Văn bản pháp luật: Quyết định 126/2005/QĐ-BNV

Đặng Quốc Tiến
Toàn quốc
Công báo số 07 & 08 - 12/2005;
Quyết định 126/2005/QĐ-BNV
Quyết định
22/12/2005
29/11/2005

Tóm tắt nội dung

Về việc phê duyệt Điều lệ Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ trưởng
2.005
Bộ Nội vụ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Về việc phê duyệt Điều lệ Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương


BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và của Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã được Đại hội nhiệm kỳ lần thứ IV thông qua ngày 10 tháng 03 năm 2005.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


ĐIỀU LỆ (Sửa đổi)

TRUNG TÂM KINH TẾ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

(Ban hành theo Quyết định số 126/2005/QĐ-BNV ngày 29/11/2005

của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Chương I

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi

Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là Trung tâm)

Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Asia Pacific Economic Center

Tên viết tắt tiếng Anh: VAPEC

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương là tổ chức phi chính phủ, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về tài chính, được thành lập để nghiên cứu, thông tin, đào tạo, giao lưu, tư vấn dịch vụ về kinh tế với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước có liên quan.

Mục đích hoạt động của Trung tâm là tạo điều kiện góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đào tạo và bồi dưỡng các nhà kinh tế, nhà kinh doanh, nhà khoa học Việt Nam về kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Địa vị pháp lý

Trung tâm có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng tại ngân hàng, có con dấu để giao dịch, hoạt động theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước.

Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ về lĩnh vực hoạt động của Trung tâm.

Điều 4. Phạm vi hoạt động

Trung tâm đặt trụ sở tại Hà Nội, có các cơ sở và văn phòng đại diện ở các thành phố trong cả nước và hoạt động theo quy định pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ này.

Địa chỉ của Trung tâm: Số 176 Đường Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội. Tel: 8.574312, 8.574304; Fax: 8.574316.

Chương II

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ

Điều 5. Chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm gồm:

1. Tham gia nghiên cứu về lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế, kinh doanh và hội nhập quốc tế của Việt Nam và các nước khác. Nghiên cứu kinh nghiệm và đặc điểm phát triển kinh tế của từng nước, nhất là những nước có vị trí quan trọng trong khu vực và có quan hệ kinh tế với Việt Nam;

2. Thu thập thông tin, xuất bản, phổ biến những tài liệu sách báo về kinh tế, về chính sách, mô hình phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước khác theo quy định của pháp luật;

3. Tổ chức bồi dưỡng theo chuyên đề cho các nhà kinh tế, nhà quản lý, nhà kinh doanh, các cán bộ khoa học và giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ chuyên ngành kinh tế theo quy định của pháp luật

4. Tham gia tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện, tư vấn dịch vụ về lĩnh vực kinh tế theo quy định của pháp luật để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước và hoạt động của Trung tâm;

5. Tổ chức giao lưu giữa các thành viên là tổ chức kinh tế, các nhà kinh tế, nhà kinh doanh Việt Nam với các tổ chức kinh tế và đồng nghiệp trong khu vực dưới nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp xúc gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thông tin kinh tế theo quy định của pháp luật.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 6. Hội viên của Trung tâm

1. Các hội viên của Trung tâm bao gồm:

a) Các hội viên sáng lập của Trung tâm;

b) Các hội viên là tổ chức trực thuộc Trung tâm và do Trung tâm bảo trợ;

c) Đại diện các tổ chức kinh tế, các nhà khoa học, các nhà kinh doanh tán thành Điều lệ, tự nguyện và có điều kiện hoạt động cho Trung tâm;

Ngoài các hội viên nói trên, Trung tâm còn có các cộng tác viên tham gia các hoạt động của Trung tâm.

2. Hội viên của Trung tâm được tham gia các buổi thuyết trình, hội thảo về kinh tế, được tạo điều kiện để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, được nhận tạp chí định kỳ, sử dụng thư viện của Trung tâm

3. Hội viên có nghĩa vụ thực hiện Điều lệ, quy định hoạt động của Trung tâm, đóng lệ phí hoạt động, góp ý kiến để cải tiến nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm.

Điều 7. Hội đồng Quản trị sẽ quy định cụ thể các điều kiện và thủ tục kết nạp thành viên của Trung tâm và cộng tác viên.

Chương IV

TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM

Điều 8. Đại hội toàn thể của Trung tâm (hoặc Đại hội đại biểu) là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung tâm, Đại hội được tổ chức 5 năm 1 lần.

Nội dung Đại hội gồm:

- Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động mới;

- Quyết định phương hướng và chương trình công tác nhiệm kỳ tới;

- Quyết định sửa đổi và bổ sung Điều lệ (nếu có) ;

- Thảo luận, phê duyệt quyết toán tài chính nhiệm kỳ qua và thông qua kế hoạch tài chính khóa mới;

- Bầu Hội đồng Quản trị của Trung tâm.

- Thông qua nghị quyết Đại hội.

Khi cần thiết, Hội đồng Quản trị có thể triệu tập Đại hội bất thường, nếu có hơn 2/3 số ủy viên Hội đồng Quản trị yêu cầu

Điều 9. Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Trung tâm

1. Hội đồng Quản trị là cơ quan quản lý giữa hai kỳ đại hội của Trung tâm, HĐQT có nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, quyết định quy chế làm việc, quy chế tài chính, quyết định chương trình hoạt động và dự toán tài chính hàng năm của Trung tâm.

b) Bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT để thường trực xử lý các công việc thuộc nhiệm vụ của HĐQT. Chủ tịch HĐQT triệu tập và chủ trì các cuộc họp của HĐQT, ký các văn bản của Hội đồng Quản trị.

c) Bổ nhiệm và miễn nhiệm Tổng giám đốc và các thành viên Ban giám đốc Trung tâm.

d) Xem xét và quyết định đối với đơn xin từ chức và đề nghị bổ sung các ủy viên HĐQT và các thành viên Ban giám đốc Trung tâm.

2. Hội đồng Quản trị do Đại hội đại biểu của Trung tâm bầu với nhiệm kỳ là 5 năm. Hội đồng Quản trị làm việc theo chế độ tập thể, họp thường lệ 1 năm 1 lần, có thể họp bất thường nếu Chủ tịch HĐQT hoặc ít nhất có 1/3 ủy viên HĐQT yêu cầu.

a) Phiên họp của HĐQT được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số ủy viên Hội đồng Quản trị tham dự.

b) Các Nghị quyết của HĐQT khi biểu quyết phải được đa số quá bán so với số thành viên HĐQT mới có giá trị. Trong trường hợp số phiếu hai bên bằng nhau, bên nào có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị thì ý kiến bên đó được thông qua.

3. Ban thường trực HĐQT gồm các lãnh đạo chủ chốt: Chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc thường trực tại Hà Nội, thay mặt HĐQT giải quyết mọi việc theo Nghị quyết của Đại hội.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện trước pháp luật của Trung tâm.

Điều 10. Ban Cố vấn của Trung tâm

1. Ban Cố vấn là cơ quan tư vấn có nhiệm vụ góp ý kiến và hỗ trợ cho Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Trung tâm và các Trung tâm cơ sở về tổ chức và nội dung hoạt động.

2. Các thành viên Ban Cố vấn do HĐQT mời, trong đó có những cố vấn thường xuyên và những cố vấn về từng vụ việc cụ thể. Ban Cố vấn có thể gồm một số thành viên là nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà kinh doanh ở trong nước và nước ngoài, việc mời người nước ngoài tham gia Ban cố vấn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

3. Ban Cố vấn không sinh hoạt định kỳ. Tùy nội dung vấn đề, Chủ tịch HĐQT có thể mời các cố vấn tham gia cuộc họp HĐQT, nhưng không tham gia biểu quyết và quyết định các vấn đề của Trung tâm.

Tổng giám đốc có thể mời một số cố vấn tham gia cuộc họp của Ban Giám đốc Trung tâm hoặc tham gia vào các hoạt động khác của Trung tâm.

Điều 11. Ban Giám đốc Trung tâm

1. Ban Giám đốc Trung tâm gồm có:

Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc

2. Ban Giám đốc Trung tâm làm việc theo chế độ Thủ trưởng:

a) Tổng giám đốc là người điều hành mọi hoạt động của Trung tâm. Giúp việc Tổng giám đốc có các Phó tổng giám đốc theo các nhiệm vụ do Tổng giám đốc phân công.

b) Tổng giám đốc có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm thực hiện Nghị quyết của HĐQT và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Trung tâm.

c) Tổng giám đốc quyết định bổ nhiệm và bãi chức các chức danh lãnh đạo của các cơ sở trực thuộc Trung tâm theo Nghị quyết của HĐQT và có kiến nghị xử lý các sai phạm của lãnh đạo các đơn vị thuộc Trung tâm.

d) Chỉ có Nghị quyết của HĐQT mới có giá trị phủ quyết các quyết định của Tổng giám đốc. Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch HĐQT được yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng thi hành quyết định của Tổng giám đốc và phải có văn bản xin ý kiến HĐQT họp xem xét lại ngay khi ra văn bản tạm ngừng thi hành.

e) Tổng giám đốc có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng và 1 năm với Hội đồng Quản trị về tình hình hoạt động của Trung tâm và báo cáo nhanh nếu có những vấn đề khẩn cấp do HĐQT yêu cầu.

f) Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc được tham dự các kỳ họp của Hội đồng Quản trị.

Điều 12. Các tổ chức cơ sở và văn phòng đại diện của Trung tâm

1. Trung tâm có các tổ chức cơ sở và văn phòng đại diện ở các thành phố trong cả nước. Việc thành lập các cơ sở và văn phòng đại diện phải đúng các quy định của pháp luật.

Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở và văn phòng đại diện là thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trong phạm vi toàn quốc được quy định ở Chương II của Điều lệ này và theo sự phân công trong bản quy chế làm việc do HĐQT quy định.

2. Các tổ chức cơ sở và văn phòng dại diện có quyền nhân danh Trung tâm trong các quan hệ pháp luật liên quan đến phạm vi hoạt động khi được Hội đồng quản trị của Trung tâm ủy quyền bằng văn bản.

3. Lãnh đạo mỗi tổ chức cơ sở có Giám đốc và các Phó giám đốc, do Tổng giám đốc Trung tâm bổ nhiệm.

Giám đốc tổ chức cơ sở chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc Trung tâm toàn quốc và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ sở mình phụ trách. Các Phó giám đốc giúp việc Giám đốc theo sự phân công của Giám đốc.

Giám đốc tổ chức cơ sở có trách nhiệm báo cáo cho Tổng giám đốc về hoạt động và tài chính của tổ chức cơ sở, theo quy chế làm việc do HĐQT quy định.

4. Tổ chức của các cơ sở do Giám đốc tổ chức cơ sở đề nghị và Tổng giám đốc Trung tâm phê duyệt. Nhân sự cán bộ nhân viên thuộc cơ sở do Giám đốc Trung tâm cơ sở quyết định.

Mỗi tổ chức cơ sở có các phòng hoặc bộ môn tùy theo chức năng và nhiệm vụ.

Tên gọi của các tổ chức cơ sở sẽ tùy thuộc vào các hoạt động cụ thể.

5. Các văn phòng đại diện có Trưỏng văn phòng đại diện do Tổng giám đốc Trung tâm bổ nhiệm.

Điều 13. Ban Kiểm tra

1. Ban kiểm tra do Đại hội Trung tâm trực tiếp bầu ra. Số lượng ủy viên Ban kiểm tra do Đại hội quyết định.

2. Ban kiểm tra hoạt động theo quy chế do Đại hội Trung tâm thông qua.

3. Ban Kiểm tra có quyền kiểm tra sổ sách, hồ sơ, chứng từ liên quan đến tài chính của cơ sở theo định kỳ và đột xuất khi cần thiết.

4. Ban Kiểm tra phải có báo cáo với HĐQT những nhận xét và kiến nghị về tài chính của Trung tâm. Báo cáo của Ban Kiểm tra độc lập với báo cáo tài chính của Tổng giám đốc.

Chương V

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH

Điều 14. Hoạt động của Trung tâm được dựa trên các nguồn thu như sau:

1. Nguồn tài trợ hợp pháp;

2. Đóng góp của hội viên, lệ phí của các hoạt động của Trung tâm;

3. Tiền ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước;

4. Tiền thu được từ các hoạt động tư vấn dịch vụ;

5. Các nguồn thu khác.

Điều 15. Tài chính của Trung tâm được quản lý theo nguyên tắc thống nhất, tự chủ, công khai. Thu chi tài chính được thực hiện theo đúng quy định của HĐQT và phù hợp với các quy định về tài chính của Nhà nước.

Việc chi tiêu của Trung tâm chủ yếu dành cho:

- Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Trung tâm.

- Trả lương cho cán bộ chuyên trách và thù lao cho cộng tác viên.

- Chi cho hội nghị, hội thảo, tham quan khảo sát trong và ngoài nước, thư viện, ấn phẩm, hỗ trợ cho công tác đào tạo.

Điều 16. Tài sản của Trung tâm

1. Các cơ sở vật chất (nhà cửa, trang thiết bị, phương tiện làm việc), tài liệu, sách báo do quỹ của Trung tâm mua sắm hoặc các tổ chức và cá nhân tặng cho Trung tâm.

2. Hội đồng Quản trị quy định nguyên tắc, chế độ quản lý, sử dụng nguồn tài chính và tài sản của Trung tâm.

Chương VI

SỬA ĐỔI, HƯỚNG DẪN THI HÀNH

Điều 17. Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc của Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Việc bổ sung, sửa đổi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Điều 18. Điều lệ này gồm 6 Chương và 18 Điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc của Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ IV nhất trí thông qua ngày 10 tháng 03 năm 2005. Hội đồng quản trị Trung tâm có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16948&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận