QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Về việc ban hành quy định áp dụng biện pháp xử lý tình hình xây dựng nhà ở,
công trình trái phép
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12/11/1996;
Căn cứ Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 29/6/2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 48/CP ngày 05/5/1997 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị;
Căn cứ Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai;
Theo mục I, II Thông báo số 161/TB ngày 21/8/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung cuộc họp xử lý tình hình xây dựng nhà ở, công trình trái phép.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định áp dụng biện pháp xử lý tình hình xây dựng nhà ở, công trình trái phép tại tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày ký.
Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ
TÌNH HÌNH XÂY DỰNG NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH TRÁI PHÉP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 118/2003/QĐ-UB ngày 10/10/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này được áp dụng để xử lý tình hình xây dựng nhà ở, công trình trái phép (bao gồm xây dựng nhà ở, công trình không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng xây dựng không theo đúng thiết kế đã được cấp phép) tại tỉnh Ninh Thuận nhằm bảo đảm nhu cầu ổn định về nhà ở và phát triển kinh tế phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội tại địa phương và không trái với những quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Việc xử lý tình hình xây dựng nhà ở, công trình trái phép phải bảo đảm lợi ích chính đáng của công dân về nhu cầu nhà ở và việc xây dựng công trình, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, cơ sở; không phá vỡ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tạo mọi điều kiện để Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị chủ động trong quy hoạch các khu dân cư và giải quyết việc đầu tư xây dựng các công trình tại địa phương, cơ sở.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1
Xử lý tình hình xây dựng nhà ở, công trình trái phép tại đô thị
Điều 3. Nhà ở xây dựng trái phép nhưng không vi phạm về lấn chiếm đất đai:
1. Trường hợp xây dựng nhà ở trái phép trên diện tích đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc trên diện tích đất đang sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không vi phạm hoặc gây ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị thì xử lý theo quy định tại Nghị định số 48/CP ngày 05/5/1997 của Chính phủ và được phép hợp thức hoá quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
2. Trường hợp xây dựng nhà ở trái phép trên diện tích đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc trên diện tích đất đang sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đê điều, thủy lợi, giao thông, lưới điện, đường ống dẫn nước, vệ sinh môi trường hoặc những công trình thuộc danh mục cấm xâm phạm hành lang an toàn thì xử lý theo hướng sau:
2.1. Trường hợp vi phạm nhưng ở mức độ ảnh hưởng có thể khắc phục được hoặc không gây nguy hại lớn thì sau khi xử lý vi phạm (hình thức phạt chính); cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục cho phép chủ hộ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đã xây dựng và có cam kết khi Nhà nước có nhu cầu giải tỏa thì không phải bồi thường.
2.2. Trường hợp vi phạm nhưng không có điều kiện khắc phục hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến bảo đảm an toàn xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính phải buộc chủ đầu tư tự tháo dỡ nhà ở trái phép hoặc kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc khôi phục nguyên trạng ban đầu.
3. Trường hợp xây dựng nhà ở trái phép trên diện tích đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc trên diện tích đất đang sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vi phạm đến quy hoạch đô thị thì xử lý theo quy định tại Nghị định số 48/CP; lập thủ tục cho phép chủ đầu tư được sử dụng nhà ở, công trình theo nguyên trạng đã xây dựng; không được phép cơi nới, mở rộng diện tích xây dựng. Cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm buộc chủ đầu tư làm cam kết đến khi giải tỏa mặt bằng theo quy hoạch thì phần công trình vi phạm phải tự tháo dỡ, không bồi thường.
3.1. Trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở nằm trong khu vực phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không được phép xây dựng thì kiên quyết áp dụng biện pháp lập thủ tục cam kết buộc chủ hộ tự tháo dỡ, khôi phục nguyên trạng ban đầu khi giải tỏa mặt bằng theo quy hoạch và không được bồi thường.
3.2. Tùy trường hợp cụ thể và mức độ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị để áp dụng biện pháp xử lý hậu quả phù hợp thực tế và đúng quy định của pháp luật (công trình cơi nới hoặc mở rộng sau khi đã lập thủ tục cam kết đến lúc thực hiện quy hoạch đô thị không được xét hỗ trợ hoặc bồi thường).
4. Nhà ở xây dựng trái phép trên đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc trên đất đang sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp nhưng không phải là đất ở thì áp dụng biện pháp xử lý như đã quy định ở các điểm 1, 2, 3 trên và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở.
Điều 4. Nhà ở xây dựng trái phép và vi phạm lấn chiếm đất đai thì áp dụng biện pháp xử lý theo các Nghị định số 48/CP ngày 05/5/1997 và Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 của Chính phủ.
1. Trường hợp lấn chiếm đất đai của người khác nhưng hai bên đồng thuận cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không vi phạm đến quy hoạch khu dân cư đô thị thì được xem xét công nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cho chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở.
