Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ NGOẠI THƯƠNG SỐ 1815/BNGT-VP-HQ NGÀY 6 THÁNG 8 NĂM 1981 VỀ TIÊU CHUẨN HÀNH LÝ XUẤT NHẬP KHẨU CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, LÁI XE VIỆT NAM THƯỜNG XUYÊN QUA LẠI BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO, VIỆT NAM - CAMPUCHIA; CỦA SĨ QUAN, THUỶ THỦ VIỆT NAM LÀM VIỆC TRÊN CÁC TÀU VIỆT NAM HOẠT ĐỘNG TRÊN CÁC ĐƯỜNG BIỂN QUỐC TẾ, CỦA LÁI MÁY BAY VÀ NHÂN VIÊN VIỆT NAM LÀM VIỆC TRÊN CÁC MÁY BAY VIỆT NAM HOẠT ĐỘNG
TRÊN CÁC ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 14 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ nghị định số 3 - CP ngày 27 tháng 2 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ hải quan;
Căn cứ thông tư số 17 - LB ngày 19 tháng 12 năm 1959 của liên Bộ Ngoại thương - Tài chính về thể lệ xuất nhập khẩu hành lý của hành khách xuất nhập cảnh;
Căn cứ chỉ thị số 169 - CP ngày 31 tháng 5 năm 1980 và số 236 - CP ngày 28 tháng 7 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý biên giới Việt Lào và biên giới Tây Nam;
Căn cứ chỉ thị số 135 - TTg ngày 22 tháng 6 năm 1981 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý ngoại hối và nghiêm cấm tiền nước ngoài lưu thông trên thị trường nội địa;
Căn cứ ý kiến của các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính vàTtổng cục hàng không dân dụng Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 -
Nay ban hành kèm theo quyết định này tiêu chuẩn hành lý xuất nhập khẩu đối với:- Cán bộ, công nhân, lái xe Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia;
- Sĩ quan, thủy thủ Việt Nam làm việc trên các tàu Việt Nam hoạt động trên các đường biển quốc tế;
- Lái máy bay, nhân viên Việt Nam làm việc trên các máy bay Việt Nam (kể cả chuyên cơ Việt Nam) hoạt động trên các đường bay quốc tế.
Điều 2 -
Hành lý xuất nhập khẩu phải khai trình trong sổ đăng ký hành lý xuất khẩu, nhập khẩu theo mẫu của Cục hải quan và chịu sự kiểm soát của cơ quan hải quan cửa khẩu hoặc cảnh sát cửa khẩu (ở các địa phương không có tổ chức hải quan).Điều 3 -
Những hành vi xuất nhập khẩu hành lý trái với quyết định này sẽ bị xử lý theo luật lệ hải quan hiện hành.Điều 4 -
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.Điều 5 -
Ông Cục trưởng Cục hải quan có trách nhiệm thi hành quyết định này.
VẬT PHẨM ĐƯỢC PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
DƯỚI HÌNH THỨC HÀNH LÝ
(Ban hành kèm theo quyết định số 1815 ngày 6 tháng 8 năm 1981
của Bộ Ngoại thương)
A. XUẤT KHẨU:
1. Quần áo, giầy dép, vận dụng hàng ngày, đồ dùng nghề nghiệp ... để sử dụng cá nhân trong thời gian lưu trú ở nước ngoài.
2. Đồng hồ đeo tay hay đồng hồ bỏ túi: một (1) chiếc.
3. Máy ảnh (với số lượng phim hợp lý): một (1) chiếc.
4. Thuốc phòng bệnh (loại thông thường): hai trăm (200) gam.
5. Thuốc lá: hai mươi (20) bao (loại 20 điếu).
B. NHẬP KHẨU:
a. Đối với cán bộ, công nhân, lái xe Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Ngoài những vật phẩm ghi ở mục A được mang về nước và được miễn thuế khi nhập cảnh trong một chuyến công tác, mỗi người không được nhập khẩu quá:
- hai (2) kilôgam mì chính;
- năm (5) mét vải;
- hai (2) kilôgam xà phòng;
- hai mươi (20) bao thuốc là (mỗi bao có 20 điếu).
Nếu muốn nhập khẩu các loại hàng khác hoặc vượt quá số lượng nói trên, đương sự phải xin phép trước Cục hải quan.
b. Đối với sĩ quan, thuỷ thủ Việt Nam làm việc trên các tầu Việt Nam hoạt động trên các đường biển quốc tế, và đối với lái máy bay, nhân viên Việt Nam làm việc trên các máy bay Việt Nam (kể cả chuyên cơ Việt Nam) hoạt động trên các đường bay quốc tế.
Ngoài những vật phẩm ghi ở mục A được mang về nước và được miễn thuế khi nhập cảnh, tuỳ theo hành trình và thời gian của mỗi chuyến công tác, mỗi người được phép mang về nước và được miễn thuế một số hàng hoá thường dùng với số lượng hợp lý mà trị giá không vượt quá các khoản thu nhập hợp lý bằng tiền nước ngoài (tính theo tỷ giá hối đoái phi mậu dịch). Cụ thể là những mặt hàng sau:
- Mì chính, các loại vải, len dạ, quần áo may sẵn, đường sữa, bàn là, các loại tân dược, đồng hồ các loại, quạt máy, máy dệt len, máy thu thanh, máy thu hình, tủ lạnh, xe đạp, xe máy, mô- tô và phụ tùng thay thế...
- Thuốc lá: hai mươi (20) bao (loại 20 điếu).
Đối với xe đạp, tủ lạnh, máy thu thanh, máy thu hình, máy khâu mỗi người được nhập mỗi năm một lần, mỗi thứ một (1) chiếc; đối với mô- tô, xe máy mỗi người được nhập hai năm một lần một mô- tô hoặc một xe máy.
VẬT PHẨM CẤM XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
DƯỚI HÌNH THỨC HÀNH LÝ
(Ban hành kèm theo quyết định số 1815 ngày 6 tháng 8 năm 1981
của Bộ Ngoại thương)
A. CẤM NHẬP KHẨU:
1. Các loại vũ khí, đạn dược, quân trang, chất nổ, chất dễ cháy.
2. Máy vô tuyến điện, máy điện thoại, điện tín và phụ tùng.
3. Thuốc phiện, các loại ma tuý và dụng cụ để sử dụng các chất ấy.
4. Các loại hoá chất mạnh; các chất hoá học, các chất độc; tân dược;, cao đơn hoàn tán không có nhãn hiệu, kém hoặc mất phẩm chất.
5. Bản viết tốc ký, mật mã bằng chữ hay bằng số.
6. Tài liệu, bản in, bản thảo, bút ký, bản in kẽm, bản in giấy sáp, đĩa hát, bản nhạc, băng ghi âm, phim ảnh, tranh ảnh, sách báo, tượng... và đồ vật mà nội dung có phương hại đến chính trị, kinh tế và văn hoá của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
7. Các chất tươi sống dễ ôi thối, các chất có hại cho vệ sinh chung (trừ vi trùng do các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật gửi).
8. Đường hoá học nguyên chất.
9. Các loại quần áo, chăn màn, giầy dép đã sử dụng.
B. CẤM XUẤT KHẨU:
1. Các loại vũ khí, đạn dược, quân trang, chất nổ, chất dễ cháy.
2. Thuốc phiện, các loại ma tuý và dụng cụ để sử dụng các chất ấy.
3. Các loại hoá chất mạnh; các chất hoá học, các chất độc, tân dược, cao đơn hoàn tán không có nhãn hiệu, kém hoặc mất phẩm chất.
4. Mọi tài liệu (khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị) bản in, bản thảo, bản in kẽm, bản in giấy sáp, phim ảnh, tranh ảnh, tượng, sách báo, đĩa hát, băng nhạc, băng ghi âm, phim chiếu bóng và những đồ vật khác mà nội dung có liên quan đến bí mật quốc gia.
5. Bản viết tốc ký, mật mã bằng chữ hay bằng số.
6. Cổ vật, tranh ảnh. tài liệu sách báo, đồ mỹ thuật... quý giá có liên quan đến cách mạng Việt Nam, lịch sử, văn hóa nghệ thuật, phát minh sáng chế... của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
7. Những sơ đồ, bản đồ, hoành đồ và những tài liệu khác có tính chất quân sự.
8. Các tiêu bản côn trùng, khoáng vật, động vật, thực vật quý của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trừ việc trao đổi của các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật).
9. Các loại động vật sống kể cả sản phẩm của các loại cầm thú quý giá như ngà voi, đồi môi, da hổ... (trừ ong, đỉa, tằm do các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật gửi).
10. Các loại máy móc, dụng cụ để sản xuất.
11. Ô- tô, mô- tô, xe đạp máy và các phương tiện tự động khác.
12. Các loại kim khí và hợp kim.
13. Các loại máy thu hình, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ.
14. Các chất tươi sống dễ ôi thối, các chất có hại cho vệ sinh chung (trừ vi trùng của cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật gửi).
15. Nông, lâm, thổ, hải sản và hàng thủ công mỹ nghệ thuộc diện thống nhất quản lý và thu mua của Nhà nước và vượt quá số lượng quy định cho từng mặt hàng.
VẬT PHẨM XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÓ ĐIỀU KIỆN,
DƯỚI HÌNH THỨC HÀNH LÝ
(Ban hành kèm theo quyết định số 1815 ngày 6 tháng 8 năm 1981
của Bộ Ngoại thương)
1. Máy thu phát vô tuyến điện và những dụng cụ vô tuyến điện: phải có giấy phép của Tổng cục Bưu điện.
2. Máy thu thanh, máy ghi âm: phải có giấy phép của Cục hải quan.
3. Tiền Việt Nam, phiếu tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, chứng khoán và các loại giấy tờ có giá trị thanh toán bằng tiền, vàng, bạc, bạch kim, các thứ kim khí quý, đá quý, ngọc trai, nguyên chất hay chế biến (kể cả tư trang), trong trường hợp xuất khẩu: phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trong trường hợp nhập khẩu: phải khai trình với Hải quan cửa khẩu và đăng ký với Ngân hàng.
4. Súng săn và đạn: phải có giấy phép của Bộ Nội vụ.
5. Tem chưa dùng: phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Văn hoá thông tin.
6. Nông, lâm, thổ sản thuộc loại thống nhất thu mua của Nhà nước: phải có giấy phép của Cục hải quan.