quyết định của UBND tỉnh Nghệ An QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Về việc ban hành một số quy định
về quản lý và xử lý tài sản tịch thu sung công quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;
Căn cứ Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành"Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung công quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hưũ Nhà nước";
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá tại Tờ trình số 1687 ngày 26/11/1999,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung công quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2000, những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH TỊCH THU SUNG CÔNG QUỸ NHÀ NƯỚC VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 156/1999/QĐ.UB ngày 22/12/1999 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Bản quy định này cụ thể hóa một số nội dung tại Quyết định 1766/1998/QĐ/BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung công quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Những nội dung về quản lý, xử lý tài sản tịch thu không nêu trong những bản quy định này thì thực hiện như quy định tại quyết định 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998; Thông tư 09/TT-BTC ngày 20/1/1998 của Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Nông nghiệp và PTNT số 102/1999/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 21/8/1999.
Điều 2: Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khi tịch thu sung công quỹ Nhà nước hoặc xác lập uqyền sở hữu Nhà nước.
2.1. Phải lập đầy đủ, chính xác nội dung hồ sơ theo quy định của pháp luật.
2.2. Phải cân đo, đong, đếm chính xác và xác địng chất lượng, tình trạng cụ thể của tài sản tịch thu, đồng thời phải đánh số thứ tự hoặc ký mã hiệu tài sản tịch thu theo quy định của ngành chuyên môn một cách thống nhất giữa tài sản và hồ sơ.
2.3. Phải bảo quản tài sản chu đáo, khoa học theo quy định của Nhà nước để tránh hư hỏng, mất mát và thuận lợi khi xử lý.
Điều 3: Các cơ quan quản lý Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc ghi chép hồ sơ và bảo quản tài sản để kịp thời bổ cứu những sai sót hoặc xử lý những hành vi tiêu cực làm thất thoát, hư hỏng tài sản Nhà nước.
Điều 4: Các cơ quan quản lý Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ thực hiện ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu và xác lập quyền sở hữu Nhà nước phải chuyển giao hồ sơ và tài sản cho cơ quan tài chính theo đúng thẩm quyền và các quy định của văn bản này.
Trường hợp được cơ quan tài chính ủy quyền bảo quản tài sản thì cơ quan ra quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định tịch thu tài sản sung quỹ Nhà nước hoặc xác lập quyền sở hữu Nhà nước phải bảo quản chu đáo cho đến khi xử lý xong.
Chương II
VIỆC CHUYỂN GIAO HỒ SƠ VÀ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC VÀ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
Điều 5: Các cơ quan ra quyết định hoặc đề nghị ra quyết định tịch thu tài sản sung công quỹ Nhà nước hoặc xác lập quyền sở hữu Nhà nước phải chuyển giao tài sản, hồ sơ cho Phòng Tài chính huyện, Thành phố, Thị xã (trừ một số trường hợp quy định tại điều 8 của quy định này)gồm:
5.1. UBND xã, phường, thị trấn.
5.2. Các cơ quan có thẩm quyền thuộc cấp huyện và tương đương.
- Các đơn vị trực thuộc UBND huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
- Tòa án nhân dân huyện, thành, thị (đã được cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án).
Điều 6: Các cơ quan ra quyết định hoặc đề nghị ra quyết định tịch thu và được Bộ tài chính ủy quyền cho Sở Tài chính - Vật giá tiếp nhận và xử lý tài sản tịch thu.
Điều 7: Hồ sơ phải chuyển giao cho cơ quan tài chính các cấp bao gồm:
- Quyết định tịch thu (bản chính).
- Biên bản tịch thu.
- Bảng kê cụ thể từng loại tài sản kèm theo quyết định tịch thu có phân tích rõ số lượng (cụ thể: chiếc, đôi, tấm, cây, m3, chiều dài, rộng, dày...), chất lượng, công suất, chủng loại, nước sản xuất, năm sản xuất, tính năng tác dụng, đề xuất giá.
- Bản sao hồ sơ, giấy tờ tài liệu liên quan đến tài sản tịch thu.
Điều 8: Quy định cụ thể đối với một số loại tài sản:
8.1. Đối với tài sản tịch thu là tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim loại quý, sau khi có quyết định tịch thu, cơ quan bắt giữ dù thuộc cấp nào cũng phải nộp ngay các tài sản này vào Kho bạc Nhà nước và chuyển giao những giấy tờ, tài liệu, chứng từ có liên quan tới tài sản đó cho Sở Tài chính - Vật giá để tổ chức xử lý.
8.2. Đối với tài sản tịch thu và lâm sản:
a. Đối với gỗ, lâm sản quý hiếm (theo quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/11/1992 của Hội đồng Bộ trưởng) hoặc sản phẩm chế biến, phương tiện bị tịch thu thì các cơ quan, đơn vị bắt giữ tịch thu đều phải chuyển giao hồ sơ về cho Sở Tài chính - Vật giá và Chi cục Kiểm lâm để Hội đồng bán đấu giá cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá.
b. Đối với gỗ, lâm sản quý hiếm hoặc sản phẩm chế biến từ gỗ quý, lâm sản quý hiếm đã được cơ quan chuyên môn xác định là kém phẩm chất; hoặc gỗ, lâm sản quý hiếm để ở những địa điểm khó bảo quản thì cơ quan, đơn vị bắt giữ tịch thu phải chuyển giao hồ sơ về Sở Tài chính - Vật giá và Chi cục Kiểm lâm để hai ngành trình UBND tỉnh quyết định phương thức bán.
c. Đối với gỗ, lâm sản hoặc sản phẩm chế biến từ gỗ không thuộc diện quý hiếm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên (giá khởi điểm) đối với mỗi quyết định xử lý tịch thu thì cơ quan bắt giữ tịch thu chuyển giao hồ sơ cho Sở Tài chính - Vật giá và Chi cục Kiểm lâm để hai ngành phối hợp xử lý.
d. Đối với gỗ, lâm sản hoặc sản phẩm chế biến từ gỗ không thuộc diện quý hiếm có số lượng ít, phân tán có giá trị dưới 10 triệu đồng đối với mỗi quyết định xử lý tịch thu thì phải chuyển giao hồ sơ cho Sở Tài chính - Vật giá và Chi cục Kiểm lâm để hai ngành phối hợp bán cho các đối tượng được phép sử dụng theo giá do Sở Tài chính - Vật giá công bố từng thời kỳ.
e. Đối với động vật rừng còn sống, căn cứ vào từng loai thú rừng cụ thể, cơ quan kiểm lâm phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức thả vào rừng hoặc bán cho từng cá nhân, tổ chức được phép gây nuôi phát triển, nghiên cứu khoa học phụ vụ nhu cầu văn hóa đời sống theo giá do Sở Tài chính - Vật giá công bố từng thời kỳ.
Trường hợp vì lý do lâm sinh nên có loại động vật không thể thả lại vào rừng và các tổ chức, cá nhân được phép gây nuôi, phát triển và khi trong tỉnh chưa có trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thì Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Sở Tài chính thành lập Hội đồng bán bình thường cho mọi đối tượng theo giá do Sở Tài chính - Vật giá công bố từng thời kỳ.
Trường hợp đồng vật rừng bị chết sau khi đã ra quyết định tịch thu, đơn vị bắt giữ tịch thu phải lập Hội đồng gồm đơn vị tịch thu, đại diện các cơ quan: Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng Tài chính huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện (hoặc Công an huyện) kiểm tra xác minh lập biên bản ghi rõ từng loaị động vật bị chết, số con, số kg và tổ chức tiêuhủy công khai, đảm bảo vệ sinh và các quy định của pháp luật.
g. Do tính chất đặc thù, tài sản có quyết định tịch thu là lâm sản do các đơn vị trong ngành kiểm lâm tịch thu hoặc do các ngành chức năng khác tịch thu và bàn giao cho ngành kiểm lâm theo Nghị định 77/CP ngày 29/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ, thì vẫn do các đơn vị trong ngành kiểm lâm bảo quản cho đến khi xử lý xong.
h. Giao cho Sở Tài chính - Vật giá thông báo giá bán tối thiểu từng quý và được điều chỉnh khi cần thiết. Giá bán được Sở Tài chính - Vật giá công bố là mức giá tối thiểu áp dụng chung cho các loại phẩm cấp gỗ, không tính giám khối lượng đối với những cây kém phẩm chất.
Mức giá bán tối thiểu cũng được dùng làm mức giá khởi điểm khi bán đấu giá gỗ và lâm sản.
8.3. Đối với tài sản tịch thu là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì cơ quan tịch thu (hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) phải tiến hành lập biên bản đồng thời có văn bản báo cáo đề xuất giá để cơ quan tài chính có văn bản phê duyệt gía và cho bán ngay số hàng đó.
Chương III
QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH TỊCH THU SUNG CÔNG QUỸ NHÀ NƯỚC VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
Điều 9: Cơ quan tiếp nhận tài sản hoặc được ủy quyền bảo quản tài sản phải có trách nhiệm bảo vệ, quản lý tốt tài sản theo quy định của Nhà nước cho đến khi xử lý xong.
Nếu để hư hỏng, mất mát tài sản, người đứng dầu cơ quan và những người liên quan phải chịu trách nhiệm đền bù vật chất và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Tùy trường hợp cụ thể, Sở Tài chính - Vật giá có thể ủy quyền cho phòng tài chính các huyện, thành, thị tiếp nhận, xử lý hồ sơ và tài sản tịch thu của một số đơn vị thuộc thẩm quyền xử lý các Sở, sau khi xử lý xong vụ việc và cuối quý, cuối năm. Phòng tài chính các huyện, thành, thị phải báo cáo kết quả bằng văn bản cho Sở Tài chính - Vật giá.
Điều 10: Hội đồng định giá, bán đấu giá tài sản tịch thu sung công quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước ở cấp tỉnh được thành lập và hoạt động theo Quyết định 1071/1998/QĐ-UB-TM ngày 11/4/1998 của UBND tỉnh.
Trường hợp tài sản quý hiếm có tính đặc thù thấy cần thiết thành lập hội đồng riêng thì Sở Tài chính - Vật giá trình UBND tỉnh quyết định.
Phòng tài chính tham mưu để UBND cấp Huyện lập văn bản đề nghị Sở Tài chính - Vật giá trình UBND tỉnh thành lập Hội đồng định giá, bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước và xác lập quyền sở hữu Nhà nước ở cấp huyện.
Thành phần Hội đồng như quy định tại quyết định 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 11: Nghĩa vụ của Hội đồng định giá và bán đấu giá được thực hiện theo quy định 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nay quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng như sau:
1. Chủ tịch Hội đồng: Chịu trách nhiệm điều hành cuộc đấu giá đúng quy chế.
2. Phó chủ tịch hội đồng:
2.1. Hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định để trình hội đồng xem xét định giá.
2.2. Tổ chức bảo quản tài sản an toàn đến khi xử lý, xuất kho xong.
2.3. Tổ chức các công việc phục vụ cho cuộc đấu giá theo đúng quy chế như: Niêm yết công khai, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung cuộc đấu giá, hướng dẫn khách hàng xem tài sản trước cuộc đấu giá.
2.4. Kiểm tra việc nộp tiền của người mua tài sản: Khi người mua tài sản nộp đủ tiền mua hàng vào tài khoản quy định mới xuất kho giao đủ tài sản cho người mua theo hợp đồng ký kết và thanh lý hợp đồng với người mua, sau đó báo cáo cho chủ tịch hội đồng biết.
3. Chuyên viên thẩm định kỹ thuật: Chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng, tình trạng kỹ thuật và các chỉ tiêu kỹ thuật (nước sản xuất, năm sản xuất, công suất, tính năng, tác dụng) của tài sản tịch thu và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước.
4. Chuyên viên vật giá: Chịu trách nhiệm chính về tính chính xác của việc định giá khởi điểm từng loại sản phẩm cũng như tổng giá trị lô hàng của tài sản tịch thu và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước, đảm bảo bán được nhanh gọn nhưng không để thất lạc tài sản của Nhà nước.
5. Các thành viên khác trong Hội đồng kể cả thành viên do Chủ tịch hội đồng tham gia theo chức năng nhiệm vụ của ngành mà mình đại diện để thực hiện và phân định trách nhiệm.
6. Các thành viên của tổ chuyên viên giúp việc Hội đồng chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ phục vụ cho việc định giá, đấu giá và tính chính xác của văn bản số liệu định giá, đấu giá.
Điều 12:
- Quyền hạn của Hội đồng định giá và đấu giá được thực hiện theo quy định tại quyết định 1766/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nay quy định thêm quyền hạn của Hội đồng định giá và đấu giá theo nguyên tắc như sau:
12.1 Sau cuộc đấu giá thứ nhất, nếu không có người trúng thầu được mua lô hàng hoặc người trúng thầu được mua lô hàng đã đấu giá từ chối mua hay vi phạm hợp đồng nên không được mua nữa, Hội đồng có thể điều chỉnh lại giá (nếu cần thiết) và tổ chức đấu giá lại.
12.2. Nếu một lô hàng đã được tổ chức đấu giá hai lần vẫn chưa bán được, Hội đồng được quyền đề nghị bằng văn bản với lãnh đạo hai ngành (là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng) để bán chỉ định cho khách với mức giá bán chỉ định ít nhất bằng giá khởi điểm của lần đấu giá sau cùng.
12.3. Những trường hợp chưa quy định trên nếu vì lý do khách quan cần bán không qua đấu giá cho khách hàng do Hội đồng chọn, Hội đồng đấu giá phải lập văn bản báo cáo lãnh đạo hai ngành (Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng) để lãnh đạo hai ngành trình UBND tỉnh cho ý kiến giải quyết. Sau khi UBND tỉnh đã có ý kiến bằng văn bản mới được thực hiện.
Điều 13:
- Phương pháp tổ chức đấu giá:
Hội đồng đấu giá được áp dụng phương pháp đấu giá bằng bỏ phiếu, phiếu do Hội đồng phát hành, số lần bỏ phiếu cho mỗi cuộc đấu giá do Hội đồng quy định. Khách hàng viết số tiền trả giá của mình vào phiếu. Hội đồng kiểm phiếu và thông báo kết quả: Người nào trả giá cao nhất và ít nhất giá bằng khởi điểm là người trúng thầu được mua lô hàng đấu giá. Nếu có hai khách trở lên cùng trả giá cao nhất và ít nhất bằng mức giá khởi điểm thì Hội đồng tổ chức bốc thăm để quyết định người được mua. Sau khi Hội đồng thông báo kết quả, nếu khách từ chối kết quả bỏ phiếu với bất cứ lý do gì thì áp dụng biện pháp xử lý đối với khách từ chối mua như quy định của điều 19 của quy chế bán đấu giá ban hành kèm theo Nghị định 86/CP ngày 19/2/1996 của Chính phủ, tiền đặt trước không được trả lại cho khách hàng và được nộp vào ngân sách, không áp dụng hình thức rút lại giá đã trả đối với cuộc đấu giá bằng phương pháp bỏ phiếu.
Điều 14:
- Đối tượng được tham gia mua tài sản đấu giá và hồ sơ đấu giá:
14.1. Đối tượng: Căn cứ điều 13 của quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm theo Nghị định số 86/CP ngày 19/02/1996 của Chính phủ và điều 20 của Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước và các quy định hiện hành khác của Nhà nước và tùy theo từng ôaị tài sản sung quỹ Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quy định cụ thể đối với đối tượng được tham gia mua tài sản bán đấu giá cho từng cuộc bán taì sản sung quỹ Nhà nước, cụ thể:
a. Đối với tài sản tịch thu là hàng hóa thông thường thì các thành phần kinh tế có giấy phép kinh doanh ngành khác phù hợp đều được tham gia đấu giá.
b. Đối với tài sản sung quỹ Nhà nước là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý hoặc thuộc loại hàng hóa hạn chế sử dụng, hàng hóa chuyên dùng thì Hội đồng bán đấu giá có thể quy định đối tượng được tham gia đấu giá đối với từng cuộc bán đấu giá.
14.2. Hồ sơ xin tham gia đấu giá của khách hàng:
a. Đối với các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp Nhà nước, Công ty NTHH, Công ty cổ phần, HTX và doanh nghiệp tư nhân) hồ sơ xin tham gia đấu giá gồm:
- Đơn xin tham gia đấu giá mua tài sản phải có chữ ký của Thủ trưởng và đóng dấu đơn vị (theo mẫu in sẵn do Hội đồng đấu giá phát cho người tham gia đâu giá).
- Đăng ký kinh doanh được cấp có thẩm quyền (bản chính thức và một bản sao).
- Giấy giới thiệu của đơn vị cử người đại diện đăng ký làm thủ tục xin đấu giá và trực tiếp đấu giá, người đăng ký đấu giá, trực tiếp đấu giá và phải ký biên bản đấu giá và hợp đồng mua bán khi trúng thầu.
- Chứng minh thư nhân dân của người đăng ký đấu giá và tham gia đấu giá phù hợp với giấy giới thiệu của đơn vị.
b. Đối với hộ kinh doanh tư nhân, hồ sơ xin tham gia đấu giá gồm:
- Đơn xin tham gia đấu giá của hộ kinh doanh tư nhân do chủ hộ (người có tên trong giấy phép kinh doanh) ký tên; được Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch xã, phường nơi chủ hộ được cấp giấy phép kinh doanh xác nhận và ký tên đóng dấu (theo mẫu in sẵn do Hội đồng bán đấu giá phát cho khách hàng tham dự đấu giá).
- Đăng ký kinh doanh được cấp có thẩm quyền cấp (bản chính thức và 1 bản sao).
- Chứng minh thư của chủ hộ phù hợp với tên trong giấy phép kinh doanh.
c. Người đại diện cho đơn vị tham gia đấu giá (theo giấy giới thiệu của đơn vị) và chủ hộ kinh doanh đã đăng ký làm thủ tục xin đấu giá phải trực tiếp tham dự đấu giá.
Trường hợp đặc biệt chủ hộ kinh doanh ốm đau đột xuất phải đi cấp cứu tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên thì có thể ủy quyền người khác tham dự đấu giá nhưng trước khi đấu giá phải xuất trình với Hội đồng đấu giá những thủ tục sau:
- Giấy ủy quyền của người được tham dự đấu giá cho người ủy quyền (theo mẫu) được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND phường, xã (nơi chủ hộ kinh doanh được cấp giấy phép) xác nhận và ký tên đóng dấu.
- Giấy tờ hồ sơ chứng nhận tình trạng ốm đau do bệnh viện cấp.
- Chứng minh thư nhân dân của người được ủy quyền.
Nếu đến ngày giờ quy định đấu giá mà người tham gia đấu giá không có mặt để tiến hành đấu giá thì khoản tiền đặt trước và lệ phí đấu giá không được trả lại.
d. Mỗi đơn vị hoặc hộ kinh doanh tham gia đấu giá (tương ứng với mỗi đơn vị đấu giá) phải nộp một khoản tiền đặt trước (tiền cọc) tối thiểu bằng 5% mức giá khởi điểm của lô hàng và phải nộp một khoản lệ phí đấu giá do Hội đồng định giá, bán đấu giá quy định; Chỉ được cử một người vào phòng đấu giá, người được cử vào phòng đấu giá là người có tên trong đơn xin đấu giá hoặc trong giấy giới thiệu của đơn vị hay người được ủy quyền nói ở tiết c, điểm 14.2 của điều này.
Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đăng ký kinh doanh bản chính thức và chứng minh thư nhân dân được trả lại cho khách, các giấy tờ khác tổ chuyên viên giúp việc Hội đồng phải lưu trữ vào hồ sơ đấu giá.
Chương IV
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU, CHI VỀ BÁN TÀI SẢN TỊCH THU SUNG CÔNG QUỸ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
Điều 15: Toàn bộ số tiền thu được từ bán tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước (do cơ quan tài chính từ cấp huyện trở lên bán hoặc cơ quan được cơ quan tài chính ủy quyền bán), tiền thu do vi phạm quy chế bán đấu giá (nếu có), đều phải được tập trung vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính cùng cấp mở tại Kho bạc Nhà nước. trường hợp tiền thu được từ bán tài sản sung quỹ Nhà nước do cơ quan Trung ương trực tiếp tham gia quản lý và tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền thu được từ bán: Vàng, bạc, kim loại quý, lâm sản dù do cơ quan cấp nào ra quyết định tịch thu thì được nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính - Vật giá mở tại kho bạc Nhà nước.
Điều 16:
16.1. Toàn bộ các khoản thu từ việc xử lý tài sản sung quỹ Nhà nước do cấp tỉnh xử lý sau khi đã trừ đi các chi phí và trích lập quỹ chống các hành vi sản xuất kinh doanh trái pháp luật theo chế độ hiện hành; số tiền còn lại (coi như 100%) được xử lý như sau:
- Để chủ động nguồn kinh phí cho công tác phòng chống ma túy không phải trích từ ngân sách Nhà nước, cho phép sử dụng khoản thu về chống buôn lậu nói chung được trích 10% lập quỹ phòng chống ma túy toàn tỉnh (có tài khoản riêng tại kho bạc Nhà nước tỉnh do Ban chỉ đạo phòng chống ma túy của tỉnh quản lý theo dự toán được Sở Tài chính - Vật giá thẩm định).
- Trích 1% cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và trích 1% cho Sở Tài chính - Vật giá để 2 cơ quan này bù đắp chi phí hoạt động, mua sắm trang thiết bị cần thiết để động viên, khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước và được xác lập quyền sở hữu Nhà nước.
Cuối năm, các khoản tiền trên được thanh quyết toán theo thực chi và ghi thu, ghi chi ngân sách tỉnh.
- Số tiền còn lại nộp vào ngân sách tỉnh, được sử dụng theo quy định tại Quyết định 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998; Thông tư 09/TT-BTC ngày 20/01/1998 của Bộ Tài chính; Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Nông nghiệp và PTNT số 102/1999/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 21/8/1999.
16.2. Đối với những vụ việc do lực lượng của huyện, xã (nói tại điều 5 quyết định này) trực tiếp tổ chức điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý thì sau khi đã trừ đi các chi phí và trích lập quỹ chống các hành vi sản xuất kinh doanh trái pháp luật theo chế độ, số tiền còn lại được nộp vào ngân sách huyện, xã và được sử dụng theo quy định hiện hành.
16.3. Sở Tài chính và Phòng tài chính các huyện, thành, thị mở tài khoản tạm giữ các kho bạc Nhà nước cung cấp để quản lý các khoản thu, chi liên quan đến xử lý tài sản sung quỹ Nhà nước; đồng thời phòng tài chính các huyện, thành, thị mở tiểu khoản riêng cho từng xã để theo dõi các khoản thu, chi về xử lý tài sản sung quỹ Nhà nước của xã.
Các khoản thu về công tác chống buôn lậu do lực lượng xã phát hiện, bắt giữ, xử lý đều phải nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại kho bạc Nhà nước huyện để quản lý.
16.4. Nghiêm cấm các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh, Trung ương chuyển các tài khoản bắt giữ, tịch thu cho cấp huyện, xã xử lý nhằm làm sai lệch số thu ngân sách của các cấp.
Điều 17: Để các đơn vị chống các hành vi sản xuất kinh doanh trái phép được chủ động và kịp thời có kinh phí chi cho các nội dung theo quy định tại quyết định 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các đơn vị được giao khoán mức chi theo tỷ lệ % trên giá trị lô hàng cho các hoạt động chống buôn lậu như sau:
- Tịch thu lâm sản trong rừng phải canh giữ và thuê bốc chở ra kho bãi tập trung mức chi phí (MCP) = 8%/tổng giá trị hàng thực bán.
- Tịch thu lâm sản trên sông phải thuê kéo lên bờ để bảo vệ, MCP = 7%/tổng giá trị hàng thực bán.
- Tịch thu lâm sản trên đường bộ cách xa kho bãi tập trung gỗ tại hạt hoặc trạm kiểm soát từ 3km trở lên, MCP = 7%/tổng giá trị hàng thực bán.
- Tịch thu lâm sản trên đường bộ cách kho bãi tập trung gỗ dưới 3km, MCP = 4%/tổng giá trị hàng thực bán.
(Riêng đội cơ động được cộng thêm 1% cho mỗi mức thanh toán trên để chi phí xăng dầu đuổi bắt).
- Tài sản tịch thu do bắt phạt tàu thuyền chở hàng hàng lậu ngoài biển, MCP = 10%/tổng giá trị hàng thực bán.
- Tài sản tịch thu trên bộ cách kho bảo quản từ 10km trở lên, MCP = 6%/tổng giá trị hàng thực bán.
- Tài sản tịch thu do bắt phạt tàu thuyền chở hàng lậu trên sông, MCP = 7%/tổng giá trị hàng thực bán.
- Tài sản tịch thu trên bộ cách kho bảo quản trên 10km trở lên, MCP = 6%/tổng giá trị hàng thực bán.
Các đơn vị tịch thu phải có đầy đủ hồ sơ của từng vụ, từng lô hàng về các nội dung định giá, bán đấu giá, bán chỉ định, nộp tiền bán hàng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại kho bạc, tờ trình xin duyệt chi phí (nói rõ tình trạng, địa điểm tịch thu, biện pháp xử lý từng vụ việc tổng giá trị lô hàng tịch thu) để cơ quan tài chính thẩm địngh, cấp tiền chi phí theo định mức trên và tiền trích lập quỹ phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại quỹ chống chặt phá rừng theo chế độ hiện hành.
Các đơn vị phải mở đầy đủ sổ sách, tài khoản ở kho bạc, lập chứng từ kế toán để quản lý nguồn chi phí và trích lập quỹ phòng chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật; phải quản lý các khoản thu, chi, quỹ phòng chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật theo chế độ hiện hành của Nhà nước. Nếu cuối năm còn dư được giữ lại để chi tiếp năm sau (có văn bản đề nghị của đơn vị và được Sở Tài chính - Vật giá đồng ý). Nghiêm cấm dùng nguồn kinh phí này chi sai chế độ Nhà nước và chi cho việc khác không đúng quy định.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18: Xử lý vi phạm: các cơ quan cá nhân, có trách nhiệm phải thực hiện đúng những nội dung quy định tại bản quy định này; nếu vi phạm làm thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước đều phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Điều 19: Sở Tài chính - Vật giá, trong phạm vi chức năng được giao, có văn bản hướng dẫn những vấn đề cần thiết để thực hiện những nội dung tại bản quy định này.
Quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp phản ánh về UBND tỉnh và Sở Tài chính - Vật giá để Sở tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.