QUYẾT ĐỊNH
về việc thành lập Trung tâm dạy nghề phục hồi chức năng cho Thương bệnh binh và người tàn tật thuộc Sở Lao động-TBXH tỉnh Bắc Ninh
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật lao động, Luật giáo dục và dạy nghề;
Căn cứ Pháp lệnh về người tàn tật; Nghị định số 55/1999/NĐ-CP, ngày 10/7/1999 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh người tàn tật; Quyết định số 15/QĐ-TTg, ngày 20/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh và người tàn tật;
Căn cứ Nghị định số 02/2001/NĐ-CP, ngày 9/01/2001 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Bộ luật giáo dục về dạy nghề; Thông tư số 01/2002/TT-BLĐTBXH, ngày 04/2/2002 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hướng dẫn việc thành lập, đăng ký hoạt động và chia, tách, sát nhập, đình chỉnh hoạt động cơ sở dạy nghề;
Xét đề nghị của Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Sở Nội vụ tại Tờ trình số 80/TTr-SNV, ngày 19/10/2004,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Thành lập Trung tâm dạy nghề-phục hồi chức năng cho Thương bệnh binh và người tàn tật Bắc Ninh (trên cơ sở Xí nghiệp sản xuất của Thương binh và người tàn tật Bắc Ninh) thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Trung tâm dạy nghề-phục hồi chức năng cho Thương bệnh binh và người tàn tật Bắc Ninh là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP, ngày 16/01/2002 của Chính phủ, có tư cách pháp nhân, được sử dụng dấu và tài khoản riêng theo quy định hiện hành của Nhà nước; Trung tâm chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chức năng thuộc tỉnh và Trung ương.
Trụ sở của Trung tâm: Đặt tại thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (địa điểm Xí nghiệp sản xuất của Thương binh và người tàn tật cũ).
Điều 2: Trung tâm dạy nghề-phục hồi chức năng cho Thương bệnh binh và người tàn tật Bắc Ninh có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a. Chức năng:
- Tổ chức dạy nghề, phục hồi chức năng cho Thương bệnh binh, người tàn tật còn khả năng lao động và các đối tượng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho Thương bệnh binh và người tàn tật.
b. Nhiệm vụ, quyền hạn:
- Tổ chức dạy nghề, phục hồi chức năng, phù hợp với sức khoẻ và khả năng lao động của các đối tượng là Thương bệnh binh, người tàn tật và các đối tượng chính sách có nhu cầu học nghề hàng năm.
- Tổ chức liên kết dạy nghề với các cơ sở dạy nghề khác để dạy nghề cho các đối tượng có nhu cầu theo học nhưng Trung tâm chưa có điều kiện thực hiện.
- Tiếp nhận và tổ chức thực hiện các dự án về dạy nghề cho Thương bệnh binh, người tàn tật và người lao động.
- Quản lý chứng chỉ và cấp chứng chỉ nghề cho học viên tốt nghiệp các lớp do Trung tâm đào tạo theo quy định của Nhà nước.
- Phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện làm việc phù hợp với khả năng của Thương bệnh binh, người tàn tật để đào tạo nghề cung cấp cho các cơ sở này sử dụng.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực, sức khoẻ của Thương bệnh binh và người tàn tật; tạo việc làm thường xuyên, nâng cao đời sống cho người lao động.
- Quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động, tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao.
c. Ngành nghề, trình độ đào tạo:
1. Ngành nghề:
+ May công nghiệp, dân dụng.
+ Thêu ren.
+ Dệt len.
+ Mộc dân dụng.
+ Sửa chữa thiết bị điện dân dụng.
+ Sửa chữa xe gắn máy.
2. Trình độ nghề: Sau khi được đào tạo tương đương bậc 2.
3. Loại hình đào tạo: Ngắn hạn (dưới 1 năm).
Điều 3: Tổ chức bộ máy và kinh phí hoạt động của Trung tâm:
a. Tổ chức bộ máy:
- Lãnh đạo Trung tâm gồm: Giám đốc và các Phó Giám đốc
- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.
- Xưởng sản xuất.
b. Kinh phí hoạt động gồm:
- Ngân sách Nhà nước đầu tư cho dạy nghề hàng năm;
- Viện trợ của các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động;
- Tài trợ của cá nhân trong và ngoài nước;
- Huy động từ nguồn lực khác của xã hội;
- Thu từ sản xuất, dịch vụ ...
Điều 4: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thủ trưởng cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã và Trung tâm dạy nghề-phục hồi chức năng cho Thương bệnh binh và người tàn tật tỉnh Bắc Ninh căn cứ quyết định thi hành./.