QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thủy sản 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển khắc phục rủi ro do thiên tai gây ra như: bão lốc, áp thấp nhiệt đới, sóng thần... xảy ra trên biển, ven biển, hải đảo (dưới đây gọi tắt là trên biển); hỗ trợ tổ chức, cá nhân không thuộc các lực lượng của Nhà nước tham gia cứu người và tài sản bị rủi ro do thiên tai trên biển.
Điều 2. Hỗ trợ thiệt hại về người
Ngoài các chính sách chế độ trợ giúp theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ bổ sung đối với các trường hợp thiệt hại về người bị rủi ro do thiên tai trên biển như sau:
1. Hỗ trợ 100% chi phí mua vé phương tiện về nơi cư trú đối với các trường hợp gặp rủi ro xa nơi cư trú (kể cả rủi ro ở ngoài vùng biển Việt Nam).
2. Hỗ trợ 100% các chi phí: vận chuyển cấp cứu người từ biển vào đất liền; bảo quản xác nạn nhân; thông tin tìm kiếm người mất tích trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 30 ngày.
3. Đối với người được huy động hoặc tự nguyện tham gia tìm kiếm, cứu nạn người và tàu, thuyền khác, ngoài các chính sách được hưởng như quy định nêu tại các khoản 1, 2 Điều này, được hưởng chế độ phụ cấp quy định tại Quyết định số 70/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 03 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đi biển đối với công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải và được xem xét, khen thưởng theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 3. Hỗ trợ thiệt hại về tài sản
1. Được xem xét hỗ trợ thiệt hại đối với các phương tiện sản xuất (tàu, thuyền, ngư cụ, lồng bè) bị mất, bị hư hỏng nặng; hỗ trợ chi phí trục vớt phương tiện sản xuất (tàu, thuyền, ngư cụ, lồng bè) bị chìm hoặc bị trôi dạt; hỗ trợ con giống thủy sản đối với các diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại, khi khôi phục sản xuất.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hoàn cảnh thực tế, đối tượng, mức độ thiệt hại và khả năng ngân sách để quy định cụ thể mức hỗ trợ bổ sung.
2. Được xem xét miễn, giảm các loại thuế theo quy định pháp luật hiện hành.
3. Được hỗ trợ cấp máy thông tin liên lạc, 100% phao cứu sinh đối với tàu, thuyền đánh bắt xa bờ bị chìm, hư hỏng nặng, khi khôi phục sản xuất.
4. Hỗ trợ 100% chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa (nếu tàu bị hư hỏng) đối với các tàu, thuyền được huy động hoặc tự nguyện tham gia cứu hộ, cứu nạn người và tàu, thuyền bị rủi ro do thiên tai trên biển.
Điều 4. Nguồn tài chính thực hiện
1. Ngân sách trung ương cấp bổ sung cho các địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
2. Ngân sách địa phương dành một khoản thích hợp để chủ động chi cho việc thực hiện chính sách quy định tại Quyết định này.
3. Đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bố trí vốn ngân sách hàng năm cho các địa phương thực hiện.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ theo Quyết định này; chủ động bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời các trường hợp rủi ro; chỉ đạo, kiểm tra và quản lý chặt chẽ đảm bảo thực hiện hỗ trợ đúng mục tiêu, nội dung và đúng đối tượng theo quy định.
Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.