tác:

1. Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố:

Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố hoạt động theo nguyên tắc: tập trung, dân chủ, quyết nghị các vấn đề bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín theo đa số dưới sự chỉ đạo, chủ trì trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng trên cơ sở đảm bảo các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng. Nếu trong trường hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng khi quyết nghị ngang nhau hoặc trường hợp đặc biệt, thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là quyết định.

Hội đồng họp định kỳ 6 tháng 1 lần (1 năm 2 lần) để kiểm điểm, đánh giá phong trào thi đua và công tác khen thưởng do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch Thường trực được uỷ quyền) triệu tập. Trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập họp đột xuất. Tuỳ theo nội dung từng kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng có thể quyết định mời đại diện các cơ quan có liên quan tham dự.

Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố:

Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng).

Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch thường trực) UBND Thành phố kiêm nhiệm, có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động chung của Hội đồng phân công công tác đối với các thành viên của Hội đồng; Chủ trì các cuộc họp của Hội đồng; giải quyết các mối quan hệ công tác của Hội đồng với Hội đồng TĐKT Trung Ương, các cơ quan khen thưởng cấp trên và các tỉnh, Thành phố bạn về lĩnh vực thi đua khen thưởng.

Phó Chủ tịch thường trực chuyên trách: thay mặt Chủ tịch Hội đồng chủ trì các cuộc họp và giải quyết các công việc của hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt, giúp Chủ tịch Hội đồng giải quyết các công việc hàng ngày, tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo và Hội đồng Thi đua  Trung Ương; chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng, trực tiếp quản lý hoạt động và quản lý cán bộ công chức của Văn phòng Hội đồng TĐKT Thành phố.

Chủ trì việc kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng.

Các Phó chủ tịch Hội đồng khác thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.

Tuỳ theo yêu cầu về công tác TĐKT trong từng giai đoạn có thể bổ sung thay thế một số Phó Chủ tịch Hội đồng và thành viên của Hội đồng.

Thường trực Hội đồng họp định kỳ mỗi quý một lần để nhận định đánh giá phong trào thi đua, xét duyệt các danh hiệu thi đua và chuẩn bị nội dung cho các  kỳ họp của toàn thể Hội đồng.

3. Các thành viên Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố:

Các thành viên Hội đồng thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công, có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng và thường xuyên báo cáo kết quả công tác thi đua khen thưởng theo phạm vi lĩnh vực mình phụ trách cho Thường trực Hội đồng.

Trường hợp đặc biệt có thể cử người đại diện lãnh đạo ngành mình họp thay nhưng không được thực hiện quy định này quá 1/2 số cuộc họp hàng năm.

Người đi họp thay phải chuẩn bị đầy đủ nội dung yêu cầu của thành viên Hội đồng uỷ nhiệm, được tham gia các ý kiến phát biểu, trao đổi thảo luận, thể hiện chính kiến quan điểm của mình nhưng không được biểu quyết dưới các hình thức.

Các thành viên Hội đồng thi đua có thể thay đổi theo yêu cầu hoạt động của công tác thi đua khen thưởng.

4. Văn phòng Hội đồng Thi đua khen thưởng:

Là cơ quan giúp việc Thường trực Hội đồng TĐKT, Văn phòng Hội đồng TĐKT có chức năng, nhiệm vụ:

Giúp Thường trực Hội đồng trong hướng dẫn đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và phối hợp các hoạt động trong công tác thi đua và khen thưởng của các cơ quan Ban, Ngành, Đoàn thể, Quận, Huyện.

Chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng và thường trực Hội đồng.

Chuẩn bị các báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng với cấp, ngành liên quan.

Tham mưu đề xuất làm thủ tục khen thưởng cho tập thể và cá nhân theo quy định.

Văn phòng Hội đồng chịu sự quản lý tổ chức của Văn phòng HĐND - UBND Thành phố; được sử dụng con dấu của Hội đồng để thực hiện chức năng được giao.

Văn phòng Hội đồng chịu sự quản lý về tổ chức, biên chế của Phó Chủ tịch Thường trực chuyên trách. Biên chế của Văn phòng Hội đồng do UBND Thành phố giao hàng năm. Địa điểm làm việc do Văn phòng HĐND-UBND Thành phố bố trí. Các hoạt động về tổ chức Đảng, đoàn thể của Văn phòng Hội đồng sinh hoạt chung với Văn phòng HĐND-UBND Thành phố.

5. Các mối quan hệ chính:

a. Với thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố:

Hội đồng TĐKT Thành phố chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ về chủ trương, phương hướng và các hoạt động lớn về công tác thi đua khen thưởng của Thành phố; chịu sự giám sát, kiểm tra của HĐND Thành phố về thực hiện các quy định của Nhà nước và các Nghị quyết của HĐND Thành phố về công tác thi đua khen thưởng; Chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của UBND Thành phố về tổ chức, biên chế và hoạt động.

b. Với Hội đồng TĐKT Trung Ương, Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước và các sơ quan cấp trên có liên quan trong lĩnh vực thi đua khen thưởng: Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố thực hiện việc hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng theo hướng dẫn của các cơ quan thi đua khen thưởng Trung Ương. Đề xuất cho UBND Thành phố báo cáo, kiến nghị những vấn đề liên quan đến lĩnh vực TĐKT.

c. Với UBND Quận, Huyện, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể Thành phố và tương đương: Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố vừa có trách nhiệm phối hợp để tổ chức phong trào thi đua, vừa kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ để công tác thi đua khen thưởng đảm bảo đúng hướng đạt chất lượng hiệu quả cao.

d. Hội đồng TĐKT Thành phố tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm với Hội đồng Thi đua khen thưởng với các tỉnh Thành phố và các đơn vị bạn để nâng cao chất lượng tham mưu tổ chức chỉ đạo các hoạt động thi đua khen thưởng.

III. Kinh phí hoạt động và điều khoản thi hành:

1. Kinh phí của Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố bao gồm các chi phí hoạt động cho Văn phòng Hội đồng TĐKT và các hoạt động của hội đồng do ngân sách Thành phố cấp theo kế hoạch hàng năm thông qua Văn phòng HĐND - UBND Thành phố.

2. Các thành viên Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố có trách nhiệm thực hiện quy chế này. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố và các thành viên Hội đồng Thi đua khen thưởng, Văn phòng Hội đồng Thi đua khen thưởng hoạt động có hiệu quả.

3. Quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi, các thành viên hội đồng và các cơ quan có trách nhiệm báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định./.


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20191&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận