Để góp phần tích cực giải quyết những khó khăn về cân đối vật tư, máy móc cho nông nghiệp, bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp 5 năm 1986-1990;
Căn cứ kết luận của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong phiên họp ngày 8 tháng 7 năm 1986;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
.- Bộ Nông nghiệp phối hợp với Bộ Lương thực và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước lập quy hoạch và xác định trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm những vùng và diện tích sản xuất lúa cao sản, đặc sản dành để xuất khẩu. Đồng thời phải có kế hoạch thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích nhằm bảo đảm mức tiêu dùng lương thực trong nước ngày càng tăng.
Trước mắt, trong năm 1987, các Bộ nói trên bàn với Uỷ ban nhân dân một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long triển khai xây dựng một cách vững chắc một số vùng sản xuất lúa xuất khẩu ở những nơi có điều kiện thuận lợi nhất, với diện tích gieo trồng khoảng 25 đến 30 vạn hécta để Nhà nước có thể huy động hàng năm cho xuất khẩu từ 60 vạn tấn lúa trở lên; sau đó, mở rộng dần các năm sau.
Điều 2.
- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải có kế hoạch ưu tiên đầu tư cho vùng sản xuất lúa xuất khẩu đã được xác định, và đầu tư đồng bộ từ sản xuất, thu mua, bao bì, bảo quản, vận chuyển đến chế biến; ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và quá trình chế biến, bảo quản nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng và sản lượng gạo xuất khẩu.
Điều 3.
- Thông qua các hình thức thu thuế, hợp đồng kinh tế hai chiều và một phần mua bằng giá thoả thuận, Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm huy động và giao nộp cho Nhà nước số lúa xuất khẩu theo đúng chính sách và đúng kế hoạch để Nhà nước xuất khẩu và nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu và máy nông nghiệp. Ngoài số lúa nói trên, địa phương có thể mua thêm và được phép uỷ thác cho Bộ Lương thực xuất khẩu để lấy tiền nhập lại phân bón, thuốc trừ sâu, tư liệu sản xuất khác và một số hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống ở địa phương.
Điều 4.
- Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực chủ trì cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các ngành có liên quan khác nghiên cứu và trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định về chính sách khuyến khích sản xuất và thu mua lúa xuất khẩu.
Điều 5.
- Để bảo đảm trung ương nắm chắc việc chỉ đạo sản xuất, huy động xuất khẩu ở những vùng lúa cao sản này, Bộ Lương thực bàn với Bộ Nông nghiệp để thống nhất quản lý việc cung ứng vật tư, hàng hoá và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất, thu mua, chế biến lúa xuất khẩu, ký hợp đồng với các địa phương thu lại sản phẩm để xuất khẩu. Từng vụ và hàng năm Bộ Lương thực, Bộ Nông nghiệp phải quyết toán riêng số vật tư, hàng hoá và dịch vụ này với các địa phương và với Nhà nước.
Điều 6.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lương thực, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thủ trưởng các ngành có liên quan khác và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh sản xuất lúa xuất khẩu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.