Văn bản pháp luật: Quyết định 14/2006/QĐ-BGDĐT

Nguyễn Minh Hiển
Toàn quốc
Công báo số 09 & 10 - 05/2006;
Quyết định 14/2006/QĐ-BGDĐT
Quyết định
23/05/2006
25/04/2006

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp

Bộ trưởng
2.006
Bộ Giáo dục và Đào tạo

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra

trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp


BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; Viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học có đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp đào tạo trình độ thạc sĩ; Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


QUY ĐỊNH

Vể tổ chức và hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học,

trường trung cấp chuyên nghiệp

(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2006/QĐ-BGDĐT ngày 25/04/2006

của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức thực hiện hoạt động của thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp.

2. Văn bản này áp dụng đối với:

a) Cơ sở giáo dục đại học bao gồm: các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng; viện nghiên cứu khoa học được Thủ tướng Chính phủ giao đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với các trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ (sau đây gọi tắt là viện);

b) Trường trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 2. Chức năng của Thanh tra

Thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp là tổ chức thanh tra nội bộ, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra (sau đây gọi chung là thanh tra) trong phạm vi quản lý của Hiệu trưởng nhằm bảo đảm việc thi hành pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động thanh tra

1. Hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

2. Khi tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải tuân theo quy định của pháp luật về thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Điều 4. Hình thức hoạt động thanh tra

Hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp được tiến hành theo hai hình thức:

1. Thanh tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm do Hiệu trưởng phê duyệt và được thông báo trước cho đối tượng thanh tra, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Hiệu trưởng giao.

Điều 5. Yêu cầu đối với công tác thanh tra

1. Hoạt động thanh tra phải khẳng định được những ưu điểm, thành tích, những việc làm đúng để phát huy; phòng ngừa, phát hiện để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những khuyết điểm, sai phạm.

2. Qua hoạt động thanh tra đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những chính sách, quy định về giáo dục không phù hợp với thực tế.

Điều 6. Quan hệ công tác

1. Tổ chức thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng, đồng thời chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ công tác của cơ quan Thanh tra cấp trên. Đối với các đại học, tổ chức thanh tra hoặc cán bộ làm công tác thanh tra của trường thành viên chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ công tác của tổ chức thanh tra đại học.

2. Tổ chức thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Ban chấp hành công đoàn trường hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho ban Thanh tra nhân dân cùng cấp.

Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA THANH TRA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC,

TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Điều 7. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra

1. Tổ chức thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp được quy định như sau: các đại học tổ chức ban Thanh tra; các viện, học viện, trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp tổ chức phòng Thanh tra hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra.

2. Ban (phòng) Thanh tra có Trưởng ban (phòng) Thanh tra, Phó Trưởng ban (phòng) Thanh tra và một số cán bộ làm công tác thanh tra. Nhiệm kỳ của Trưởng ban (phòng), Phó Trưởng ban (phòng) Thanh tra theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng ban (phòng) Thanh tra do Hiệu trưởng quyết định. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Trưởng ban (phòng) Thanh tra do Hiệu trưởng quyết định theo đề nghị của Trưởng ban (phòng) Thanh tra.

3. Trưởng ban (phòng), Phó Trưởng ban (phòng) Thanh tra có thể là chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Cán bộ làm công tác thanh tra có thể là chuyên trách, kiêm nhiệm hoặc là cộng tác viên, được tuyển chọn từ những người có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý, có năng lực xem xét, kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý sau thanh tra.

Điều 8. Nhiệm vụ của tổ chức thanh tra

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục.

2. Thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế đào tạo, quy chế thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ; việc thực hiện các quy định về giáo trình, bài giảng; việc quản lý tài chính, tài sản, khoa học công nghệ, công tác tổ chức cán bộ và điều kiện cần thiết khác đảm bảo chất lượng giáo dục.

3. Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực giáo dục trong nhà trường theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật về chồng tham nhũng.

5. Báo cáo, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về công tác thanh tra; kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về giáo dục; đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về giáo dục.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng ban (phòng) Thanh tra, cán bộ làm công tác thanh tra

1. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng ban (phòng) Thanh tra

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm, trình Hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

b) Trình Hiệu trưởng ký quyết định thanh tra.

c) Kiến nghị Hiệu trưởng đình chỉ hoạt động thanh tra, xem xét lại kết luận thanh tra trái pháp luật của tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của Hiệu trưởng.

d) Lãnh đạo ban (phòng) Thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ làm công tác thanh tra

Đối với những cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp không có phòng thanh tra thì cán bộ làm công tác thanh tra có trách nhiệm thực hiện các quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn thanh tra nội bộ

Đoàn thanh tra nội bộ là Đoàn thanh tra được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng.

1. Khi tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra nội bộ có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

a) Xuất trình quyết định thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình bằng văn bản những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

b) Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;

c) Báo cáo người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;

d) Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị Hiệu trưởng đình chỉ hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo, nếu xét thấy không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc trái với quy định pháp luật về giáo dục.

2. Trong quá trình thanh tra, thành viên của Đoàn thanh tra nội bộ có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra;

b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình bằng văn bản những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

c) Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng các biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

d) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung báo cáo.

Điều 11. Quyền lợi của cán bộ làm công tác thanh tra

Trưởng ban (phòng), Phó Trưởng ban (phòng) Thanh tra được hưởng phụ cấp chức vụ như Trưởng ban (phòng), Phó Trưởng ban (phòng) khác của đơn vị.

Cán bộ làm công tác thanh tra được học tập, bồi dưỡng và tự học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra; được trang bị phương tiện làm việc; được tạo điều kiện thời gian, cơ sở vật chất và tài chính để hoàn thành nhiệm vụ thanh tra.

Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA HIỆU TRƯỞNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ,
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN

Điều 12. Trách nhiệm của Hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra; theo dõi tiến độ thực hiện; ra quyết định thanh tra, văn bản kết luận thanh tra và các quyết định có liên quan sau thanh tra; quy định phụ cấp cho cán bộ làm công tác thanh tra theo quy chế chi tiêu nội bộ; chỉ đạo các bộ phận liên quan trong trường tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất và tài chính để thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết luận thanh tra, Hiệu trưởng có trách nhiệm:

a) Xem xét kết luận thanh tra để xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật;

b) Yêu cầu tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;

3. Báo cáo Thanh tra cấp trên về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Điều 13. Trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Đơn vị, tổ chức, cá nhân đang là đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra.

2. Đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu được xác định trong quá trình thanh tra và trong kết luận thanh tra.

3. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp.

Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Chế độ khen thưởng

Tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của Đoàn thanh tra có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) Cố ý kết luận sai sự thật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật;

b) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra;

c) Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.

2. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc liên quan có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, chiếm đoạt, thủ tiêu tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra;

b) Chống trả, cản trở, mua chuộc, trả thù người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra;

c) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra;

d) Vu cáo, vu khống đối với người làm công tác thanh tra./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16131&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận