Văn bản pháp luật: Quyết định 12/2007/QĐ-BCT

Lê Danh Vĩnh
Toàn quốc
Công báo số 31+32
Quyết định 12/2007/QĐ-BCT
Quyết định
30/01/2008
26/12/2007

Tóm tắt nội dung

Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

Thứ trưởng
2.007
Bộ Công Thương

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

_______________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31 tháng 07 năm 2007 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ nhất về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII;  

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; 

Căn cứ Nghị định số 92/2006/ NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006  của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội;

Căn cứ Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển chợ đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg  ngày 15 tháng 2 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án” Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010, định hướng đến 2020;

Căn cứ Công văn số 6428/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt dự án qui hoạch kết cấu hạ tầng thương mại;

Căn cứ Biên bản Hội nghị thẩm định, xét duyệt kết quả dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” ngày 9 tháng 8 năm 2007;

Căn cứ Tờ trình số 333/VNCTM ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại về quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Đa dạng hoá nhiều loại hình và cấp độ, nhiều công năng, kết hợp truyền thống với hiện đại trong phát triển mạng lưới chợ.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới chợ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế, quy mô giao dịch, dòng vận động hàng hoá, điều kiện giao thông, nguồn lực và lịch sử, văn hoá, phong tục, truyền thống của các địa phương.

- Phân bố mạng lưới chợ hợp lý và có trọng điểm, tương thích với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương và của các ngành kinh tế.

- Tiêu chuẩn hoá, tổ chức hoá, hiện đại hoá trong phát triển mạng lưới chợ.

- Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển chợ, đồng thời đẩy nhanh xã hội hoá trong đầu tư phát triển mạng lưới chợ.

- Phát triển mạng lưới chợ đòi hỏi phải có sự phối hợp và thúc đẩy nhịp nhàng với phát triển kinh tế hàng hoá, cải cách cơ chế lưu thông hàng hoá, nâng cao thu nhập của người nông dân.

2. Mục tiêu phát triển

2.1 Mục tiêu chung

- Phát triển mạng lưới chợ nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng và nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập của nông dân, bảo đảm cho các thị trường hàng hoá phát triển ổn định.

- Đến năm 2010, mạng lưới chợ cả nước có kết cấu và được phân bố hợp lý; trình độ và phương thức giao dịch được nâng cao, nhất là ở các chợ bán buôn nông sản; việc quản lý chợ đi vào nề nếp, xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy mở rộng kinh doanh theo chuỗi đến các chợ; giảm thiểu và đi vào hoạt động nề nếp ở các loại chợ buôn bán truyền thống.

- Đến năm 2020 xây dựng mạng lưới chợ toàn diện, bao gồm chợ dân sinh hoạt động phân phối theo mô hình chuỗi; chợ bán buôn hàng nông sản với đầy đủ các chức năng, cơ chế hình thành giá hợp lý khoa học và thực hiện chế độ bán đấu giá là chính; chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp ở các trung tâm kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) hình thành mạng lưới lưu thông hàng hoá thông suốt, việc quản lý đi vào nề nếp, cấu trúc hợp lý và trang thiết bị đầy đủ. Trong mạng lưới chợ thực hiện được các nguyên tắc “ thị trường hình thành giá cả, Nhà nước điều tiết thị trường”; phân bố hợp lý qui mô, kết cấu, số lượng chợ; phát triển mạng lưới chợ có tính thống nhất, đa dạng về loại hình và cấp độ, hình thành giao dịch theo mạng, lấy chợ bán buôn nông sản làm trung tâm thúc đẩy nhiều loại hình bán lẻ nông sản cùng phát triển như các cửa hàng tiện lợi, chợ bán lẻ, siêu thị kinh doanh theo dạng chuỗi...

2.2 Mục tiêu phát triển mạng lưới chợ trên các thị trường hàng hoá

a) Đối với thị trường hàng nông sản

- Từng bước xây dựng và hình thành mạng lưới chợ nông sản có tính trật tự, cạnh tranh và thống nhất để hình thành thị trường hàng nông sản lớn, thống nhất trên toàn quốc, đồng thời kết nối với thị trường nông sản quốc tế.

- Hình thành mạng lưới chợ đầu mối bán buôn hàng nông sản với cơ chế hoạt động hiện đại. Hoàn thiện các chức năng cung cấp thông tin, tập hợp và  phân phối  hàng hoá, phát huy vai trò của chợ bán buôn trong việc hình thành giá nông sản, đổi mới các phương thức giao dịch, kết hợp chặt chẽ giữa phương thức lưu thông hiện đại với chợ bán buôn nông sản.

- Thực hiện chế độ, tiêu chuẩn an toàn  vệ sinh thực phẩm, phát huy ưu thế về chất lượng và giá cho hàng nông sản, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và người sản xuất.

- Hình thành cơ cấu và phương thức giao dịch trên thị trường hàng nông sản phù hợp với đặc trưng của từng khu vực và đặc trưng của chủng loại sản phẩm. Đối với thóc gạo, trên cơ sở chợ đầu mối thóc gạo ở các khu vực sản xuất đang được mở rộng ra hiện nay, lựa chọn để từng bước hình thành thị trường giao dịch kỳ hạn. Đối với hàng nông sản tươi sống, vấn đề vệ sinh an toàn của hàng nông sản tươi sống cần phải được tiêu chuẩn hoá trong lưu thông, cần căn cứ vào nhu cầu của thị trường hàng nông sản trong và ngoài nước để kịp thời điều chỉnh cơ cấu, đảm bảo có thể cung ứng hàng nông sản đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn cho chợ  nông sản sạch.

b) Đối với thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng

- Phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng đảm bảo mục tiêu chính là hình thành các điểm thị trường thuận tiện và hiệu quả cao cho hoạt động mua bán, tăng cường mở rộng nhu cầu trong nước. Chợ hàng công nghiệp tiêu dùng hàng ngày ở nông thôn chủ yếu hướng vào mục tiêu mở rộng các chuỗi kinh doanh để cung ứng hàng hoá thuận tiện cho người dân, tăng cường khai thác cơ sở vật chất của chợ để đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất và văn hoá không ngừng tăng lên của người dân ở nông thôn, từ đó thúc đẩy tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

- Phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của các khu vực, phù hợp với định hướng phát triển các hệ thống thị trường hàng hoá để có các hình thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở những khu vực khác nhau. Đối với khu vực phát triển nhanh, hệ thống phân phối hiện đại và các chuỗi kinh doanh sẽ phát triển nhanh nên cần tập trung hình thành các chợ quy mô lớn về hàng công nghiệp tiêu dùng trong khu vực và từng bước nâng cao sức cạnh tranh cho chợ. Đối với khu vực phát triển trung bình, cần phải phát triển nhanh mạng lưới chợ để thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp phân phối có sức cạnh tranh, tạo lập yếu tố và điều kiện cho phát triển thị trường của khu vực. Đối với khu vực kém phát triển, cùng với việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông thôn và tăng khối lượng hàng hoá, cần tăng nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng chợ nông thôn, nhanh chóng thay đổi tình trạng lạc hậu của chợ nông thôn và chú trọng phát huy tác dụng hỗ trợ của thương nhân ở các thành phố lớn để hình thành các chuỗi cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng đến tận chợ xã.

3. Định hướng phát triển

3.1 Định hướng phát triển các loại hình chợ theo thị trường địa bàn

- Đầu tư nâng cấp và phát triển các chợ dân sinh bán lẻ tại các khu dân cư ở thành thị và tại  các xã, cụm xã ở nông thôn, miền núi.

+ Chợ dân sinh ở thành thị: hạn chế xây mới; cải tạo các chợ nhỏ không đủ tiêu chuẩn sang các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi; nâng cấp thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các khu vực dân cư.

+ Chợ dân sinh ở nông thôn, miền núi: mạng lưới chợ vẫn là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu trong thời kỳ từ nay đến năm 2020; mỗi chợ sẽ là hạt nhân để quy tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán  hàng hoá tổng hợp ở từng khu vực dân cư. Khuyến khích tăng số hộ kinh doanh trên chợ và tăng thời gian bán hàng hàng ngày của các hộ. Chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho khu vực chợ. Gắn đầu tư xây dựng chợ với quy hoạch khu vực nông thôn, quy hoạch dân cư nông thôn và quy hoạch phát triển thương mại trên từng địa bàn cụ thể. Việc phát triển không gian kiến trúc chợ phải theo cấu trúc hợp lý và phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng loại chợ khác nhau.

- Nâng cấp và mở rộng, xây mới các chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ hạng I tại các trung tâm kinh tế của tỉnh.

+ Cải tạo và nâng cấp, mở rộng các chợ hiện có và xây mới ở các trung tâm kinh tế của tỉnh.

+ Mỗi chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ hạng I trên địa bàn cả nước được phát triển như hạt nhân để hình thành các khu trung tâm thương mại của tỉnh, vừa có vai trò phát luồng hàng hoá đến các chợ bán lẻ tổng hợp trên địa bàn, vừa là các trung tâm thương mại- dịch vụ tổng hợp của tỉnh.

- Nâng cấp, cải tạo và xây mới các chợ ở các xã biên giới, chợ cửa khẩu, chợ nằm trong khu kinh tế cửa khẩu theo qui hoạch. Tập trung vào các biện pháp để hình thành thói quen giao lưu hàng hoá qua chợ của người dân miền núi và thu hút người đến tham gia hoạt động chợ. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới đến các chợ biên giới. Gìn giữ và phát huy các đặc trưng văn hoá của các vùng miền núi, biên giới trong hoạt động của mạng lưới chợ biên giới.

- Tiếp tục tập trung hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 7 chợ đầu mối bán buôn nông sản lớn tại các vùng sản xuất hàng hoá lớn và ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ... Đồng thời, mỗi tỉnh xây mới, cải tạo nâng cấp từ 1- 3 chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng sản xuất nông sản và tiêu dùng tập trung của tỉnh.

3.2 Định hướng phát triển mạng lưới chợ theo  thị trường hàng hoá

a) Định hướng phát triển mạng lưới chợ nông sản: xây dựng và hoàn thiện chợ bán buôn nông sản ở các thành phố và ở nơi sản xuất hàng nông sản tập trung của cả nước; chợ bán lẻ nông sản- thực phẩm ở thành thị và nông thôn; chợ phiên giao dịch hàng nông sản dễ bảo quản hoặc là nguyên liệu chế biến để hình thành mạng lưới chợ nông sản thống nhất, hiệu quả cao và phủ khắp thị trường cả nước. Xây dựng mạng lưới chợ  nông sản cần được coi là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống thị trường nông sản, với nhiệm vụ chủ yếu là nâng cao chiều rộng và chiều sâu độ bao phủ của mạng lưới chợ trên địa bàn cả nước, tăng cường công năng phục vụ của chợ, tập trung các nguồn lực để nâng cao thứ hạng chợ và trình độ quản lý, phát huy các chức năng tập trung hàng hoá, cung cấp thông tin và hình thành giá cả của mạng lưới chợ.

b) Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng tư liệu sản xuất

Định hướng lưu thông hàng vật tư sản xuất qua mạng lưới chợ chủ yếu đối với hàng tư liệu sản xuất dùng trong ngành nông nghiệp. Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng tư liệu sản xuất nông nghiệp theo hướng không ngừng tăng cường và hoàn thiện xây dựng mạng lưới chợ tư liệu sản xuất có sự cạnh tranh lành mạnh, chuẩn mực về chất lượng hàng hoá và các hành vi giao dịch, đa dạng các chủ thể kinh doanh; thông qua tăng cường các biện pháp có hiệu quả như giám sát hoạt động kinh doanh trong chợ, quản lý ngành nghề, xây dựng cơ chế đồng bộ phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tư liệu sản xuất cho ngành nông nghiệp.

c) Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng

Định hướng phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng theo hướng phát triển cân đối giữa chợ thành thị và nông thôn, tập trung vào một số mặt sau đây:

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tiềm lực to lớn của việc phát triển mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường nông thôn trong tổng thể nền kinh tế quốc dân của nước ta, thông qua phát triển mạng lưới chợ ở nông thôn để mở rộng nhu cầu, mở rộng thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng, đẩy mạnh kinh tế phát triển.

- Căn cứ vào nhu cầu của nông dân để mở rộng mạng lưới chợ hàng công nghiệp tiêu dùng,  qua đó định hướng cho các nhà sản xuất công nghiệp thích ứng theo nhu cầu hàng tiêu dùng ở thị trường nông thôn.

- Phát triển các hệ thống phân phối hiện đại, thúc đẩy hiện đại hoá các phương thức kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng trong mạng lưới chợ ở nông thôn, tạo yếu tố quan trọng để phát triển nhanh kinh tế nông thôn. Cần lựa chọn các phương thức kinh doanh hiện đại như chuỗi cửa hàng, siêu thị, hệ thống đại lý...để áp dụng trong quá trình cải tạo  mạng lưới chợ truyền thống ở nông thôn, mở rộng mạng lưới chợ bán buôn, bán lẻ hàng công nghiệp tiêu dùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ, từng bước xây dựng hệ thống thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng  thống nhất ở cả thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

3.3 Định hướng đối với các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạng lưới chợ

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các chợ dân sinh thành thị, các khu công nghiệp để cung cấp hàng hoá giá rẻ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài tăng cường đầu tư  đồng bộ và hiện đại hoá các chợ đầu mối nông sản trên cơ sở áp dụng công nghệ logistics; đầu tư vào các chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ ở các trung tâm kinh tế của các tỉnh; đầu tư vào các chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các loại chợ ở các vùng kinh tế.

3.4 Định hướng hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hệ thống chợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

- Nhà nước hỗ trợ đầu tư về mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật của chợ hoặc Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư, các doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh cùng tham gia đầu tư xây dựng chợ.

- Nhà nước ưu tiên tập trung vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng nông sản hàng hoá tập trung, làm tiền đề để từng bước phát triển thành các sàn giao dịch hàng hoá, chợ đấu giá, kể cả các trung tâm mua bán hàng hoá theo phương thức giao sau. Lồng ghép việc xây dựng các chợ dân sinh, chợ biên giới với các dự án và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, hỗ trợ thêm bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc bằng các cơ chế, chính sách (tài chính, tín dụng, đất đai...) để tạo dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài chợ; đồng thời huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh trên địa bàn tham gia cùng đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ.

4. Phương án quy hoạch

(Chi tiết tại Phụ lục 1, 2, 3)

4.1 Mạng lưới chợ đầu mối nông sản

- Phát triển 157 chợ đầu mối nông sản, với 35 chợ nâng cấp, mở rộng và 122 chợ xây mới, trong đó có 77 chợ đầu mối nông sản đa ngành, 30 chợ đầu mối rau quả, 12 chợ đầu mối lúa gạo và 38 chợ đầu mối thuỷ sản. 

- Dự tính vốn đầu tư khoảng 7.837 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 3.554 tỷ đồng; giai đoạn 2011- 2015 là 3.963 tỷ đồng; giai đoạn 2016- 2020 là 320 tỷ đồng.

- Nhu cầu sử dụng đất tối thiểu là 819,2 ha, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 744,2 ha, giai đoạn 2011- 2015 là 66 ha, giai đoạn 2016- 2020 là 9 ha.

4.2 Mạng lưới chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ hạng I ở các trung tâm thương mại của tỉnh

- Phát triển 319 chợ, trong đó 56 chợ giữ nguyên và 110 chợ cần nâng cấp, cải tạo; 153 chợ xây mới.

- Dự tính vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây mới khoảng 5.634,07 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007 - 2010 là 2.782,48 tỷ đồng; giai đoạn 2011- 2015 là 2.493,19 tỷ đồng; giai đoạn 2016- 2020 là 358,4 tỷ đồng.

- Nhu cầu sử dụng đất khoảng 408,12 ha, trong đó giai đoạn 2007 – 2010 là  235,72 ha; giai đoạn 2011-2015 là 150,6 ha; giai đoạn 2016-2020 là 21,8 ha.

4.3 Mạng lưới chợ biên giới (bao gồm chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu)

- Phát triển 490 chợ trên địa bàn của 25 tỉnh biên giới, với 167 chợ nâng cấp và 323 chợ xây mới. Trong đó phát triển 397 chợ biên giới, 35 chợ cửa khẩu và 58 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

- Dự tính vốn đầu tư là 1.796,2 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 923,1 tỷ đồng; giai đoạn 2011- 2015 là 526,3 tỷ đồng; giai đoạn 2016- 2020 là 346,8 tỷ đồng.

- Nhu cầu sử dụng đất là 162,45 ha, trong đó giai đoạn 2007-2010 là     78,75 ha; giai đoạn 2011- 2015 là 52,3  ha; giai đoạn 2016- 2020 là 31,4 ha.

5.Về vốn đầu tư

Tổng hợp yêu cầu vốn đầu tư xây dựng mạng lưới các loại chợ toàn quốc được qui hoạch đến năm 2020 là 15.267,27 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007-2010 là 7.259,58 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2015 là 6.982,49 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 1.025,2 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước theo Quyết định 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2007-2010 và theo Danh mục các dự án kết cấu hạ tầng thương mại thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ được Chính phủ phê duyệt; phần vốn vay, vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn huy động khác trong xã hội sẽ là nguồn vốn chủ yếu để đầu tư phát triển mạng lưới chợ toàn quốc.

(Chi tiết tại Phụ lục 1, 2, 3)

6. Về nhu cầu sử dụng đất

Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất xây dựng mạng lưới các loại chợ toàn quốc được qui hoạch đến năm 2020 là khoảng 1.389,77ha, trong đó giai đoạn 2007-2010 là 1.058,67 ha; giai đoạn 2011-2015 là  268,9 ha và giai đoạn 2016-2020 là 62,2 ha.

(Chi tiết tại Phụ lục 1, 2, 3)

7. Danh mục các dự án đầu tư chợ theo phân kỳ đầu tư

Danh mục các  chợ được phát triển đến năm 2010 và 2020 (có phân kỳ đầu tư và qui định chi tiết) tại các Phụ lục 1, 2, 3.

8. Giải pháp và chính sách chủ yếu

8.1 Giải pháp về cơ chế, chính sách

a) Chính sách về đầu tư

Từng bước hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật về đầu tư, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006  của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư  và Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trước hết là sửa đổi, bổ sung qui định về đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư  và đối tượng được hưởng hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ từ ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hiện nay.   

b) Chính sách đất đai

- Trong quá trình xây dựng qui hoạch tổng thể hoặc qui hoạch chi tiết để phát triển các khu kinh tế, khu cư dân mới, các tỉnh cần dành quĩ đất để xây dựng các chợ theo qui hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Bố trí vị trí, địa điểm, diện tích xây dựng chợ phù hợp qui hoạch phát triển mạng lưới chợ, đáp ứng nhu  cầu họp chợ trước mắt và khả năng mở rộng qui mô của chợ trong giai đoạn sau.

- Các tỉnh cần có những giải pháp và chính sách tích cực, đồng bộ để giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng chợ.

c) Chính sách tài chính

- Tăng cường quản lý thu thuế đối với các hộ kinh doanh ngoài chợ, đảm bảo chống thất thu và công bằng giữa các hộ kinh doanh trong và ngoài chợ.

- Khi giao chỉ tiêu thu thuế cho các chợ, cơ quan quản lý thuế các tỉnh cần khảo sát đánh giá kỹ tình hình thực tế và tham khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn nhằm đưa ra mức thu phù hợp với doanh số bán của các hộ kinh doanh.

- Đối với các chợ mới xây dựng, các tỉnh cần có chính sách thuế ưu đãi và mức thu lệ phí, mức phí cho thuê diện tích kinh doanh trên chợ phù hợp với khả năng sinh lợi của các hộ kinh doanh nhằm thu hút thương nhân vào chợ.

- Từng địa phương cần công khai khung giá thuê đất cho từng khu vực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn để đầu tư xây dựng chợ.

- Cơ quan chức năng sớm ban hành cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban Quản lý chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

8.2 Giải pháp huy động và sử dụng vốn đầu tư xây dựng chợ

- Thông báo công khai qui hoạch phát triển mạng lưới chợ, các qui hoạch liên quan và danh mục các chợ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách (trung ương và địa phương) kèm theo mức hỗ trợ; các chợ được xây dựng bằng các nguồn vốn khác và hình thức, mức độ huy động vốn để mọi công dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận nghiên cứu và khai thác.

- Thực hiện xã hội hoá việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ ở địa phương với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển chợ, trong đó nguồn vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn vay là nguồn vốn chủ yếu để phát triển mạng lưới chợ. Kết hợp lồng ghộp giữa các nguồn vốn để bảo đảm hiệu quả sử dụng. Ngân sách nhà nước tập trung hỗ trợ đầu tư về mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật cho các chợ; các các công trình khác của chợ huy động nguồn vốn của doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh trên địa bàn và vốn vay.

8.3 Giải pháp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý chợ

- Để khắc phục tình trạng đa số cán bộ quản lý các chợ không có nghiệp vụ chuyên ngành, chủ yếu là quản lý theo kinh nghiệm, cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý chợ cho số cán bộ hiện có và đào tạo những cán bộ chuyên về công tác quản lý chợ lâu dài cho các địa phương.

- Xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng với nội dung phù hợp với từng đối tượng, trước hết tập trung vào đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với chợ và cán bộ quản lý của các chợ; đồng thời đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng, đào tạo để phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

- Các tỉnh phối hợp với các trường thuộc Bộ Công Thương tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên quản lý chợ. Ngoài ra, các tỉnh có thể tự tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngẵn ngày tại địa phương với các hình thức thích hợp.

8.4 Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chợ

- Sửa đổi, bổ sung kịp thời và tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác qui hoạch, phát triển và quản lý chợ.

- Đổi mới phương thức và nội dung quản lý nhà nước đối với chợ như xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ từng thời kỳ; nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của chợ trên các mặt: thuế, tài chính, kế toán, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về chợ, cán bộ quản lý chợ; thực hiện phân cấp và phối hợp quản lý chợ trên địa bàn.

- Thực hiện nghiêm, triệt để việc giải toả, xoá bỏ các loại chợ hình thành tự phát không nằm trong qui hoạch phát triển chợ của các tỉnh nhằm bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ mới xây dựng.

8.5 Giải pháp bảo vệ môi trường đối với mạng lưới chợ toàn quốc

- Tập trung thực hiện các giải pháp kỹ thuật xây dựng hệ thống cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại các chợ; hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các chợ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật tại các chợ.

- Phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng  ở cả Trung ương, địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường ở các chợ; thường xuyên giáo dục và tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bồi dưỡng nghiệp vụ về vệ sinh môi trường ở các chợ; áp dụng chế độ kiểm tra, kiểm soát, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm môi trường.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1.Trách nhiệm của các bộ, ngành

1.1 Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liờn quan chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh thực hiện Quyết định này, tập trung vào những công việc chủ yếu sau đây:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xõy dựng mới  qui hoạch phát triển mạng lưới chợ của tỉnh phù hợp với  những qui định của Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh trong việc lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển chợ trờn địa bàn phù hợp với các qui định  của  Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

c) Xây dựng danh mục dự án chợ có sự hỗ trợ đầu tư của ngân sách Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

d) Hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh trong việc phân bổ và sử dụng vốn hỗ trợ đầu tư phát triển mạng lưới chợ từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả.

đ) Rà soát để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung  theo thẩm quyền các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển và quản lý chợ được qui định tại Quyết định này.

1.2 Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thụng Vận tải, Ngõn hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ của mỡnh phối hợp với Bộ Công Thương  triển khai thực hiện  các giải pháp, chính sách nêu trong Quyết định này.

2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh:

Chỉ đạo các Sở Thương mại, Sở Thương mại - Du lịch phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Đối với các tỉnh đã có qui hoạch chợ trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành,  tiến hành rà soát, nếu chưa phù hợp với qui định của Quyết định này phải lập dự án điều chỉnh qui hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Đối với các tỉnh chưa có qui hoạch phát triển mạng lưới chợkhẩn trương xây dựng qui hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển thương mại của tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội  của địa phương và phù hợp với  các qui định của Quyết định này.

c) Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này, danh mục dự án chợ của từng tỉnh nằm trong danh mục dự án đầu tư phát triển chợ kèm theo Quyết định này có thể được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển thương mại của từng địa phương. Tuy vậy, trước khi quyết định điều chỉnh danh mục dự án nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần trao đổi và thống nhất với Bộ Công Thương.

d) Xây dựng kế hoạch phát triển chợ hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh  phê duyệt.  

đ) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng, thẩm định và hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư phát triển chợ trên địa bàn theo qui hoạch và kế hoạch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

e) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc phân bổ và sử dụng các nguồn vốn đầu tư chợ, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, thiết thực và đúng mục đích.

f) Xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân  tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách (phù hợp với qui định của pháp luật) và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp, hộ  kinh doanh để phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn.

g) Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện qui hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp sai phạm trong đầu tư phát triển chợ không phù hợp qui hoạch. 

h) Định kỳ hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương và  Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình và kết quả thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12788&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận