Điều 1: Để giải quyết khó khăn về lương thực hiện nay, biện pháp cơ bản vẫn là các ngành trung ương có liên quan và chính quyền địa phương các cấp phải phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện cần thiết đẩy mạnh sản xuất lương thực trong khu vực các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân cũng như trong khu vực các nông trường quốc doanh, đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào toàn quân, toàn dân tham gia sản xuất lương thực; đặt rõ trách nhiệm cho các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học, bệnh viện, các hộ dân phi nông nghiệp ở các thành thị, phải tuỳ hoàn cảnh thực tế mà sản xuất tự túc một phần lương thực. Đi đôi với phát triển sản xuất, phải vận động toàn dân thực hiện triệt để tiết kiệm tiêu dùng lương thực. Mặt khác, phải tăng cường chỉ đạo công tác thu thuế, thu nợ và mua lương thực, bảo đảm Nhà nước nắm đại bộ phận lương thực hàng hoá để phân phối hợp lý, có kế hoạch và tổ chức cho các nhu cầu xã hội. Đồng thời phải tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ lương thực, trừng trị nghiêm khắc những bọn ăn cắp lương thực của Nhà nước trong các khâu giao nhận, vận chuyển, bảo quản và phân phối lương thực.
Điều 2: Việc phân phối lương thực trong khu vực Nhà nước phụ trách phải được quản lý thật chặt chẽ, chống mọi hiện tượng khai man nhân khẩu, vận dụng sai tiêu chuẩn để lĩnh lương thực quá mức Nhà nước quy định.
Trước mắt, trong tình hình lương thực chung có khó khăn, bắt đầu từ tháng 5 năm 1980 cho đên khi có lệnh mới, Nhà nước tạm thời điều chỉnh tiêu chẩn cung cấp lương thực cho một số đối tượng sau đây:
1. Trong khu vực cán bộ, công nhân, viên chức của Nhà nước:
- Đối với những người hiện nay đang được cấp theo tiêu chuẩn: 24 kg, 21 kg và 13 kg gạo một tháng, vì trước đây đã rút giảm nhiều, nay vẫn giữ mức cung cấp hiện hành.
- Đối với những người được cấp theo tiêu chuẩn hàng tháng: 16,5 kg, 17,5 kg, 18,5 kg, 19,5kg và 20,5 kg lương thực quy gạo nay tạm thời rút bớt mỗi tháng 1,5 kg.
2. Trong các lực lượng vũ trang:
Tinh thần chung là giữ mức cung cấp hiện nay cho những cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu, huấn luyện, sản xuất và bố phòng phục vụ sẵn sàng chiến đấu, đồng thời điều chỉnh rút bớt một phần tiêu chuẩn cung cấp cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở phía sau, hay chuyên làm các công việc hành chính trong quân đội, cũng như cho các đối tượng khác do ngành nội vụ quản lý. Bộ Lương thực và thực phẩm trao đổi thống nhất ngay với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ để đề nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra quyết định riêng về vấn đề này.
3. Đối với sinh viên, học sinh trung cấp chuyên nghiệp:
Hiện nay đang cấp mỗi tháng 17 kg lương thực quy gạo, nay rút bớt 1 kg còn 16 kg.
4. Đối với những người ăn theo trong gia đình cán bộ, công nhân, viên chức nhất là đối với trẻ em: Giữ mức cung cấp như hiện nay.
5. Đối với những người sản xuất (tập thể hay cá thể) có quan hệ và nghiêm chỉnh thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều với Nhà nước, từ trước tới nay vẫn được Nhà nước cùng cấp lương thực (như những người sản xuất tiểu thủ công, làm nghề cá, nghề muối, trồng rau ở vùng chuyên canh, trồng cây công nghiệp ở vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, v.v...), các Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện cần chỉ đạo các tổ chức kinh tế Nhà nước làm nhiệm vụ cung ứng và thu mua theo hợp đồng hai chiều rà soát lại cho chặt chẽ các đối tượng, các nhân khẩu cần được Nhà nước cung cấp lương thực, gắn chặt việc cung cấp lương thực với việc thu mua sản phẩm theo đúng hợp đồng đã ký, đồng thời giảm bớt một phần mức cung cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế về lực lượng lương thực của Nhà nước hiện nay. Trước mắt tạm rút bớt từ 10 đến 15% tuỳ từng đối tượng cụ thể (so với mức cung cấp hiện hành). Bộ Lương thực và thực phẩm sẽ hướng dẫn thực hiện.
6. Đối với những người làm các nghề buôn bán, dịch vụ, ăn uống hay sản xuất tự do, không có quan hệ kinh tế với Nhà nước, cơ quan lương thực không cung cấp lương thực theo tiêu chuẩn định lượng và theo giá chỉ đạo của Nhà nước như hiện nay đang thi hành ở một số thành phố, thị xã, thị trấn, mà sẽ tuỳ khả năng thực tế mà giải quyết một phần lương thực theo giá bảo đảm kinh doanh, Nhà nước không bù lỗ.
Bộ Lương thực và thực phẩm chỉ đạo các Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể cho các Uỷ ban nhân dân quận, huyên, khu phố chỉ đạo phối hợp các ngành lương thực, công an, dựa vào chính quyền, các đoàn thể và quần chúng tốt ở cơ sở (tiểu khu, phường, khóm, tổ dân phố) để xác định danh sách những người nằm trong diện quy định trên đây.
Riêng đối với những người thuộc các đối tượng cần được chiếu cố về mặt chính sách, và những hộ dân lao động nghèo ở thành thị, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần chỉ đạo ngành lương thực dựa vào chính quyền, đoàn thể ở cơ sở nắm chắc tình hình và quan tâm giải quyết lương thực cho họ theo đúng tinh thần nghị quyết số 25-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Điều 3: Các đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng, các Bộ, Tổng cục và các ngành trung ương có liên quan và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, phải hết sức coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, sử dụng các tổ chức thông tin, văn hoá, tuyên huấn và dựa vào các đoàn thể công đoàn, phụ nữ, thanh niên để tuyên truyền giải thích sâu rộng làm cho bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân thông suốt chính sách và tự giác chấp hành đúng.