QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi;
Căn cứ tờ trình số 1339/TTr-UB ngày 23 tháng 06 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Tờ trình số 07/TTr-BQL ngày 23 tháng 06 năm 2005; Văn bản số 488/BQL ngày 20 tháng 09 năm 2005 và Văn bản số 694/BQL ngày 18 tháng 11 năm 2005 của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8823/BKH-TĐ&GSĐT ngày 21 tháng 12 năm 2005 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước.
b) Phát triển Khu kinh tế Dung Quất nhằm mở rộng thị trường, từng bước hội nhập các nước trong khu vực và thế giới.
c) Xây dựng Khu kinh tế Dung Quất thành Khu kinh tế tổng hợp, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; trọng tâm là công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, hóa chất và một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có quy mô lớn và lợi thế đầu tư, khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất.
d) Phát triển Khu kinh tế Dung Quất phải đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.
đ) Tập trung xây dựng cơ sở vật chất toàn diện, đồng bộ và có tính bền vững cao; xây dựng đô thị mới hiện đại, văn minh. Áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách để phát triển các loại hình có lợi thế trong sản xuất, kinh doanh và các hoạt động đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất.
e) Cơ chế chính sách áp dụng tại Khu kinh tế Dung Quất phải thực sự ưu đãi và khuyến khích mạnh đầu tư trong và ngoài nước, bảo đảm tính ổn định lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật hiện hành và ngày càng hoàn thiện, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung:
- Tập trung đẩy mạnh việc đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất, trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, hóa chất, các ngành công nghiệp nặng, cảng biển nước sâu có quy mô lớn, theo hướng phát triển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.
- Đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất để cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai, sau năm 2010, các khu kinh tế này từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực miền Trung và cả nước.
- Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
b) Mục tiêu phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020:
- Những ngành, lĩnh vực được tập trung đầu tư phát triển tại Dung Quất:
+ Hoàn thành xây dựng và đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hoạt động sản xuất năm 2009; đồng thời, triển khai xây dựng một số nhà máy hóa dầu, hóa chất, hình thành cụm liên hợp lọc - hóa dầu, hóa chất khoảng 600 ha.
+ Xây dựng một số nhà máy công nghiệp nặng có quy mô lớn, gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất như Nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển giai đoạn II, Nhà máy luyện cán thép... Hình thành cụm liên hợp công nghiệp tàu thủy, cụm công nghiệp luyện cán thép.
+ Ưu tiên và thu hút mạnh các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu; tạo ra kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân trên 200 triệu USD/năm.
+ Đầu tư xây dựng và khai thác cảng nước sâu Dung Quất, gắn với ngành công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng.
+ Từng bước đầu tư phát triển và hình thành Khu đô thị Vạn Tường và Khu đô thị Dốc Sỏi.
+ Hoàn thành đầu tư và khai thác Khu du lịch Thiên Đàng; đầu tư phát triển một bước Khu du lịch sinh thái Vạn Tường.
+ Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, viễn thông, dịch vụ cảng...
- Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và dịch vụ tiện ích:
+ Hạ tầng kỹ thuật: xây dựng kè chắn cát và đê chắn sóng cảng Dung Quất; các tuyến giao thông trục chính, quan trọng; hệ thống cầu cảng cá và kè sông Trà Bồng; hệ thống cấp, thoát nước Khu công nghiệp phía Tây, Khu công nghiệp phía Đông. Từng bước đầu tư phát triển hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất theo Quyết định số 707/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 08 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Hạ tầng khu công nghiệp (KCN), dịch vụ, du lịch, nhà ở: Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Quảng Ngãi và Phân khu công nghiệp nhẹ, Cụm công nghiệp điện tử; Khu đô thị Dốc Sỏi, các khu chung cư cho cán bộ và công nhân, đô thị Khu trung tâm phía Bắc Vạn Tường và Khu dân cư - chuyên gia, các khu du lịch sinh thái.
+ Hạ tầng xã hội và môi trường: xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao; Trường phổ thông quốc tế; các công viên, lâm viên; Trung tâm phòng cháy, chữa cháy; các khu tái định cư; trụ sở làm việc của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất; Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp; khu xử lý chất thải rắn, hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải; trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện phát triển bền vững.
+ Tập trung phát triển và đáp ứng nguồn nhân lực: tiếp tục xây dựng, nâng quy mô và chất lượng đào tạo của Trường Đào tạo nghề Dung Quất.
c) Mục tiêu đầu tư phát triển theo từng giai đoạn:
- Giai đoạn 2006 - 2010:
+ Về thu hút đầu tư: tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng trên 5,5 - 6,0 tỷ USD; trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60% - 70%.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng trên 35.000 tỷ đồng.
+ Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 120 triệu USD/năm.
+ Thu ngân sách đạt khoảng trên 2.000 tỷ đồng vào năm 2010 (theo phương án Nhà máy lọc dầu hoàn thành và vận hành 100% công suất trước năm 2010).
+ Giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 - 20.000 lao động.
+ Hàng hóa qua cảng Dung Quất đạt khoảng 20 triệu tấn.
- Giai đoạn 2011 - 2015:
+ Về thu hút đầu tư: tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng trên 8 tỷ USD.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gấp hơn 1,6 lần năm 2010.
+ Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD/năm.
+ Giải quyết việc làm cho khoảng trên 30.000 - 40.000 lao động.
+ Hàng hóa qua cảng Dung Quất đạt trên 28 triệu tấn vào năm 2015.
- Dự báo mục tiêu phát triển đến năm 2020:
+ Về thu hút đầu tư: tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng trên 10 tỷ USD.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gấp hơn 2 lần năm 2010.
+ Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD/năm.
+ Giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động.
+ Hàng hóa qua cảng Dung Quất đạt khoảng 34 triệu tấn.
3. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
a) Về phát triển công nghiệp: tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu sau:
- Công nghiệp lọc dầu và hóa dầu - hóa chất:
+ Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào năm 2009, đạt công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; đồng thời, chuẩn bị hướng mở rộng việc đầu tư chế biến dầu chua.
+ Phát triển công nghiệp hóa dầu, hóa chất, bao gồm: Nhà máy Polypropylene, Nhà máy Cacbon Black, Nhà máy Sản xuất chất tẩy rửa, Nhà máy Sản xuất gas hóa lỏng, Nhà máy Sợi tổng hợp Polystyren, Nhà máy Sản xuất sôđa, Nhà máy Sản xuất hóa chất cơ bản, Nhà máy Sản xuất lốp cao su, Nhà máy Methyl Tetiary Butyl Etther, Nhà máy Sản xuất sợi tổng hợp, Nhà máy Sản xuất khí công nghiệp, Tổng kho xăng dầu. Tổng diện tích khoảng 350 - 400 ha; dự kiến vốn đầu tư khoảng 850 triệu USD - 1,0 tỷ USD.
- Công nghiệp cơ khí, luyện kim; hình thành cụm công nghiệp thép: sản xuất phôi thép và các sản phẩm từ thép; sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô; sản xuất động cơ xăng đa dụng, động cơ diesel, bồn chứa khí; sản xuất container và các loại thiết bị nặng...; phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy loại lớn, cùng các nhà máy phụ trợ để hình thành cụm công nghiệp liên hợp tàu thủy.
- Công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển sản xuất xi măng và bê tông, gốm sứ vệ sinh, tấm lợp trần và đồ nội thất bằng nhựa, ống nhựa PVC, các sản phẩm kết cấu thép xây dựng và trang trí nội thất.
- Công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thực phẩm: phát triển các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện - điện tử và các ngành chế biến sản phẩm từ nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ xuất khẩu....
b) Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, thương mại và dịch vụ, du lịch:
- Phát triển dịch vụ cảng biển và hình thành khu bảo thuế:
+ Tập trung phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển như hệ thống kho bãi, các cảng cạn, công nghiệp bốc xếp vận tải biển, vận tải biển gắn với cảng.
+ Phát triển Khu bảo thuế với các hoạt động chủ yếu được quy định tại Điều 8, khoản 1 Điều 9, Điều 10, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 11 trong Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến xây dựng Khu bảo thuế I với diện tích khoảng 200 ha gắn với cảng biển Dung Quất, Khu bảo thuế II với diện tích khoảng 200 ha gắn với phía Nam sân bay Chu Lai.
- Phát triển thương mại và dịch vụ: xây dựng một Trung tâm thương mại tại Khu đô thị Vạn Tường và Khu thương mại tại khu đô thị Dốc Sỏi. Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ tổng hợp như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm dịch vụ...
- Phát triển du lịch:
+ Phát triển các tuyến du lịch giữa Khu kinh tế Dung Quất với các khu vực khác; tạo ra nhiều loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, thăm quan di tích lịch sử, cách mạng.
+ Xây dựng các khu vui chơi, giải trí, điểm thăm quan du lịch; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất của ngành du lịch. Tập trung phát triển Khu du lịch Vạn Tường giai đoạn I (đến năm 2010) với diện tích 250 ha, Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng - Khe Hai với diện tích 170 ha.
c) Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản:
- Phát triển nông nghiệp với các ngành sản xuất hướng vào cung cấp nguyên liệu, rau quả, thực phẩm chất lượng cao cho Khu kinh tế Dung Quất. Đầu tư khai hoang, tạo quỹ đất sản xuất; xây dựng Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật, giống cho các hộ dân tái định cư và nhân dân trong vùng.
- Đẩy nhanh công tác trồng rừng phòng hộ và rừng chắn cát ven biển.
- Phát triển ngành thủy sản theo hướng áp dụng giống mới và công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp. Chú trọng tới giải pháp quy hoạch và có biện pháp bảo vệ tài nguyên biển trong khu vực.
- Tạo điều kiện giải quyết việc làm và nâng cao đời sống dân cư, nhất là các hộ dân tái định cư trong Khu kinh tế Dung Quất; từng bước mở rộng và phát triển các ngành, các lĩnh vực dịch vụ để góp phần chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu kinh tế cho dân cư trong Vùng.
d) Phát triển một số lĩnh vực xã hội:
- Đến năm 2010, tỷ lệ lao động có trình độ từ công nhân kỹ thuật trở lên chiếm 35% - 40% so với tổng số lao động của Khu Kinh tế và phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ từ 60% - 65%.
- Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực: đa dạng hóa các loại hình đào tạo; từng bước thành lập một số trường chuyên nghiệp và dạy nghề. Mở rộng, nâng cấp Trường Đào tạo nghề Dung Quất thành Trường Cao đẳng nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ. Có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các chuyên gia, cán bộ quản lý và lao động kỹ thuật giỏi đến làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất; cho phép nước ngoài mở trường phổ thông quốc tế....
- Tập trung xây dựng Bệnh viện quy mô 300 giường (giai đoạn I: 100 giường).
- Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm văn hóa - thể thao đa năng; khuyến khích và cho phép các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí theo quy định của pháp luật. Hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả Đài thu phát truyền hình Dung Quất.
- Xây dựng các công trình tiện ích xã hội như: trường phổ thông quốc tế, Trung tâm phòng cháy, chữa cháy, Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Lâm viên Vạn Tường, Công viên văn hóa Vạn Tường và các công trình xã hội, văn hóa khác.
đ) Xây dựng, phát triển điểm dân cư và đô thị:
- Khu đô thị Vạn Tường: xây dựng đô thị Vạn Tường trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ; được quy hoạch theo tiêu chuẩn hiện đại. Quy mô thành phố khoảng 2.400 ha, bao gồm các phân khu chức năng sau: Khu dân cư chuyên gia 178 ha, Khu trung tâm phía Bắc 180 ha, Khu trung tâm phía Nam 817 ha, Khu du lịch sinh thái 432 ha... Tại đây sẽ từng bước đầu tư phát triển các lĩnh vực như hạ tầng đô thị, nhà ở, các dịch vụ về y tế, giáo dục, tài chính, thương mại....
- Khu đô thị Dốc Sỏi: lập quy hoạch chi tiết và từng bước xây dựng hạ tầng đô thị Dốc Sỏi trở thành đô thị phụ trợ phía Tây Khu kinh tế Dung Quất, gắn với thị trấn Châu Ổ (huyện lỵ Bình Sơn).
- Hệ thống các khu dân cư: từ nay đến năm 2010, tiến hành triển khai đầu tư và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng cho 5 khu dân cư tập trung: Khu Tây Bắc thành phố Vạn Tường, Khu phía Đông sông Trà Bồng, Khu phía Tây sông Trà Bồng, Khu Dốc Sỏi và Khu Bình Thuận.
- Các khu nghĩa trang: chủ yếu mở rộng ở phía Tây Quốc lộ 1 và thí điểm xây dựng nghĩa trang nhân dân.
e) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:
- Phát triển cảng nước sâu Dung Quất:
Hệ thống cảng Dung Quất bao gồm Khu cảng Dầu khí, Khu cảng Tổng hợp, Khu cảng chuyên dùng, Khu cảng thương mại phục vụ cho Khu bảo thuế và cảng trung chuyển container quốc tế; các hạng mục khác như đê chắn sóng dài 1.600 m, kè chắn cát dài 1.700 m, kè sông Cửa Đầm và sông Trà Bồng, nạo vét khu quay tàu và luồng tàu và các dịch vụ phụ trợ, hậu cần cảng.
Cảng Dung Quất được đầu tư xây dựng để bảo đảm khối lượng hàng hóa thông qua khoảng 20 triệu tấn/năm vào năm 2010 và khoảng 34 triệu tấn/năm vào năm 2020.
+ Khu cảng Dầu khí: lượng hàng hóa thông qua là 6,1 triệu tấn dầu sản phẩm/năm và xây dựng 01 bến phao để nhập dầu thô cho tàu dầu có trọng tải từ 80.000 tấn - 110.000 tấn tại vịnh Việt Thanh.
+ Khu cảng Tổng hợp được chia thành 2 phân khu cảng: phân khu cảng Tổng hợp 1 ở ngay sau Khu cảng Dầu khí; đảm bảo cho các tàu có trọng tải từ 5.000 tấn - 50.000 tấn ra vào. Phân khu cảng Tổng hợp 2 ở phía Nam vịnh Dung Quất, bên tả sông Đập.
+ Khu cảng Chuyên dùng: gắn với Khu công nghiệp liên hợp tàu thủy, khu xây dựng Nhà máy Luyện cán thép và các Nhà máy Công nghiệp nặng.
+ Khu cảng Thương mại: phục vụ cho Khu bảo thuế và 01 cảng trung chuyển container quốc tế nằm tại vị trí giữa Khu cảng Chuyên dùng và Khu cảng Tổng hợp 2.
- Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt:
+ Đường bộ: từ nay đến năm 2010, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến đường đang triển khai đầu tư và các tuyến đường đã quy hoạch. Xây dựng đường Dung Quất nối với đường Hồ Chí Minh theo hướng Trà My - Trà Bồng - Bình Long - Ngã ba Nhà máy lọc dầu - cảng Dung Quất, quy hoạch và xây dựng tuyến đường Trị Bình - cảng Dung Quất, xây dựng tuyến đường ven biển Vạn Tường nối với tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh, xây dựng một số tuyến đường trục chính của đô thị Vạn Tường.
+ Đường sắt: xây dựng tuyến đường sắt nhánh nối cảng Dung Quất với tuyến đường sắt Bắc - Nam và Ga hàng hóa Trị Bình.
- Phát triển hệ thống cấp điện:
Nguồn cung cấp điện cho Khu kinh tế Dung Quất lấy từ lưới điện quốc gia 500/220 KV từ Pleiku (Gia Lai) và Cầu Đỏ (Đà Nẵng) dẫn đến trạm giảm áp chính trong khu vực 220/110 KV; từ các trạm này, điện 110 KV được dẫn đến các trạm 110/22 KV để cấp điện cho Khu kinh tế Dung Quất.
- Phát triển hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn:
+ Cấp nước: nguồn nước lấy từ Nhà máy nước Dung Quất; giai đoạn đầu công suất 15.000 m3/ngày đêm; tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng, nâng công suất để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Dung Quất.
Hoàn thành việc xây dựng hồ chứa Nước Trong và nghiên cứu xây dựng thêm các hồ chứa trên sông Trà Khúc để bổ sung nước cho Thạch Nham và cấp nước cho Khu kinh tế Dung Quất; phấn đấu công suất cấp nước đạt 115.000 m3/ngày đêm. Bảo đảm cấp nước sinh hoạt là 150 lít/người/ngày đêm, với tỷ lệ hộ được cấp nước sạch đạt 85%. Cấp nước cho công nghiệp khoảng từ 50 - 60 m3/ha/ngày.
+ Thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn: xây dựng hệ thống thoát nước thải được dẫn theo các trục đường phía Bắc, phía Đông, phía Nam thuộc các Khu công nghiệp phía Đông, phía Tây, Khu lọc, hoá dầu và hệ thống thoát nước của đô thị Vạn Tường. Xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp phía Đông, phía Tây và Khu lọc, hoá dầu và Khu đô thị Vạn Tường. Nước thải được quy hoạch tách riêng nước mưa, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp để xử lý. Các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A trước khi xả ra sông, biển. Quản lý và xử lý nước thải, chất thải rắn phải bảo đảm tiêu chuẩn về giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp:
Tập trung hoàn thành việc đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất từ 118 ha lên 170 ha; hạ tầng kỹ thuật Cụm liên hợp lọc, hóa dầu, hóa chất 600 ha; Phân khu Công nghiệp nặng 600 ha; Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Quảng Ngãi 133 ha; Phân khu Công nghiệp nhẹ 200 ha; Cụm công nghiệp công nghệ cao khoảng 100 ha đến năm 2010.
- Phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe điện....
g) Bảo vệ môi trường và phát triển công nghệ.
- Quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải cho từng cơ sở sản xuất và toàn Khu kinh tế Dung Quất. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm quan trắc - giám sát môi trường. Đầu tư trồng mới khoảng 4.000 ha rừng phòng hộ và tạo cảnh quan môi trường. Xây dựng quy chế và kiểm tra nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường. Xây dựng, tổ chức hệ thống quản lý môi trường gắn với hệ thống quan trắc môi trường quốc gia. Tăng cường năng lực quản lý môi trường; giám sát, quan trắc môi trường trong giai đoạn xây dựng và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng có hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện tốt việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đăng ký chất lượng sản phẩm.
4. Định hướng phát triển theo không gian
- Quy hoạch sử dụng đất của các phân khu chức năng: các khu công nghiệp, khu cảng và dịch vụ gắn với cảng, các khu bảo thuế, khu đô thị Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi, khu du lịch - dịch vụ, khu hành chính.
- Định hướng sử dụng đất đến năm 2010 và đến năm 2015:
Tổng diện tích quy hoạch phát triển Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 khoảng 10.300 ha. Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2006 - 2015, cụ thể như sau:
TT | Loại đất | Diện tích quy | Diện tích sử dụng đất đến năm 2010 | Diện tích sử dụng đất đến năm 2015 |
| | hoạch (ha) | Diện tích (ha) | Tỷ lệ % | Diện tích (ha) | Tỷ lệ % |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5)=(4/3) | (6) | 7=(6/3) |
| Tổng diện tích | 10.300,00 | | | | |
I | Đất quy hoạch đầu tư phát triển | 9.540,40 | 6.975,35 | 73,11 | 9.312,80 | 97,61 |
1 | Đất công nghiệp | 2.287,90 | 1.873,10 | 81,87 | 2.247,00 | 98,21 |
2 | Đất đô thị | 970,70 | 427,68 | 44,06 | 887,60 | 91,44 |
3 | Đất khu bảo thuế và khu phi thuế quan | 480,00 | 288,00 | 60,00 | 480,00 | 100,00 |
4 | Đất du lịch sinh thái | 767,00 | 388,00 | 50,59 | 692,00 | 90,22 |
5 | Đất đầu tư xây dựng cảng | 212,00 | 118,27 | 55,79 | 212,00 | 100,00 |
6 | Đất đồi núi và đất ven biển có khả năng PT trồng rừng phòng hộ | 3.800,00 | 3.000,00 | 78,95 | 3.800,00 | 100,00 |
7 | Đất phát triển các khu dân cư | 400,60 | 267,40 | 66,75 | 372,00 | 92,86 |
8 | Đất hạ tầng giao thông | 622,20 | 612,90 | 98,51 | 622,20 | 100,00 |
II | Đất khác | 759,60 | | | 759,60 | |
1 | Đất sản xuất nông nghiệp | 400,00 | | | 400,00 | |
2 | Đất các khu dân cư ổn định | 220 | | | 220 | |
3 | Đất ao, hồ, đầm | 139,6 | | | 139,6 | |
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng đất theo quy định tại Điều 18, Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Danh mục các công trình quan trọng và các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015
(Chi tiết xem Phụ lục kèm theo).
6. Nhu cầu, nguồn vốn và phân kỳ vốn đầu tư
a) Nhu cầu vốn đầu tư: ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 17.533 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn đầu tư, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, vốn huy động từ quỹ đất, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tổng hợp dự kiến các nguồn vốn đầu tư hạ tầng của Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn 2006 - 2015:
Đơn vị tính: Tỷ đồng.
TT | Giai đoạn đầu tư | Tổng cộng | Vốn NSNN và có nguồn gốc từ NSNN | Vốn của các doanh nghiệp |
1 | Giai đoạn 2006 - 2010 | 10.282 | 4.216 | 6.067 |
2 | Giai đoạn 2011 - 2015 | 7.250 | 2.058 | 5.192 |
| Tổng cộng | 17.533 | 6.274 | 11.259 |
Phân kỳ vốn ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015:
Đơn vị tính: Tỷ đồng.
| | Kế hoạch huy động các loại nguồn vốn | |
TT | Giai đoạn đầu tư | Vốn NSNN | Vốn ODA (Triệu USD ≈ Tỷ đồng) | Vốn từ quỹ đất | Vốn trái phiếu Chính phủ | Vốn tín dụng ưu đãi | Tổng cộng |
1 | Giai đoạn 2006 - 2010 | 1.549 | 62,5 ≈ 988 | 250 | 1.012 | 417 | 4.216 |
2 | Giai đoạn 2011 - 2015 | 855 | 10,0 ≈ 158 | 465 | 600 | | 2.058 |
| Tổng cộng | 2.384 | 72,5 ≈ 1.146 | 715 | 1.612 | 417 | 6.274 |
7. Giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện Quy hoạch
a) Giải pháp huy động vốn đầu tư:
- Dự kiến nguồn thu trên địa bàn đến năm 2010 khoảng trên 2.000 tỷ đồng; nguồn vốn này, ngân sách nhà nước sẽ cân đối cho đầu tư phát triển Khu kinh tế theo kế hoạch hàng năm. Trong những năm đầu, để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư, ngân sách nhà nước cấp bổ sung có mục tiêu hoặc tạm ứng vốn để đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ của Khu kinh tế Dung Quất.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vốn tại khu kinh tế cho một số lĩnh vực theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
- Huy động mọi nguồn vốn như: vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi, vốn quỹ đất,... để đầu tư đồng bộ và sớm hoàn thiện hạ tầng, tiện ích của Khu kinh tế với tốc độ cao và hiệu quả.
b) Giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển:
- Trước mắt, cần tập trung thể chế hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng cho Khu kinh tế được quy định tại các Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2005 và số 72/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 04 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ bằng các thông tư, hướng dẫn, phân cấp, ủy quyền của các Bộ, ngành trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để các cơ chế, chính sách này sớm phát huy trong thực tế.
- Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất nghiên cứu, xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định một số cơ chế, chính sách thí điểm phù hợp với yêu cầu phát triển Khu kinh tế Dung Quất trong từng giai đoạn, nhất là về quản lý đầu tư phát triển hệ thống cảng Dung Quất, các dự án cần áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt, cơ chế, chính sách thu hút nhân tài và huy động các nguồn lực cho phát triển khu kinh tế....
- Cho phép nhà đầu tư triển khai xây dựng cảng chuyên dùng gắn với các dự án đầu tư công nghiệp nặng có 100% vốn nước ngoài, để phục vụ mục tiêu dự án. Việc xây dựng cảng chuyên dùng, các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ trình tự, thủ tục và các điều kiện do pháp luật Việt Nam quy định.
- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà ở đối với chuyên gia và người lao động làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất.
Điều 2. Quy hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc điều chỉnh, lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác), các dự án đầu tư thuộc Khu kinh tế Dung Quất theo quy định.
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển Khu kinh tế Dung Quất nêu trong báo cáo Quy hoạch đã được phê duyệt chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch theo quy định:
a) Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết các khu chức năng; quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể và đồng bộ Khu kinh tế Dung Quất. Trước mắt, trong 2 năm 2006 - 2007 cần hoàn chỉnh các quy hoạch sau:
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất; trong đó, cần điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp phía Đông, Khu công nghiệp phía Tây, Khu đô thị Dốc Sỏi, trong phạm vi diện tích khoảng 10.300 ha, đảm bảo phù hợp với nội dung tại Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
- Lựa chọn tư vấn nước ngoài tham gia chỉnh lý và hoàn thiện Quy hoạch chi tiết Khu bảo thuế, Khu dịch vụ hậu cần cảng Dung Quất, Khu đô thị và Khu du lịch Vạn Tường.
- Triển khai xây dựng quy hoạch phát triển các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; Quy hoạch phát triển dịch vụ, thương mại; Quy hoạch lao động, đào tạo và sử dụng lao động.
b) Xây dựng Quy chế hoạt động của Khu bảo thuế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Các công trình, dự án đầu tư phát triển thuộc Khu kinh tế Dung Quất.
Điều 3. Giao các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp và hỗ trợ Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất triển khai các vấn đề: nghiên cứu lập, điều chỉnh, bổ sung các Quy hoạch nêu trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách thí điểm và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển Khu kinh tế Dung Quất trong từng giai đoạn để đảm bảo thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ và phướng hướng phát triển Khu kinh tế Dung Quất nêu trong báo cáo Quy hoạch và tại Quyết định này.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất và tác động cho sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.