2. Trường hợp lấn chiếm đất đai của người khác nhưng hai bên đồng thuận cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà vi phạm đến quy hoạch khu dân cư đô thị thì áp dụng biện pháp xử lý tương tự tại các Điều 1, 2, 3 trên.
3. Trường hợp lấn chiếm đất đai của người khác nhưng không được thỏûa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc khôi phục nguyên trạng ban đầu.
4. Trường hợp lấn chiếm đất công (đất do Nhà nước quản lý) thì phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu (trừ trường hợp cá biệt do Hội đồng tư vấn xử lý hoặc cơ quan trực tiếp quản lý đất đề nghị cho hợp thức hóa quyền sử dụng đất đã lấn chiếm).
Điều 5. Những công trình xây dựng trái phép được áp dụng biện pháp xử lý tương tự như nhà ở xây dựng trái phép đã quy định trên đây. Đối với những công trình có gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường thì phải xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường; trong trường hợp không có điều kiện khắc phục hậu quả về bảo đảm vệ sinh môi trường hoặc đã bị xử lý mà vẫn cố tình không khắc phục hậu quả thì phải kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Điều 6. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất có tranh chấp thì sau khi giải quyết xong việc tranh chấp đất đai; tùy trường hợp cụ thể mà áp dụng biện pháp xử lý theo các quy định trên.
Mục 2
Nhà ở, công trình xây dựng trái phép ở nông thôn
Điều 7. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép ở nông thôn sau khi đã lập hồ sơ biên bản vi phạm thì xử lý theo Nghị định số 04/CP ngày 10/01/1997 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai và áp dụng tương tự biện pháp xử lý như quy định tại tại Mục 1 Chương II trên.
Điều 8. Mọi trường hợp xử lý vi phạm về nhà ở, công trình xây dựng trái phép ở nông thôn mà áp dụng biện pháp cưỡng chế, khôi phục nguyên trạng ban đầu đều phải được Hội đồng tư vấn xử lý xem xét đề xuất. Thành phần tham gia Hội đồng tư vấn xử lý ngoài các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải mời đại diện Hội Nông dân Việt Nam tham gia.
Mục 3
Các trường hợp khác
Điều 9. Nhà ở xây dựng trái phép trên đất được quy hoạch là đất ở hoặc đất được cơ quan có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất nhưng không có quyết định giao đất trước ngày 15/10/1993 được xem xét hợp thức hóa về quyền sở hữu nhà ở và công nhận diện tích quyền sử dụng đất ở theo quy định của Nhà nước phù hợp với từng thời điểm.
Điều 10. Đối với các trường hợp nhà ở, công trình xây dựng không xin phép trên đất không có giấy tờ hợp lệ, hợp pháp mà không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, không ảnh hưởng đến quy chuẩn xây dựng thì áp dụng biện pháp xử lý theo các Nghị định số 48/CP ngày 05/5/1997 và Nghị định số 38/2000/NĐ-CP ngày 23/8/2000 của Chính phủ.
1. Trường hợp vi phạm quy hoạch, quy chuẩn xây dựng thì áp dụng các biện pháp xử lý tương tự tại các Mục 1, 2 Chương II trên.
2. Trường hợp nhà ở, công trình xây dựng không xin phép trên đất có tranh chấp thì sau khi giải quyết xong việc tranh chấp đất đai mới áp dụng biện pháp xử lý theo các quy định trên.
3. Trường hợp không vi phạm gì khác thì cơ quan có thẩm quyền xem xét cho hợp thức hóa về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Chương III
QUY HOẠCH VỀ NHÀ Ở KHU DÂN CƯ
Điều 11. Tạm thời phân cấp và ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị được phê duyệt quy hoạch về nhà ở khu dân cư nông thôn (trừ trường hợp nhà ở khu dân cư nông thôn thuộc mặt tiền các đường Quốc lộ, Tỉnh lộ. Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thời kỳ đến năm 2010 ở các huyện, thị; Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn về trình tự, thủ tục để Ủy ban nhân dân các huyện, thị thực hiện nội dung này.
Ngoài những khu dân cư đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch, các vùng đất trống còn lại không xâm phạm an toàn xã hội, nhân dân có nhu cầu xây dựng nhà ở được xem xét hợp thức hóa để ổn định đời sống.
Điều 12. Việc thu tiền sử dụng đất ở phát sinh từ nguồn gốc thực hiện Điều 11 trên được lập thủ tục thu vào ngân sách và cho phép Ủy ban nhân dân các huyện, thị được sử dụng nguồn thu này phục vụ cho công tác quy hoạch, sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Quy định này có hiệu lực thi hành theo Điều 2 Quyết định số /2003/QĐ-UB ngày /9/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Các cơ quan có thẩm quyền; Ủy ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình phát sinh mới (sau khi có Quyết định này). Những trường hợp vi phạm mới phát sinh phải được lập hồ sơ biên bản xử lý ngay từ đầu. Quá trình thực hiện có vướng mắc cần bổ sung, thay đổi hoặc điều chỉnh thì các Sở, ban ngành, cơ quan hữu quan có văn bản báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.