Văn bản pháp luật: Quyết định 1166/QĐ-UB

Nguyễn Hoài Bão
Lâm Đồng
STP tỉnh Lâm Đồng;
Quyết định 1166/QĐ-UB
Quyết định
01/11/1995
01/11/1995

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Bản qui định chế độ trách nhiệm và phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Chủ tịch
1.995
 

Toàn văn

Uỷ ban nhân dân

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc ban hành Bản qui định chế độ trách nhiệm và phối hợp

thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Nghị quyết 05/CP ngày 29/01/1993 của Chính phủ về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm, Nghị quyết 06/CP ngày 29/01/1993 của Chính phủ về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;

Theo đề nghị của ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh và giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản Qui định chế độ trách nhiệm và phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH LÂM ĐỒNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------------------------

Đà Lạt, ngày 01 tháng 11 năm 1995

QUI ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về chế độ trách nhiệm và phối hợp thực hiện

công tác phòng chống tệ nạn xã hội

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1166 ngày 01/11/1995

của UBND tỉnh Lâm Đồng)

I. QUI ĐỊNH CHUNG:

Điều 1: Các tệ nạn xã hội nhất là mại dâm, ma túy là trái với đạo đức, tạo ra lối sống sa đọa, thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nòi giống và đời sống xã hội.

Phòng chống tệ nạn xã hội là trách nhiệm thường xuyên liên tục của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, mọi gia đình và toàn xã hội.

Điều 2: Phòng chống tệ nạn xã hội phải lấy giáo dục phòng ngừa là chính. Đồng thời kiên quyết đấu tranh cải tạo đối tượng và triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm, xử lý nghiêm khắc các đối tượng là chủ chứa.

Điều 3: Các cấp, các ngành đặc biệt là xã, phường, thị trấn phải xây dựng và thực hiện chương trình kế hoạch về phòng chống tệ nạn xã hội, áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp tuyên truyền điều tra, xử lý, chữa trị cai nghiện giúp đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

Điều 4: Phải xử lý nghiêm theo pháp luật và các qui định hiện hành đối với các đối tượng: Chủ chứa mại dâm, ma túy, cờ bạc, người sản xuất, buôn bán trái phép các chất ma túy và đối tượng tái phạm tệ nạn xã hội.

II. QUI ĐỊNH CỤ THỂ:

Điều 5: Cơ quan Lao động-Thương binh và xã hội có trách nhiệm:

1. Sở Lao động-Thương binh và xã hội:

Giúp UBND tỉnh trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình kế hoạch phòng chống tệ nạn xã hội mà trọng tâm là mại dâm, ma túy.

Phối hợp các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra. Sơ tổng kết khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này.

Tổ chức chỉ đạo công tác điều tra tệ nạn mại dâm, ma túy, phân loại và có giải pháp xử lý phù hợp.

Phối hợp các ngành chức năng chỉ đạo Trung tâm chữa trị, cai nghiện của tỉnh trong việc trong việc tổ chức chữa trị, cai nghiện, dạy nghề giải quyết các vấn đề xã hội mà chỉ đạo việc quản lý đối tượng sau chữa trị, cai nghiện ma túy.

Hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành, cơ sở thực hiện chính sách chế độ phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo thực hiện theo quyết định 167/TTg ngày 08/4/1994 của Chính phủ và thông tư 22/LB-TT của Liên Bộ Lao động-Thương binh xã hội-Tài Chính ngày 21/7/1994 về việc trợ cấp đối với đối tượng cứu trợ xã hội. Các Trung tâm, đơn vị tập trung chữa trị thuộc tuyến tỉnh được Nhà nước hỗ trợ tiền thuốc, dạy nghề, sinh hoạt phí; Các cơ sở chữa trị thuộc tuyến huyện được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền thuốc, học nghề.

2. Trung tâm Bảo trợ xã hội (cơ sở 2):

Là một đơn vị sự nghiệp thuộc sở Lao động-Thương binh xã hội quản lý, Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ: Nghiên cứu tư vấn, tổ chức giáo dục, dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng. Trực tiếp chữa trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy nặng tập trung bắt buộc (hoặc tự nguyện), gái mại dâm chuyên nghiệp và gái mại dâm vi phạm nhiều lần theo quyết định của sở Lao động-Thương binh xã hội và quyết định của UBND tỉnh.

Thời gian chữa trị, cai nghiện, dạy nghề tại Trung tâm tối thiểu 6 tháng theo quyết định của sở Lao động-Thương binh xã hội, hoặc 12 tháng theo quyết định của UBND tỉnh.

Phối hợp với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội làm đầy đủ thủ tục sau cai nghiệm để bàn giao đối tượng cho xã, phường, gia đình và theo dõi sau cai nghiện 6 tháng.

Có trách nhiệm báo cáo thường xuyên biến động đối tượng ở trung tâm, tình hình sử dụng kinh phí hàng tháng lên Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh.

3. Phòng Lao động xã hội huyện thị, thành:

Giúp UBND huyện xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống tệ nạn xã hội, phối hợp các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội để chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

Phối hợp với ngành Công an tổ chức, triển khai công tác điều tra, phân loại đối tượng mại dâm, ma túy để xử lý chữa trị, cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau chữa trị cai nghiện.

Hướng dẫn, tổng hợp, kiểm tra việc thực hiện chính sách phòng chống tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy) và tuyên truyền, điều tra, triệt phá, chữa trị cai nghiện, dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng.

Điều 6: Sở Tài Chính-Vật giá có trách nhiệm theo dõi kiểm tra các khoản kinh phí xử phạt vi phạm hành chính và vận động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân đóng góp vào quĩ phòng chống tệ nạn xã hội.

Cấp kinh phí kịp thời cho các chương trình mục tiêu của công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Điều 7: Cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm:

1. Công an tỉnh:

Phối hợp các ngành liên quan chỉ đạo công tác điều tra tệ nạn xã hội và tổng hợp phân loại các chủ chứa mại dâm, chủ tiêm chích sử dụng ma túy, lập kế hoạch bắt giữ, xử lý, xóa bỏ những tụ điểm, ổ chứa; Kiểm soát việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Chỉ đạo toàn ngành Công an từ tỉnh đến cơ sở tạo chỗ dựa tin cậy cho quần chúng nhân dân, tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phát hiện và tố giác các đối tượng, nhất là các chủ chứa mại dâm, chủ tiêm chích ma túy.

Hướng dẫn Công an các cấp lập phương án kiểm tra, kiểm soát tệ nạn xã hội, kết hợp với quản lý hộ khẩu, lập hồ sơ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tịch thu tang vật và phương tiện hành nghề.

Lập danh sách hồ sơ gái mại dâm chuyên nghiệp, người nghiện ma túy để tập trung chữa trị cai nghiện bắt buộc tại trung tâm Bảo trợ xã hội, báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh và phối hợp với sở Lao động-Thương binh xã hội để trình UBND tỉnh ra quyết định.

2. Công an huyện, thị, thành (gọi tắt là Công an huyện):

Phối hợp với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thuộc sở Lao động-Thương binh xã hội và các ngành liên quan hướng dẫn công an xã, phường thực hiện công tác điều tra tệ nạn xã hội và trực tiếp quản lý chặt các đối tượng chủ chứa mại dâm ma túy, khảo sát diễn biến tình hình tệ nạn xã hội và có biện pháp xử lý triệt phá kịp thời các đối tượng vi phạm.

Lập hồ sơ gái mại dâm chuyên nghiệp, người nghiện ma túy, báo cáo UBND huyện để đề nghị UBND tỉnh quyết định đưa vào cơ sở giáo dục chữa trị, cai nghiện bắt buộc tại trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Điều 8: Y tế các cấp có trách nhiệm:

1. Sở Y tế:

Xác định và tập huấn phác đồ điều trị cai nghiện cho các Trung tâm y tế, cơ sở y tế, phường (cấp chứng chỉ), sử dụng phác đồ điều trị cho phù hợp với từng loại đối tượng (nặng, vừa, nhẹ). Giám sát việc thực hiện các phác đồ đó.

Chỉ đạo Bệnh viện tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm y tế huyện, thị, thành, cơ sở y tế xã, phường chữa trị, cai nghiện ma túy, gái mại dâm đảm bảo đúng qui định.

Quản lý việc sử dụng thuốc phiện và các chất ma túy khác vào sản xuất dược phẩm.

Tư vấn HIV/AIDS trong đối tượng mại dâm, ma túy tại các trung tâm chữa trị, cai nghiện và khi đối tượng về tái hòa nhập cộng đồng.

Phối hợp với sở Lao động-Thương binh xã hội tham gia vào công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở chữa trị, cai nghiện tập trung bắt buộc của tỉnh. Cùng với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội ban hành qui chế hoạt động của các cơ sở xông hơi-xoa bóp (massage).

2. Cơ sở y tế:

Cơ sở y tế tiếp nhận, chữa trị, cai nghiện ma túy, gái mại dâm tự nguyện (trong đó Bệnh viện tỉnh chữa trị nghiện ma túy loại nặng; Trung tâm da liễu chữa trị gái mại dâm loại nặng (loại 3); Trung tâm y tế huyện, thị, thành chữa trị, cai nghiện ma túy, gái mại dâm loại vừa (loại 2); cơ sở y tế xã, phường chữa trị cai nghiện ma túy gái mại dâm loại nhẹ, mới (loại 1).

Các cơ sở y tế trên phải xây dựng kế hoạch và đảm bảo đầy đủ những điều kiện cần thiết cho việc chữa trị, cai nghiện ma túy, gái mại dâm theo hướng dẫn của sở Y tế. Sau chữa trị lập biểu bàn giao cho xã, phường, gia đình và theo dõi thời gian 6 tháng, đồng thời báo cáo kết quả với sở Y tế, sở Lao động-Thương binh xã hội.

Điều 9: Ngành Văn hóa Thông tin các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm:

1. Sở Văn hóa Thông tin-Thể thao, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh:

Chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội. Động viên các tầng lớp nhân dân phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Hướng dẫn các huyện, thị, thành tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục, thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội với nhiều hình thứ thông tin tuyên truyền, kẻ panô, áp phích, tranh cổ động... phát động phong trào viết tin, bài về phòng chống tệ nạn xã hội.

Sở Văn hóa Thông tin cùng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội ban hành qui chế hoạt động của các điểm kinh doanh karaoke.

Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh-truyền hình tỉnh mở chuyên mục về phòng, chống tệ nạn xã hội.

2. Phòng Văn hóa Thông tin-Thể thao - Đài truyền hình huyện, thị, thành:

Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Chỉ đạo và hướng dẫn các xã, phường kẻ panô, áp phích, khẩu hiệu về phòng chống mại dâm, ma túy, cờ bạc ở những nơi tập trung đông người, tụ điểm giao lưu phát triển kinh tế-xã hội.

Điều 10: Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

Biên soạn tài liệu về tác hại và các biện pháp phòng ngừa tệ nạn xã hội đưa vào chương trình giảng dạy ngoại khóa trong các trường học nhất là các trường phổ thông trung học và chuyên nghiệp.

Giáo dục lối sống lành mạnh có văn hóa trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Hướng dẫn các trường xây dựng qui định cụ thể và cam kết không để xảy ra các hành vi vi phạm tệ nạn xã hội.

Điều 11: Sở Du lịch, Công ty Du lịch và sở Thương Mại có trách nhiệm:

Chỉ đạo và thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội đến tận các đơn vị, cơ sở kinh doanh; Phối hợp với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội và ngành Công an ban hành qui chế hoạt động của các nhà trọ, khách sạn... Tổ chức quán triệt công tác phòng chống tệ nạn xã hội đến từng cán bộ, công nhân viên trong ngành.

Công ty Du lịch có trách nhiệm kiểm tra và giáo dục cán bộ, công nhân viên của Công ty tham gia tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội; Các đơn vị trực thuộc Công ty đang kinh doanh Nhà hàng, khách sạn, karaoke, Massage... đều phải cam kết không để xảy ra tệ nạn xã hội với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội.

Điều 12: UBND các huyện, thị, thành có trách nhiệm:

Xây dựng cơ bản kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội bao gồm: Công tác tuyên truyền giáo dục, điều tra phân loại, xử lý, chữa trị, cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau chữa trị cai nghiện thuộc địa bàn huyện quản lý.

Chỉ đạo công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền giáo dục trực tiếp ở xã, phường, gia đình.

Chỉ đạo ngành Công an và Lao động-Thương binh xã hội trong công tác điều tra, phân loại mại dâm, ma túy, cờ bạc để có kế hoạch chữa trị đối với đối tượng và triệt phá ổ nhóm, xử lý đối với chủ chứa. Tổng hợp phân loại đối tượng mại dâm, ma túy, thành 3 loại: nhẹ (mới); vừa; nặng để phân cấp giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo đầy đủ, kịp thời cho Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội của tỉnh.

Chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện kế hoạch phòng chống tệ nạn xã hội đã đề ra, phân loại xã, phường (có ít, có nhiều, không có tệ nạn xã hội) có biện pháp giảm số xã, phường có nhiều tệ nạn xã hội, tăng số xã, phường có môi trường văn hóa trong sạch.

Điều 13: UBND các xã, phường, thị trấn là cấp quản lý Nhà nước trực tiếp ở cơ sở phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về mọi tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm...) xảy ra trên địa bàn. Những nhiệm vụ mà UBND xã, phường phải thực hiện:

Xây dựng kế hoạch cụ thể phòng chống các loại tệ nạn xã hội và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đó.

Tổ chức tuyên truyền giáo dục đến từng gia đình, đối tượng. Thực hiện các hộ gia đình cam kết với xã phường không có người trong gia đình mắc vào từng loại tệ nạn xã hội. (Trong những trường hợp xét thấy cần thiết).

Phát hiện, lập danh sách mại dâm, ma túy, cờ bạc (có sự phối hợp cơ quan Công an, Lao động-Thương binh xã hội, Y tế, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, đại diện khu phố, làng bản, thôn xóm) phân phối đối tượng ra làm 3 loại: nhẹ mới- vừa- nặng; loại nhẹ, mới do UBND xã, phường giải quyết; Loại vừa, nặng đề nghị huyện, tỉnh giải quyết. Đối tượng mại dâm, cờ bạc nhẹ và mới phải giáo dục ở gia đình hoặc kiểm điểm trước dân; nghiện hút nhẹ cai nghiện tại cơ sở y tế xã phường. Đối với chủ chứa khi phát hiện tùy theo mức độ mà giao cho công xã, phường tự xử lý hoặc báo cáo công an huyện, thành, thị xử lý theo pháp luật.

Phối hợp các đoàn thể và cùng gia đình tổ chức giao, nhận đối tượng với các cơ sở chữa trị, cai nghiện không để tái phạm, báo cáo về các Trung tâm đã chữa trị, cai nghiện về diễn biến của các đối tượng sau chữa trị, cai nghiện. Qui định trách nhiệm giáo dục quản lý của gia đình trong và sau khi chữa trị, cai nghiện. Tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ đối tượng học nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Xây dựng các biện pháp động viên, bảo vệ an toàn cho những người phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm tệ nạn xã hội, các tụ điểm, ổ chứa.

Điều 14: Giám đốc khách sạn, chủ nhà hàng có qui chế nội bộ cụ thể về phòng chống tệ nạn xã hội và phải ký cam kết với UBND xã, phường (đối với các cửa hàng, tự điểm ăn uống) và cam kết với chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (đối với các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, karaoke, Massege... có tiếp viên) về việc đăng ký lao động, qui chế hành nghề và không để xảy ra tệ nạn xã hội. Nếu cơ sở nào để xảy ra tệ nạn xã hội và vi phạm các qui định trên sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý theo pháp luật.

Điều 15: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm giáo dục và có qui chế quản lý nội bộ cụ thể để cán bộ, công nhân viên không vi phạm tệ nạn xã hội, phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nếu dung túng bao che hoặc xử lý không kịp thời người vi phạm thì thủ trưởng trực tiếp bị xử lý kỷ luật hành chính.

Điều 16: Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng phối hợp với sở Lao động-Thương binh xã hội xây dựng tiêu chuẩn thi đua khen thưởng về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đối với tập thể, cá nhân có thành tích.

Điều 17: Các tổ chức, cá nhân vi phạm tệ nạn xã hội phải xử lý nghiêm theo nghị định 53/CP về xử lý đối với cán bộ, viên chức Nhà nước và những người có hành vi liên quan đến mại dâm, ma túy, cờ bạc và các điều 96 (a), 200, 202, 203 Bộ luật hình sự về sản xuất tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, đánh bạc, chứa mại dâm, tổ chức dùng chất ma túy và các qui định tại pháp lệnh xử phạt hành chính.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Điều 18: Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra xã, phường, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện. Khen thưởng đối với những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích, xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm trách nhiệm quản lý trong bản qui định này.

Sở Lao động-Thương binh xã hội và các ngành có liên quan theo chức năng phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn cụ thể, theo dõi kiểm tra việc thực hiện qui định này.

Điều 19: Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp tăng cường và thường xuyên hoạt động, giúp UBND cùng cấp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, định kỳ hàng tháng, quí, 6 tháng, 1 năm các cấp, ngành báo cáo UBND tỉnh (qua sở Lao động-Thương binh xã hội tổng hợp) kết quả thực hiện qui định này.

Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc các cấp, các ngành, đơn vị phản ảnh về UBND tỉnh để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=4604&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận