Văn bản pháp luật: Quyết định 176/2006/QĐ-TTg

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 02 - 08/2006;
Quyết định 176/2006/QĐ-TTg
Quyết định
20/08/2006
01/08/2006

Tóm tắt nội dung

Về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020

Thủ tướng
2.006
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng

quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 03 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại các văn bản số 4683/TTr-BCN ngày 31 tháng 08 năm 2005; số 1712/BCN-KH ngày 30 tháng 03 năm 2006 và ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển

a) Quan điểm phát triển

- Phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng và luyện chì, kẽm trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên chì, kẽm của đất nước.

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và luyện chì, kẽm phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và của địa phương có khoáng sản chì, kẽm.

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và luyện chì, kẽm trên tinh thần tự lực, tự cường và chủ động hội nhập quốc tế.

- Phát triển hợp lý và hài hòa các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến quặng và luyện chì, kẽm. Công tác thăm dò phải đi trước một bước, phải tạo được nguồn quặng chì, kẽm dự trữ chiến lược cho khai thác, chế biến. Các cơ sở chế biến phải gắn với nguồn tài nguyên đủ lớn và tin cậy về trữ lượng, chất lượng, phải sử dụng tổng hợp, triệt để các nguồn và loại quặng trong nước.

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và luyện chì, kẽm phải phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử và các công trình văn hoá có giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn có tài nguyên chì, kẽm.

b) Định hướng phát triển

- Xây dựng ngành khai thác, chế biến quặng và luyện chì, kẽm trở thành ngành công nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu cơ bản để phát triển, tạo nhiều việc làm ở các vùng, địa bàn kém phát triển.

- Phát huy tối đa nguồn lực trong nước về vốn, khoa học công nghệ và cơ sở vật chất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài.

- Công tác thăm dò được ưu tiên cho các điểm quặng có triển vọng khai thác quy mô công nghiệp và phù hợp với tiến độ đưa các mỏ vào khai thác.

- Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và luyện chì, kẽm theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt vừa tính đến chiến lược lâu dài: kết hợp quy mô vừa và nhỏ, cơ giới hóa với bán cơ giới, từng bước hiện đại hoá công nghệ khai thác và chế biến quặng, nhập công nghệ luyện chì, kẽm tiên tiến nhằm tối đa hóa hệ số thu hồi chì, kẽm, kim loại đi kèm và phụ phẩm.

- Tạo lập thị trường quặng và kim loại chì, kẽm trong nước cạnh tranh bình đẳng, liên kết chặt chẽ với thị trường quặng và kim loại chì, kẽm thế giới.

c) Mục tiêu

- Đẩy mạnh công tác thăm dò, bảo đảm trữ lượng để công tác khai thác, chế biến phát triển bền vững: đến năm 2010, khẳng định trữ lượng và tài nguyên quặng chì, kẽm của 5 - 6 mỏ đủ điều kiện thiết kế xây dựng mỏ và trong giai đoạn 2011 - 2020 là 3 - 5 mỏ.

- Hoạt động khai thác, chế biến quặng phải đáp ứng tối đa, kịp thời nhu cầu nguyên liệu khoáng với chất lượng phù hợp cho các nhà máy luyện chì, kẽm.

- Đến năm 2010, phải đáp ứng một phần nhu cầu chì, kẽm kim loại của nền kinh tế; trong giai đoạn 2011 - 2020 sẽ tăng nhanh sản lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước.

- Tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm tinh quặng sunphua, bột ôxít kẽm và kim loại chì, kẽm trên thị trường quốc tế.

2. Nội dung Quy hoạch

a) Nhu cầu kim loại chì, kẽm

Nhu cầu kim loại chì, kẽm giai đoạn 2005 - 2020 dự kiến như sau:

Năm

2005

2010

2015

2020

Chì (1.000 tấn)

17 - 20

26 - 30

33 - 38

39 - 45

Kẽm (1.000 tấn)

50 - 55

90 - 100

125 - 135

160 - 165

b) Quy hoạch thăm dò quặng chì, kẽm

- Giai đoạn đến năm 2010

Tiến hành thăm dò 12 đề án, bao gồm:

+ Đề án thăm dò Thành Cóc (Tuyên Quang).

+ 04 đề án thăm dò các mỏ đang khai thác nhưng nguồn quặng chưa được thăm dò là: mỏ Lũng Váng, mỏ Nà Bốp và Pù Xáp (Bắc Kạn), mỏ Tà Pan và mỏ/khu quặng Ao Xanh (Hà Giang).

+ 02 đề án thăm dò khu Nam Chợ Điền và khu vực Ba Bồ để chuẩn bị khai thác cấp quặng cho cơ sở chế biến quặng và luyện kim trong vùng Chợ Điền - Chợ Đồn (Bắc Kạn).

+ 01 đề án thăm dò điểm quặng Cúc Đường để cấp quặng cho xưởng tuyển mỏ Lang Hích (Thái Nguyên).

+ 03 đề án thăm dò những điểm quặng có khả năng trở thành mỏ trong vùng quặng Tràng Đà và Thượng Ấm (Tuyên Quang), và 1 trong 2 vùng đang điều tra đánh giá là Sỹ Bình - Đèo Giàng và Ba Xứ (Bắc Kạn).

+ 01 đề án thăm dò những điểm quặng có khả năng trở thành mỏ trong vùng quặng Na Hang (Tuyên Quang) để thực hiện thí điểm đấu thầu quyền khai thác mỏ sau khi có kết quả thăm dò.

- Giai đoạn 2011 - 2015.

Triển khai Đề án thăm dò vùng quặng Bản Bó - Pắc Nậm (Cao Bằng) và 4 dự án thăm dò được xác định từ kết quả điều tra đánh giá thực hiện trong giai đoạn 2005 - 2010 hoặc một số dự án thăm dò của giai đoạn trước chưa hoàn thành, nhằm chuẩn bị trữ lượng cho khai thác trong những giai đoạn sau.

- Giai đoạn 2016 - 2020

Tiến hành 05 đề án thăm dò xác định từ kết quả điều tra đánh giá thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2015 nhằm chuẩn bị trữ lượng cho công tác khai thác trong những giai đoạn sau.

Vốn đầu tư cho công tác thăm dò khoảng 88 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 64 tỷ đồng. Danh mục cụ thể các dự án thăm dò thể hiện trong Phụ lục I.

c) Quy hoạch khai thác chế biến quặng chì, kẽm

- Quy hoạch khai thác, tuyển quặng sunphua

Từ nay đến năm 2020 đầu tư cải tạo xưởng tuyển mỏ Lang Hích hiện có; đầu tư mới 8 mỏ và xưởng tuyển. Tổng công suất khai - tuyển dự kiến đạt khoảng 385.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

Vốn đầu tư cho các công trình khai thác - tuyển quặng sunphua giai đoạn 2006 - 2020 khoảng 292 tỷ đồng.

- Quy hoạch khai thác, chế biến quặng ôxít:

+ Từ nay đến năm 2020 đầu tư khai thác 03 mỏ mới tại Tuyên Quang với tổng công suất khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

+ Đến năm 2015 đầu tư xây dựng mới 01 nhà máy luyện bột ôxít kẽm lò quay hiện đại với công suất 7.000 tấn bột 60% Zn/năm.

Vốn đầu tư cho các dự án khai thác quặng ôxít và luyện bột ôxít kẽm: khoảng 60 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư về khai thác, chế biến quặng sunphua và khai thác, chế biến quặng ôxít được thể hiện trong Phụ lục II.

d) Quy hoạch luyện chì, kẽm từ quặng

- Luyện kẽm

Giai đoạn 2006 - 2015 đầu tư xây dựng 1 nhà máy luyện kẽm hiện đại với công suất 15.000 - 20.000 tấn kẽm/năm trong khu công nghiệp Long Bình An (Tuyên Quang).

- Luyện chì

Ngoài dự án luyện chì Thái Nguyên đang chuẩn bị xây dựng, trong giai đoạn 2006 - 2015 sẽ đầu tư nhà máy luyện chì công nghệ thủy luyện với công suất 10.000 tấn chì/năm tại cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng (Bắc Kạn) và nhà máy luyện chì tách bạc công suất 5.000 - 10.000 tấn/năm tại Hà Giang (trong cụm công nghiệp Bình Vàng hoặc Tòng Bá).

Dự kiến sản lượng kim loại chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2020 như sau:

Kim loại

Đơn vị

Năm

 

tính

2006

2010

2015

2020

Chì thỏi

tấn

0

13.000

20.000

25.000

Kẽm thỏi

tấn

5.000

25.000

25.000

30.000

Vốn đầu tư cho các dự án luyện chì, kẽm khoảng 460 tỷ đồng. Danh mục các dự án đầu tư trong lĩnh vực luyện chì, kẽm kim loại thể hiện trong Phụ lục III.

đ) Các khu vực cấm hoạt động khoáng sản quặng chì, kẽm

Các vùng rừng đầu nguồn phòng hộ của hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) và hồ thuỷ điện Na Hang (Tuyên Quang).

e) Các khu vực dự trữ tài nguyên và đấu thầu thăm dò, khai thác

- Vùng quặng Bảo Lâm - Pắc Nậm là khu vực dự trữ tài nguyên quặng chì, kẽm quốc gia.

- Vùng quặng Na Hang (Tuyên Quang) là vùng đấu thầu quyền khai thác.

3. Các giải pháp, chính sách chủ yếu

a) Nhóm giải pháp, chính sách chung

- Xây dựng chính sách tài nguyên khoáng sản quốc gia, trong đó có quặng chì, kẽm, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành khai khoáng - luyện kim với một số nội dung cơ bản là: bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước; tăng cường chế biến quặng thành kim loại; không xuất khẩu quặng thô và hạn chế xuất khẩu tinh quặng; có định hướng sử dụng nguyên liệu khoáng và sản phẩm thô nhập khẩu và thực hiện chủ trương đầu tư khai thác tài nguyên chì, kẽm ở các nước trong khu vực.

- Đổi mới toàn diện công tác quản trị tài nguyên khoáng sản; xây dựng và áp dụng thống nhất hệ thống quản trị tài nguyên khoáng sản trên toàn quốc.

b) Nhóm giải pháp, chính sách cụ thể

- Nhóm giải pháp, chính sách về nguồn tài nguyên chì, kẽm

+ Tập trung đánh giá, phân loại triển vọng các điểm quặng chì, kẽm; công bố rộng rãi các điểm quặng chì, kẽm có triển vọng để kêu gọi đầu tư thăm dò và khai thác.

+ Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm kể cả tài nguyên chưa được thăm dò và khai thác.

+ Trong quá trình hoạt động, các cơ sở khai thác mỏ phải đầu tư thoả đáng cho công tác thăm dò trước khai thác và thăm dò mở rộng các khu vực ngoại vi, lân cận nhằm tăng trữ lượng quặng, kéo dài đời mỏ.

- Nhóm giải pháp tạo lập và phát triển thị trường

+ Tạo lập thị trường quặng chì, kẽm, sản phẩm chế biến quặng chì, kẽm trong nước và từng bước tham gia vào thị trường quốc tế.

+ Xây dựng, phổ biến phương pháp xác định giá quặng và tinh quặng chì, kẽm, bột ôxít kẽm phù hợp cơ chế thị trường và khuyến khích các cơ sở khai khoáng - luyện kim khai thác, chế biến và sử dụng triệt để các loại quặng trong nước, bao gồm cả quặng nghèo, nhằm tiết kiệm tài nguyên.

- Nhóm giải pháp công nghệ

+ Nghiên cứu phát triển và chế tạo máy móc, thiết bị cơ khí phù hợp với các công trình khai thác hầm lò quặng kim loại.

+ Triển khai công tác nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ xử lý (làm giàu) quặng ôxít chì, quặng barít chì, kẽm có hiệu quả, công nghệ luyện chì, kẽm tiên tiến, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả công nghệ chuyển giao.

+ Mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt công tác chuyển giao công nghệ chế biến quặng và luyện chì, kẽm.

- Một số giải pháp, chính sách khác

+ Chấn chỉnh công tác tổng hợp và nộp báo cáo hoạt động khoáng sản (về điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, thương mại và xuất khẩu); có những biện pháp mạnh để xử lý những tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về nghĩa vụ báo cáo định kỳ.

+ Cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hoạt động khoáng sản theo hướng công khai và minh bạch.

+ Sửa đổi quy định về phân cấp trữ lượng và quy mô mỏ quặng chì, kẽm; xây dựng và ban hành quy phạm thăm dò quặng chì, kẽm (đặc biệt là các điểm quặng có tổng trữ lượng cấp C2 và tài nguyên dự báo cấp P1 dưới 10.000 tấn kim loại chì, kẽm).

+ Xây dựng và ban hành quy phạm khai thác quặng chì, kẽm bằng phương pháp hầm lò.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công nghiệp

- Có trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện Quy hoạch này, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo việc thực hiện các nội dung Quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Xây dựng và ban hành quy phạm khai thác hầm lò quặng kim loại.

- Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ xử lý (làm giàu) quặng ôxít chì, quặng barít chì, kẽm (các đề tài R&D); mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tuyển và luyện chì, kẽm.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách tài nguyên khoáng sản quốc gia.

- Kiện toàn công tác thanh tra chuyên ngành khoáng sản.

- Thực hiện đổi mới công tác quản trị tài nguyên khoáng sản nói chung, chỉ đạo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, xây dựng và triển khai hệ thống quản trị khoáng sản chì, kẽm trong giai đoạn 2006 - 2010. Nghiên cứu xây dựng quy trình thăm dò tối ưu các điểm quặng, thân quặng có quy mô trữ lượng cấp C2 và tài nguyên cấp P1 nhỏ hơn 10.000 tấn kim loại chì, kẽm. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phân cấp trữ lượng và quy mô mỏ quặng chì, kẽm. Rà soát và chuẩn hóa chức năng nhiệm vụ của các liên đoàn, đơn vị địa chất.

- Cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hoạt động khoáng sản theo hướng bình đẳng, thông thoáng, thuận tiện hơn.

- Thực hiện thí điểm đấu thầu quyền khai thác các mỏ, điểm quặng chì, kẽm trong vùng quặng Na Hang, tỉnh Tuyên Quang sau khi hoàn thành công tác thăm dò vùng quặng này.

3. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành chính sách đảm bảo quyền lợi của các địa phương trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; quy chế và thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro hoạt động khoáng sản; thông tư hướng dẫn xây dựng giá bán tính thuế tài nguyên khoáng sản.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy chế đấu thầu quyền thăm dò và khai thác mỏ.

5. Uỷ ban nhân dân các tỉnh

- Lập quy hoạch khoáng sản trên địa bàn phù hợp với quy hoạch khoáng sản của cả nước; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tài nguyên quặng chì, kẽm trên địa bàn.

- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm; kiểm tra, thanh tra các cơ sở hoạt động khoáng sản; chấn chỉnh trật tự khai thác, chế biến và mua bán khoáng sản trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có tài nguyên quặng chì, kẽm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15655&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận