Văn bản pháp luật: Quyết định 17/2007/QĐ-BGTVT

Hồ Nghĩa Dũng
Toàn quốc
Công báo số 276 & 277/2007;
Quyết định 17/2007/QĐ-BGTVT
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
06/05/2007
26/03/2007

Tóm tắt nội dung

Ban hành "Quy định về vận tải khách bằng taxi"

Bộ trưởng
2.007
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ban hành "Quy định về vận tải khách bằng taxi"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 06 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô;

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về vận tải khách bằng taxi".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định 4126/2001/QĐ-BGTVT ngày 05 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Về vận tải khách bằng taxi

(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/03/2007

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về vận tải khách bằng taxi trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Văn bản này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý hoặc khai thác vận tải khách bằng taxi.

2. Xe đăng ký biển số nước ngoài không được đăng ký vận tải khách bằng taxi trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ôtô taxi là loại xe ôtô có không quá 8 ghế (kể cả ghế người lái) được thiết kế để vận chuyển khách đáp ứng các điều kiện tại Chương II của Quy định này.

2. Kinh doanh vận tải khách bằng taxi là kinh doanh vận tải khách bằng ôtô có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền.

3. Doanh nghiệp là các đơn vị được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

4. Điểm đỗ xe taxi là nơi cơ quan có thẩm quyền quy định cho xe taxi được đỗ chờ đón khách hoặc đỗ trong thời gian ngừng vận hành.

Chương II

QUY ĐỊNH VỚI ÔTÔ TAXI

Điều 4. Quy định chung

1. Niên hạn sử dụng không quá 12 năm;

2. Có đăng ký và gắn biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp;

3. Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn giá trị sử dụng;

4. Có máy bộ đàm liên hệ với Trung tâm điều hành của doanh nghiệp;

5. Có phù hiệu "XE TAXI" do Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) cấp.

Điều 5. Bên ngoài thân xe

1. Trên nóc taxi phải gắn cố định hộp đèn có chữ "TAXI" hoặc "METER TAXI" bằng chữ in nhìn rõ được cả phía trước và phía sau hộp đèn. Trên hộp đèn có thể ghi thêm tên doanh nghiệp, số điện thoại của doanh nghiệp với cỡ chữ và số nhỏ hơn cỡ chữ "TAXI" hoặc "METER TAXI". Hộp đèn phải được bật sáng đồng thời với hệ thống đèn chiếu sáng của xe.

2. Phía mặt ngoài hai bên thành xe phải ghi tên, số điện thoại doanh nghiệp, biểu trưng lôgô của doanh nghiệp (nếu có), số thứ tự xe taxi (theo số thứ tự của doanh nghiệp quản lý).

Điều 6. Đồng hồ tính tiền

Xe taxi phải có đồng hồ tính tiền theo quy định sau:

1. Đồng hồ tính tiền được tính bằng tiền Việt Nam (VNĐ) đơn giá trên số ki lô mét lăn bánh.

2. Đồng hồ được lắp ở vị trí hợp lý để khách đi xe và lái xe quan sát dễ dàng.

3. Đồng hồ tính tiền phải được định kỳ kiểm định, kẹp chì theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi thay đổi giá cước doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan kiểm định để kiểm tra và kẹp chì lại.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG

ĐỐI VỚI VẬN TẢI KHÁCH BẰNG TAXI

Điều 7. Quy định chung với doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi

1. Có đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô phù hợp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

2. Có đủ số lượng xe bảo đảm chất lượng phù hợp với phương án kinh doanh do doanh nghiệp lập theo loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi.

3. Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải (lãnh đạo doanh nghiệp hoặc Trưởng phòng điều hành vận tải) có trình độ chuyên môn chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên.

4. Có quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê diện tích đỗ xe tối thiểu trong 3 năm đủ cho ít nhất 1/3 số lượng xe taxi trong danh sách xe hoạt động của doanh nghiệp.

5. Có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp được phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

Điều 8. Đăng ký màu sơn xe taxi

Doanh nghiệp khai thác vận tải khách bằng taxi phải đăng ký một màu sơn hoặc kiểu sơn thân xe đặc trưng của doanh nghiệp mình (không được trùng với doanh nghiệp taxi đã đăng ký trước) với Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) để quản lý và tạo điều kiện cho khách phân biệt xe của các doanh nghiệp.

Điều 9. Cấp phù hiệu cho xe taxi

1. Điều kiện xe ôtô được cấp phù hiệu:

a) Xe ôtô đăng ký sở hữu doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp, có biển số đăng ký tại địa phương nơi doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp đặt trụ sở;

b) Xe ôtô đăng ký sở hữu của đơn vị có chức năng thuê mua tài chính kèm theo hợp đồng thuê mua tài chính giữa doanh nghiệp vận tải và đơn vị thuê mua tài chính (bản phôtô); biển số xe là biển số tại địa phương nơi doanh nghiệp cho thuê tài chính đặt trụ sở.

2. Hồ sơ để được cấp phù hiệu:

a) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi (bản phô tô có công chứng hoặc bản phô tô kèm theo bản chính để đối chiếu);

b) Phương án hoạt động vận tải khách bằng taxi theo mẫu quy định tại Phụ lục 1;

c) Giấy đề nghị cấp phù hiệu cho xe taxi của doanh nghiệp kèm theo danh sách xe ôtô theo mẫu quy định tại Phụ lục 2;

d) Bản phôtô giấy đăng ký của phương tiện;

đ) Trường hợp doanh nghiệp bổ sung hoặc thay thế xe hoặc ngừng hoạt động phải có giấy đề nghị kèm theo danh sách phương tiện theo quy định tại Phụ lục 2 gửi cơ quan có thẩm quyền để được cấp phù hiệu mới và thu hồi phù hiệu đối với phương tiện bị thay thế hoặc ngừng hoạt động.

3. Thời hạn có giá trị của phù hiệu:

Phù hiệu có giá trị 12 tháng;

Điều 10. Điểm đỗ xe taxi

1. Điểm đỗ xe taxi được chia làm 2 loại:

a) Điểm đỗ xe taxi do doanh nghiệp taxi tổ chức và quản lý.

b) Điểm đỗ xe taxi công cộng do ngành giao thông vận tải địa phương tổ chức và quản lý.

2. Yêu cầu đối với điểm đỗ xe taxi:

Đảm bảo an toàn và trật tự giao thông đô thị, bảo đảm yêu cầu phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường

3. Việc lập hoặc bãi bỏ điểm đỗ xe taxi công cộng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền quy định phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải của địa phương; ưu tiên bố trí điểm đỗ taxi công cộng tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, bến xe, khu dân cư, trung tâm văn hoá, siêu thị, khách sạn,...

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC,

DOANH NGHIỆP, LÁI XE VÀ KHÁCH ĐI XE TAXI

Điều 11. Cục Đường bộ Việt Nam

1. Thống nhất quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trong toàn quốc, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. In ấn và phát hành phù hiệu cấp cho xe taxi thống nhất trong toàn quốc. Phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 3.

3. Biên soạn giáo trình, chương trình tập huấn cho lái xe taxi.

Điều 12. Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính

1. Xây dựng quy hoạch, đề xuất cơ chế tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp taxi, tổ chức điểm đỗ cho taxi phù hợp với quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển vận tải khách bằng taxi tại địa phương để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động vận tải khách bằng taxi theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý và cấp phù hiệu cho xe taxi. Khi cấp phù hiệu mới phải thu hồi phù hiệu cũ. Được thu và chi các khoản tiền có liên quan đến việc cấp phù hiệu theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Tham gia hội đồng kiểm tra kết quả tập huấn lái xe taxi.

5. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về định kỳ kiểm định đồng hồ tính tiền của xe taxi.

6. Tháng 12 hàng năm có báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp taxi trên địa bàn về Cục Đường bộ Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục 4.

Điều 13. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi

1. Tổ chức kinh doanh vận tải khách bằng taxi theo đúng các quy định hiện hành.

2. Ký hợp đồng lao động với lái xe taxi. Trang bị đồng phục và biển tên cho lái xe taxi và báo cáo với Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) địa phương để giám sát thực hiện.

3. Tổ chức cho lái xe taxi tập huấn theo quy định.

4. Tháng 12 hàng năm có báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm và kế hoạch thực hiện của năm tiếp theo về Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục 4.

5. Bố trí vị trí đỗ xe taxi tại doanh nghiệp hoặc tại điểm đỗ xe công cộng theo quy định của Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính).

Điều 14. Lái xe taxi

1. Có lý lịch rõ ràng được chính quyền địa phương (cấp phường hoặc xã) xác nhận.

2. Có giấy chứng nhận sức khoẻ đủ điều kiện lao động của cơ quan y tế có thẩm quyền.

3. Có hợp đồng lao động bằng văn bản với doanh nghiệp.

4. Nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định trong văn bản này.

5. Xuất trình các giấy tờ cần thiết khi có yêu cầu thanh tra, kiểm tra.

6. Bật đồng hồ tính tiền trước khi xe taxi lăn bánh nếu trên xe có khách, phải bật đèn báo hiệu chờ khách khi xe không có khách.

7. Phát hành hoá đơn tài chính theo quy định.

8. Có trách nhiệm hướng dẫn cho khách đi xe và trợ giúp đối với hành khách là người tàn tật, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.

9. Có thái độ ứng xử hoà nhã, lịch sự đối với hành khách đi xe.

10. Được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ theo giáo trình thống nhất do Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tổ chức và được cấp "Giấy chứng nhận tập huấn lái xe taxi" theo mẫu quy định tại Phụ lục 5.

11. Khi làm nhiệm vụ lái xe phải mặc đồng phục, đeo biển tên theo quy định của doanh nghiệp và mang theo "Giấy chứng nhận tập huấn lái xe taxi".

Điều 15. Khách đi xe

1. Thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông và hướng dẫn của lái xe taxi khi đi xe.

2. Có thái độ ứng xử hoà nhã, lịch sự đối với lái xe và nhân viên của doanh nghiệp taxi.

3. Thanh toán tiền cước đi xe với lái xe taxi theo đồng hồ tính tiền và tiền cước phí cho thời gian chờ (nếu có) trước khi rời xe.

4. Có quyền gửi đến doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý hoạt động taxi nhận xét của mình về chất lượng phương tiện hoặc thái độ phục vụ của lái xe.

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải khách bằng taxi vi phạm các Điều, Khoản của Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=13988&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận