UBND tỉnh Cộng hoà Xã hội Chủ NGhĩa Việt NAMQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Về việc ban hành quy định về trách nhiệm và
quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác
quản lý thị trường thuốc tân dược, thuốc đông dược dùng cho người trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.
Căn cứ Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 11/7/1989.
Căn cứ Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân ngày 13/10/1993 .
Căn cứ Quyết định số: 96/TTg ngày 18/2/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành qui chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và hành vi kinh doanh trái phép.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường thuốc tân dược, thuốc đông dược dùng cho người trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số: 433/QĐ-UB ngày 08/3/1996 của UBND tỉnh Vĩnh Phú.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thủ trưởng các Sở, ban, ngành. Chủ tịch UBND các huyện, thành thị căn cứ quyết định thi hành.
QUY ĐỊNH
Về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa
các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường thuốc
tân dược, thuốc đông dược dùng cho người trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1450/1998/QĐ - UB ngày 15/7/1998 của UBND tỉnh Phú Thọ).
CHUƠNG I : QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
1. Thuốc tân dược ,thuốc đông dược gọi chung là thuốc bao gồm: những nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hoá dược, sinh học hoặc động, thực vật, khoáng vật được bào chế để dùng cho người .
2. Quản lý thị trường thuốc dùng cho người được qui định trong văn bản này bao gồm quản lý các hình thức hoạt động: sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối và tồn trữ thuốc tân dược thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc. Thuốc đông dược dùng cho người gọi chung là sản xuất, kinh doanh (SXKD) thuốc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 2: Nghiêm cấm:
1 . Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động SXKD thuốc dùng cho ngưòi trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Các tổ chức, tập thể, cá nhân có chức năng SXKD thuốc:
- Khai thác nguyên liệu làm thuốc, thành phẩm, bán thành phẩm, tân dược và đông dược không rõ nguồn gốc, chưa được Bộ Y tế cấp số đăng ký hoặc đã rút số đăng ký, mất nhãn, nhập lậu, kém phẩm chất, quá hạn dùng, giả mạo dưới mọi hình thức.
- Quảng cáo dưới mọi hình thức các thuốc phải kê đơn và bán theo đơn; quảng cáo không đúng tính năng- tác dụng của thuốc.
- Sử dụng trái phép kiểu dáng, mẫu mã, bao bì, và nhãn hiệu thương phẩm các loại thuốc dùng cho người.
- Kinh doanh quá phạm vi giấy phép qui định, cho thuê, mượn bằng cấp chuyên môn, giấy chứng nhận, giấy phép kinh doanh.
3. Cán bộ, nhân viên trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân bán thuốc trái phép, hoặc vừa khám bệnh kê đơn vừa bán thuốc (trừ cơ sở hành nghề YHCT tư nhân).
4. Cán bộ y, dược trong các cơ sở khám, chữa bệnh, SXKD thuốc Nhà nước và tư nhân thoả thuận, lợi dụng việc kê đơn thuốc để mua, bán thuốc sai qui chế; đặc biệt là các thuốc có chứa chất gây nghiện và tiền chất ma tuý, để thuốc lưu hành trái phép.
5. Các cơ sở kinh doanh thuốc dùng cho người: kinh doanh bất kỳ một loại thuốc nào khác không dùng cho người hoặc hàng hoá khác.
Các cơ sở kinh doanh thuốc thú y hoặc không có chức năng SXKD thuốc: kinh doanh thuốc dùng cho người.
Điều 3: Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến SXKD thuốc (kể cả trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải thực hiện đúng các quy định trong văn bản này và các qui định khác của pháp luật hiện hành có liên quan.
CHƯƠNG II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ.
Điều 4: Sở Y tế có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt, cấp, thu hồi hoặc làm thủ tục đề nghị Bộ Y tế xét duyệt, cấp, thu hồi giấy chứng nhận thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân theo thẩm quyền.
2. Thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước về y tế và chỉ đạo các trung tâm Y tế huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra - phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm khắc những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực SXKD thuốc theo thẩm quyền.
3. Quản lý Nhà nước về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và là cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cao nhất của tỉnh kết luận về chất lượng thuốc và nguyên liệu làm thuốc (trừ việc kiểm nghiệm vacxin do Trung ương đảm nhiệm).
4. Chủ trì phối hợp với cấp huyện, các ngành có chức năng tổ chức thanh, kiểm tra các hoạt động SXKD thuốc đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
5. Thực hiện và chỉ đạo các đơn vị y tế thuộc quyền quản lý phối hợp với các ngành Văn hoá, các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, truyền hình) thường xuyên tổ chức học tập, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân về chính sách y tế và SXKD thuốc để nhân dân biết, chấp hành, cùng tham gia giám sát và quản lý.
Điều 5: Ngành Thương mại và Du lịch có trách nhiệm:
- Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường phối hợp với cơ quan Công an và ngành Y tế xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý các hoạt động SXKD thuốc bất hợp pháp trên địa bàn.
Điều 6: Công an tỉnh có trách nhiệm:
1. Thực hiện và chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo nội dung ghi ở khoản 4, Điều 4 và nội dung Điều 5, trong văn bản này.
2. Chủ trì phối hơp với Sở Thương mại và Du lịch, Sở Y tế để xây dựng kế hoạch, phương án tiến hành điều tra, truy quét, triệt phá và xử lý nghiêm minh các ổ, nhóm, cá nhân SXKD thuốc trái phép, thuốc nhập lậu, thuốc giả, lưu hành thuốc trái phép.
Điều 7: Thanh tra Nhà nước tỉnh có trách nhiệm:
Thực hiện và chỉ đạo Thanh tra của các ngành, các cấp có liên quan tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động SXKD thuốc dùng cho người của tổ chức, cá nhân và thanh tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước, các lực lượng có chức năng quản lý thị trường thuốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật trong cơ quan và lực lượng đó.
Điều 8: Ngành Văn hoá Thông tin các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh có trách nhiệm:
- Thực hiện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và chỉ đạo cấp dưới tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo nội dung ghi tại khoản 5, Điều 4 trong văn bản này. Chỉ cho phép việc thông tin, quảng cáo các nội dung có liên quan đến SXKD thuốc sau khi có ý kiến của cơ quan y tế có thẩm quyền về nội dung đó.
Điều 9: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có trách nhiệm:
Phổ biến đến các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh để chấp hành nghiêm túc các quy định trong văn bản này và các quy định khác của pháp luật Nhà nước có liên quan, đồng thời tham gia phối hợp với các cơ quan có liên quan trong tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những trường hợp hoạt động SXKD thuốc trên thị trường có liên quan tới tổ chức, cá nhân trong lực lượng vũ trang.
Điều 10: UBND huyện, thành, thị có nhiệm vụ:
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với thị trường thuốc trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
2. Chỉ đạo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp; xây dựng kế hoạch, phương án triển khai, tiến hành thường xuyên công tác thanh, kiểm tra thị trường thuốc trên địa bàn, phát hiện, xử lý triệt để, nghiêm minh những đối tượng SXKD thuốc trái phép, thuốc giả, thuốc nhập lậu, nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương thị trường thuốc ở địa phương.
3. Tổ chức công tác học tập, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực SXKD.
4. Định kỳ 6 tháng báo cáo UBND tỉnh (trừ trường hợp đặc biệt phải báo cáo đột xuất) và thông báo cho sở Y tế biết tình hình hoạt động SXKD thuốc và kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường thuốc trên địa bàn.
Điều 11: UBND xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ:
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với thị trường thuốc ở địa phương. Chỉ đạo trạm y tế xã mua thuốc theo đúng qui định của ngành Y tế.
2. Xây dựng, đầu tư vốn thuốc cho trạm y tế xã đủ năng lực hoạt động, cung ứng thuốc phục vụ tốt công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, góp phần ổn định trật tự thị trường thuốc địa phương.
3. Tổ chức kiểm tra, phát hiện, xừ lý kịp thời, kiên quyết những trường hợp SXKD thuốc trái phép theo thẩm quyền qui định. Trường hợp vượt quá thẩm quyền kiểm tra, xử lý thì báo cáo UBND và cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp, xem xét. giải quyết.
CHƯƠNG III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12: Khen thưởng và xử lý vi phạm:
- Tập thể, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện, chấp hành tốt các quy định trong văn bản này và các quy định khác của pháp luật Nhà nước có liên quan đến việc SXKD thuốc sẽ được khen thưởng kịp thời, thích đáng.
- Tuỳ theo mức độ vi phạm những qui định trong văn bản này và pháp luật có liên quan thì bị xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân:
+ Không chấp hành đúng các qui định, cản trở người thi hành công vụ.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; thiếu tinh thần trách nhiệm; bao che các hành vi vi phạm.
Điều 13: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp có trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện nghiêm túc các quy định trong văn bản này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến SXKD thuốc nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương thị trường thuốc dùng cho người trên địa bàn.
Trong quá trình tổ chức thực hiện những quy định trên, có điểm gì vướng mắc hoặc không phù hợp, yêu cầu các tổ chức, ban, ngành, các cấp chính quyền báo cáo để UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ xung kịp thời.