QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Về việc phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Ba Đình giai đoạn 2001 - 2010
Uỷ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ Hà NộI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Chi thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010;
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định qui hoạch kinh tế - xã hội quận Ba Đình giai đoạn 2001 - 2010 tại thông báo số 322/TB-KH&ĐT ngày 31/12/2001;
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND quận Ba Đình tại tờ trình số 77/TTr-UB ngày 28/01/2002;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tại tờ trình số 141/TTr-KH&ĐT ngày 08 tháng 2 năm 2002,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Ba Đình giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội quận Ba Đình giai đoạn 2001 - 2010.
Xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; duy trì và đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, củng cố và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tập trung phát triển đô thị đi đôi với việc quản lý và xây dựng nếp sống trật tự, kỷ cương theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; qui hoạch thống nhất, giữ gìn đô thị "sáng - xanh - sạch - đẹp"
2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu.
2.1. Kinh tế:
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2010: 12,5 - 13,5%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 12,5 - 13%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 là 13 - 13,5%/năm.
Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn:
Năm 2005: Công nghiệp mở rộng chiếm 44,87%; Dịch vụ 55,13%
Năm 2010: Công nghiệp mở rộng 41,60%; Dịch vụ 58,40%.
Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế do Quận quản lý:
Năm 2005: Công nghiệp mở rộng chiếm 31,80%; Dịch vụ 68,20%.
Năm 2010: Công nghiệp mở rộng 29%; Dịch vụ 71%.
Phấn đấu tăng thu ngân sách bình quân 4,3%/năm giai đoạn 2001 - 2005 và trên 5% giai đoạn 2006 - 2010.
Thu nhập bình quân đầu người của Quận cao hơn so với bình quân chung toàn Thành phố từ 1,2 - 1,3 lần.
2.2. Văn hoá - xã hội:
Duy trì kết quả phổ cập trung học cơ sở; phấn đấu đến năm 2005 phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho 100% đối tượng trong độ tuổi qui định.
Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 0,93% vào năm 2005 và 0,89% và năm 2010. Đến năm 2005 dân số Quận khoảng 226.500 người; năm 2010 là 248.900 người. Kiểm soát tích cực dòng di dân cơ học vào địa bàn Quận cùng với việc chủ động triển khai kế hoạch dãn dân.
Phấn đấu đến năm 2003 cơ bản xoá hộ nghèo, ngày càng nâng cao tỷ lệ hộ giàu. Giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5% vào năm 2010. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động. Tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2005 là 55 - 57%, năm 2010 là 60 - 62%.
2.3. Đô thị:
Tỷ lệ giành cho giao thông đô thị năm 2005 là 10%, năm 2010 là 11 - 12%.
Đảm bảo đến năm 2010 có 100% dân cư được sử dụng nước sạch; mức cấp nước bình quân năm 2005 là 150 lít/người/ngày - đêm và năm 2010 là 180 lít/người/ngày - đêm; đến năm 2010 phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát kỹ thuật xuống dưới 15 - 20%, giảm tỷ lệ thất thu tài chính xuống dưới 10%.
Nâng mật độ xây dựng trung bình trong các ô phố lên 40 - 45%. Tăng hệ số sử dụng đất trung bình toàn Quận lên 1,4 - 1,5 lần vào năm 2010 (tầng cao trung bình là 2,5 - 3). Diện tích cây xanh bình quân đầu người năm 2005 là 7 - 7,5m2 và năm 2010 là 8 - 8,5 m2.
Xử lý được toàn bộ khối lượng chất thải rắn vào năm 2010, nâng tỷ lệ thu gom trong ngày lên 90% năm 2005 và 100% năm 2010.
3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu.
3.1. Phát triển kinh tế:
a. Công nghiệp:
Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2001 - 2005 bình quân 13 - 13,5%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 10,5 - 11%, trung bình của cả giai đoạn là 12,5 - 13%/năm.
Huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp; lựa chọn các doanh nghiệp điển hình, các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao đưa vào danh mục ưu tiên phát triển; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ; xây dựng cơ cấu sản xuất kết hợp với cơ cấu công nghệ theo hướng hiện đại.
Tập trung phát triển những ngành công nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin, công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng cao, chế biến sâu (chế biến thực phẩm, rượu bia, gia công hàng may mặc...)
Phát triển công nghiệp bền vững, hạn chế các ảnh hưởng đối với sinh hoạt, môi trường.
b. Dịch vụ:
Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ giai đoạn 2001 - 2005 là 12 - 12,5%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 14 - 14,5%, trung bình cả giai đoạn là 13,5 - 14%/năm.
Phát triển đa dạng hoạt động thương mại - dịch vụ với sự tham gia tích cực của nhiều thành phần kinh tế. Tổ chức, sắp xếp lại, hoàn thiện và phát triển mạng lưới thương nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại. Đầu tư xây dựng, nâng cấp một số chợ, siêu thị trên địa bàn.
Kết hợp phát triển thương mại với du lịch; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng du lịch, tạo ra những sản phẩm độc đáo gắn với Ba Đình lịch sử, Ba Đình trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
3.2. Phát triển văn hoá - xã hội
a. Giáo dục - Đào tạo.
Phát triển giáo dục - đào tạo với tốc độ nhanh, chất lượng cao, bền vững; giáo dục và đào tạo những con người phát triển toàn diện cả về tri thức và nhân cách. Xã hội hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập; giáo dục cộng đồng, các loại hình trường bán công, dân lập, tư thục ở các bậc học. Mở rộng dân chủ trong giáo dục và tăng quyền tự quản cho các cơ sở giáo dục - đào tạo của Quận; đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Phấn đấu đến năm 2010, toàn Quận có 5 trường đạt chuẩn quốc gia.
Bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu. Đến năm 2010 có 100% giáo viên tiểu học đạt trình độ chuẩn trong đó khoảng 70% trên chuẩn; 100% giáo viên trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn trong đó 40 - 50% có trình độ đại học hoặc trên đại học.
Duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi 100%; phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và trình độ tương đương vào năm 2005; đến năm 2005 có 100% các trường tiểu học học 2 buổi/ngày.
Nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ lên 30% - 40% vào năm 2010; đảm bảo 90% trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo vào năm 2005 và 95 - 97% vào năm 2010.
b. Văn hoá - thông tin.
Xây dựng văn hoá Thủ đô tiên tiến, giàu bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Mang đậm nét của Ba Đình truyền thống lịch sử, cách mạng và anh hùng; xây dựng con người Ba Đình văn minh, thanh lịch, tinh tế trong ứng xử, có bản lĩnh, sáng tạo, có kiến thức tiếp thu và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, có đủ phẩm chất của con người mới xã hội chủ nghĩa, luôn tự hào về truyền thống Ba Đình anh hùng, lịch sử, xác định trách nhiệm tham gia xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và giàu đẹp; gắn kết mật thiết giữa xây dựng văn hoá, xây dựng con người với phát triển kinh tế - xã hội. Lấy văn hoá làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, lấy con người làm trọng tâm của mọi chính sách. Phấn đấu nâng tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá lên 95% vào năm 2005.
c. Y tế:
Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khoẻ; thực hiện công bằng xã hội trong công tác chăm sóc sức khoẻ. Đa dạng hoá các mô hình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phục vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, nhất là đối với các đối tượng ưu tiên, người nghèo và trẻ em. Huy động toàn xã hội tham gia chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Thực hiện tốt các chương trình y tế, phòng chống các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm. Nâng cao thể lực, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, tăng tuổi thọ trung bình của người dân. Đảm bảo 100% trẻ sơ sinh được lập phiếu theo dõi sức khoẻ; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống còn 9% vào năm 2005 và khoảng 6% năm 2010; 100% số phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đầy đủ và được khám thai từ 4 - 5 lần trở lên. Nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em; phấn đấu số người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt tỷ lệ 90 - 95%, giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm 0,02%/năm.
d. Thể dục thể thao.
Phát triển mạnh thể dục thể thao quần chúng, bồi dưỡng đào tạo tài năng thể thao đỉnh cao. Đầu tư chiều sâu vào các môn thể thao có ưu thế như các môn võ thuật, cầu mây, bóng đá nữ.
Nâng dần tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, đạt 30% so với tổng dân số vào năm 2005 và 35% vào năm 2010. Số nguời luyện tập thường xuyên trong lực lượng vũ trang phấn đấu đạt 100%; đảm bảo 1 người dân có tối thiểu 1m2 diện tích cho hoạt động thể dục thể thao; thành lập một số cụm văn hoá, thể thao. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm thể dục thể thao và Trường thể thao thiếu niên 10/10.
3.3. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất đô thị khoảng 11 - 12% tổng quĩ đất; tổng chiều dài đường 70 - 72km, với mật độ đường 7km/km2. Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 40 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tiến hành cải tạo, nâng cấp, lắp đặt hệ thống đường ống phân phối nước đồng bộ; đảm bảo 100% người dân được cấp nước sạch với mức bình quân là 150 lít/người/ngày - đêm năm 2005 và 180 lít/người/ngày - đêm vào năm 2010; đến năm 2010 phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát kỹ thuật xuống dưới 15 - 20%, giảm tỷ lệ thất thu tài chính xuống dưới 10%.
Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước và xử lý rác thải. Đến năm 2010 giải quyết dứt điểm tình trạng úng ngập, tỷ lệ rác thu gom 100%.
Nâng cấp hệ thống lưới điện và các trạm trung, hạ thế cũ; tiến hành xây dựng hệ thống cáp điện ngầm trong các khu vực xây dựng mới, từng bước ngầm hoá lưới điện trên toàn Quận; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các làng trong khu đô thị; đảm bảo chiếu sáng cho tất cả các khu vực, các đường phố, ngõ, xóm trên địa bàn.
Tăng nhanh diện tích hồ nước, cây xanh; phấn đấu đến năm 2005 tăng diện tích cây xanh, hồ nước lên 7 - 7,5m2/người và 8 - 8,5 m2/người năm 2010.
3.4. Bảo vệ môi trường sinh thái.
Thu gom và xử lý chất thải rắn. Đến năm 2005 thu gom 90% tổng số rác thải trong ngày và đến 2010 thu gom 100% tổng số rác thải trong ngày; có kế hoạch thu gom và vận chuyển chất thải xây dựng đến bãi thải hoặc những nơi cần san lấp ngay trong địa bàn Quận. Rác thải bệnh viện cần tập trung đưa vào các lò đốt.
Xử lý và tiêu thoát nước mưa, nước thải. Đến năm 2003 có 100% đường mương, cống thoát nước trong các phường được xây dựng kín đảm bảo vệ sinh môi trường. Các cơ quan đóng trên địa bàn quận phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải vào năm 2002. Năm 2010, 100% nước thải từ các nhà máy, bệnh viện, cơ sở sản xuất trên địa bàn Quận phải được xử lý trước khi được xả vào hệ thống thoát nước chung của Quận.
4. Các trọng điểm đầu tư và danh mục những dự án đầu tư lớn trên địa bàn.
Giai đoạn 2001 - 2005. Hoàn thành qui hoạch chi tiết cho một số phường trọng điểm; xây dựng các đường liên khu vực (cấp thành phố); xây dựng các tuyến đường mới: Đội Cấn - Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt, Kim Mã - Thủ Lệ - Nghĩa Đô - Hoàng Hoa Thám; cải tạo công viên Bách Thảo; nâng cao chất lượng nước các hồ Giảng Võ, Ngọc Khánh, Trúc Bạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Trúc Bạch; xây dựng khu di dân Vĩnh Phúc; xây dựng cung thể thao Quần Ngựa, hoàn thiện trung tâm thể dục thể thao Quận.
Giai đoạn 2006 - 2010. Hoàn chỉnh Trung tâm thương mại Thành phố; xây dựng các công trình hành chính quốc gia trên địa bàn Quận; hoàn thiện hệ thống cấp nước; hệ thống xử lý nước thải bệnh viện và các nhà máy gây ô nhiễm; tôn tạo, khôi phục khu vực thành cổ Hà Nội; xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Quận.
Điều 2: Tổ chức thực hiện qui hoạch.
UBND quận Ba Đình có nhiệm vụ:
Công bố công khai qui hoạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh.
Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của qui hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của Quận và thành phố.
Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị với Thành phố ban hành các cơ chế, quy chế phù hợp các qui định của Nhà nước để thực hiện qui hoạch.
Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt và đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và cac định hướng của qui hoạch này.
Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà quận có thế mạnh.
Theo dõi, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, định kỳ tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của Quận và Thành phố.
Các ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn quận Ba Đình trong quá trình thực hiện qui hoạch này để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn Quận có trách nhiệm cùng Quận thực hiện tốt mục tiêu của qui hoạch.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.