QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG B? N?I V?QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Về việc ban hành Nội quy kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch
đối với cán bộ, công chức
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về Công chức dự bị; Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức.
Điều 2. Nội quy kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định này thay thế Nội quy thi tuyển, thi nâng ngạch công chức ban hành kèm theo Quyết định số 466/1998/QĐ-TCCP-BCTL ngày 5 tháng 9 năm 1998 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
NỘI QUY
KỲ THI TUYỂN, THI NÂNG NGẠCH
ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BNV
ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
Để bảo đảm kỳ thi tuyển và thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, những người tham dự kỳ thi phải tự giác chấp hành những quy định sau:
Điều 1. Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển và nâng ngạch phải:
1. Có mặt trước phòng thi đúng giờ quy định.
2. Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân (hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác) để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi.
3. Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy chứng minh nhân dân lên mặt bàn để các Giám thị và các thành viên Hội đồng thi kiểm tra.
4. Chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ, tẩy; không được mang vào phòng thi các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi, các phương tiện thông tin như điện thoại di động, máy ghi âm...
5. Chỉ sử dụng loại giấy thi được phát để làm bài thi, không được làm bài thi trên giấy khác. Phải ghi đầy đủ các mục quy định trong giấy làm bài thi. Mỗi tờ giấy thi phải có đủ chữ ký của hai giám thị, bài thi không có chữ ký của giám thị được xem là không hợp lệ.
6. Bài thi chỉ được viết bằng một loại mực, màu xanh, màu tím hoặc màu đen. Không được phép sử dụng các loại mực màu khác, mực nhũ, mực phản quang, bút chì để làm bài thi.
7. Trừ phần ghi bắt buộc trên trang phách, thí sinh không được ghi họ tên, chữ ký của thí sinh, chức danh, tên cơ quan, hoặc các dấu hiệu khác lên bài thi.
8. Giữ trật tự, im lặng và không được hút thuốc trong phòng thi.
9. Không được trao đổi trong phòng thi và với bất kỳ ai ở bên ngoài phòng thi, không được trao đổi giấy thi, không được quay cóp bài thi của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác để đạt được kết quả thi tốt hơn.
10. Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai giám thị phòng thi. Trường hợp đau ốm bất thường, phải thông báo cho giám thị phòng thi biết để giải quyết.
11. Chỉ được phép xin ra ngoài phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài và phải được sự đồng ý của giám thị phòng thi. Không giải quyết cho thí sinh ra ngoài phòng thi đối với môn thi có thời gian dưới một giờ.
12. Ngừng làm bài và nộp bài cho giám thị phòng thi ngay khi giám thị tuyên bố hết giờ thi. Phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký vào danh sách nộp bài thi. Trường hợp không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp lại giấy thi.
Điều 2. Các trường hợp thí sinh vi phạm nội quy thi, giám thị phòng thi phải lập biên bản. Thí sinh phải ký vào biên bản, trường hợp thí sinh vi phạm không chịu ký vào biên bản thì giám thị phòng thi yêu cầu 2 (hai) thí sinh khác cùng phòng thi ký vào biên bản để làm chứng. Sau khi lập biên bản, giám thị phòng thi phải báo cáo ngay với Trưởng ban coi thi. Trường hợp vi phạm quy chế thi được ghi hình, chụp ảnh thì hình ảnh được in và lưu cùng biên bản.
Điều 3. Thí sinh vi phạm nội quy thi thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:
1. Khiển trách: áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi:
- Cố ý ngồi không đúng chỗ ghi số báo danh của mình;
- Trao đổi với thí sinh khác đã bị nhắc nhở nhưng vẫn không chấp hành;
- Mang tài liệu, phương tiện thông tin (điện thoại di động, máy ghi âm...) vào phòng thi nhưng chưa sử dụng.
Hình thức kỷ luật khiển trách do giám thị lập biên bản. Thí sinh bị khiển trách ở bài thi nào sẽ bị trừ 20% kết quả điểm thi của bài thi đó.
2. Cảnh cáo: áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi:
- Đã bị khiển trách nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nội quy phòng thi;
- Sử dụng tài liệu trong phòng thi;
- Trao đổi giấy nháp, bài thi cho nhau;
- Chép bài của người khác;
- Sử dụng phương tiện thông tin (điện thoại di động, máy ghi âm...) trong phòng thi.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo do giám thị lập biên bản, thu tang vật và công bố. Thí sinh bị cảnh báo ở bài thi nào sẽ bị trừ 40% kết quả điểm thi của bài thi đó.
3. Đình chỉ thi: áp dụng đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản khiển trách hoặc cảnh cáo một lần nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi.
Hình thức kỷ luật đình chỉ thi do Trưởng ban coi thi quyết định và công bố ngay tại phòng thi. Thí sinh bị đình chỉ thi môn nào thì bài thi môn đó được chấm điểm 0.
4. Huỷ bỏ kết quả thi: áp dụng đối với thí sinh bị phát hiện đánh tráo bài thi, thi hộ hoặc đã bị xử lý kỷ luật ở bài thi trước, nhưng bài thi sau vẫn cố tình vi phạm nội quy đến mức cảnh cáo hoặc cố tình gian lận trong thi.
5. Thí sinh vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, cố ý gây mất an toàn trong phòng thi, có thể sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật. Trường hợp thí sinh dự thi nâng ngạch, nếu vi phạm nội quy thi, bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, sẽ bị gửi kết quả về cơ quan, đơn vị công tác đề nghị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức.
Điều 4. Thí sinh có quyền tố giác những người vi phạm nội quy, quy chế thi cho giám thị, Trưởng ban coi thi hoặc Hội đồng thi.
Điều 5. Giám thị, giám thị hành lang phải:
1. Có mặt tại địa điểm thi đúng giờ quy định.
2. Thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, quy chế và nội quy thi.
3. Giữ trật tự, không được hút thuốc, không được sử dụng điện thoại di động trong phòng thi.
4. Không được trao đổi riêng với bất kỳ thí sinh nào trong phòng thi và hành lang phòng thi.
Điều 6. Giám thị, giám thị hành lang vi phạm nội quy thi, thì tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:
1. Trưởng ban coi thi nhắc nhở, hoặc đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi đình chỉ nhiệm vụ giám thị.
2. Trường hợp giám thị phòng thi có các hành vi làm lộ đề thi, chuyển đề thi ra ngoài, chuyển đáp án từ ngoài vào phòng thi, tùy theo mức độ vi phạm, ngoài việc bị nhắc nhở, đình chỉ nhiệm vụ giám thị, người vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức.
3. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, có thể sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật./.