VỀ VIỆC BAN HÀNH THỂ LỆ THANH TOÁN BẰNG SÉC ĐỊNH MỨC
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 53-HĐBT ngày 26-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 80-HĐBT ngày 27-5-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc bổ sung Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
- Ban hành kèm theo quyết định này thể lệ thanh toán bằng séc định mức.
Điều 2.
- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1990, thay thế những quy định về séc định mức; séc bảo chi ban hành theo Quyết định số 5-NH/QĐ ngày 24-6-1987; Chỉ thị số 10-NH/CT ngày 21-1-1989; Chỉ thị số 138-NH/CT ngày 10-10-1989 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương về vấn đề trên.
Điều 3.
- Các đồng chí Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chuyên doanh khu vực, tỉnh, thành phố, đặc khu, quận, huyện, thị xã, Trưởng phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
THỂ LỆ
THANH TOÁN BẰNG SÉC ĐỊNH MỨC
(Ban hành theo Quyết định số 146-NH/QĐ ngày 1-11-1989
của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Điều 1.
- Séc định mức là một loại séc thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền in và nhượng bán cho các đơn vị, cá nhân sử dụng trong phạm vi số tiền đã ký gửi vào một tài khoản riêng ở Ngân hàng. Séc định mức chỉ được thanh toán chuyển khoản, không được rút tiền mặt. Người phát hành trả thẳng cho đơn vị, cá nhân có tên ghi trên séc, không được chuyển nhượng cho người thứ ba.
Điều 2
. - Séc định mức áp dụng đối với các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đã có tài khoản thanh toán ở Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chuyên doanh thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước (dưới đây gọi chung là chủ tài khoản) dùng để thanh toán hàng hoá, dịch vụ, trả nợ trong phạm vi cả nước. Đối với khách hàng của các Ngân hàng ngoài hệ thống Ngân hàng Nhà nước, việc áp dụng séc định mức sẽ có hướng dẫn riêng của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.
Điều 3.
- Séc định mức được xác định trên từng tờ séc có in sẵn số tiền là 500 ngàn; 1 triệu; 2 triệu; 5 triệu; 10 triệu; 20 triệu; 50 triệu và 100 triệu đồng. Việc in và đưa vào sử dụng sẽ được thực hiện dần theo nhu cầu thực tế cần thiết.
Điều 4.
- Thời hạn hiệu lực sử dụng và thời hạn hiệu lực thanh toán của tờ séc định mức là sáu tháng kể từ ngày nhận ở Ngân hàng mở tài khoản đến ngày nộp vào Ngân hàng phục vụ người bán. Hết thời hạn này chủ tài khoản phải đưa đến Ngân hàng mở tài khoản để đổi séc mới hoặc nộp lại Ngân hàng.
Điều 5.
- Séc hợp lệ là séc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ấn hành. Các yếu tố trong tờ séc được ghi đầy đủ, rõ ràng, không viết bằng mực đỏ, bút chì, không tẩy xoá, sửa chữa; chữ ký người cầm séc mua hàng ký lúc nhận séc và lúc trả séc phải giống nhau; còn thời hạn thanh toán và hiệu lực sử dụng. Những tờ séc thiếu hoặc trái một trong những quy định trên đều bị coi là séc không hợp lệ.
Điều 6.
- Chủ tài khoản muốn sử dụng séc phải thực hiện những điều kiện dưới đây:
a) Mở tài khoản "Tiền gửi séc Định mức" và chuyển vốn hoặc nộp tiền mặt để lưu ký vào tài khoản đó để được ngân hàng nhượng séc theo số tiền tương ứng. Số tiền lưu ký này không được hưởng lãi.
b) Đăng ký chữ ký của Chủ tài khoản và những người được uỷ quyền ký séc tại Ngân hàng mở tài khoản.
Điều 7.
- Chủ tài khoản chịu trách nhiệm về những thiệt hại do mất séc hoặc vi phạm thể lệ thanh toán bằng séc định mức. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 8.
- Người nhận séc phải kiểm tra chặt chẽ để phát hiện và loại trừ ngay những tờ séc không hợp lệ. Nếu có séc giả mạo người nhận séc phải báo ngay cho thủ trưởng đơn vị biết để có biện pháp kịp thời bắt giữ kẻ gian.
Điều 9.
- Người chủ mưu và người thực hiện các séc giả mạo, sửa chữa, huỷ séc để phi tang, mắc ngoặc buôn bán séc để kiếm lãi gây thiệt hại tài sản Nhà nước, tập thể và công dân sẽ bị truy tố trước pháp luật theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
Điều 10
- Trách nhiệm Ngân hàng trong việc tổ chức thanh toán séc định mức :
a) Tổ chức quản lý, theo dõi chặt chẽ việc in, nhượng bán, dự trữ, bảo quản séc định mức như bảo quản tiền mặt.
b) Phát hiện và từ chối thanh toán những tờ séc không hợp lệ. Nếu phát hiện séc giả mạo, Ngân hàng phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để bắt giữa hoặc truy tìm kẻ gian.
c) Tổ chức thanh toán kịp thời chính xác các tờ séc hợp lệ của khách hàng nộp vào Ngân hàng.
d) Trường hợp thanh toán chậm trễ, gây thiệt hại về vốn cho đơn vị hưởng séc, Ngân hàng phải chịu phạt tiền theo tỷ lệ phạt chậm trả hiện hành để chuyển cho đơn vị hưởng. Tiền phạt trừ vào lợi nhuận để lại của Ngân hàng cơ sở liên quan.
Điều 11.
- Trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng không hết tiền lưu ký, chủ tài khoản được yêu cầu Ngân hàng chuyển vốn lưu ký còn lại về tài khoản thanh toán của mình. Chủ tài khoản phải nộp lại Ngân hàng những tờ séc chưa sử dụng. Nếu chủ tài khoản bị mất séc, việc chuyển tiền lưu ký về tài khoản thanh toán chỉ được thực hiện sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày hết hạn, hiệu lực sử dụng séc quy định mức quy định ở điều 4.