Văn bản pháp luật: Quyết định 143/2002/QĐ-UB

Phan Văn Vượng
Hà Nội
STP thành phố Hà Nội ;
Quyết định 143/2002/QĐ-UB
Quyết định
15/11/2002
31/10/2002

Tóm tắt nội dung

Ban hành "Quy chế về hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội"

Phó Chủ tịch
2.002
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Ban hành "Quy chế về hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân

trên địa bàn Thành phố Hà Nội"

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hộ đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật Thương mại ban hành 1997, Luật doanh nghiệp ban hành năm 1999;

Căn cứ Nghị định số 11/1999/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/3/1999 về "Hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hoá, dịch vụ thương mại chế biến kinh doanh, kinh doanh có điều kiện";

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về hoạt động kinh doanh ăn uống bình dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

 

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

                   

          

QUY CHẾ

Về hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân

trên địa bàn Thành phố Hà Nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 143/QĐ-UB ngày 31 tháng 10 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân Thành phố)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định điều kiện, trách nhiệm của cơ sở có hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

 

Điều 2. Hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân là những hoạt động chế biến, bán các sản phẩm ăn, uống với kỹ thuật và công nghệ chế biến đơn giản, được thực hiện tại các cơ sở ăn, uống bình dân ổn định, giá bán phù hợp khả năng thanh toán của đại bộ phận khách hàng.

 

Điều 3. Cơ sở kinh doanh ăn, uống bình dân bao gồm: Các cửa hàng, nhà hàng, quán hàng, quầy hàng có hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân.

 

Điều 4. Quy chế này không áp dụng đối với các nhà ăn tập thể, căng tin phục vụ nội bộ.

 

Điều 5. Chủ cơ sở kinh doanh ăn, uống bình dân phải nghiêm chỉnh thực hiện Quy chế này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

 

CHƯƠNG II

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH ĂN UỐNG BÌNH DÂN

Điều 6 Về đăng ký kinh doanh: Cơ sở hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề ăn, uống.

 

Điều 7. Về địa điểm kinh doanh:

1- Đúng địa điểm được cấp có thẩm quyền quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2- Xa khu vệ sinh công cộng, bãi chứa rác thải, xa nơi sản xuất có thải nhiều bụi, chất độc hại dễ lây nhiễm bệnh, nơi bị đọng nước và các chất ô nhiễm khác. Cơ sở ăn, uống bình dân trong chợ phải được bố trí thành khu vực riêng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, môi trường, nước sạch và xử lý rác thải.

3- Nghiêm cấm sử dụng vỉa hè, lòng đường và những nơi công cộng để kinh doanh ăn, uống trái phép.

 

Điều 8. Về trang thiết bị nơi kinh doanh ăn, uống và dụng cụ ăn, uống:

1- Có mái che, tường vách ngăn, ánh sáng, âm thanh bảo đảm thuận tiện phục vụ khách hàng.

2- Sàn, tường, trần nhà được lát phẳng, dễ cọ rửa, lau chùi, làm vệ sinh.

3- Các trang thiết bị và dụng cụ phục vụ phải thường xuyên đảm bảo sạch sẽ, khô ráo.

 

Điều 9. Về vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ:

1- Có hệ thống nước sạch bảo đảm chế biến, kinh doanh ăn, uống

2- Có hệ thống thoát nước thải thông thoát, hợp vệ sinh

3- Thùng chứa rác thải phải có nắp đậy. Rác thải phải được chuyển đi hàng ngày không để ứ đọng, lưu cữu.

4- Phải thường xuyên tổng vệ sinh, giữ gìn vệ sinh trong và ngoài khu vực kinh doanh ăn, uống. Nghiêm cấm đổ ăn thừa vào cống rãnh, ra hè đường phố.

5- Có đủ phương tiện đảm bảo phòng chống cháy, nổ, giữ gìn trận tự an toàn xã hội theo qui định của Công an thành phố Hà Nội.

 

Điều 10. Về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm:

1- Nơi chế biến, nơi phục vụ khách ăn, uống phải sạch sẽ, thoáng mát có quạt máy hoặc hệ thống thông gió, khử mùi.

2- Chỉ được sử dụng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh án toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho khách hàng. Nghiêm cấn sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất ngọt tổng hợp không quy định trong danh mục của ngành Y tế.

 

Điều 11. Về người kinh doanh:

1- Chủ cơ sở kinh doanh, người trực tiếp chế biến và người phục vụ phải có chứng nhận về sức khoẻ, tham gia lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; định kỳ hàng năm phải đi khám, xét nghiệm theo quy định của ngành Y tế.

2- Người bị bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm không được tham gia chế biến thức ăn, uống, tiếp xúc với khách hàng.

 

CHƯƠNG III

QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ

CƠ SỞ KINH DOANH ĂN, UỐNG BÌNH DÂN

Điều 12. Trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh ăn, uống đối với khách hàng:

1- Đảm bảo thực hiện các quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

2- Có niêm yết gía công khai, bán đúng giá niêm yết.

3- Có thái độ văn minh, lịch sự khi giao tiếp với khách hàng.

4- Nghiêm cấm hành vi giành giật khách hàng, lừa dối hoặc bắt chẹt khách hàng.

5- Sắp xếp chỗ để xe cho khách, đảm bảo an ninh trận tự an toàn giao thông khu vực.

6- Phải bồi thường toàn bộ chi phí cho khách hàng nếu việc kinh doanh,phục vụ ăn, uống gây thiệt hại đến khách hàng

 

Điều 13. Trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh ăn, uống đối với nhân viên, người phục vụ:

1- Phải ký hợp đồng thuê lao động với nhân viên, người phục vụ; Phải chấp hành các quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan

2- Cử nhân viên, người phục vụ tham dự đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn do ngành Thương mại tổ chức.

3- Thường xuyên giáo dục, nhắc nhở nhân viên, người phục vụ về trách nhiệm, thái đội phục vụ khách hàng. Kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong kinh doanh giữa khách hàng và người phục vụ, không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn, phức tạp.

 

Điều 14. Trách nhiệm của chủ cơ sở kinh ăn, uống đối với cơ quan chức năng Nhà nước:

1- Phải chấp hành quy định của UBND Thành phố và hướng dẫn của nghành Thương mại, ngành Thuế đối với việc kinh doanh ăn, uống bình dân,

2- Phải chấp hành quy định của ngành Y tế, ngành quản lý Môi trường về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ gìn bảo vệ môi trường. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có ngộ độc, chủ cơ sở hoặc người phát hiện có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan y tế gần nhất; phải lưu giữ thức ăn, uống nghi ngờ gây ngộ độc để cơ quan y tế kịp thời xác minh làm rõ nguyên nhân.

3- Phải chấp hành quy định của ngành Công an, Giao thông – Công chính về phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự xã hội, an toàn giao thông đô thị.

4- Phải chấp hành các quy định của ngành Văn hoá Thông tin về treo biển quảng cáo, sử dụng sản phẩm văn hoá phục vụ kinh doanh ăn, uống, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng. Nghiêm cấm đặt biển quảng cáo ra hè, đường phố.

5- Phải chấp hành các quy định của UBND phường, xã, thị trấn về bảo đảm trật tự, văn minh thương mại trên địa bàn. Có bản cam kết với UBND phường, xã, thị trấn thực hiện các quy định của Quy chế này.

6- Phải báo cáo việc thực hiện Quy chế này với đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ hoặc đột xuất.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Sở Thương mại chịu trách nhiệm:

1- Phối hợp với UBND quận, huyện:

a- Tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra thực hiện Quy chế này.

b- Hướng dẫn, mở lớp tập huấn bồi dưỡng chủ cơ sở kinh doanh và nhân viên phục vụ ăn, uống bình dân thực hiện các quy định của Quy chế.

2- Định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo, đề xuất với UBND Thành phố về thực hiện Quy chế.

 

Điều 16. Công an Thành phố, Sở Giao thông-Công chính phối hợp với UBND quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng thuộc ngành giải toả các cơ sở ăn, uống bình dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, những nơi công cộng, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

 

Điều 17. Các ngành: Y tế, Thuế, Môi trường, Văn hoá Thông tin phối hợp với UBND quận, huyện chịu trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định của ngành đối với các cơ sở kinh doanh ăn, uống bình dân ở địa phương; xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm quy định hiện hành.

 

Điều 18. UBND quận, huyện chịu trách nhiệm lập danh sách, đánh giá phân loại cơ sở kinh doanh ăn, uống bình dân thuộc địa bàn quản lý; phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; Có kế hoạch bố trí, sắp xếp và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh ăn, uống bình dân trên địa bàn nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu văn minh thương mại.

 

Điều 19. Chủ cơ sở kinh doanh ăn, uống bình dân vi phạm các quy định của Quy chế này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20143&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận