Văn bản pháp luật: Quyết định 1293/2012/QĐ-UBND

Dương Anh Điền
Thành phố Hải Phòng
Quyết định 1293/2012/QĐ-UBND
Quyết định
26/08/2012
16/08/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, nghỉ trưa của ngày làm việc do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành

Chủ tịch
2.012
UBND thành phố Hải Phòng

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

Quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, nghỉ trưa

của ngày làm việc

-------------------------------------------

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 01/01/2012;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;

Thực hiện Thông báo số 120/TB-VPCP ngày 30/3/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết công tác trật tự an toàn giao thông toàn quốc quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2012;

Thực hiện ý kiến của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 425-CV/TU ngày 11/4/2012 của Thành ủy Hải Phòng về việc không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1330/TTr-SNV ngày 06/8/2012 và Báo cáo thẩm định số 20/BCTĐ-STP ngày 18/7/2012 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quyết định này, quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và việc xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động) trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố.

Trường hợp đặc biệt phải tiếp khách đối ngoại vào giờ nghỉ trưa (khách nước ngoài, Trung ương, tỉnh, thành phố bạn), nếu phải sử dụng rượu, bia: ở cấp thành phố do lãnh đạo thành phố chủ trì tiếp khách quyết định; việc tiếp khách tuyệt đối không ảnh hưởng đến công việc và các quy định khác.

Điều 2. Xử lý vi phạm

1. Các đối tượng nêu tại Điều 1, Quyết định này vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các mức độ sau:

a. Vi phạm lần đầu trong năm: người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhắc nhở, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thì người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp quản lý nhắc nhở, phê bình, thông báo bằng văn bản cho cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức đang công tác biết và hạ loại thi đua cuối năm;

b. Vi phạm lần 2 trong năm trở lên hoặc vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng: cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức kiểm điểm, tùy theo mức độ vi phạm, xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và không xem xét bình chọn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cuối năm.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thì tùy mức độ sẽ bị xử lý vi phạm như sau:

a. Nếu cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm điểm a và b, khoản 1, Điều 2 Quyết định này thì người có thẩm quyền quản lý có văn bản nhắc nhở, phê bình người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.

b. Nếu cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 2 Quyết định này: Người đứng đầu được coi như không hoàn thành trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và không được xem xét công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cuối năm; tập thể cơ quan, đơn vị không được xem xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong năm.

c. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm thì ngoài việc áp dụng hình thức xử lý như đối với cán bộ, công chức, viên chức thì còn bị xử lý vi phạm về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

d. Đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên nếu vi phạm thì ngoài việc xử lý vi phạm theo Quyết định này, còn phải bị xử lý vi phạm theo Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị:

a. Triển khai, thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý biết và tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định này;

b. Định kỳ 6 tháng và 1 năm (vào ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12) báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp việc thực hiện Quyết định này tại cơ quan, đơn vị. Khối đảng, đoàn thể qua Ban Tổ chức Thành ủy; Khối hành chính, đơn vị sự nghiệp qua Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này, có vấn đề vướng mắc, chưa hợp lý, Sở Nội vụ kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 4. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc các sở, ban ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nguồn: vbpl.vn/haiphong/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=31786&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận